Một Ngày Sinh Nhật Khó Quên
“Chắc chắn là chúng nó có mưu mô gi đây. Mình phải cẩn thận mới được."
Cái ý nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu Trung trong suốt chặng đường lên khu núi cắm trại. Thằng Hùng vừa lái xe vừa gật gù theo tiếng nhạc, hai thằng Tuấn và Đức thì ngủ vùi đằng sau ghế. Hai thằng này giống nhau ở một điểm là chỗ nào cũng có thể ngủ được. Có lần đi dự một buổi diễn thuyết, vì đến trễ nên phải đứng dựa vào tường, thế mà chưa đầy nửa tiếng sau hai thằng này đã ngủ đứng một cách ngon lành. Khi diễn giả pha trò khiến mọi người cười ồ lên làm hai thằng giật mình, tí nữa thì ngã lăn đùng ra sàn nhà. Thằng Hùng là thằng “trâu cui", khoẻ nhất đám, đi chơi đâu cũng tình nguyện, hoặc bị chỉ định, làm tài xế. Đường thì xa và hai thằng quái kia thì chiếc xe chỉ cần lắc lư vài phút là đã tựa đầu vào nhau mà ngáy rồi, nên Trung ngồi bên cạnh thằng Hùng để thỉnh thoảng kiếm chuyện nói kẻo nó buồn ngủ thì hỏng chuyện.
Thằng Hùng “trâu cui", Tuấn “cò", Đức “phệ" và Trung “còm" là bốn đứa bạn thân nhau từ thời mới vào trung học. Thằng Hùng mê thể thao, người to lớn và cao hơn bạn đồng trang lứa cả một cái đầu, vì có nước da ngăm đen nên có biệt hiệu là “trâu cui". Thằng Tuấn cũng cao nhưng gầy như sếu vườn nên có tên là Tuấn “cò". Thằng Đức “phệ" thì dễ hiểu vì vác nguyên cả một thùng nước lèo phía trước, tuy vậy nhưng nhanh nhẹn chẳng kém ai. Trung là đứa nhỏ con nhất trong đám. Hồi còn nhỏ bị gọi là Trung “nhí", sau đó thành Trung “con", và cuối cùng là “còm" cho đến bây giờ. Trung tuy nhỏ con nhất, nhưng lại là đứa thông minh, lanh lợi, học giỏi và phá phách nhất trong bốn đứa. Thằng Hùng vẫn hay nói:
“Thằng 'còm' này nó khôn quá nên lớn không nổi."
Trung còn có cái biệt tài là lúc nào cũng có thể nghĩ ra được một trò đùa rất tinh nghịch, thường là để vui đùa, nhưng cũng có khi làm người khác tức giận. Bởi Trung có cái tính tinh nghịch như thế nên lúc nào cũng có ý đề phòng người khác “chơi" lại. Đặc biệt là hôm nay, cả ba thằng bạn thân của Trung nhất định phải kéo Trung đi leo núi cho bằng được. Trung đã cố nêu ra đủ mọi lý do để từ chối như mới qua khỏi cơn cúm bảy ngày, vừa mới đầu xuân núi vẫn còn tuyết, ... Thế nhưng cả ba thằng quái ấy vẫn nhất định phải kéo Trung đi theo vì đã trả tiền thuê phòng rồi, và cũng chỉ ngủ qua một đêm, sáng hôm sau đi leo núi, rồi chiều lái xe về thế là xong.
Nhìn cái điệu bộ của ba thằng bạn khiến Trung nghi ngờ,
“À thì ra chúng mày tìm cách 'chơi' lại tao phải không? Được rồi, nếu vậy thì tao ngán gì mà chẳng đi để xem chúng mày giở được cái trò gi nào. Bộ quên rằng anh hai mày đây là 'tay tổ' phá phách, tinh nghịch hay sao? Trứng mà đòi khôn hơn vịt hả?"
Nghĩ thế cho nên Trung đồng ý đi theo ba đứa chúng nó để xem chúng nó giở được trò gì. Tuy có ý đề phòng nhưng trên đường đi Trung vẫn làm như không có ý nghi ngờ gì cả mà chỉ thỉnh thoảng nhắc lại vài chuyện vui hoặc hát theo mấy bản nhạc trên radio để giúp thằng Hùng tỉnh ngủ để lái xe. Đó là điều quan trọng nhất trong lúc này, vì hai thằng quái kia đã gối đầu lên nhau ngủ say từ lúc nào rồi, nếu có lấy cái máy hớt tóc mà cạo trọc đầu hai chúng nó thì chắc chúng nó cũng chẳng hay biết gì.
