Từ Catalonia Đến Việt Nam: Đòi Hỏi Độc Lập Và Thay Đổi Chính Trị
Tin trong ngày hôm nay cho biết các nhà lãnh đạo của vùng Catalonia ở Tây Ban Nha (Spain) là ông Carles Puigdemont tuyên bố rằng họ đã giành được quyền độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi và bị đàn áp bằng bạo lực.
Trong tổng số cử tri đi bầu là 42.3%, có đến 90% cử tri đã chọn độc lập trong cuộc bỏ phiếu hôm chủ nhật vừa qua để mở đường cho việc tuyên bố độc lập của Catalonia.
Người dân thuộc phái ly khai đã va chạm với cảnh sát và cảnh sát cũng đã tịch thu nhiều thùng phiếu cũng như phiếu bầu tại các địa điểm bỏ phiếu.
Theo chính quyền Catalonia, hơn 2.2 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu trên tổng số 5.3 triệu cử tri.
Một phát ngôn viên nói rằng có hơn 750 nghìn phiếu bầu không được kiểm do các địa điểm bỏ phiếu bị đóng cửa và thùng phiếu bị tịch thu.
Catalonia là một vùng khá giả với dân số 7.5 triệu người ở phía đông bắc Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng. Từ lâu vẫn là khu vực có quyền tự trị cao, nhưng Catalonia không được công nhận là một quốc gia độc lập theo hiến pháp Tây Ban Nha.
Hôm 27 tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu phụ tá của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, công bố trên truyền thông một bản đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay "lấy lại tên cũ là đảng Lao Động" và tuyên bố "trước quốc dân, đồng bào và quốc tế' quyết định đổi mới thành một đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ."
Bản đề nghị cải tổ đảng và cải cách chính trị đưa ra những phương pháp thay đổi dựa trên mô hình của các quốc gia tân tiến ở Châu Á như Singapore, Nhật và Hàn Quốc:
- Thay đổi Hiến Pháp để chấp nhận đa đảng,
- Trả lại tự do cho tất cả tù chính trị, những người bất đồng chính kiến,
- Cải tổ Hiến Pháp, Luật Pháp và thể chế kinh tế để phát triển.
Bản kiến nghị của ông Nguyễn Trung được công bố chỉ vài tuần trước khi Hội nghị Trung ương 6 của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam được dự tính sẽ diễn ra trong tháng 10/2017.
Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".
Trong bản tuyên bố hôm 2 tháng 9 vừa qua, Giáo sư Tương Lai viết "Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian."
Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp đầu tiên rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Măt trận Tổ quốc Thành phố HCM, đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 4 tháng 12 năm 2013, một thời gian trước khi qua đời.
Thế nhưng một bài viết hôm 2 tháng 9 về công tác "xây dựng Đảng" trên Tạp chí Cộng sản có nêu ra như sau:
"Xây dựng đạo đức không thể chỉ dựa vào tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên. Việc giáo dục, rèn luyện và thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong xây dựng Đảng chỉ có hiệu quả khi thiết lập được chế độ 'kỷ luật thép' trong Đảng và hệ thống chính trị."
Chế độ "kỷ luật thép" của đảng phải bảo đảm vừa răn đe, đề phòng, hạn chế sự vi phạm kỷ luật, vừa trừng phạt nghiêm khắc những hành vi, hiện tượng vi phạm đường lối hoạt động của đảng, và nhất là để bảo đảm tự tồn tại và độc quyền của đảng csVN.
Như thế thì bản kiến nghị của ông Nguyễn Trung cũng chỉ là một kiến nghị "không được cứu xét" như mọi kiến nghị hay đề nghị đã có từ trước.
Dân Việt Nam, nếu muốn có thay đổi về thể chế chính trị thì phải học bài học của Catalonia là những người có ý định thay đổi và những nhà đối kháng phải huy động toàn dân tham gia vào việc lật đổ đảng csVN, bởi vì đảng cộng sản không thể thay đổi mà phải bị thay thế.
Post a Comment