Nhận Xét Về Tin Tức Trong Tuần - 7
Chào tái ngộ quý vị. Hôm nay chúng ta lại cùng nhau điểm qua một vài tin quan trọng trong tuần. Trước hết, cũng xin nói rằng tên của bài lại một lần nữa được thay đổi theo những lời đề nghị của quý vị. Tựa đề có thay đổi nhưng nội dung thì cũng vẫn như cũ.
Tin Việt Nam
Nhà cầm quyền csVN tiếp tục chính sách bịt miệng và khủng bố các nhà hoạt động nhân quyền. Tin mới nhất từ đài VOA cho biết Công an Hà Nội đã bắt giữ 4 nhà hoạt động xã hội vào trưa ngày 16 tháng 11 sau khi những người này có cuộc gặp và trao đổi ý kiến với đại diện Liên minh châu Âu về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Những người bị bắt giữ gồm Blogger Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng và anh Nguyễn Chí Tuyến. Tiến sĩ Nguyễn Quang A và bà Bùi Thị Minh Hằng được thả ra sau đó vài tiếng. Anh Tuyến sau đó lên Facebook cá nhân và cho biết anh đã về nhà an toàn sau cuộc gặp.
Luật Khoa tạp chí, một tạp chí do blogger Phạm Đoan Trang là người đồng sáng lập, đã lên án vụ bắt giữ, giam giữ tại gia của công an Hà Nội đối với blogger Phạm Đoan Trang, coi đây là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, đặt Đoan Trang vào tình thế cực kỳ nguy hiểm vì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của cô đã bị ảnh hưởng, nhất là khi cô đang phải trải qua quá trình điều trị với vết thương ở chân.
Có lẽ chúng ta cũng không ngạc nhiên gì với việc bắt bớ này, vì nhà cần quyền csVN vẫn được biết đến với danh hiệu "Hèn với giặc, ác với dân."
Tuần qua tin tức trong nước cho biết VN và TC đã đồng ý thương thảo về vấn đề Biển Đông, khiến nhiều nhà quan sát đưa ra câu hỏi "Có phải VN muốn đánh đổi quần đảo Trường Sa để được tiếp tục chương trình khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh?" Bởi vì trước đây TC đã đe dọa dùng vũ lực với VN trong vụ Repsol khai thác dầu khí ở thềm lục địa thuộc quyền sở hữu của VN. Việc trao đổi này cho thấy rõ chủ trương "bán nước" của đảng csVN. Đồng thời cũng để cho TC có một nơi để đặt bàn đạp cho những cuộc xâm chiếm biển đảo trong tương lai.
Tình Hình Biển Đông
Tình hình Biển Đông bỗng trở nên lắng dịu sau chuyến công du Châu Á của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng Thống Phi, Rodrigo Duterte, trong buổi họp của ASEAN đã tuyên bố: "Vấn đề Biển Đông thì cứ để nguyên, không đụng đến vì chúng ta không quốc gia nào muốn có chiến tranh." Trong khi đó việc thảo luận về quy tắc ứng xử (code of conduct) được đưa ra như một lời hứa hẹn cho sự ổn định trong vùng. Chúng ta không thể không nghĩ rằng đây là một chiến thuật mới của TC để tạm thời làm lắng dịu sự căng thẳng với các quốc gia nhỏ bé trong vùng. Với chiến thuật "Vừa đe doạ, vừa mua chuộc trong khi đàm phán" thì hiển nhiên là phần thắng lợi sau cùng cũng vẫn là TC, kẻ mạnh và giàu có nhất trong vùng.
Tuy nhiên có những tin tức không được nhắc đến nhưng cũng đáng để chúng ta biết qua như:
Cuộc hội đàm bốn bên giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu và Hoa Kỳ tại Manila tuần qua với các chủ đề "Luật lệ về trật tự ở Á Châu, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường liên hệ, an ninh hàng hải, chống lại sự đe doạ của Bắc Hàn về việc chế tạo vũ khí hạt nhân, và chống khủng bố." Nhiều nhà quan sát đã xem cuộc đàm phán này là một sự việc quan trọng trong việc tái lập lại quan hệ của bốn quốc gia mạnh nhất trong vùng để chống lại sự bành trướng của TC và hăm doạ của Bắc Hàn.
Tập trận trên biển: Úc, Nam Hàn và Hoa Kỳ vừa tiến hành một cuộc tập trận chung, 4 ngày, trên vùng biển phía đông của TC (giữa Nhật Bản và TC). Đây là một cuộc tập trận hiếm có của Hải Quân Hoa Kỳ vì có sự tham dự của ba Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) USS Nimitz, USS Ronald Reagan, và USS Theodore Roosevelt. Đây là ba HKMH nguyên tử trong nhóm tấn công (strike group) của HQ Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên của HQ Hoa Kỳ cho biết mục đích của cuộc tập trận trên vùng biển quốc tế nàt là để cho thấy "khả năng điều hành nhiều nhóm tấn công của HKMH Hoa Kỳ với sự hợp tác của nhiều lực lượng tấn công. Cuộc tập trận này liên quan đến phòng không, quan sát trên biển, và các cuộc thực tập về việc kết hợp chặt chẽ giữa các HKMH cũng như các lực lượng bạn."
Về phía TC: Trong hai tuần qua, TC đã cố gắng phối hợp để thể hiện năng lực kỹ thuật của họ trong các lĩnh vực hàng hải và quân sự, tất cả nhằm mục đích củng cố cho sự hiện diện lâu dài của họ ở Biển Đông. Họ đã công bố một "nguồn cung cấp ổn định" trên Đảo Woody của Hoàng Sa, một chiếc máy bay lớn không người lái để hỗ trợ các nhiệm vụ vận tải trên đảo, một tàu lắp đặt năng lượng gió (wind turbine), cải tiến hệ thống phóng máy bay của HKMH, một lò phản ứng hạt nhân ngoài khơi, dự án phóng hoả tiễn thương mại (commercial rocket) từ một sàn nổi ở Biển Đông (tương tự như SpaceX của Mỹ), và, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một tàu xây dựng đảo loại lớn "có thể hoạt động vào đầu năm 2018."
Đài Loan: Trong khi quân đội của TC ngày càng tăng thì Đài Loan cũng tăng cường mức chi tiêu cho quân đội của họ đồng thời tiếp tục việc xây dựng trên những hòn đảo họ đang chiếm giữ trên Biển Đông. Trong tuần này, Tổng thống Đài Loan thăm viếng Hoa Kỳ để cố gắng làm nên một con đường nối kết với cả hai phía Hoa Kỳ và TC.
Một Chút Hy Vọng
Ngoài những chuyện ghi trên, chúng ta cũng có một chút hy vọng về kết quả của chuyến "Á du" của Tổng Thống Donald Trump. Cuộc Á du này đã đem lại cho Hoa Kỳ một mớ giấy tờ ký kết thương mại trị giá gần 300 tỉ đô la, có thể làm giảm bớt thâm thủng thương mại giữa Hoa Kỳ và TC. Thế nhưng các nhà quan sát cho rằng đây cũng chỉ là những lời "hứa cuội" của TC như đã từng làm như thế từ bao lâu nay. Chúng ta hãy chờ xem, nếu những ký kết thương mại này trở thành sự thực thì nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ phong phú hơn và ông Trump, có lẽ, sẽ là vị tổng thống đầu tiên làm Hoa Kỳ trở nên vĩ đại thêm một lần nữa "Make America Great Again".
Trong niềm hy vọng đó, chúng tôi xin chúc quý đọc giả ngày cuối tuần an lành và vui vẻ.
Post a Comment