Trung nghĩ thầm,
“Ừ nếu chúng mày mà giở trò thì có ngày tao cạo trọc hết cả đám thì đừng có trách."
Trung bật cười thành tiếng khiến thằng Hùng quay sang hỏi:
“Có gì hả?”
Trung mỉm cười, vuốt tóc:
“Tao vừa nhớ lại một câu chuyện vui, nhưng thôi, đổi qua đài khác đi, đài này nghe chán quá.”
Hùng đưa tay đổi đài:
“Tao tưởng mày thích nhạc êm dịu? OK, vậy thì nghe nhạc Rock một chút cho vui.”
Sau hơn bốn giờ lái xe, trong đó có hơn hai tiếng lái trên đường đèo ngoằn ngoèo chóng mặt, chiếc xe ngừng lại trước một căn nhà không có vẻ gì là khách sạn cả.
Thằng Hùng quay lại băng sau lay hai thằng vẫn còn đang ngủ:
“Ê hai thằng mày, dậy đi, đến nơi rồi nè.”
Trung thắc mắc:
“Đến rồi? Đây có phải là khách sạn đâu…”
Thằng Hùng giải thích:
“Ồ, tụi nó không nói cho mày biết hả? Đây là nhà trọ chứ không phải khách sạn. Nhưng ông bà chủ nhà đồng ý nấu ăn cho tụi mình luôn với giá rẻ. Họ là chủ tiệm ăn ngày xưa, bây giờ về hưu làm thế này cho đỡ buồn. Con trai ông bà này là bạn cùng sở với thằng Đức nên nó dàn xếp cả đó…”
“À thì ra thằng Đức là đứa dàn xếp tất cả mọi chuyện." Trung nghĩ thầm và mỉm cười, nói một câu vô thưởng vô phạt: “Vậy hả…”
Vừa lúc đó thì bà chủ nhà đon đả mở cửa bước ra với một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tròn trịa:
"Chào các anh! Các anh đã đến đúng giờ lắm. Lái xe ra sao? Đường đèo có khó lắm không?”
Hùng mở cửa phía sau của xe:
“Không có chi. Cám ơn bà…” Rồi cao giọng: “Ê tụi bay, lấy ba lô ra đi chứ, bộ chờ tao khiêng vào hả?”
Ông chủ nhà cũng vừa ra tới:
“Ồ các anh có cần tôi giúp gì không? Trong các anh, ai là Đức?”
Đức “phệ" giơ tay:
“Không sao, chúng tôi mỗi thằng chỉ có một cái ba-lô, có thêm một cái va-li nhỏ nữa thôi, chúng tôi mang lấy được. Cám ơn ông. Tôi là Đức đây...”
Ông chủ nhà vồn vã:
“Anh là bạn của John, con trai tôi đấy hả?”
Đức chưa kịp trả lời thì ông chủ nhà đã chỉ vào cái bụng phệ của nó, hỏi tiếp:
“Nó bây giờ thế nào? Hà, hà... Nó có được 'tốt' như anh không?”
Hai ông bà cười ha hả và khi cả bọn hiểu ra câu hỏi thì cũng phá lên cười. Không khí bỗng trở nên vui vẻ và thân mật. Hiển nhiên ông bà chủ nhà là người vui vẻ và tốt bụng, thật là vừa đôi vì “ông như quả bí, bà như trái bầu", cả hai đều tròn trịa như nhau, như “hai cái bao gạo biết đi”. Thằng Đức “phệ" quả nhiên là “dàn xếp” đúng chỗ. Với hình dạng như vậy và đã từng mở tiệm ăn thì chắc chẳng phải lo gì về ăn uống. Tuy nhiên còn phải chờ xem còn có gì khác lạ sẽ xảy ra cho chuyến đi này hay không...
Ở những vùng chuyên sống về ngành du lịch, một số gia đình của người lớn tuổi hoặc không có con nhỏ, có nhà rộng rãi, dư phòng, thì họ tu sửa lại thành phòng để cho thuê như khách sạn. Nhiều nhà trọ có cung cấp bữa điểm tâm, cà phê và nước giải khát. Thỉnh thoảng cũng có nơi đồng ý cung cấp cả ba bữa ăn với giá phụ trội.
