Header Ads

Cao Hành Kiện Nhà Văn Pháp gốc Trung Hoa - Nobel Văn Chương Năm 2000


1/ Sơ lược về Giải Thưởng Nobel Văn Chương

Giải Thưởng Nobel Văn Chương được trao tặng hàng năm cho một tác giả thuộc bất cứ quốc gia nào đã sáng tác ra một tác phẩm xuất sắc nhất với nội dung mô tả cuộc sống của con người cùng với một lý tưởng cao đẹp. Tác giả đoạt giải là do tất cả công trình văn học nhưng thường khi một tác phẩm của tác giả được dẫn chứng và cơ quan cứu xét việc tặng Giải Thưởng Văn Chương là Hàn Lâm Viện Thụy Điển (the Swedish Academy) đặt trụ sở tại thành phố Stockholm.

Các Ủy Ban Nobel xét giải thông thường gồm từ 3 tới 5 nhân viên, ngoài ra còn có các chuyên gia am tường từng phạm vi học thuật để giúp đỡ Ủy Ban. Các ủy ban này cứu xét các ứng viên tranh giải rồi gửi đề nghị tới các cơ quan tặng giải. Sau khi cân nhắc cẩn thận các lời đề nghị và các ý kiến khác nhau, cơ quan tặng giải sẽ bỏ phiếu để chọn lựa cuối cùng rồi sau đó công bố người lãnh giải. Việc tranh luận và bỏ phiếu được giữ kín và các quyết định tặng giải không thể được xét lại.

Vào mùa thu của năm trước kỳ tặng giải, các Ủy Ban Nobel gửi các thư mời tới các cơ quan tặng giải, các nhân vật đã đoạt giải thưởng trước kia và các giáo sư am tường các phạm vi học thuật thuộc một số trường đại học. Ngoài ra, các ứng viên của Giải Văn Chương Nobel có thể được đề nghị do các Hàn Lâm Viện Văn Chương hoặc các tổ chức uy tín. Các ứng viên này được chọn lựa trong vòng bí mật trước ngày 1 tháng 2 của năm tặng giải rồi sau đó, các Ủy Ban Nobel và các chuyên gia lại họp bàn nhiều lần để đánh giá sự xứng đáng của các ứng viên, rồi vào tháng 10, sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng, các nhân vật đoạt giải được công bố trên báo chí.

Vào năm 1948, trị giá của mỗi Giải Thưởng Nobel là 32,000 Mỹ kim nhưng tới năm 1997, trị giá này tăng lên tới 1 triệu Mỹ kim. Các Giải Thưởng Nobel được coi là giá trị nhất trên thế giới.

Từ năm 2000, các nhà văn, nhà thơ sau đây đã lãnh giải thưởng danh dự bậc nhất này:

Năm 2000 Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), gốc Trung Hoa, quốc tịch Pháp.
Năm 2001 Vidiadhar Surajprasad Naipaul, sinh tại Trinidad, gốc Ấn Độ, quốc tịch Anh.
Năm 2002 Imre Kertész, quốc tịch Hungary.
Năm 2003 John Maxell Coetzee, quốc tịch Nam Phi.
Năm 2004 Elfriede Jelinek, quốc tịch Áo.
Năm 2005 Harold Pinter, quốc tịch Anh.

Các nhà văn, nhà thơ nữ đã lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương kể từ đầu thế kỷ 20 gồm có: Selma Lagerlof, Grazia Deledda, Sigrid Undset, Pearl S. Buck, Gabriela Mistral, Nelly Sachs, Nadine Gordimer, Toni Morrison, Wislawa Szymborska và Elfriede Jelinek. Ngoài ra là các nam văn nhân.

Nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng trên thế giới với các tác phẩm xuất sắc, với giá trị văn chương lâu dài nhưng đã không được tặng giải, danh sách này gồm một số tác giả như: Anna Akhmatova, Jorge Amado, Antonin Artaud, Georges Bataille, Maurice Blanchot, Jorge Luis Borges, Bertolt Brecht, Paul Celan, René Char, Anton Chekhov, Joseph Conrad, Julio Cortázar, Jacques Derrida, Theodore Dreiser, Lion Feuchtwanger, Robert Frost, Hans-Georg Gadamer, Graham Greene, Aldous Huxley, Henrik Ibsen, James Joyce, Nikos Kazanzakis, Arthur Koestler, D.H. Lawrence, William Somerset Maugham, Sándor Márai, Arthur Miller, Alberto Moravia, Robert Musil, Vladimir Nabokov, George Orwell, Fernando Pessoa, Ezra Pound, Marcel Proust, J.D. Salinger, Gertrude Stein, Wallace Stevens, Leo Tolstoy, Arnold Toynbee, Marina Tsvataeva, Mark Twain, Franz Werfel, Thornton Wilder, Tennessee William và Virginia Woolf.

2/ Tiểu Sử Nhà Văn Cao Hành Kiện

Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) hiện nay mang quốc tịch Pháp, đã chào đời vào ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại huyện Cam Châu (Ganzhou) tỉnh Giang Tây (Jiangxi) thuộc miền đông của nước Trung Hoa. Ông là tác giả viết tiểu thuyết, kịch phẩm, nhà phê bình văn học, nhà dịch thuật, nhà đạo diễn kiêm một họa sĩ có tài.

Cao Hành Kiện lớn lên trong hoàn cảnh quân Nhật xâm chiếm nước Trung Hoa trong suốt 8 năm trường, từ 1937 tới 1945, và trưởng thành trong chế độ Cộng Hòa Nhân Dân, nơi mà mọi quyền tự do căn bản của con người đều bị hạn chế tối đa. Cao Hành Kiện có người cha là một nhân viên ngân hàng và bà mẹ là một diễn viên tài tử, bà mẹ đã khuyến khích cậu con trai ưa thích sân khấu và văn chương. Sau khi tốt nghiệp từ trường trung học, Cao Hành Kiện đã theo học tiếng Pháp từ năm 1957 tới năm 1962 tại Phân Khoa Ngoại Ngữ của trường Đại Học Bắc Kinh.

Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (the Cultural Revolution, 1966-76), các toán Vệ Binh Đỏ (Red Guards) và các nhân viên Cách Mạng xu thời đã nắm quyền hành, đưa nước Trung Hoa vào các hoàn cảnh hỗn loạn, hàng triệu người vô tội kể cả các nhân vật cao cấp đã bị tố cáo không đúng và hành hạ tới chết.

Ông Cao bị coi là một nhà trí thức, bị người vợ tố cáo là đã lén lút "viết văn" mà ở vào thời kỳ này, sáng tác văn chương là một việc làm nguy hiểm, nên ông bị đưa tới trại lao động cải tạo (re-education camp, hạ phóng giáo cải), phải làm việc cực khổ trong 6 năm dài. Trước khi bị bắt, ông đã đốt đi một rương chứa đầy bản thảo của 10 vở kịch, nhiều bài thơ, một cuốn tiểu thuyết và nhiều bài nhận định văn học, đây là công trình nghiên cứu trong nhiều năm trường.

Sau khi được trả tự do, Cao Hành Kiện làm việc tại Ban Báo Chí Ngoại Ngữ (the Foreign Languages Press, Ngoại Văn Xuất Bản Xã) rồi sau đó, trở nên nhân viên phiên dịch cho Hội Nhà Văn Trung Hoa (the Chinese Writers Association, Trung Quốc Tác Gia Hiệp Hội), dù thế trong thời gian này, ông Cao không thể phổ biến các sáng tác của mình cho tới năm 1979 khi đi du lịch sang Pháp và Ý.

