Header Ads

Liệu Trung Cộng Có Thể Ngưng Cuộc Chiến Sau Khi Họ Bắt Đầu?


Không cần phải nhìn kỹ, chúng ta cũng có thể thấy rằng sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ (HK) và Trung Cộng (TC) đang gia tăng. Cơ quan "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia - National Security Strategy (NSS)" gọi TC là một cường quốc chủ nghĩa “chống lại lợi thế địa dư chính trị (geopolitical) của HK và đang cố gắng thay đổi trật tự quốc tế.” Một phần tư tưởng của chủ nghĩa đó đã đưa đến sự tranh đua giữa HK và TC. Đây là sự "tranh giành ảnh hưởng chính trị giữa các quốc gia theo hệ thống toàn trị và quốc gia tự do.” Một báo cáo gần đây của RAND lưu ý rằng “mặc dù chính sách của TC mang tính chất thận trọng và thực dụng, nhưng kết quả vẫn sẽ làm nguy cơ xung đột với HK gia tăng, khi sức mạnh quân sự và sự quyết tâm chiếm đoạt biển đảo của TC ngày càng rõ rệt ở Tây Thái Bình Dương." Sự căng thẳng vẫn có ở lãnh vực an ninh, với các mối đe dọa của một cuộc chiến tranh nổ ra giữa HK và TC cũng như mối lo ngại về việc TC sẵn sàng dùng sức mạnh kinh tế để áp đảo các quốc gia liên hệ hầu đạt được các mục tiêu của họ.

TC có khuynh hướng tạo ra các rào cản gây khó khăn cho việc giải quyết xung đột, khiến cho các cuộc xung đột trở nên dài hơn và đẫm máu hơn.
Mối đe dọa chiến tranh giữa TC và các quốc gia lân cận là một mối lo ngại lớn trong tương lai. Điều đáng chú ý là TC đã thấy trước mắt những cuộc xung đột với các nước láng giềng về những tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở vùng biển phía Nam và Đông của lục địa TC, cũng như dọc theo biên giới TC-Ấn Độ. Nếu tình hình leo thang trên bán đảo Triều Tiên hoặc nếu Bắc Kinh quyết định mạnh mẽ theo đuổi sự thống nhất (xâm lăng bằng vũ lực) với Đài Loan, thì TC cũng có thể, trong tương lai, sẽ phải chiến đấu trên bán đảo Triều Tiên hoặc qua eo biển Đài Loan. Rủi ro này sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách của HK và các nhà hoạch định quốc phòng đánh giá không chỉ với khả năng và con đường dẫn đến chiến tranh mà còn phải nghiên cứu về tiến trình và kết thúc của cuộc chiến. Trong một cuộc nghiên cứu sâu sắc hơn của viện nghiên cứu quốc tế (International Studies Review), đã đánh giá hành vi chấm dứt chiến tranh của TC trong chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Trung-Ấn, và chiến tranh Trung-Việt theo ba chiều hướng:
  1. cách tiếp cận ngoại giao thời chiến, 
  2. quan điểm về leo thang chiến tranh, và 
  3. tiếp nhận hòa giải. 

khả năng kết thúc một cuộc chiến sẽ bị giảm thiểu khi một bên chọn không tham gia vào ngoại giao, mà lại dựa vào sự leo thang chiến tranh lớn hơn để chấm dứt chiến tranh, đồng thời không muốn tham gia hòa giải của bên thứ ba.
Bản nghiên cứu này cho thấy hành vi thời chiến của TC có khuynh hướng tạo ra các rào cản gây khó khăn cho việc giải quyết xung đột, khiến cho các cuộc xung đột trở nên dài hơn và đẫm máu hơn.

