Văn Hào Tây Ban Nha Miguel de Cervantes (1547-1616) và Tác Phẩm Don Quixote
1/ Tác giả Cervantes
Miguel de Cervantes Saavedra đã trải qua một cuộc đời nhiều mạo hiểm và hành động can đảm nhưng thiếu may mắn, nhờ vậy tác giả đã nhận thức được thế sự và cuộc sống, đã tạo nên các nhân vật hư cấu trong các tác phẩm đặc sắc.
Cervantes chào đời vào năm 1547 tại Alcala de Henares, gần thành phố Madrid. Vào giai đoạn lịch sử này, Tây Ban Nha là quốc gia giàu có nhất, hùng mạnh nhất của châu Âu. Các nhà thám hiểm và chinh phục Tây Ban Nha như Cortez và Pizarro đã chiếm đoạt được các kho tàng của miền nam châu Mỹ và gửi về nước nhiều chuyến tầu chở đầy vàng và bạc. Vua Charles I của nước Tây Ban Nha, trị vì từ năm 1516 tới 1556, là một đế vương đã từng mong muốn điều khiển quyền lực tinh thần của nhà thờ Cơ Đốc La Mã và toàn thể lãnh thổ châu Âu. Sự can đảm ngoài mặt trận với tinh thần học rộng của các vua Tây Ban Nha đã khiến cho quốc gia này đứng hàng đầu trên thế giới vào thế kỷ 16.
Cervantes là người con thứ 4 trong gia đình 7 người của ông Rodrigo, một y sĩ nghèo, trước kia thuộc giai cấp quý tộc. Ông Rodrigo đã đưa gia đình về thành phố Madrid vào năm 1561. Cervantes đã đến trường tại thành phố này vào năm 1568 và vị giáo sư tên là Juan Lopez de Hoyos có lẽ đã ảnh hưởng tới Cervantes trong việc học hỏi nền văn chương cổ điển. Vào giai đoạn này, việc học tập tôn giáo không còn là môn học chính và tiếng La Tinh không được coi là ngôn ngữ của văn chương bác học, các nhà văn bắt đầu dùng thứ tiếng nói hàng ngày trong việc diễn tả thơ văn.
Vào tháng 9 năm 1569, Cervantes rời Tây Ban Nha, qua sống bên nước Ý, tại thành phố Rome. Người ta không rõ lý do của sự ra đi này. Có giả thuyết cho rằng nhà cầm quyền địa phương đã ra lệnh bắt giữ một công dân tên là "Miguel de Cervantes" vì tội đâm bị thương một người khác trong một cuộc đánh lộn. Không rõ đây có phải là một sự trùng tên? Tại Rome, Cervantes có cơ hội học tập tiếng Ý và làm quen với các tác phẩm của Boccaccio, là tác giả viết văn bằng tiếng địa phương. Cũng tại nước Ý, Cervantes tham gia quân đội Tây Ban Nha cùng với người anh Rodrigo và tham dự trận thủy chiến danh tiếng Lepanto diễn ra vào ngày 7/10/1571, chống lại hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các lời tường thuật, khi trận hải chiến trở nên ác liệt thì Cervantes bị bệnh, phải nằm dưới hầm tầu, nhưng đã xin phép được ra chiến đấu. Ông bị hai vết thương trên ngực còn vết thứ ba đã làm liệt cánh tay trái. Trong suốt cuộc đời, Cervantes rất hãnh diện về phần đóng góp vào chiến thắng này và kể từ trận hải chiến Lepanto, nước Tây Ban Nha trở nên siêu cường trên mặt biển.
Cervantes còn đóng góp vào nhiều trận chiến khác tại Tunis, Sardinia, Naples, Sicily và Genoa, rồi khi trên đường về xứ Tây Ban Nha vào năm 1574, con tầu biển El Sol đã bị hải tặc Barbary chặn bắt. Cervantes cùng với người anh đã bị bán làm nô lệ tại xứ Algiers trong 5 năm. Các cuộc vượt ngục không thành đã khiến cho Cervantes bị hành hạ tàn nhẫn. Người anh Rodrigo được chuộc ra trước, tới năm 1580 Cervantes được thả do 500 quan tiền vàng (crowns). Khi trở về Tây Ban Nha, người ta không rõ ông sinh sống bằng nghề gì nhưng Cervantes thường xuyên bị mắc nợ rồi vào năm 1584, ông đã cưới một cô gái 18 tuổi tên là Catalina. Đã có lần Cervantes lãnh công việc thu mua ngũ cốc cho quân đội. Đây là một việc khó khăn bởi vì chính quyền rất chậm chạp trả nợ cho các người bán sản phẩm.