Trong các năm từ 1980 tới 1987, Cao Hành Kiện bắt đầu sáng tác lại, trở thành nhà văn cải tiến và gây tranh cãi trên văn đàn. Mọi người đã nhận ra tài năng phê bình văn học của ông khi vào năm 1980, Cao Hành Kiện cho xuất bản cuốn tiểu thuyết nhỏ (novella) tên là "Các Ngôi Sao trong một Đêm Lạnh" (Stars on a Cold Night) rồi sau đó là các truyện ngắn, các bài luận văn (essays) và các kịch bản in trong các tạp chí văn chương tại Trung Hoa, cùng với 4 cuốn sách:

- "Thảo Luận đầu tiên về Nghệ Thuật của Tiểu Thuyết Mới" (Premier essai sur les techniques du roman moderne/A Preliminary Discussion of the Art of Modern Fiction, 1981), cuốn này đã gây nên một cuộc bút chiến về "chủ nghĩa cách tân" (modernism),
- "Con Chim Bồ Câu Mỏ Đỏ" (A Pigeon Called Red Beak, 1985),
- "Sưu Tập các Vở Kịch" (Collected Plays, 1985),
- "Đi Tìm một Hình Thức Mới cho Cách Trình Bày Kịch Nghệ" (In Search of a Modern Form of Dramatic Representation, 1987).

Nhiều vở kịch thử nghiệm và mang tính chất tiền phong của Cao Hành Kiện đã được trình diễn tại Nhà Hát Nghệ Thuật Nhân Dân (the Theatre of Popular Art/Bắc Kinh Nhân Dân Nghệ Thuật Hí Viện) tại Bắc Kinh và đã mang lại thành công rực rỡ.

Qua những vở kịch này, Cao Hành Kiện đã phối hợp nền nghệ thuật sân khấu cổ điển của Trung Hoa với ảnh hưởng kịch nghệ tiền phong (avant-garde) của phương tây, đặc biệt từ hai kịch tác gia Samuel Beckett và Eugene Ionesco, nhưng vở kịch "Trạm Xe Buýt" (Arrêt de bus/Bus Stop, 1983) đã bị một nhân vật uy tín của Đảng Cộng Sản Trung Hoa mô tả là một văn bản độc hại nhất kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân. Tác phẩm "Người Rừng" (L'Homme Sauvage/Wild Man/Dã Nhân, 1985) của ông Cao cũng gây ra cuộc tranh luận nóng bỏng, khiến cho quốc tế phải chú ý.

Vào năm 1986, tác phẩm "Bờ Kia" (L'Autre Rive/The Other Shore/Bỉ Ngạn) đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản coi là "phản cách mạng", bị cấm phổ biến và kể từ thời gian này, không một vở kịch nào của Cao Hành Kiện được phép trình diễn và tác giả bị Công An theo dõi.

Để tránh khỏi các sách nhiễu của chính quyền, nhà văn họ Cao đã đi lang thang trong 10 tháng qua các miền rừng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) rồi thả bộ dọc theo con sông Dương Tử (Yangzi) từ ngọn nguồn tới tận bờ biển. Vào năm 1987, nhờ thế lực của người bạn giữ chức Bộ Trưởng Văn Hóa, Cao Hành Kiện rời khỏi Trung Hoa theo giấy mời của cơ quan văn hóa Đức Quốc và qua năm sau, sang sinh sống tại thủ đô Paris, nước Pháp, với tư cách là một người tỵ nạn chính trị.

Sau vụ Thảm Sát các sinh viên tranh đấu cho Tự Do tại Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, xẩy ra vào năm 1989, nhà văn họ Cao đã tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng Sản Trung Hoa rồi sau đó, ông phổ biến tác phẩm "Các Kẻ Chạy Trốn" (La Fuite/Fugitives/Đào Vong) viết ra để chống đối cuộc tàn sát sinh viên kể trên, chính quyền Trung Cộng đã công bố Cao Hành Kiện là một người không được chấp nhận (persona non grata) và tất cả các tác phẩm của ông đều bị cấm đoán.