Nói chung, việc chấm dứt chiến tranh có nhiều khả năng hơn khi các quốc gia cùng mở ngỏ cho các cuộc đàm phán, ủng hộ việc leo thang (chiến tranh) để đưa kẻ thù của họ đến bàn đàm phán và mở cửa cho việc hòa giải của bên thứ ba. Ngược lại, khả năng kết thúc một cuộc chiến sẽ bị giảm thiểu khi một bên chọn không tham gia vào phương pháp ngoại giao, mà lại dựa vào sự leo thang chiến tranh lớn hơn để chấm dứt chiến tranh, đồng thời không muốn tham gia hòa giải của bên thứ ba.

Bắc Kinh có ba khuynh hướng cản trở việc giải quyết chiến tranh.
  1. Đầu tiên, về ngoại giao thời chiến, trong các giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột, TC sẵn sàng mở các cuộc đối thoại với các quốc gia yếu thế hơn. Nếu không, TC sẽ cắt đứt thông tin liên lạc và trì hoãn việc nói chuyện cho đến khi họ có thể chứng tỏ rằng họ có đủ sức mạnh để chiến đấu. Điều này, có thể dẫn đến một cuộc chiến dài hơn là cần thiết. 
  2. Khuynh hướng thứ hai liên quan đến cách tiếp cận leo thang chiến tranh của TC — TC luôn thể hiện sự tự tin, đặc biệt trong giai đoạn đầu, sự leo thang nặng nề sẽ bảo đảm một cuộc xung đột chóng kết thúc theo các điều kiện của TC. Điều này không khuyến khích các nhà lãnh đạo TC xem xét đến các chiến lược giảm thiểu việc leo thang chiến tranh, có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh ở mức bạo lực cao hơn so với những trường hợp khác. 
  3. Cuối cùng, đối với hòa giải, TC chủ trương chỉ tiếp cận bên thứ ba, về mặt lý thuyết, nếu có lợi cho họ. Tuy nhiên, bởi vì TC đặc biệt chú trọng đến việc gây áp lực với quốc gia trung gian để đem lợi về phía họ, việc quốc tế hoá các tranh chấp không dẫn đến giải quyết chiến tranh một cách nhanh chóng. Để cho sự can thiệp từ bên ngoài có hiệu quả thì tất cả các bên phải cùng cam kết nghiêm túc hòa giải, khuynh hướng này nhằm thúc đẩy các bên thứ ba chỉ áp lực địch thủ của TC. 
Tóm lại, phương pháp tiếp cận ngoại giao, leo thang và hòa giải của TC đã tạo ra những trở ngại cho việc giải quyết xung đột.

TC ngày nay không còn là một quốc gia như khi họ chiến đấu trong các cuộc chiến trước kia. Có ba thay đổi cụ thể có thể thay đổi hành vi chấm dứt chiến tranh của TC.
  1. Thứ nhất, quân đội TC có khả năng đáng kể hơn đối với các quốc gia khác trong cùng khu vực, điều này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư thế ngoại giao của họ. 
  2. Thứ hai, đảng cộng sản có ít quyền kiểm soát ý kiến công chúng trong nước về các xung đột so với thời của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự sẵn sàng leo thang các cuộc xung đột. 
  3. Và thứ ba, TC ngày nay đã tích tụ được một nền kinh tế và chính trị cao hơn vào trật tự quốc tế, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách tiếp cận của họ đối với sự tham gia của bên thứ ba. 
Ba thay đổi này có khả năng tăng hơn là làm giảm các khuynh hướng gây khó khăn cho việc chấm dứt chiến tranh với TC.
Điều nguy hiểm là khi TC cởi mở hơn đối với ngoại giao thời chiến không nhất thiết có nghĩa là TC quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng. Bắc Kinh có thể chỉ muốn mở một đường giao tiếp để cho phép đối thủ của mình đầu hàng hoàn toàn với các yêu cầu của họ.