Mặc dù các khó khăn trong cuộc sống, Cervantes đã làm thơ trong khoảng các năm 1583 tới 1585 và ông cũng viết thử các bản kịch nhưng gặp thất bại trước các sáng tác của Lope de Vega, là nhân vật thành công về viết kịch theo thể văn mới và phổ thông. Cervantes quay sang viết truyện, đây là một hình thức văn chương vào thời đại bấy giờ không được giới trí thức quan tâm. Cuốn tiểu thuyết đồng quê đầu tiên của Cervantes có tên là La Galatea, được xuất bản vào năm 1585. Từ năm này, Cervantes đã xin làm nhiều công việc, kể cả nhân viên thu mua thực phẩm cho hạm đội Armada và cũng nhờ tiếp xúc với giới nhà nông mà ông đã hiểu rõ tâm lý và các nỗi cơ cực của họ để sau này diễn tả nhân vật Sancho Panza.
Khi thu mua thực phẩm, Cervantes đã gặp rắc rối vì thiếu tiền, bị trục xuất khỏi nhà thờ và bị nhốt tù vài lần. Mặc dù túng thiếu và gặp các nghịch cảnh, Cervantes đã viết xong phần đầu của cuốn truyện "Don Quixote", xuất bản tại thành phố Madrid vào tháng 1 năm 1604. Khi dọn về cư ngụ tại thành phố này, Cervantes đã tham gia vào câu lạc bộ văn học có tên là Academia Selvaje vào năm 1612, rồi qua năm sau 1613, cho xuất bản một tuyển tập các truyện ngắn có tên là "Các Tiểu Thuyết Mẫu" (Exemplary Novels = Novelas ejemplares).
Từ khi xuất bản vào năm 1604, cuốn truyện Don Quixote đã trở nên một tác phẩm bán rất chạy, được tái bản 6 lần trong 1 năm và tác giả chỉ nhận được tiền thù lao lần đầu bán bản quyền. Do cuốn truyện được nhiều người tìm đọc, một tác giả giả mạo khác đã viết ra phần tiếp của cuốn tiểu thuyết này. Có người cho rằng kẻ làm giả là đối thủ Lope de Vaga của Cervantes. Sự việc gian trá này đã khiến cho Miguel de Cervantes vội vã viết ra phần cuối của cuốn truyện, xuất bản vào năm 1615. Mặc dù trong các năm cuối đời này, sức khỏe bị suy giảm và sinh sống trong cảnh nghèo khó, tác giả Cervantes cũng phổ biến vài vở kịch như "Tám biến tấu và tám hài kịch" (Eight Interludes and Eight Comedies) qua đó bộc lộ tài năng của soạn giả.
Miguel de Cervantes qua đời vào tháng 4 năm 1616, cùng tháng với nhà soạn kịch lừng danh người Anh William Shakespeare.
2/ Các nhân vật trong cuốn truyện Don Quixote.
Don Quixote là cuốn tiểu thuyết được rất nhiều người ưa chuộng qua nhiều thế kỷ. Tác giả Cervantes viết ra tác phẩm này có chủ đích châm biếm tinh thần hiệp sĩ thái quá và lỗi thời cũng như các quy ước xã hội và văn chương của thời đại của ông. Cuốn tiểu thuyết còn diễn tả các đời sống, tư tưởng và cảm xúc của cuối thời đại hiệp sĩ qua nhiều loại nhân vật như các chủ quán, kẻ chăn cừu, học viên, tu sĩ, nhà quý tộc cùng với hai nhân vật chính là Don Quixote, một người lý tưởng hão huyền và Sancho Panza, một kẻ thực tế, mộc mạc.
Don Quixote: tên thật là Alonso Quixano xuất thân từ tỉnh La Mancha, là một con người tử tế, gặp cảnh nghèo khó. Do đọc nhiều cuốn truyện có tính anh hùng, mã thượng, Alonso trở nên hơi điên khùng. Chàng này quyết định trang bị cho mình một bộ áo giáp đã rỉ sét và đội trên đầu chiếc mũ sắt bằng giấy cứng để trở thành một hiệp sĩ lang thang. Với danh hiệu Don Quixote, anh chàng bất thường này đi tới nhiều nơi để sửa chữa các điều sai trái gặp phải trong xã hội. Vào cuối truyện, anh chàng này đã tỉnh ngộ, trở về nhà và hối hận vì các điên khùng của mình trước khi qua đời.