Ngọn Núi Của Tâm Hồn
Từ mùa hè năm 1982, nhà văn Cao Hành Kiện đã khởi công viết cuốn tiểu thuyết xuất sắc "Ngọn Núi của Tâm Hồn" (La Montagne de l'Âme/Soul Mountain/Linh Sơn) do tác giả đã tốn nhiều thời gian để đi khắp nơi trên đất nước Trung Hoa mà tìm ra ý nghĩa của cá nhân, cội nguồn, sự bình yên nội tại (inner peace) và sự tự do. Cuốn tiểu thuyết kể trên được xuất bản vào năm 1990 và được bổ túc bằng cuốn tự truyện "Thánh Kinh của Một Người" (Le Livre d'un homme seul/One Man's Bible/Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh).

Một số tác phẩm của nhà văn Cao Hành Kiện đã được phiên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác và nhiều vở kịch của ông cũng được trình diễn tại các nơi trên thế giới. Tại Thụy Điển, Goran Malmqvist đã giới thiệu và chuyển ngữ vài tác phẩm của ông Cao. Hai vở kịch của ông là "Mưa Hè tại Bắc Kinh" (Summer Rain in Peking) và "Các Kẻ Chạy Trốn" (Fugitives) đã được trình diễn tại Nhà Hát Kịch Nghệ Hoàng Gia (the Royal Dramatic Theatre) tại Stockholm.

Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ có tài, chuyên vẽ bằng mực tàu. Chính ông đã minh họa các hình bìa của những cuốn sách của mình. Các họa phẩm của ông đã được trưng bày tại hơn 30 cuộc triển lãm quốc tế trong nước Pháp, tại châu Âu cũng như ở Đài Loan và Hương Cảng. Tranh của ông chứa đựng nét vẻ giản dị và phóng khoáng nên đã hấp dẫn được nhiều người xem. 


Do viết văn cả bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, nhà văn Cao Hành Kiện được trao tặng Huân Chương Nghệ Thuật và Văn Chương (Chevalier de l' Ordre des Arts et des Lettres, 1992) của Bộ Văn Hóa Pháp vào năm 1992, Giải Thưởng Cộng Đồng Bỉ (Prix Communauté francaise de Belgique, 1994) với tác phẩm Kẻ Mộng Du (Le Somnambule), Giải Thưởng Tết Trung Hoa 1997 (Prix du Nouvel An Chinois) với tác phẩm Ngọn Núi của Tâm Hồn (Soul Mountain).

Ngày 10 tháng 12 năm 2000, nhà văn Cao Hành Kiện được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương do các lời văn của tác giả được phát xuất từ cuộc đấu tranh của cá nhân để sống còn trong các tập thể. Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã nhận định rằng "Tác phẩm của ông Cao Hành Kiện mang tầm vóc ảnh hưởng quốc tế, chứa đựng các nhận thức chua chát và diễn tả bằng bút pháp tài tình, đã vạch ra các con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa".

Đây là lần đầu tiên Giải Thưởng Nobel Văn Chương được trao cho một nhà văn Trung Hoa. Ông Cao Hành Kiện là nhân vật thứ tư của châu Á được lãnh Giải Thưởng Nobel cao quý này, sau các Văn Hào Rabindranath Tagore (1913) người Ấn Độ, Yasunari Kawabata (1968) người Nhật Bản và Kenzaburo Oe (1994) người Nhật Bản.

Nhà văn Cao Hành Kiện rõ ràng là một nhân vật bi quan, đi tìm các ý nghĩa của đời sống cá nhân và diễn tả các suy tư của chính mình qua nhiều sáng tạo xuất sắc.

3/ Các suy tư của Nhà Văn Cao Hành Kiện

Cao Hành Kiện là nhà văn luôn luôn tìm cách bảo vệ vị trí độc lập và tiếng nói cá nhân của mình trong mọi hoàn cảnh bởi vì theo ông, sáng tác văn học là cơn sóng trào từ tâm huyết của người viết văn. Vào năm 1981 sau khi xuất bản cuốn "Thảo Luận đầu tiên về Nghệ Thuật của Tiểu Thuyết Mới" (Hiện Đại Tiểu Thuyết Kỹ Xảo Sơ Thám), nhà văn Cao Hành Kiện bị gán cho nhãn hiệu thuộc về trường phái "hiện đại", rồi sau vở kịch "Các Kẻ Chạy Trốn" (Đào Vong) phổ biến vào năm 1990, tác giả bị xếp vào loại "phản cách mạng" (counterrevolutionary).