Căn nhà của hai ông bà chủ nhà không lớn lắm và rất gọn gàng, không nhiều đồ đạc. Từ cửa vào, ngay bên trái là phòng khách với một bộ ghế bằng da màu nâu đậm xếp hình chữ U, với một cái bàn ở giữa, đủ chỗ cho bảy, tám người. Phía trên lò sưởi có một một cái TV khá lớn. Sàn nhà bằng gỗ, màu đậm, bên trên có trải một tấm thảm trang trí theo kiểu Trung Đông. Vách nhà cũng toàn bằng gỗ, màu nhạt hơn sàn nhà, và trên tường có treo những bức tranh vẽ cảnh đồng quê của Kinkade, khiến căn phòng có không khí ấm cúng, thân thiện của một gia đình hơn là một nhà trọ. Bên phải là nhà bếp với một chiếc bàn ăn có sáu ghế, bên cạnh đó là chiếc tủ lạnh lớn. Nhà có bốn phòng ngủ, hai ông bà ở phòng chính nằm riêng ở bên phải, cùng phía với nhà bếp, ba phòng còn lại ở bên trái, nằm ngay sau phòng khách, dành cho khách trọ. Cả ba phòng cho khách đều phải dùng chung một phòng vệ sinh.
Ông chủ nhà tươi cười giới thiệu:
“Tôi là Jim, vợ tôi là Jane, các anh cứ gọi như vậy cho thân mật. Chúng tôi chỉ có ba phòng ngủ dành cho các anh. Một phòng rộng hơn, có hai giường, còn hai phòng kia là giường đơn. Các anh hãy chia nhau chỗ ngủ…”
Thằng Đức “phệ", dường như đã biết trước, lên tiếng “sắp xếp":
“Tao và thằng 'cò' ở chung một phòng, thằng 'cui' và thằng 'còm', mỗi đứa một phòng, xong!”
Ngay lúc đó, từ phía nhà bếp, bà chủ nhà lên tiếng mời:
“Mời các anh lại bàn, ăn bánh ngọt, uống nước chanh, ngồi nghỉ một lát đã... Cây nhà lá vườn đấy. Chúng tôi trồng được cây chanh sau vườn sai quả lắm, nên lúc nào cũng có sẵn nước chanh... Bánh xô-cô-la ngoại quốc của người khách trước để lại tặng cho chúng tôi hai hộp đấy. Nào mời các anh...“
Vừa trải qua mấy tiếng đồng hồ trên xe, nên chẳng cần bà chủ nhà phải mời thêm tiếng nữa, cả bốn thằng đều ngồi ngay xuống ghế, và trong chốc lát, bình nước chanh đã cạn và hộp bánh cũng chẳng còn.
Bà chủ nhà lịch sự nói:
“Còn một hộp nữa, tôi mời các anh ăn thêm. À, để tôi làm thêm bình nước chanh nữa nhé.”
Bấy giờ thì cả bốn thằng mới nhận ra là đã quá bất lịch sự, chưa gì đã ăn uống như những kẻ đói khát lâu ngày.
Lúng búng với miếng bánh ngọt vẫn còn trong miệng, thằng Đức nói:
“Cám ơn ông bà, bánh và nước ngon quá. Như thế đã quá đủ. Cám ơn... Cám ơn…”
Bà chủ nhà từ tốn:
“Vậy thì các anh đem hành lý vào phòng, rồi nghỉ một chút cho khỏe trước khi ăn tối.”
Chợp mắt chưa quá 15 phút thì Trung đã bị thằng Đức lay dậy:
“Trung, mày có rảnh không, ra đây giúp ông chủ nhà một chút.”
Qua một cái ngáp dài, Trung giụi mắt, nhăn nhó:
“Rảnh quái gì... cháy nhà hay sao vậy…?”
Thằng Đức toét miệng cười nham nhở:
“Ông chủ nhà nói bên hàng xóm có người cần giúp đỡ về computer. Mày qua bên đó giúp họ một tay.”
“Mày cũng học về computer, sao không giúp họ được?”
“Họ bị rắc rối về Internet. Mày học Software thì mới giúp họ được. Tao chuyên về Hardware thì sao bằng mày.”
Trung lồm cồm nhỏm dậy đi theo thằng Đức ra phía sau vườn nhà. Trung thắc mắc:
“Sao mày bảo là nhà bên cạnh mà…”
“À, ở đây họ thân thiện lắm, họ làm cái cổng nhỏ sau vườn thông qua nhà nhau.”
“Sao mày biết?”
“Lúc nãy ông chủ có chỉ cho tao, về gọi mày rồi đi qua lối sau vườn tiện hơn.”
