Tổng Thống Trump Xuất Cảng "Mước Mỹ Trước Hết" Sang Châu Á
Hôm thứ Ba vừa qua (14 tháng 11 nằm 2017), Tổng Thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã kết thúc chuyến công du Châu Á kéo dài 12 ngày, và đã khơi nên những câu hỏi mới về vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực - như "Nước Mỹ Trước Hết (America First)" có ý nghĩa gì đối với một khu vực đang bị kẹt giữa một người hàng xóm đáng sợ đang nhanh chóng phát triển quyền lực và ảnh hưởng, và một người bạn xa tìm cách đòi nợ cũ? Đồng thời câu trả lời có ý nghĩa gì đối với vùng Biển Đông?
Trước chuyến đi của Trump, các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy rằng TC vẫn tiếp tục theo đuổi các nỗ lực xây dựng ở Biển Đông một cách nhanh chóng, và các nhà bình luận khẳng định rằng Biển Đông phải là một trong số những vấn đề chính mà ông Trump nêu ra trong chuyến đi. Sau những báo cáo này, chính quyền đã công bố một chủ đề cho chuyến thăm viếng: "Một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và mở cửa," một tầm nhìn tương đối phù hợp với các chính quyền trước đây. Cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng HR McMaster, giải thích chuyến đi của Trump là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ và Trump về Ấn Độ - Thái Bình Dương và những nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố các liên minh lâu năm và mở rộng quan hệ đối tác lâu dài. Rõ ràng trong thời gian đầu tiên của Trump ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cam kết về tự do và cởi mở có thể đi kèm với những điều kiện: những nhượng bộ thương mại đáng kể.
Sau khi trao đổi với các đồng minh trong khu vực gần nhất của Hoa Kỳ (và thúc đẩy việc bán vũ khí và các trang bị quốc phòng để giúp thu hẹp thâm hụt thương mại), Trump đã đến Bắc Kinh để được tiếp đón một cách xa hoa, chưa từng có. Ở đó, ông đã trao đổi "thẳng thắn" với Chủ tịch TC Tập Cận Bình (Xi Jinping) về tình trạng Biển Đông; Các phương tiện truyền thông nhà nước TC báo cáo rằng cả hai bên đều bày tỏ sự ủng hộ cho tự do hàng hải và trên không trong vùng địa dư này. Sau chuyến thăm, chính phủ Mỹ đã công bố một bộ hồ sơ thỏa thuận trị giá 300 tỷ đô la, nếu được thực hiện thì, sẽ thu hẹp thâm hụt thương mại Mỹ - Trung, mà Trump đã từng gọi là "một phía và không công bằng". Trump đã nhanh chóng đưa ra lời giải thích rằng, "Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc. Ai có thể đổ lỗi cho một nước có thể lợi dụng nước khác vì lợi ích của công dân? Tôi có lời khen cho Trung Quốc về việc (lợi dụng) này."
Điểm dừng chân tiếp theo của chuyến đi là các cuộc họp về Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở một thành phố nằm ven Biển Đông, Đà Nẵng, Việt Nam, nơi Trump đưa ra một bản diễn văn kinh tế rất mạnh mẽ: "Chúng tôi tìm kiếm các mối quan hệ thương mại lành mạnh và vững chắc bắt nguồn từ các nguyên tắc công bằng và có qua có lại... Chúng tôi hy vọng rằng các thị trường sẽ cởi mở đối với cả hai bên." Ông cũng nói ngắn gọn về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, rằng "Chúng ta phải tôn trọng các nguyên tắc đã đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta, cho trật tự pháp luật, quyền cá nhân, và tự do hàng hải và trên không, cũng như tất cả các đường biển phải được mở rộng cho thương thuyền." Sau đó, tại Hà Nội, Trump đã đề nghị làm "trung gian" cho những tranh chấp trên Biển Đông, nói với Chủ Tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang: "Tôi là một trung gian hòa giải và trọng tài có rất nhiều khả năng và kinh nghiệm." Ông Alan Cayetano, Ngoại trưởng Philippines, "hoan nghênh" đề nghị này, sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hứa với dân chúng Phi rằng ông sẽ đối chất họ Tập bên lề hội nghị APEC, nhưng khi trở về Manilla thì lại tuyên bố rằng cuộc tranh cãi về Biển Đông "tốt hơn là cứ để như cũ, đừng đụng chạm đến" vì họ Tập đã nói với ông rằng việc xây dựng quân đội của TC trong khu vực là "không có gì quan trọng cả". Cũng trong cuộc đối thoại này, họ Tập, có ý muốn TC trở thành quốc gia lãnh đạo khu vực, sẽ giữ vai trò tương tự như của Hoa Kỳ trong việc "bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực Biển Đông." Họ Tập sau đó tham gia vào các cuộc họp song phương với Việt Nam, trong đó vấn đề của Biển Đông được lèo lái cẩn thận để tránh gây nên sôi động trong các cuộc họp đa phương tiếp theo. Các báo cáo từ Nhật Bản chỉ ra rằng TC đã tìm cách hạn chế tối đa việc thảo luận về Biển Đông trong các cuộc họp song phương.
Duterte, Tổng Thống Phi, người đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã tham dự Diễn Đàn ASEAN lần thứ 50 và Diễn Đàn Đông Á tại Manilla sau khi kết thúc các cuộc họp của APEC. Ở đó, ông đã nhắc lại các tuyên bố trước đó của mình trong một bài phát biểu: "Vấn đề Biển Đông, tốt hơn hết là cứ để yên như thế, đừng đụng vào. Nó có thể gây nên những cuộc đối đầu dữ dội. Chúng ta không thể phung phí tài nguyên quốc gia để tham dự chiến tranh và vũ lực." Ông cũng đã gặp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, và thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông (code of conduct for the South China Sea), và những vấn đề khác. Ngay sau đó, ASEAN và TC đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về nguyên tắc tiến hành soạn thảo bộ quy tắc ứng xử này - mà Thủ tướng TC Li Keqiang nói sẽ đem đến sự "ổn định" cho khu vực. Các bên cũng đồng ý với một hiệp ước về môi trường biển trong khu vực.
Mặc dù Trump đã rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trước khi kết thúc chương trình vì sự chậm trễ trong việc tổ chức, nhưng ông đã nói với các nhà lãnh đạo ở đó rằng "Tôi vẫn lo ngại về những nỗ lực của TC đã xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông." Ngay trước khi trở về Washington, ông Trump đã viết một bản tóm tắt về thành quả của chuyến đi: "Chúng ta muốn có công bằng và có qua có lại trong vấn đề thương mại. Và chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều tuyệt vời xảy ra. Chúng ta rất vui vẻ mở cửa cho thương mại. Nhưng chúng ta phải được đối xử công bằng. Chúng ta phải được đối xử tương xứng, có qua có lại." Không thấy ông Trump đề cập đến tranh chấp Biển Đông.
Post a Comment