Header Ads

Trung Cộng Tiếp Tục Quân Sự Hoá Biển Đông


Tình trạng căng thẳng về việc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Cộng ở Biển Đông có vẻ như đã lắng dịu trong những tháng vừa qua, nhưng Bắc Kinh vẫn bận rộn trong việc xây dựng và quân sự hoá những hòn đảo đã được bồi đắp từ năm 2016.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy TC đã xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở trên một diện tích 72 mẫu Anh (28 hecta) ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong năm 2017 để trang bị thành các tiền đồn lớn hơn làm căn cứ cho không quân và hải quân.

Nhóm nghiên cứu về vấn đề hàng hải của Châu Á có trụ sở ở Washington, Asia Maritime Transparency Initiative, vẫn theo dõi những diễn tiến ở Biển Đông, nơi mà TC và một số chính phủ Châu Á đang có xung đột về chủ quyền. Hôm thứ năm, 14 tháng 12, họ cho biết rằng TC đã xây dựng nhà chứa máy bay (hangars), kho dưới đất, hầm chứa hoả tiễn, dàn ra-đa (radar arrays) và các cơ sở khác.

Hoạt động này vẫn liên tục xảy ra trong khi TC tham dự vào các cuộc đàm phán kéo dài với các nước Đông Nam Á về "quy tắc ứng xử" ở Biển Đông. Căng thẳng với Hoa Kỳ về vấn đề này cũng giảm bớt, mặc dù Washington vẫn chỉ trích hành vi của Bắc Kinh.

Việc xây dựng và quân sự hoá là giai đoạn tiếp theo của một loạt các chiến dịch bồi đắp các hòn đảo san hô ngầm để trở thành các đảo nhân tạo, đã được hoàn thành vào đầu năm 2016 ở Trường Sa, một chuỗi đảo đang có tranh chấp chủ quyền giữa TC và các quốc gia Malaysia, Đài Loan, Philippines, Việt Nam và Brunei. Theo Lầu Năm Góc (Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ), TC đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh (1.248 hecta) đất cho bảy hòn đảo san hô mà họ đã chiếm đóng trong khu vực.

TC dường như cũng đã ngừng các hoạt động bồi đắp các hòn đảo trong phạm vi quần đảo Hoàng Sa nằm cách xa về phía bắc.

Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã cáo buộc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hoá khu vực và thay đổi địa lý (bồi đắp đá ngầm thành đảo) để bênh vực cho việc tuyên bố chủ quyền một vùng rộng lớn, bao gồm gần như tất cả Biển Đông. TC nói các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, được trang bị sân bay và các cơ sở quân sự, chủ yếu để phục vụ các mục đích dân sự và tăng cường an toàn cho việc đánh cá và thương mại hàng hải.

Greg Poling, giám đốc của nhóm nghiên cứu Asia Maritime Transparency Initiative, cho biết TC đã đạt thắng lợi về ngoại giao sau cuộc bầu cử Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã đưa ra lập trường hòa giải đối với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ. Họ cũng không phải lo ngại nhiều với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đang bận rộn với sự đe doạ bởi vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và các tranh chấp thương mại với TC.

Poling nhấn mạnh rằng:

"Đó chỉ là những trang đầu tiên của quyển sách chiến lược, chúng ta không nên cho rằng TC đang dịu bớt trong việc theo đuổi các mục tiêu xâm lược. Họ đang tiếp tục âm thầm xây dựng, quân sự hoá, tất cả những nơi mà họ muốn!".

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các công trình xây dựng, nhất là trên đảo Fiery Cross Reef ở Trường Sa, bao gồm các hangar bên cạnh một sân bay dài 10,000 feet, các kiến trúc dưới lòng đất có thể dùng để chứa bom, đạn hoặc các tiếp liệu quân sự khác, các hầm che dấu cho các giàn phóng hoả tiễn và các cơ sở truyền thông cũng như radar.

Họ cũng lưu ý rằng TC đã đem máy bay quân sự đến trú đóng trên đảo Woody thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vào cuối tháng 10, quân đội TC đã công bố hình ảnh của những chiếc máy bay chiến đấu J-11B đang tập trận ở đó. Vào giữa tháng 11, máy bay vận tải Y-8 đã được phát hiện trên hòn đảo này. Đây là loại máy bay có khả năng thu thập thông tin điện tử.

Trung Tá Thuỷ Quân Lục Chiến, Christopher Logan, phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, nói hôm thứ Năm rằng ông không thể bình luận chi tiết về các đánh giá của Hoa Kỳ về khu vực, nhưng "việc tiếp tục quân sự hóa các tiền đồn sẽ chỉ làm tăng căng thẳng và tạo ra sự không tin tưởng nhiều hơn đối với Trung Cộng".

Hoa Kỳ không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng tuyên bố họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo rằng các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế và đảm bảo sự tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. TC đã lên phản đối cái mà họ gọi là sự can thiệp của Mỹ trong cuộc tranh chấp của các quốc gia Châu Á.

Lâm Viên
Tin tổng hợp

Powered by Blogger.