Header Ads

Muốn Có Hòa Bình Hãy Chuẩn Bị Cho Chiến Tranh


Thành ngữ Latin có câu "Si vis pacem, para bellum" có nghĩa là "Muốn có hoà bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh". Câu thành ngữ này vẫn thường được giải thích là "hòa bình trong sức mạnh", ngụ ý rằng một quốc gia hùng mạnh sẽ không bị kẻ địch lăm le tấn công. Bởi vậy một cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra giữa bốn quốc gia có chung một vùng biển mang tên Thái Bình, nhưng đang ầm ầm nổi sóng.

Hoa Kỳ

Ngày 18 tháng 12 năm 2017 tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, đã công bố Một Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mới Trong Thời Đại Mới (A New National Security Strategy for a New Era), với bốn mục tiêu chính:
  1. 1. Bảo vệ an ninh quốc gia, dân tộc, và lối sống của người Mỹ;
    2. Gia tăng thịnh vượng kinh tế của Mỹ;
    3. Bảo vệ hòa bình bằng sức mạnh;
    4. Nâng cao ảnh hưởng của Mỹ.
Tuy không nêu tên một quốc gia nào trong bản tuyên bố, thế nhưng mọi người đều hiểu rằng chiến lược này nhắm vào các quốc gia đang gây rắc rối cho tình hình an ninh thế giới là Nga, Trung Cộng (TC), Bắc Hàn và Iran. Với một tên gọi mới "Indo-Pacific (Ấn Độ - Thái Bình Dương)", ông Trump đã lôi kéo Ấn Độ nhập cuộc, cùng với sự tái lập "Tứ Cường" gồm Ấn Độ, Úc, Nhật và Hoa Kỳ để củng cố an ninh cho cả hai vùng đại dương - Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trung Cộng

Trong cùng ngày 18 tháng 12, không quân TC mở một cuộc thao dượt lần đầu tiên ở eo biển Tsushima, vùng biển quốc tế nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Với sự tham dự của hai chiếc máy bay ném bom H-6K, hai chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 và một chiếc máy bay do thám điện tử Tupolev Tu-154MD. Cuộc thao dượt này đã khiến không quân Nhật và Nam Hàn đã cùng nhau đem máy bay phản lực của họ ra để thăm dò và kiểm soát tình hình.

Bộ máy tuyên truyền của TC bắt đầu loan tin như:

  • Về phương diện không gian, TC đang có dự tính phóng một mạng lưới vệ tinh để kiểm soát sự qua lại của tàu bè trên vùng biển Đông bắt đầu từ năm 2019 đến 2021.
  • Về hàng không, TC đã cho bay thử chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới, có thể chuyên chở hàng tiếp liệu cho các đảo mà họ đang chiếm giữ ở biển Đông. 
  • Về phương diện hải quân, TC tuyên bố bắt đầu kiến tạo chiếc Hàng Không Mẫu Hạm thứ ba. 

Tập Cận Bình cũng đang thúc đẩy để tối tân hóa quân đội hầu tiến lên hàng quốc tế vào năm 2035 và trở thành một trong những quân lực hàng đầu của thế giới vào năm 2050.

Để cổ động cho tinh thần của quân đội, tuần qua, trong một cuộc thanh tra quân đội ở Hồ Bắc, Tập Cận Bình đã kêu gọi quân đội "đừng sợ chết". Lời kêu gọi này được giới truyền thông TC xem là bất thường, có tính cách chuẩn bị chiến tranh, khiến cho quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, phải quan tâm.

Bắc Hàn

Trong thông điệp đầu năm dương lịch, Kim Jong-Un của Bắc Hàn đã tuyên bố Hoa Kỳ nên chấp nhận Bắc Hàn là một cường quốc nguyên tử và cho biết là đã gắn trên bàn làm việc một "nút bấm để phóng phi đạn nguyên tử". Tuy nhiên lại mở lại đường dây liên lạc giữa Nam và Bắc Hàn, cũng như tuyên bố có thể tham dự Olympic mùa Đông 2018 sẽ được tổ chức tại Nam Hàn. Tuy có vẻ dịu giọng, nhưng cuối bài diễn văn, Kim Jong-Un tuyên bố chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn liên lục địa của Bắc Hàn đã hoàn tất và sẵn sàng sản xuất hàng loạt hỏa tiễn nguyên tử có thể tấn công nội địa Hoa Kỳ, ngụ ý Hoa Kỳ không nên gây chiến với Bắc Hàn vì nếu có thì sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử.