Sancho Panza: là một kẻ quê mùa, bụng phệ, làm người hầu của hiệp sĩ lang thang do bị mê hoặc vì lời hứa sẽ trở nên chúa tể một hòn đảo. Anh Sancho này cuối cùng đã lãnh được hòn đảo thực nhưng xin rút lui vì nghe tin một đạo quân thù đang tiến tới.
Rocinante: con ngựa do Don Quixote cưỡi trong cuộc hành trình, còn con lừa của Sancho Panza có tên là Dapple.
Aldonza Lorenzo: cô gái quê nhiều mồ hôi thuộc miền Toboso, được hiệp sĩ Don Quixote đặt cho danh hiệu Dulcinea del Toboso và được chọn làm Nữ Hoàng của Tình Yêu và Sắc Đẹp, là nguồn cảm hứng của hiệp sĩ.
Chủ quán: một người mập, làm chủ một nhà trọ bên đường mà Don Quixote tưởng tượng là một lâu đài. Ông chủ quán này đã phong cho Don Quixote chức hiệp sĩ.
Pedro Perez: cha phó xứ, là vị tu sĩ đã đốt bỏ các tiểu thuyết hiệp sĩ để chữa trị cho Don Quixote khỏi bị điên khùng.
Thầy Nicolas: người thợ cắt tóc trong làng, đã giúp vào việc đốt truyện, đã ăn mặc giả Dulcinea để khuyên Don Quixote rời khỏi Sierra Morena.
Ông bà Bá Tước: là các người đã mời Don Quixote và Sancho Panza tới lâu đài để châm chọc cho vui. Ông bà này đã phong cho Sancho làm chúa một hòn đảo.
Sampson Carrasso: một người hàng xóm, giúp công vào việc khiến cho Don Quixote từ bỏ cuộc sống hiệp sĩ lang thang và trở về nhà.
3/ Cốt truyện.
Alonzo Quixano là một người khá giả khi trước, nay về hưu và trở nên nghèo khó hơn, hiện sinh sống trong tỉnh La Mancha. Alonzo đã đọc nhiều cuốn truyện mô tả các hiệp sĩ nên bị ám ảnh bởi các trận đấu so tài, các thiếu nữ bị người tình hào hiệp bỏ rơi và các say mê vì tính mạo hiểm, vì vậy ông ta quyết định rằng mình sẽ bắt chước các bậc anh hùng trong truyện và sẽ làm sống lại các tập tục tốt đẹp bằng cuộc đời một hiệp sĩ lang thang.
Sau khi đổi tên thành Ngài (Don) Quixote de la Mancha, Alonzo mặc vào người bộ áo giáp cũ đã rỉ sét của cụ nội ngày xưa và cưỡi con ngựa già, gày còm tên là Rocinante, rồi ra đi tìm phiêu lưu. Tại một quán trọ nghèo hèn mà Don Quixote bị ảo tưởng tin là một lâu đài với các tháp nhỏ, ông ta đã yêu cầu người chủ quán chính thức phong cho mình thành một hiệp sĩ. Trước người khách lạ điên khùng này và để giễu chơi, người chủ quán cũng bằng lòng.
Ra đi không cách xa ngôi làng của mình, Don Quixote đã gặp một nhóm lái buôn đường xa, lầm tưởng họ là các hiệp sĩ khác nên thách thức họ giao đấu với mình. Kết quả là Ngài Quixote này bị một trận đòn đau đớn. Một người láng giềng đi ngang qua, đã đưa Don Quixote về nhà chữa trị rồi hai người bạn là vị tu sĩ địa phương Pedro Perez và anh thợ cắt tóc Nicholas đã bàn tính với người cháu đốt bỏ các cuốn truyện ảo tưởng hầu mong đưa Don Quixote về với thực tại. Nhưng Ngài Quixote này vẫn chưa tỉnh ngộ, tin rằng các sách vở của mình đã bị một tên phù thủy mang đi.