Thông thường tại Trung Quốc cũng như tại nhiều quốc gia khác, người đời thường đặt ra nhiều thứ khuôn mẫu, trường phái, ấn định kẻ này trong dòng, người kia ngoài dòng, và theo thông lệ, những kẻ không nhập dòng chính (mainstream) liền bị phê phán, thanh trừng, có khi bị cầm tù, hủy diệt, nhất là dưới chế độ độc tài toàn trị hay trong xã hội theo chủ nghĩa cộng sản cực quyền.

Cao Hành Kiện đã xác nhận rằng ông không thuộc về một "trường phái" nào, một "trào lưu" nào, bởi vì tác giả không muốn bị đóng chặt vào một cái khuôn nghệ thuật rất chật hẹp. Tác giả cho rằng chức năng chính trị, phép tắc luân lý... đã tìm cách biến "văn học" thành thứ "công cụ" cho phe đảng và đây chính là điều bất hạnh cho "văn học". Văn học của Trung Quốc qua nhiều thế kỷ đã bị mệt mỏi vì các cuộc đấu tranh chính trị, đã mang ý chí tập thể ra cưỡng ép kẻ khác, đặt ra nhiều hạn chế vì mang danh nghĩa chính đảng hay quốc gia.

Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch... là các cá nhân mềm yếu, trơ trụi một thân, khi giáp mặt với xã hội đã phát ra tiếng nói tự đáy lòng. Đây là điều xác nhận sự "tất yếu của tự thân tồn tại". Tác gỉa là người "có chuyện cần nói", rồi sau đó mới tìm cách "nói năng, diễn tả ra sao", đây là quan niệm hỗ tương giữa nội dung và hình thức. Người làm văn học cần tới tính "tự do bày tỏ" để trình bày cái "cảm nhận" của riêng mình.

Do nghiên cứu sự khác biệt giữa Hán Ngữ và các ngôn ngữ phương tây, và nhờ các tác giả như Marcel Proust, James Joyce cùng các nhà văn thuộc trường phái Tiểu Thuyết Mới, Cao Hành Kiện đã chú ý tới ý thức và tiềm thức, khám phá ra việc kiến tạo các góc độ kể chuyện để có thể truyền đạt các ý nghĩa khó phổ biến. Vì ngôn ngữ là phương tiện bày tỏ của con người nên nhà văn đã dùng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc chân thật của chính mình. Cao Hành Kiện đã coi trọng thứ chân thật này bởi vì người đời thường hay sống theo cái bóng của kẻ khác trong khi nhà văn cần đến tính độc lập, tính không bị lặp lại, sao chép.

Cao Hành Kiện rời khỏi Trung Quốc, sang Pháp vào năm 1989 và không trở về quê cũ. Là tác giả lưu vong, ông coi công việc sáng tác văn chương là một phương thức sống, một cách tự cứu mà không mưu cầu việc cải tạo thế giới. Ông đã từng nói "Tôi viết cho chính tôi, để làm dịu đi những khổ đau của tôi". Quả vậy, cuộc đời của ông bắt đầu trong bom đạn, tiếp diễn trong các hoàn cảnh xáo trộn, đàn áp, chống đối, trốn chạy... và ông cũng cho biết "tôi là một kẻ tỵ nạn từ khi lọt lòng mẹ".

Do lòng say mê kịch nghệ, văn chương và hội họa, Cao Hành Kiện đã viết văn, viết kịch, là kẻ cô đơn trong hành trình đi tìm kiếm chính mình và còn là một nghệ sĩ dùng nghệ thuật để chống đối bạo quyền và hận thù, để nói lên tiếng nói của Tự Do.