“Vậy là mày có giúp họ rồi à?”
“Ừ, nhưng không được nên mới cầu đến mày.”
Cái tính đa nghi của Trung lại trổi dậy.
“Thằng 'phệ' này chuyên về Hardware, nhưng Software thì cũng chẳng kém ai. Hừm, có chuyện gì không ổn đây? Phải coi chừng."
Ông chủ nhà và người hàng xóm đang chúi đầu vào cái computer cũ trước mặt, nghe tiếng động quay lại, thằng Đức giới thiệu:
“Đây là Trung, 'sư phụ' về computer, chắc chắn sẽ giúp các ông giải quyết mọi rắc rối …”
Ông hàng xóm giơ tay:
"Chào 'sư phụ', rất mừng khi được biết ông. Tôi là Andy, hàng xóm của Jim và Jane…”
Sau cái bắt tay xã giao, ông Andy tiếp:
“Không hiểu sao cái computer quái này lại giở chứng khi tôi nhờ anh Đức chỉ cho cách dùng các dịch vụ chứa đựng hình ảnh không tốn tiền của Google…”
Trung quay qua Đức:
“Mày đã làm gì vậy?”
“Thường thôi. Mới điền tên tuổi và mật khẩu, thấy chậm quá nên xem dây nhợ, không thấy gì. Loay hoay một hồi thì nó đứng luôn. Tao bèn tắt máy rồi bật lại, thấy không khá gì, sợ làm mất hình ảnh của họ nên tao mới chạy về tìm mày…”
Nói rồi thằng Đức đưa cho Trung miếng giấy có ghi tên và mật khẩu:
“Mày giúp họ đi, tao phải chạy đi đằng này một chút…”
Dứt lời, không chờ phản ứng của Trung, thoáng một cái, thằng Đức đã chui qua khỏi cái cổng sau vườn để trở lại bên nhà trọ.
Sau cả tiếng đồng hồ tìm tòi và sửa chữa, cái computer của ông Andy mới chạy ngon lành trở lại. Thực ra thì chẳng có gì, sợi dây để nối vào Internet hơi lỏng lẻo, nên thỉnh thoảng bị gián đoạn. Một số hình ảnh bị dời chỗ này, chỗ kia chứ không phải bị mất... Để ông Jim ở lại với bạn hàng xóm của ông, Trung theo lối cổng sau vườn trở lại bên nhà trọ. Vào phòng, ngả người xuống giường... ngủ tiếp, cho đến khi nghe tiếng bà chủ nhà gọi dậy để dùng bữa tối.
Một bữa ăn ngon miệng, chứng tỏ rằng ông bà chủ nhà cũng biết nấu ăn, chứ không phải chỉ là chủ nhà hàng hồi còn trẻ. Sau bữa ăn, ba đứa rủ nhau đi thăm phố đêm xem có gì lạ, thằng Đức lấy cớ buồn ngủ quá và đã biết khu phố này rồi nên ở nhà.
Phố núi nhỏ, khu thương mại nằm hai bên một con đường không dài lắm. Các gian hàng thì hầu hết là chuyên về dụng cụ và quần áo thể thao, mùa đông thì bày đồ trượt tuyết, nhưng bây giờ đã gần hết tuyết nên bày ra toàn đồ leo núi, cắm trại, săn bắn, đi bộ, xe đạp, bơi thuyền, … Đã xế chiều nên khách mua sắm chỉ còn thưa thớt, ngoài ra chỉ có các hàng quán và “hộp đêm" uống rượu, nhảy đầm là có vẻ đông người. Cuộc dạo phố đêm vì thế cũng không mấy hứng thú, nên cả bọn kéo nhau về, vì thực ra cũng đã thấm mệt qua mấy giờ ngồi xe vừa qua.
Trở lại nhà trọ thì ông Jim cũng đang chuẩn bị tắt TV :
“Ồ, các anh đã về rồi. Tôi cũng đang sắp sửa đi ngủ đây. Thời tiết ngày mai tốt lắm. Chúc các anh ngủ ngon và ngày mai có cuộc 'phiêu lưu' vui vẻ.”
“Vâng, cám ơn ông, chúc ông một đêm an lành”. Cả ba đứa cùng đáp lại.
Vừa vào trong phòng thì linh tính báo cho Trung biết là có điều gì đó bất thường. Căn phòng dường như có vẻ ngăn nắp, gọn gàng hơn. Một ý nghĩ thoáng qua,
“Thằng Đức 'phệ' lại toan tính cái gì đây?"