Chấp nhận các bất hạnh và vẫn còn muốn mạo hiểm, Don Quixote đã thuyết phục được một anh công nhân thô kệch địa phương tên là Sancho Panza làm "người hầu" đi theo mình để sau này được trao tặng chức chúa tể một hòn đảo. Để có một người tình lý tưởng mà dâng tặng các hành động anh hùng, Don Quixote đã chọn một thiếu nữ nông thôn mập mạp chỉ biết làm thịt ướp muối và gọi tên nàng là Dulcinea del Toboso.
Sau đó chàng Hiệp Sĩ và anh Sancho lẻn ra khỏi làng trong đêm tối nhưng cả hai đều mang dáng vẻ oai hùng: một ông già gầy còm mang giáo và gươm, cưỡi con ngựa xương xẩu cùng đi với anh hầu đeo túi vải và bình nước bằng da, ngồi trên lưng con lừa Dapple. Chàng hiệp sĩ và anh hầu đầu tiên gặp một hàng cối xay gió trên cánh đồng Montiel. Vì lầm tưởng đây là các tên khổng lồ, Don Quixote đã chĩa múi giáo, thúc ngựa Rocinante phóng tới, đâm vào kẻ địch nhưng một trong các cánh quạt của cối xay đã móc vào quần áo của chàng hiệp sĩ và nhấc bổng chàng ra khỏi yên ngựa rồi ném đi xa. Khi Sancho Panza lại nâng Ngài Quixote dậy thì chàng hiệp sĩ cắt nghĩa rằng các kẻ phù thủy đã biến đổi những tên khổng lồ thành các cối xay gió.
Không lâu sau đó, Don Quixote gặp hai nhà tu cùng với một mệnh phụ miền Basque đi theo một đoàn người cưỡi ngựa. Tưởng tượng rằng đây là một công chúa đã bị bắt cóc, hiệp sĩ Quixote đòi hỏi các người kia phải thả nàng ra và để giải cứu nàng, hiệp sĩ đã đánh một nhà tu ngã khỏi yên ngựa và khi Sancho Panza đi ăn cắp quần áo, gọi là "chiến lợi phẩm" nên bị các kẻ hầu của bà mệnh phụ đánh đập tơi bời. Don Quixote cũng bị thương, vành tai gần như bị cắt đứt nhưng đã cắt nghĩa cho kẻ hầu hiểu rằng các vết thương là các biểu hiệu danh dự của tinh thần hiệp sĩ.
Tại một quán trọ khác, do quan tâm tới cuộc hẹn hò lén lút giữa một anh giao hàng và một cô hầu bàn nên Don Quixote bị anh chàng này đánh đập một trận rồi tới khi chủ quán đòi tiền và không có tiền trả, Ngài Quixote đã bỏ đi khiến cho anh hầu Sancho bị bắt nhốt vì món nợ của chủ.
Trên đường đi, cả hai chủ và anh hầu gặp một đám bụi lớn bay tới do hai đàn cừu qua đường, Don Quixote cho rằng đây là hai đoàn quân thời trung cổ đang giáp chiến nên xông vào can ngăn, kết quả là cả hai bị các kẻ chăn cừu đánh đấm tơi bời và ném đá vì đã làm tán loạn các con cừu của chúng.
Khi đêm xuống, Don Quixote gặp một đám ma nhưng lại cho rằng đây là một đoàn quỷ dữ, đã xông vào tấn công các người trong đoàn, sự việc này khiến cho Sancho gọi ông chủ của mình là “Hiệp Sĩ của Hoàn Cảnh Tiếc Thương” (the Knight of the Sorry Aspect). Đêm đó cả hai tới một nơi có tiềng ầm ầm không dứt, Don Quixote tin rằng tiếng động lớn này là do các người khổng lồ, muốn tấn công ngay nhưng Sancho đã buộc chặt con ngựa Rocinante lại. Sáng hôm sau, cả hai mới khám phá ra rằng tiếng động lớn là từ chiếc cối xay bột.
Don Quixote cũng tấn công một anh thợ hớt tóc dạo và chiếm đoạt của anh chàng nghèo hèn này một cái chậu bằng đồng mà lại cho rằng đây là một nón sắt giá trị. Trên một đoạn đường đi khác, Don Quixote đã gặp một người trẻ tuổi tên là Cardenio đang đau khổ vì một mối tình tan vỡ nên muốn trở thành một ẩn sĩ, vì thế Don Quixote cũng muốn theo người bạn mới này.
