Header Ads

Tình Hình và Tranh Chấp Trên Biển Thái Bình Dương


Sự bành trướng của Trung cộng về kinh tế và quân sự, cộng với tham vọng bá chủ trên vùng Biển Đông và Hoa Đông đã khiến các quốc gia trong vùng phải tìm cách liên kết và tăng cường trang bị quốc phòng. Những hoạt động của TC trên Biển Đông đã lôi kéo thêm những quốc gia ngoài vùng tranh chấp như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc.

Ấn Độ

Mười nhà lãnh đạo của các quốc gia trong khối ASEAN tham dự lễ Ngày Cộng Hòa lần thứ 69 của Ấn Độ
Ấn Độ đã trải thảm đỏ để đón chào các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc khối ASEAN để đánh dấu 25 năm về quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khối này, như là một phần của "Chính Sách Đông Á (Act East policy)" của Ấn Độ.

Tất cả 10 nhà lãnh đạo trong khối ASEAN (gồm có Singapore, Cambodia, Việt Nam, Indonesia, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Phi Luật Tân, Lào và Brunei) đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng Hòa lần thứ 69 của Ấn Độ, một sự kiện được các nhà ngoại giao và các nhà phân tích gọi là "chưa từng có".

Manoj Kewalramani, một chuyên gia của The Takshashila Institution có trụ sở ở Bangalore đã cho biết "Đây là một việc làm rất tích cực, chưa từng có. Đó là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang theo đuổi sự liên kết sâu đậm hơn với các nhà lãnh đạo ASEAN."

Phát biểu tại buổi họp của ASEAN-Ấn Độ hôm thứ Năm, với chủ đề "Các giá trị chung, Định mệnh chung", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chú trọng vào việc thúc đẩy hợp tác hàng hải ASEAN-Ấn Độ.

New Delhi cũng đã ký các thoả thuận song phương với một số quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, Kewalramani, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của TC, nói rằng không nên xem sự tham gia của New Delhi với ASEAN là để đối đầu với TC.

"Vâng, có một yếu tố cạnh tranh với TC, nhưng tôi không nghĩ đó là một yếu tố chính", ông nói.

Bộ Ngoại giao TC đã chỉ trích các phương tiện truyền thông Ấn Độ, một phần trong đó cho rằng hành động của Ấn Độ như là một thách thức đối với TC. Tuy nhiên TC đã tuyên bố vẫn "hợp tác bình thường với Ấn Độ và các nước ASEAN".

Úc Châu

Thủ Tướng Malcolm Turnbull đang quan sát chiếc xe vận tải quân sự Bushmaster trong chuyến thăm Thales Underwater Systems ở Sydney vào ngày 29 tháng 1, 2018
Gần đây TC đã lên tiếng chỉ trích sự thay đổi chính sách đối ngoại của Úc có tính cách chống lại sự bành trướng trên biển của TC. Ngoài việc chỉ trích, TC còn đe dọa sẽ cắt giảm giao dịch kinh tế với Úc. TC là quốc gia nhập cảng rất nhiều nguyên liệu quặng mỏ của Úc. Với sự đe dọa cắt giảm việc nhập cảng sẽ khiến nền kinh tế của Úc bị tổn thương nặng nề. Để điền vào việc thiếu hụt về kinh tế có thể xảy ra, ngày 29 tháng 1, 2018 vừa qua, chính phủ Úc đã tuyên bố một chương trình trợ giúp các nhà sản xuất trang bị quân sự của Úc với một tài khoản trị giá 3.8 tỷ đô la (4 tỉ đô la Úc) để trở thành một trong 10 nước xuất cảng trang bị quân sự hàng đầu thế giới.

Ông Turnbull nói với các phóng viên ở Sydney: "Úc là nước xuất cảng lớn thứ 20, với quy mô ngân sách quốc phòng của chúng ta, chúng ta phải ở vị trí cao hơn mức đó".

Ông nói: "Mục tiêu là lọt vào 10 quốc gia hàng đầu (top 10)", ông nói thêm rằng các khoản cho vay dành cho các công ty quốc phòng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Úc và giúp đất nước có tiềm năng trong lĩnh vực kỹ nghệ quốc phòng và đổi mới.

Khi được hỏi liệu việc gia tăng xuất cảng trang bị quốc phòng có phải là phản ứng đối với các hoạt động của TC ở Biển Đông hay không, ông Turnbull nói: "Ngoài Bắc Hàn, không có quốc gia nào trong khu vực có ý định thù địch đối với Úc. Chúng tôi không thấy mối đe dọa từ các nước láng giềng trong khu vực, tuy nhiên, mọi quốc gia phải luôn luôn có kế hoạch và xây dựng vũ trang quốc phòng để tự bảo vệ mình, không chỉ ngày hôm nay, mà còn trong 10 năm hoặc 20 năm nữa."

Nhật Bản

Bộ trưởng quốc phòng Nhật (Onodera) và Pháp (Parly) tại Tokyo
Hai bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản và Pháp đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật là ông Itunori Onodera đã gặp người đồng nhiệm Pháp là bà Florence Parly ở Tokyo hôm thứ Bảy.

Onodera cho biết Pháp, với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn ở khu vực Thái Bình Dương, là đối tác đặc biệt của Nhật Bản.

Hai bộ trưởng đã đồng ý tăng cường hợp tác song phương để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Họ cũng khẳng định rằng việc phát triển phi đạn và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế, và đã đồng ý xử dụng tất cả các biện pháp có thể để đẩy mạnh áp lực lên Bắc Hàn đến mức tối đa.

Hai bộ trưởng cũng đồng ý tiến hành các cuộc tập trận chung trên đất liền và trên biển.

Onodera và Parly sau đó cùng thăm viếng một đơn vị thuộc Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản phụ trách điều khiển các phi đạn đánh chặn PAC3.

Onodera sau đó nói với các phóng viên rằng họ cũng đã phát biểu trong cuộc họp về các hoạt động hàng hải của TC ở Biển Đông. Ông nói bất cứ thay đổi nào đối với hiện trạng bằng vũ lực sẽ không thể chấp nhận được.

Hoa Kỳ

Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson (CVN-70) của Hải Quân Hoa Kỳ
Ngoài việc thực hiện các chuyến hải hành và tuần tra thường xuyên trên vùng Biển Đông theo kế hoạch FONOP (freedom of navigation operations - tự do hàng hải), Hoa Kỳ đang chuẩn bị kế hoạch cho một hàng không mẫu hạm cặp bến ở miền nam Việt Nam vào tháng 3, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis cho biết, đây là một phần trong sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa hai quốc gia và là một tín hiệu tới TC hãy xem xét lại tham vọng bành trướng mạnh mẽ của họ trên vùng biển Thái Bình Dương.

Theo dự tính thì Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson sẽ ghé hải cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ cặp bến ở một hải cảng của Việt Nam, mặc dù trước đó đã có một vài chiến hạm nhỏ hơn đã từng viếng thăm hải cảng này.

"Chúng tôi nhận ra rằng các mối quan hệ không bao giờ dừng lại ở một chỗ. Chúng trở nên mạnh hơn hoặc yếu đi, và Hoa Kỳ muốn có một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam", ông Mattis nói.

Trong chuyến thăm viếng Đông Nam Á, ông Mattis cũng đã ghé thăm hai ngày ở Indonesia, một phần của một chiến lược của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ để thúc đẩy các mối quan hệ quân sự nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các cường quốc trong vùng như Nga và TC.

Lâm Viên
(tin tổng hợp)

Powered by Blogger.