Với Trung thì “cái gì" lúc nào cũng là những trò đùa oái oăm, tinh nghịch.
“À thì ra thế, thằng Đức lúc nào cũng có lý do để ở nhà một mình. Hừm, làm sao qua mắt tao được..."
Trung khép cửa phòng, đứng yên, đảo mắt quan sát căn phòng. Căn phòng tương đối nhỏ, chỉ có một chiếc giường đơn kê sát tường, một chiếc bàn nhỏ và một cái ghế có lưng tựa kê gần cửa sổ. Một chiếc tủ đứng nhỏ để đựng quần áo. Cửa sổ khá lớn nên căn phòng có nhiều ánh sáng, có lẽ vì vậy nên có treo đôi màn cửa mầu nâu đậm, khá dày để khách trọ có thể buông xuống che ánh sáng.
Chiếc ba-lô khá lớn của Trung, thuộc loại đi cắm trại, vẫn còn nằm bên cạnh chiếc tủ đựng quần áo.
“A, cái tủ đựng quần áo", Trung mỉm cười, “xoàng quá!”
Thông thường thì các chỗ chứa quần áo hay vật dụng ở khách sạn thì luôn mở cửa khi mới có người thuê phòng, thế nhưng hai cánh cửa tủ này lại khép kín.
“Hà hà... Tao mở tủ ra là trăm thứ lẩm cẩm đổ xuống người chứ gì? Trò trẻ con làm sao lừa được anh hai mày đây..."
Trung mở chiếc ba-lô, lấy chiếc gậy đi bộ - tương tự như gậy trượt tuyết nhưng có thể xếp gọn lại khi chưa cần - nối ba đoạn vào với nhau rồi đứng qua một bên, dùng gậy để mở tủ. Tủ trống trơn, không có gì lạ cả.
“Vậy là không phải cái tủ... cái gì đây? Hay là hai cái màn treo ở cửa sổ?"
Trung nhớ đã có một lần bầy kế này để dọa thằng Hùng, cái thằng “trâu cui" chẳng sợ gì cả, ngoài rắn. Lần đó, Trung mua gần một chục con rắn giả bằng cao-su, đồ chơi của trẻ em, rồi giấu đằng sau màn cửa, khi thằng Hùng kéo màn thì cả chục con rắn rơi xuống, làm nó hoảng vía tông cửa, vừa chạy vừa la, làm náo loạn cả khách sạn. Trung cẩn thận dùng cây gậy đi bộ thọc vào hai cái màn treo ở cửa sổ. Không có gì lạ. Kéo hẳn hai màn cửa khép lại thì vẫn không có gì xảy ra.
“Lạ nhỉ..."
Căn phòng trở nên tối vì màn cửa đã che hết ánh sáng của cái đèn đường bên ngoài. Đưa tay bật đèn thì Trung chợt nhận ra là phòng có một chiếc quạt trần nhỏ.
“À, hay là cái trò này..."
Có lần Trung đã “đùa" thằng Tuấn “cò" bằng cách để bột mì trên cánh quạt trần, nó vừa chơi banh về, mình mẩy còn ướt đẫm mồ hôi, bật quạt lên thì bột mì bay ra đầy phòng và phủ trắng cả người nó, báo hại hôm đó nó phải tắm cả giờ mới sạch. Trung tính lấy chiếc ghế để đứng lên xem trên cánh quạt có gì không? Vừa cầm lấy chiếc ghế thì Trung cũng, nhân tiện, sờ thử mặt ghế xem có bị bôi keo hay không? Mặt ghế sạch trơn, và bốn chân ghế vẫn vững chắc. Trên bốn cánh quạt cũng không có gì. Trung nhíu mày nhìn quanh,
“Vậy là trò gì đây? Không phải cái tủ, không phải màn cửa, không phải mặt ghế, không phải quạt trần. Còn gì đâu ngoài cái... giường."
Trung cẩn thận dùng cây gậy kéo chiếc khăn trải giường, rồi đến chăn và gối thì cũng không có gì ẩn giấu ở đó cả.
“Hay là cái nệm thủng, nằm lên là rơi bẹp xuống sàn... Không có lý, đây là nhà trọ thì làm gì có chuyện đó."
Nghĩ vậy, nhưng Trung vẫn cẩn thận lấy tay ấn thử vài chỗ trên mặt nệm cho chắc ăn. Cái nệm cũng không có gì lạ. Trung ngẩn người ra nghĩ,
“Chắc là mình quá đa nghi, mấy thằng quái này chẳng dám chơi xỏ mình đâu..."