Vào lúc này, các người bạn cũ của Ngài Quixote là anh thợ cắt tóc và vị tu sĩ bàn với nhau về cách làm sao đưa Don Quixote trở về nhà. Họ đã dùng một cô gái tên là Dorothea giả dạng làm công chúa Micomicona, nài nỉ Don Quixote qua vương quốc của nàng để diệt trừ một con quái vật đã giành chiếm ngai vàng của cha nàng. Tất cả các người này đã lên đường cho đến khi họ trở về tới quán trọ cũ, nơi mà Ngài Quixote được phong tước hiệp sĩ. Cũng tại nơi này Cardenio và Dorothea gặp lại hai người yêu cũ là Lucinda và Don Ferdinand.
Tới lúc này, vị tu sĩ quyết định rằng chỉ còn một cách đưa Don Quixote về nhà là nhốt trong một cái chuồng. Ngài Quixote được bảo cho biết đây là một thử thách lòng cam đảm và khi đã vượt qua được trở ngại này, Ngài có thể kết hôn với người đẹp Dulcinea. Khi tới một trạm nghỉ, Sancho đã để Don Quixote ra khỏi chuồng thì một đám rước tôn giáo bị chàng hiệp sĩ này tấn công vì họ bị lầm tưởng là những người bắt cóc. Sau đó Don Quixote đồng ý để mọi người đưa mình về làng cũ.
Trở lại quê hương và sáu tuần lễ không làm cho Don Quixote khỏi bệnh điên khùng, chàng hiệp sĩ và Sancho Panza lại lên đường. Ngài Quixote muốn tới thăm nàng Dulcinea nhưng Sancho biết rõ rằng cô nàng này không phải là một mệnh phụ mà chỉ là một cô gái quê và bức thư mà Don Quixote gửi đi trước kia đã không bao giờ tới được tay ai cả. Vì vậy anh hầu chỉ đại một cô gái qua đường, nói rằng một mụ phù thủy đã biến Dulcinea trở thành cô gái tầm thường. Don Quixote cũng tin như vậy.
Các cuộc phiêu lưu của Don Quixote và Sancho Panza đã được phổ biến. Một sinh viên đại học tên là Sampson Carrasco đã đọc câu chuyện và muốn chữa trị Don Quixote khỏi bệnh ảo tưởng, nên đã cải trang thành “Hiệp Sĩ của các Tấm Gương” (the Knight of the Mirrors) và thách thức Don Quixote giao đấu, nếu thua, ngài Quixote phải chấp nhận từ bỏ nghề hiệp sĩ lang thang mà trở về nhà. Nhưng tiếc thay Don Quixote đã thắng cuộc.
Sau vài chuyến phiêu lưu khác, Don Quixote đã gặp ông bà bá tước, hai người này đã mời chàng hiệp sĩ và kẻ hầu về lâu đài của họ. Họ đã thuyết phục Sancho rằng Dulcinea đã bị phù phép thực sự và để cho cô nàng thoát khỏi bùa yểm, Sancho phải đánh mình 3,300 roi nhưng anh hầu này đã tìm cách trì hoãn hình phạt.
Don Quixote và Sancho Panza tiếp tục đi tới thành phố Barcelona, tới nơi thì Sampson Carrasco theo kịp và chàng sinh viên đã cải trang thành “Hiệp Sĩ của Trăng Tròn” (the Knight of the Full Moon), đã thi đấu với Don Quixote và lần này thắng trận, khiến cho Ngài Quixote phải hứa nhận trở về nhà, từ bỏ nghề lang thang trong một năm. Cuối cùng Don Quixote hoàn toàn được chữa khỏi bệnh ảo tưởng và tuyên bố rằng không còn điên khùng nữa mà trở thành Alonso Quixano bình thường. Sau đó không lâu, Alonso qua đời.
4/ Vài nhận xét về tác phẩm.
Khi viết ra tác phẩm Don Quixote, tác giả Miguel de Cervantes đã sống vào thời kỳ nước Tây Ban Nha mang giấc mộng thống trị thế giới. Vào năm 1556, vua Philip II lên ngai vàng và cai trị đất nước này tới năm 1598. Nhà vua được dân chúng gọi tên là "nhà vua bàn giấy" (the paperwork king) bởi vì ông ta ưa thích ngồi tại bàn mà cai trị đế quốc, trong khi các phiêu lưu quân sự của nhà vua không phải luôn luôn thành công. Hạm đội Armada được gọi là "bách thắng", dàn trận vào năm 1588, đã bị tan tành vì một trận bão trước khi đổ bộ vào bờ biển nước Anh. Ngoài ra phần lớn tài sản của quốc gia đã bị lãng phí vào các trận chiến tranh tốn kém tại nước ngoài, khiến cho nền kinh tế của đất nước suy đồi, ngân quỹ bị phá sản và nạn lạm phát không kiểm soát nổi.