TC hiện đang mạnh hơn bao giờ hết so với các quốc gia mà họ đang có tranh chấp lãnh thổ, như Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Điều đáng khích lệ là hiện nay TC đang có nhiều khả năng cố gắng tham gia đàm phán với các quốc gia liên hệ trong giai đoạn đầu của các cuộc xung đột vũ trang song phương, vì họ đang đứng ở thế mạnh, ngoại trừ Nhật Bản là quốc gia có thể có sự cân bằng quyền lực với TC. Điều nguy hiểm là khi TC cởi mở hơn đối với ngoại giao thời chiến không nhất thiết có nghĩa là TC quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng. Bắc Kinh có thể chỉ muốn mở một đường giao tiếp để cho phép đối thủ của mình đầu hàng hoàn toàn với các yêu cầu của họ. Ngoài ra, nếu TC có quyền lực quân sự cần thiết để có những gì họ muốn mà không cần phải giải quyết chiến tranh bằng một cuộc thương lượng, họ có thể từ bỏ hoàn toàn dựa vào lực lượng quân sự, điều này sẽ vô cùng bất ổn cho khu vực. Hơn nữa, nếu Bắc Kinh lo ngại về sự can thiệp của Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể đe dọa các biện pháp leo thang để buộc các quốc gia trong khu vực đàm phán sớm, đồng thời tuyên bố rằng họ là quốc gia duy nhất để đàm phán, trước khi Hoa Kỳ có thể tham gia.

Bắc Kinh có thể dựa nhiều hơn vào việc leo thang nhanh chóng, không cân xứng lực lượng như là cách tốt nhất để kết thúc nhanh chóng một cuộc chiến trong điều kiện của họ vì hai lý do.
  1. Đầu tiên, trong bất kỳ vụ tranh chấp nào trong khu vực, TC hy vọng đạt được mục tiêu của họ một cách nhanh chóng, trước khi quân đội HK có thể can thiệp trợ giúp cho đối phương. Do đó, Bắc Kinh có động lực lớn hơn để sử dụng lực lượng không cân xứng, nhanh chóng để đạt được một "sự đã rồi - fait accompli" một cách nhanh chóng trước khi HK có thể phản ứng quân sự. 
  2. Thứ hai, chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở TC cũng sẽ góp phần tạo nên niềm tin của Bắc Kinh. Mặc dù vẫn có chủ nghĩa dân tộc ở TC, đảng cộng sản cũng tạo thêm ra sự nhiệt tình dân tộc qua phương tiện truyền thông và giáo dục yêu nước để kiểm soát động lực xã hội, kiểm soát sự an toàn của đảng, và hướng dẫn công chúng ra khỏi các vấn đề trong nước hoặc liên quan đến Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cho dù chủ nghĩa dân tộc của TC vẫn có từ xưa hay do Đảng tạo ra hay không, sự nhận xét của công chúng về chiến tranh có thể làm cho ĐCSTQ khó leo thang hoặc thỏa hiệp để giải quyết xung đột, đặc biệt là trong cuộc xung đột có tính cách nhạy cảm với Nhật Bản hoặc Đài Loan.
Sau cùng, trong các cuộc chiến tranh trước đây, Bắc Kinh đã tích cực tiếp cận để giành được sự ủng hộ cho vị trí của mình trong một cuộc chiến tranh và khuyến khích các nước khác tham gia để gây áp lực cho đối thủ của mình. Ảnh hưởng và đòn bẩy (influence and leverage) của TC trong các mối quan hệ song phương đã tăng lên, kể cả với các đồng minh quan trọng của HK; tính đến năm 2015, TC đã tổ chức 70 quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia trên khắp Châu Mỹ Latin, Caribbean, Châu Phi và Châu Á. Năm 2016, TC có 212 đối tác thương mại, và là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, Nga, Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Việt Nam. TC cũng tham gia vào 74 tổ chức quốc tế khác nhau, thành lập một số tổ chức quốc tế mới và “trên toàn cầu, TC đã trở nên hiệu quả hơn trong việc sử dụng các tổ chức quốc tế để thúc đẩy lợi ích quốc gia và lấy ra được những gì họ cần từ các tổ chức này”. Với những thay đổi này, TC đã có trong tay củ cà rốt (hòa bình) và cây gậy (chiến tranh)  để thuyết phục các bên thứ ba, song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế, áp dụng các chính sách có lợi cho các nỗ lực chiến tranh. Ví dụ, TC có khả năng thu hút tất cả các nước láng giềng châu Á tránh xa bất kỳ một cuộc xung đột nào, không chỉ với họ mà còn từ chối cung cấp cho HK bất kỳ hỗ trợ nào cho các hoạt động trong tương lai. Cho dù cuộc khủng hoảng xảy ra ở Đài Loan hay tranh chấp hàng hải, TC cũng vẫn có thể chuyển sang châu Âu hoặc cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn để gây áp lực hầu đẩy lui hoặc ngăn cản Hoa Kỳ tham dự vào những hoạt động của họ.

Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh nên xem xét các mô hình này trong kế hoạch phòng thủ của họ. Trong bài phân tích này, có một vài phương pháp mà HK và cộng đồng chiến lược của họ có thể kiểm soát được các cuộc xung đột ở châu Á trong tương lai.
  • Hoa Kỳ nên xem xét việc mở cửa cho các cuộc đàm phán chiến tranh như một chính sách chính thức của HK, và hành xử như một hòa giải viên xung đột khi họ không trực tiếp tham gia, luôn đề nghị các cuộc đàm phán giữa các phe đối nghịch ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột. 
  • Lập kế hoạch dự phòng bao gồm cả các nhà lãnh đạo quân đội và ngoại giao của HK, để có thể cùng hoạch định một chiến lược chiến đấu và đàm phán tận dụng các chiến thắng quân sự ở mức độ lớn nhất để giảm thiểu chi phí cho các hoạt động bị trì trệ. Và HK cần phải xem xét lại các bên thứ ba nào sẽ có hiệu quả nhất trong việc tìm hiểu các lựa chọn của TC. Hoa Kỳ có khuynh hướng tập trung vào việc đạt được sự hỗ trợ của đồng minh của họ, thay vì những đồng minh của TC. Nhưng, nếu Hoa Kỳ trực tiếp hoặc gián tiếp xung đột với TC, họ phải cố gắng thuyết phục các nước gần TC như Pakistan, Nga và Campuchia để gây áp lực với TC, ngoài việc kêu gọi các đồng minh cố hữu của Mỹ như Australia, NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chiến lược này cũng tạo ra một lý do để làm sống lại vai trò hòa giải của Tổng thư ký LHQ, một vai trò được ấn định rõ ràng trong Hiến chương LHQ.
Mặc dù điều quan trọng là phải nghiên cứu các chiến lược tốt nhất để ngăn chặn xung đột, nhưng cũng không kém phần quan trọng để xác định và giảm thiểu các yếu tố kéo dài, tăng cường hoặc leo thang của các cuộc chiến tranh. Chúng ta đã thấy rằng phương pháp tiếp cận ngoại giao, leo thang và hòa giải của TC có thể có vấn đề rắc rối, và những thay đổi bên trong và bên ngoài có thể góp phần để làm trầm trọng thêm những khuynh hướng này. Những nghiên cứu đưa ra trong bài viết này chỉ là đỉnh của một tảng băng trôi - cần phải làm nhiều việc hơn nữa để làm thế nào để đưa kẻ thù đến bàn đàm phán một cách tốt nhất, gây cảm tình và kiềm chế lẫn nhau trong thời chiến, đồng thời thuyết phục các bên tham gia hòa giải.

Lâm Viên

Lược dịch theo bài viết của Tiến Sĩ Oriana Skylar Mastro, giáo sư ngành Nghiên Cứu về An Ninh của viện đại học Georgetown University.

Can China Stop Wars Once They Start?
https://lawfareblog.com/can-china-stop-wars-once-they-start

Powered by Blogger.