Nhưng mà vẫn còn một chỗ nữa cần kiểm soát là cái khung gỗ ở đầu giường, hiện giờ đang kê sát vào tường. Chiếc giường đơn tuy không nặng lắm, những nãy giờ Trung lục lọi, tìm tòi lung tung nên cũng hơi mệt. Cẩn thận, từ từ kéo chiếc giường xa khỏi tường, cho đến khi cái giường nằm gần giữa phòng cũng không có gì xảy ra. Tuy mệt, nhưng Trung cũng mỉm cười khoái chí,
“Thì ra mấy thằng em mày không dám giở trò với anh hai tụi bây... như thế thì tốt lắm."
Sau khi làm vệ sinh trước khi đi ngủ, Trung nhìn qua hai phòng bên kia thấy im lìm, chắc mấy thằng quái kia đã lại ngủ khò rồi. Trung cẩn thận khóa cửa phòng rồi ngả mình xuống giường một cách khoan khoái, và ngủ thiếp đi trong tâm trạng của kẻ chiến thắng, hay ít ra cũng là tâm trạng của kẻ “không ai dám giở trò gì để phá phách”. Tuy nhiên, để đề phòng, Trung lấy chiếc điện thoại di động để giờ báo thức, sớm hơn thường lệ. Dậy sớm thì không sợ bị mấy thằng kia bắt ngồi chờ, mất thì giờ, vì ba phòng ngủ nhưng chỉ có một phòng vệ sinh!
Một đêm an lành trôi qua và đúng như dự tính, Trung là người đầu tiên dùng phòng vệ sinh nên cảm thấy rất thoải mái, và không phải ngửi cái không khí đã bị “ô nhiễm”. Mùi cà phê thơm lừng cho biết là ông hay bà chủ nhà đã dậy trước rồi.
Đang ngồi ở mé giường để cột dây giày, thì Trung nghe tiếng bà chủ nhà:
“Anh Trung đã dậy rồi đấy hả? Tôi có cà-phê và thức ăn sáng cho anh đây. Tôi đem vào được không?”
Một thoáng ngạc nhiên, Trung lên tiếng:
“Sao đặc biệt thế, cám ơn bà, cửa không khóa, mời bà vào…”
“Sao phòng tối thế này…, Ối…”
Sau tiếng “Ối" thì bà chủ ngã lăn đùng lên chiếc giường ở giữa phòng, và khay thức ăn điểm tâm đổ chụp lên người Trung. Thì ra căn phòng bị màn cửa che tối quá, làm bà chủ nhà không thấy chiếc giường đã bị kéo ra ngay giữa phòng nên bị vấp ngã. Nghe tiếng la, và tiếng bát đĩa, ly tách vỡ loảng xoảng, ông chủ nhà và ba thằng bạn của Trung đều chạy qua xem.
Bà chủ nhà lồm cồm đứng dậy: “Xin lỗi anh nhé, không hiểu sao cái giường lại ở giữa phòng?”
Thằng Trung xuýt xoa vì bị cà-phê nóng đổ vào đầu và quần áo dính đầy thức ăn điểm tâm:
“Lỗi tại tôi… Lỗi tại tôi, thưa bà... Bà có sao không?”
Thằng Trung lúc đó thực sự lo ngại, vì bà chủ nhà này mà bị gãy chân, gãy tay, bởi cú ngã vừa rồi thì bà ấy kiện cho... “bỏ bu".
Cũng may, bà ta chỉ vui vẻ phân trần:
“Mấy anh kia nói với tôi hôm nay là ngày Sinh Nhật của anh, nên tôi làm một bữa sáng đặc biệt, và đem đến tận phòng cho anh... Thật là chẳng may... Thôi anh đi tắm cho sạch rồi chúng ta cùng ăn sáng như thường vậy.”
Trung trố mắt, vừa ngạc nhiên, vừa có vẻ ngượng ngập:
“Cám ơn bà chủ… Sinh Nhật... Tụi mày nhớ ngày sinh nhật của tao à...?”
Giọng của Trung như nghẹn lại vi cảm động, làm không gian như ngừng lại trong giây phút.
Tiếng thằng Đức “phệ" phá tan bầu không khí yên lặng:
“Mừng Sinh Nhật mày, Happy Birthday...Trung 'còm'!”
Không ai bảo ai, tất cả cùng hát to: “Happy Birthday, to you...”
Post a Comment