Từ nay nước Tây Ban Nha bắt đầu rút khỏi vị thế lãnh đạo thế giới. Cuộc Cải Cách Tin Lành (the Protestant Reformation) tại miền bắc của châu Âu đã khiến cho nhà thờ Cơ Đốc Tây Ban Nha ở vào vị thế suy thoái mặc dù các hình phạt của các tòa án tôn giáo (the Spanish Inquisition). Một trong các yếu kém của thế lực Tây Ban Nha vào thời gian này là sự hiện hữu của giai cấp "hidalgos" khá rộng lớn, với một phần tư dân số tự coi mình thuộc về giới quý tộc này. Trong khi lớp quý tộc thực sự cao cấp thì giàu có, còn đa số các hidalgos đều nghèo hèn nhưng tự hào. Giống như các bậc cha chú khi trước, các người hidalgos trẻ tìm kiếm danh vọng trong quân ngũ.
Miguel de Cervantes là một người hidalgo nên hiểu rõ rằng giai cấp của mình đã trở thành lỗi thời trong một xã hội mà một số ít kẻ quyền thế trở nên giàu có hơn, còn đa số dân chúng nghèo khó đi vì thuế má và nạn lạm phát. Tác giả Cervantes đã nhận thấy các quy luật của thời hiệp sĩ không còn giá trị nữa và Don Quixote đã giết chết thời hiệp sĩ bằng các lời hài hước. Trong khi niềm tin mù quáng vào tôn giáo, tình yêu lãng mạn và danh dự của chàng hiệp sĩ vẫn còn là các điều hấp dẫn của người dân Tây Ban Nha thì đất nước này không thể sống còn bởi vì đa số dân chúng ưa thích sinh sống nhàn nhã, mơ mộng tới niềm vinh quang của các bá tước và các mệnh phụ.
Tác giả Cervantes đã hiểu rõ một lý tưởng đi sai đường và do tác phẩm, danh từ "quixotism" có nghĩa là bệnh hào hiệp viển vông, và các tưởng tượng thái quá của Don Quixote đã khiến cho chàng hiệp sĩ này trở nên buồn cười, nhiều khi gặp phải tai nạn đáng tiếc. Don Quixote còn được mô tả là một anh hùng tôn giáo, sinh sống theo các giá trị bảo thủ, muốn biến đổi thế gian theo lối nhìn của mình, và qua nhân vật có lòng tin mù quáng này, tác giả đã châm chọc giai cấp quý tộc cũng như hệ thống đẳng cấp của nhà thờ. Vào thời kỳ còn bị kiểm duyệt bởi giáo hội và nhà cầm quyền, tác giả Cervantes đã khéo léo phê bình sự tương phản giữa lý tưởng và tính thực tế, bởi vì nhiều người không quan tâm tới các hậu quả thực sự của các hành động của họ trong cuộc sống.
Cervantes chắc hẳn đã đồng ý với Aristotle rằng nghệ thuật là một tấm gương phản ánh thực tại, nên đã tạo ra các ảo ảnh, đã bóp méo sự thực để nói lên chủ đề bằng cách khôi hài và đây là cách thể hiện của sự chống lại các giáo điều và sự trì trệ trí thức là những trở ngại đã bóp nghẹt sự diễn tả nghệ thuật của cá nhân. Nghệ thuật châm biếm của Miguel de Cervantes đã được pha trộn bằng nỗi buồn rầu và đôi khi bằng đặc tính bi kịch do nhiều ngớ ngẩn, nhiều vô lý của các nhân vật trong tác phẩm.
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia; The Book of Great Books by W. John Campbell, MetroBooks, N.Y. 1997; 100 Great Books by John Canning, Souvenir Press, London, 1974.
Miguel de Cervantes
https://en.wikipedia.org/wiki/Miguel_de_Cervantes
Don Quixote
https://en.wikipedia.org/wiki/Don_Quixote
Post a Comment