Lần đầu tiên tại châu Âu, Cao Hành Kiện cho trình diễn vở kịch "Tuyết Tháng Tám" tại Nhà Hát Opera Marseille. Nội dung vở kịch kể lại hành trạng của Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa. Vở kịch gồm 2 hồi, 9 cảnh, diễn ra trong 2 giờ 15 phút với âm nhạc của Xu Shuya.

Tổ Huệ Năng dạy rằng mọi người đều có thể giác ngộ, trở thành Phật nếu biết phá chấp và sống hòa đồng với thế giới bên ngoài. Tổ báo tin cho các đệ tử biết rằng mình sẽ qua đời vào tháng Tám, ngài đã đốt bỏ chiếc áo cà sa, vì ai cũng có thể trở thành Phật nên không cần tới người kế nghiệp Tổ. Khi Tổ Huệ Năng mất, tuyết phủ trên núi. Tháng Tám mà đã có tuyết? Thời gian trôi qua, tư tưởng của Tổ Huệ Năng bị hiểu sai đi, nhà chùa trở nên một thứ thế giới hỗn loạn và cuối cùng, bị thiêu cháy. Đây có phải là ngọn lửa tẩy sạch không, rồi sau đó là bầu không khí êm đềm, tĩnh lặng, bao phủ tất cả. Màn kịch khép lại với đặc tính "vô thường" của Thiền Tông, truyền sang mọi khán giả tham dự.

Vở kịch "Tuyết Tháng Tám" rất độc đáo, do sự phối hợp của Nhà Hát Opera Marseille, trường Cao Đẳng Biểu Diễn Nghệ Thuật Đài Loan, Dàn Nhạc Marseille, Dàn Nhạc Đài Loan với gần 200 diễn viên hát tiếng Hoa và tiếng Pháp. Dựng cảnh và trang trí do chính nhà văn Cao Hành Kiện, ông đã vẽ các bức phông lớn bằng mực tàu. Rạp hát rất rộng lớn mà không còn ghế trống, mọi người yên lặng, lắng nghe và theo dõi vở kịch từ khởi đầu tới màn cuối.

Khi vở kịch đã kết thúc, tác giả Cao Hành Kiện còn gặp các đại biểu và một số khán giả để hỏi han, trò chuyện, trong số này ngoài một số người thân quen còn có các ông Goran Malmqvist, thành viên của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Mabel Lee, giáo sư Đại Học Sydney, Noel Dutrait, giáo sư Đại Học Provence, bà Tchen Tu-chiou, bộ trưởng cố vấn cho Tổng Thống Đài Loan...

Cao Hành Kiện đã viết vở kịch "Tuyết Tháng Tám" theo nguyên tắc "bốn không": không hoàn toàn là một vở opera Trung Quốc, không hoàn toàn theo nghĩa opera của phương tây, không hoàn toàn là một vở kịch sân khấu, không hoàn toàn là một vở ballet. Đây là sự phối hợp của các hình thức thể hiện khác nhau.

Tác phẩm quan trọng nhất của Cao Hành Kiện là cuốn tiểu thuyết "Ngọn Núi của Tâm Hồn" (Linh Sơn). Đây là cuộc hành trình của một tâm hồn qua thời gian và không gian trong các khung cảnh đồi núi, đồng cỏ, làng mạc Trung Hoa, để tìm kiếm cội rễ, sự an bình và tự do của nội tâm.  Đây cũng là câu chuyện của một người đi tìm ngọn núi thiêng, nơi cất giấu và chôn vùi thế giới cát bụi.

Qua tác phẩm, tác giả đã trình bày nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa cùng với đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc sau nhiều thời đại, tại nhiều vùng địa dư khác nhau với nhiều chủng tộc và tệ nạn, và người đọc được dẫn vào kho tàng văn hóa rực rỡ, pha trộn cả thực tế hiện tại với quá khứ huy hoàng và trí tưởng tượng.

