Header Ads

Tám Đe Doạ Lớn Cho Thế Giới Trong Năm 2018


Việt Nam ta có tập tục "Đầu năm xem bói" để tiên đoán lành dữ cho năm mới. Trong phạm vi rộng lớn hơn, các nhà bình luận lớn, nhỏ cũng "gieo quẻ" hoặc nhìn vào "quả cầu thủy tinh (crystal ball)" để đoán vận mệnh thế giới cho năm tới. Việc "tiên đoán" dù được hỗ trợ bởi "thần linh" hay chỉ là những "nhận xét cá nhân", nếu đúng thì "thầy bói" hay "ông đồng, bà cốt" được dịp khoe khoang và thêm nhiều thân chủ, nếu sai thì cũng chẳng mấy ai phàn nàn, và "thầy, bà" đều lờ đi cho qua chuyện.

Trong một trang báo điện tử chuyên bàn luận về vấn đề quân sự (1) đã đăng một bản tường trình của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations - CFR) liệt kê các mối đe dọa toàn cầu hàng đầu để theo dõi vào năm 2018, trong số đó có nhiều nguy cơ liên quan đến Hoa Kỳ.

1. Xung đột quân sự liên quan đến Hoa Kỳ, Bắc Hàn và các nước láng giềng


Có lẽ không ai ngạc nhiên khi thấy Bắc Hàn có tên trong danh sách này.

Với Kim Jong Un, không có dấu hiệu nào cho thấy rằng "kẻ loạn trí (madman)" này có ý định ngưng hoặc chậm lại chương trình chế tạo hỏa tiễn liên lục địa. Với các cuộc thử nghiệm hỏa tiển ngày càng hung dữ cộng thêm những lời "dọa nạt hùng hồn" về sự tàn phá ghê gớm của hoả tiễn khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên căng thẳng hơn kể từ khi chấm dứt chiến tranh trong thập niên 1950.

2. Xung đột vũ trang giữa Iran và Hoa Kỳ hoặc với một trong các đồng minh của Hoa Kỳ


CFR cho thấy sự tham gia của Iran vào các cuộc xung đột trong khu vực và hỗ trợ các nhóm chiến binh khủng bố, bao gồm cả Yemeni Houthis và Lebanon Hezbollah, như một nguy cơ  tiềm ẩn cho một cuộc xung đột vũ trang rộng lớn hơn.

Cùng với tuyên bố gần đây của Iran rằng họ sẽ hỗ trợ "các nhóm kháng chiến" sau khi ông  Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, mâu thuẫn với Iran có thể sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

3. Những cuộc tấn công không gian mạng (cyberattack) tràn ngập trên cơ sở hạ tầng và mạng lưới quan trọng của Hoa Kỳ



Không có gì ngạc nhiên khi CFR tin rằng các cuộc tấn công trên mạng vào Hoa Kỳ đòi hỏi sự chú ý tối đa.

Trong năm 2017, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tấn công không gian mạng từ Iran, Bắc Hàn và Nga nhắm vào các mục tiêu như các cơ quan chính phủ, ngân hàng, và quân đội trên khắp thế giới, và ngay cả Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency - NSA) cũng bị nhiều cuộc tấn công gây nhiều chú ý, các cuộc tấn công trên mạng sẽ là một điều quan trọng đáng lưu tâm.

4. Xung đột quân sự giữa Nga và các thành viên NATO


Một cuộc đối đầu giữa Nga và các thành viên NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương), cố ý hoặc vô tình, lúc nào cũng có thể xảy ra.

Chỉ trong năm nay, Nga đã lặng lẽ mở rộng biên giới xâm lấn đất đai một cách bất hợp pháp của một quốc gia tân lập, Cộng Hoà Nam Ossetia (Republic of South Ossetia), chưa được quốc tế công nhận, và tiếp tục gây ra cuộc chiến ở khu vực Donbas của Ukraine đã giết chết hơn 10.000 người.

Bởi vì đây không phải là các quốc gia thuộc khối NATO, một số lo ngại rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Nga xem họ có thể chiếm đoạt thêm được những gì ở Đông Âu - đặc biệt là kể từ khi Syria không còn là trọng tâm lớn nhất của quân đội Nga.

5. Xung đột vũ trang giữa các quốc gia đang có tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông


Ngoài những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Cộng (TC) và các quốc gia trong vùng Biển Đông đã khiến các quốc gia nhỏ bé vội vã tìm đồng minh và tăng cường trang bị quốc phòng, khiến tình hình an ninh khu vực trở nên bất ổn. Gần đây, TC ngày càng trở nên hung dữ đối với Đài Loan - cả về hành động cũng như lời nói. Điều này đã làm cho Nhật Bản lo ngại.

6. Một vụ tấn công khủng bố với thiệt hại lớn ở nội địa Hoa Kỳ hoặc một quốc gia có hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ

Quân đội Hoa Kỳ đang thực tập cấp cứu nạn nhân của một cuộc khủng bố
CFR lên tiếng báo động rằng kẻ khủng bố có thể là người nước ngoài hoặc ngay chính những người trong nước. Các cuộc tấn công kiểu đơn phương (một cá nhân, tiếng Mỹ là Lone-wolf), là kẻ không có liên hệ gì với bất cứ một tổ chức khủng bố nào, cũng có thể là một mối quan ngại không nhỏ.

Điều này đã xảy ra gần đây, với một kẻ toan đặt bom ống (pipe bomb) ở thành phố New York.

7. Bạo lực gia tăng ở Syria khi lực lượng chính phủ nỗ lực giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ


Mặc dù cuộc nội chiến ở Syria dường như đang trong giai đoạn kết thúc, với việc ISIS mất toàn bộ lãnh thổ, điều quan trọng cần nhớ là cuộc chiến chống lại ISIS chỉ là một phần của cuộc chiến đã giết chết hàng trăm ngàn người.

CFR ghi nhận vẫn có những căng thẳng giữa các quốc gia bên ngoài cuộc xung đột, bao gồm Hoa Kỳ, Nga và Iran.

Điều gì sẽ xảy ra khi quân đội Syria cố gắng đánh bại phe nổi dậy ở các vùng khác của đất nước, cũng như chính phủ Syria sẽ làm gì với Lực lượng Dân chủ Syria (Syrian Democratic Forces) được Mỹ ủng hộ, có khả năng khiến Hoa Kỳ phải hành động để bảo vệ lực lượng này nếu họ bị trả thù hoặc đàn áp.

8. Bạo lực và bất ổn gia tăng ở Afghanistan


CFR đặc biệt lo lắng về cuộc nổi dậy ngày càng mạnh của Taliban và sự sụp đổ tiềm ẩn của chính phủ Afghanistan. Gần đây, ISIS cũng đã gây được sự chú ý và để lại vài dấu tích về hoạt động của họ.

Chính quyền của ông Trump đã tỏ vẻ quan tâm đến sự kiện đang xảy ra ở đó và gửi hàng ngàn quân trở lại Afghanistan.

Thời gian sẽ cho biết những nỗ lực của chính quyền ông Trump sẽ giúp đỡ, hoặc chỉ là chậm lại sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan.

Lâm Viên
(lược dịch)

Tham khảo:
(1) The 8 biggest global threats to watch in 2018
http://www.wearethemighty.com/lists/the-8-biggest-global-threats-to-watch-in-2018
Powered by Blogger.