Những Tin Tức Mới Xung Quanh Biển Đông
Nhìn vào những diễn biến gần đây trong khu vực Biển Đông, nơi TC đang tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng về các đảo, rạn san hô và đá ngầm trong một vùng biển quan trọng cho thương mại toàn cầu, cũng như hải sản và tiềm năng trữ lượng dầu hỏa và khí đốt.
Hải Quân Úc Tuyên Bố Quyền Tự Do Hàng Hải
Thủ tướng Úc cho biết quốc gia của ông có "toàn quyền (perfect rights)" để di chuyển qua Biển Đông, sau khi một báo cáo của hãng thông tin Úc cho biết Hải Quân Trung Cộng (HQ/TC) đã "thách thức" ba tàu chiến của Úc khi đi qua khu vực đang có tranh chấp chủ quyền.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull, cho biết "Chúng tôi duy trì và thực hành quyền tự do hàng hải trên toàn thế giới... một trong những quyền phù hợp với luật pháp quốc tế." Ông đã không bình luận về sự "quấy rối" của HQ/TC khi được các phóng viên hỏi tại London.
Trích dẫn các quan chức quốc phòng không cho biết tên, hãng truyền thông Úc (Australian Broadcasting Corp.) cho biết rằng HQ/TC đã “thách thức” hai tàu khu trục của Úc và một tàu tiếp tế dầu trong tháng này, khi các tàu của Úc đang trên đường đến Việt Nam.
Không rõ những gì đã diễn ra trong cuộc đối đầu này, diễn ra trong khi TC đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong khu vực.
Bộ Quốc Phòng TC đã lên tiếng bênh vực cho các hành động của hải quân, nói rằng vào ngày 15 tháng Tư, các tàu của HQ/TC và Úc “gặp nhau ở Biển Đông”.
"HQ/TC đã sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp trong khi giao tiếp với HQ Úc, hành động hợp pháp và theo đúng quy tắc, chuyên nghiệp và an toàn."
Trung Cộng Mở Rộng Việc "Miễn Visa" Cho Du Khách Đến Thăm Đảo Hải Nam
TC đang tìm cách mở rộng du lịch quốc tế của đảo Hải Nam bằng cách miễn thị thực giấy tờ nhập cảnh (Visa) cho du khách đến từ 59 quốc gia, nếu thời gian thăm viếng kéo dài hàng tháng.
Là một trong những khu vực nghèo nhất và cô lập nhất của TC, đảo Hải Nam đã thay đổi để thành một địa điểm du lịch lý tưởng của vùng nhiệt đới, đồng thời cũng là một tiền đồn chiến lược ở Biển Đông.
Vùng ngoại ô của thành phố nghỉ mát phía nam của Sanya là nơi có căn cứ tàu ngầm lớn nhất của TC, trong khi đó, các căn cứ của Hải Quân và Không Quân TC nằm rải rác trên một vùng 34,000 km vuông (13,100 dặm vuông) của núi, rừng và các khu đồng lúa.
Nơi đây cũng có một trung tâm không gian mới nhất của TC, nơi đã thu hút rất nhiều du khách.
Quyền kiểm soát của Hải Nam bao gồm thành phố Sansha, cũng như các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi đang có sự tranh chấp chủ quyền với các quốc gia trong vùng. Du lịch đến những khu vực này hiện đang bị hạn chế đối với công dân TC và không rõ liệu việc miễn thị thực, có hiệu lực từ đầu tháng sau, có tính chung cả họ hay không.
Việc miễn thị thực sẽ được áp dụng cho khách du lịch từ Hoa Kỳ, Anh và Canada, cũng như nhiều quốc gia châu Á.
Khách du lịch TC đổ xô đến Hải Nam trong các ngày nghỉ lễ quốc gia, nhưng lại vắng tanh trong những ngày tháng khác trong năm. Nó cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những địa danh du lịch nổi tiếng trong khu vực như Thái Lan, Bali và Hawaii xa hơn về phía đông.
Việt Nam và Indonesia Hợp Tác Để Giải Quyết Vi Phạm
Việt Nam và Indonesia cam kết hợp tác để giải quyết các vi phạm về đánh bắt cá ở Biển Đông đồng thời tìm cách thúc đẩy thương mại song phương.
Trong khi Indonesia không phải là một quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đang tìm cách khẳng định những tuyên bố chống lại sự xâm lấn ngày càng tăng của TC.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, nói với các phóng viên hôm thứ Ba tuần trước tại một cuộc họp chung với Việt Nam, cho biết hai quốc gia sẽ tăng cường quan hệ đối tác của họ, đặc biệt hợp tác về đánh cá và các vấn đề hàng hải khác.
“Trong việc hợp tác hàng hải và đánh bắt cá, chúng tôi đã đồng ý về các kết luận của vấn đề đang diễn ra,” Marsudi nói. "Chúng tôi cũng đã đồng ý sẽ cố gắng để hoàn thành việc phân định khu vực kinh tế độc quyền (exclusive economic zone - EEZ), vì việc phân định EEZ giữa hai nước sẽ nâng cao lợi ích của hai dân tộc cũng như bảo đảm an ninh giữa hai quốc gia."
Từ năm 2014, Indonesia đã phá hủy hàng trăm tàu đánh cá, hầu hết trong số đó đến từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, vì vi phạm vùng biển của họ. Chính phủ của tổng thống Joko “Jokowi” Widodo đã đưa ra quan điểm cứng rắn chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, một phần là để chứng tỏ với các nước láng giềng rằng họ có thể kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn của 17,000 hòn đảo.
Post a Comment