Sau khi nhà văn Cao Hành Kiện đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương, tờ báo Le Monde của nước Pháp đã giới thiệu tác phẩm "Ngọn Núi của Tâm Hồn" bằng đoạn văn mô tả như sau: "Một người với túi xách trên vai, đã ngược xuôi trên các cánh đồng lúa chín vàng hay những khu rừng tre xanh biếc, khi thì đi chân đất, khi thì ngồi trên xe đạp, để đi tìm một ngọn núi bí mật, một nơi lý tưởng để con người có thể rũ sạch bụi trần".

Trong các năm về sau, Cao Hành Kiện còn viết ra các tác phẩm như "Giữa Sống và Chết" (Between Life and Death/Sinh Tử Chi Gian), "Bên Lề Cuộc Đời" (Au Bord de la Vie)(bằng tiếng Pháp), "Kẻ Mộng Du" (Le Somnambule) (bằng tiếng Pháp), "Bốn Khúc Tứ Tấu cho một Cuối Tuần" (Quatre Quatuors pour un Weekend)(bằng tiếng Pháp), "Không có Chủ Nghĩa" (Without isms)...

Cao Hành Kiện là nhà văn đặc biệt công kích Friedrich Nietzsche bởi vì triết gia này đã gây kinh hoàng tại Trung Quốc. Nietzsche chủ trương rằng "Thượng Đế đã chết" và cổ vũ cho mẫu hình "siêu nhân", cho chế độ độc tài toàn trị mà nhờ vậy, Mao Trạch Đông đã hành xử như một kẻ thay thế Thượng Đế, để tước đoạt mọi quyền tự do của con người. Cao Hành Kiện đã thấy rõ các nỗi thống khổ của người dân lành dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, do các bạo tàn của Vệ Binh Đỏ.

Tại Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, văn học bị đem vào những mục tiêu chính trị và các nhà văn phải viết theo chỉ thị của đảng, phải là các bánh xe răng trong bộ máy lớn của cách mạng. Nhà văn như vậy đã trở thành một công cụ phi nhân của một chế độ áp bức và hệ thống tư tưởng đã bị áp đặt, kìm kẹp. "Bài Nói Chuyện ở Diên An" của Mao Trạch Đông vào năm 1942 đã trở thành một thứ kinh điển của chính sách văn học thống trị cho tới cuối thập niên 1970 và đã giết chết văn học đích thực.

Cao Hành Kiện muốn vứt bỏ mọi thứ "chủ nghĩa" bởi vì hiện nay, các hệ thống tư tưởng lớn đã hết thời do theo đuổi một thiên đường viễn vọng, không tưởng. Theo ông, thời Mao là một thời kỳ đen tối nhất trong Lịch Sử Văn Học Trung Quốc. Thế nhưng, với tư cách là một nhà văn, Cao Hành Kiện không coi nhiệm vụ của mình là đưa ra các giải pháp chính trị, ông dồn công sức vào việc cải biến tiếng Hoa. Ông không phản đối việc dùng bạch thoại thay cho văn ngôn nhưng chống lại sự tây phương hóa quá mức của thứ văn viết hiện nay. Ông coi trọng bản chất của tiếng Hoa với cú pháp đơn giản, với cách hạn chế tối đa việc dùng các công cụ ngữ pháp.

Cao Hành Kiện đã lấy cảm hứng từ các truyền thống văn hóa Trung Quốc để viết ra nhiều tác phẩm xuất sắc và người đọc dễ dàng nhận ra điều này trong các vở kịch như "Người Rừng", "Tuyết Tháng Tám" và ngay cả trong cuốn tiểu thuyết kiệt tác "Ngọn Núi của Tâm Hồn".

Phạm Văn Tuấn


Chú thích của Ban Biên Soạn ĐSLV:

Gao Xingjian - The Nobel Prize in Literature 2000

Soul Mountain, novel, trans. Mabel Lee, Flamingo, London, 2001, ISBN 0-00-711923-2

Powered by Blogger.