Nhật Bản

Trong tình thế bị hăm dọa bởi TC và Bắc Hàn, Nhật Bản đã từ từ thay đổi quan niệm quốc phòng với việc quay trở lại với kỹ nghệ sản xuất vũ khí để bán cho các quốc gia trong vùng, đồng thời tối tân hóa quân đội. Bộ quốc phòng Nhật Bản dự tính sẽ mua 42 máy bay phản lực tàng hình F-35B của Hoa Kỳ để dùng trên những hàng không mẫu hạm đang có. Phản lực cơ F-35B chỉ cần một sân bay ngắn để cất cánh và đáp thẳng xuống như trực thăng. Kể từ sau Thế Chiến thứ Hai, hiến pháp của Nhật Bản ngăn cấm quân đội chỉ được tổ chức trong phạm vi "bảo vệ quốc gia" và không được kiến tạo hàng không mẫu hạm thuộc loại "tấn công", chỉ có thể chuyên chở trực thăng mà thôi. Phản lực cơ F-35B rất thích hợp với những hàng không mẫu hạm của Nhật, vì không cần phi đạo dài như các loại phản lực thông thường.

Nếu chiến tranh xảy ra thì đó là chiến tranh giữa sản phẩm "Made in China" chống lại "Made in Japan" và "Made in USA". Như thế thì sự phân chia thắng bại đã quá rõ ràng.

Những Ẩn Số

Ngoài bốn quốc gia nêu trên (Hoa Kỳ, TC, Bắc Hàn, Nhật Bản), còn có hai quốc gia khác có thể thay đổi cuộc diện, khiến cuộc xung đột trở thành thế chiến như Nga và Ấn Độ. Một vài chiến lược gia có nhắc đến Úc, thế nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì Úc không phải là một quốc gia có khả năng tham chiến hữu hiệu. Các quốc gia Âu Châu có lẽ sẽ khoanh tay ngồi nhìn vì đây là chuyện "cháy nhà hàng xóm". Ai thắng, ai thua cũng không mấy ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị của Âu Châu, ngoại trừ trường hợp Nga tham gia chiến tranh và tiến chiến Đông Âu.

Kết Luận Với Một Tia Hy Vọng

Từ sau Thế Chiến thứ Hai, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới, và cả nhân loại, đều hiểu rằng

Thế Chiến Thứ Ba, nếu xảy ra, sẽ là cuộc chiến cuối cùng của nhân loại. Hay ít ra cũng sẽ khiến một phần ba của quả địa cầu này không còn là chỗ ở của con người trong vài trăm năm, vì đã nhiễm phóng xạ nguyên tử." 

Hiểu thế, nhưng chiến tranh vẫn có thể xảy ra, vì trí khôn của con người thì có hạn mà lòng tham thì không có đáy. Và như thế, nhân loại sẽ được chứng kiến một thảm họa không thể diễn tả được.

Một hy vọng dựa trên thực tế là sản phẩm của TC, cho đến ngày nay, vẫn được xem là hàng "dởm", hàng giả, ăn cắp của kỹ nghệ Tây Phương. Thế cho nên dù guồng máy tuyên truyền của TC có tài giỏi đến đâu chăng nữa cũng không thể thay đổi quan niệm của con người về các loại hàng hóa "Made in China". Bởi vậy, nếu chiến tranh xảy ra thì đó là chiến tranh giữa sản phẩm "Made in China" chống lại "Made in Japan" và "Made in USA". Như thế thì sự phân chia thắng bại đã quá rõ ràng. Chúng ta đều biết thế, nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là "Tập Cận Bình có biết như thế hay không?"

Lâm Viên

Powered by Blogger.