New York, Thành Phố Không Bao Giờ Ngủ…
Lâu lắm rồi gia đình tôi có làm một chuyến đi chơi xa mùa hè, đã có dịp đi ngang New York. Đáng lẽ tôi đã ghé thăm New York từ năm 1999, nhưng ngại ngần nhiều thứ vì không có ai quen ở đây, rồi lại nghe thiên hạ đồn rằng lái xe vào New York là một chuyện không dễ dàng chút nào. Với số lượng du khách mỗi năm khoảng mấy chục triệu tấp nập đổ đến thành phố này từ khắp nơi trên thế giới, đông đảo như vậy thì chỉ có mấy phương tiện chuyên chở công cộng như taxi, xe bus và xe điện ngầm vận chuyển được thôi.
Nhìn vào bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ của bà Laura (1), New York nằm lọt thỏm vào vùng ven biển Atlantic mênh mông, bên cạnh là chi chít những tiểu bang miền Đông Bắc Mỹ như New Jersey, Connecticut, Massachusetts… cách nhau chỉ vài trăm dặm (miles). Phải đến tháng Mười đúng vào mùa thu nhiều năm sau, nhân đại hội Trường cũ và tìm ra cô bạn thân học cùng lớp năm xưa, tôi mới có dịp đến thăm New York.
Tuy đã vào thu nhưng thời tiết ở Hoa Kỳ khá chênh lệch nhau, quen với khí hậu nóng ẩm nơi tiểu bang mình ở nên chỉ cần bước ra khỏi cánh cửa hãng hàng không, bạn có thể cảm ngay được không khí buốt lạnh của cơn gió mùa Đông Bắc. Anh Phong và con trai đi đón khách tại phi trường LaGuardia, từ phi trường về nhà bạn chưa tới nửa tiếng, nhưng nếu không phải là dân địa phương thì vẫn có thể đi lạc như chơi. Đến nơi thì đã có một cặp khác từ Wisconsin cũng đến từ trưa, đang cùng bạn tôi chuẩn bị bữa cơm chiều. Mừng cho bạn thật nhiều, sau những cơ cực lúc ban đầu nay đã có một cơ ngơi khang trang và rộng rãi. Nhà cửa ở New York giá cao gấp 3 lần nơi thành phố tôi cư ngụ, mặc dù có số tuổi hằng mấy chục năm. Căn nhà hai tầng có một khoảng sân nhỏ nhìn xuống con đường thật yên vắng vào buổi sáng, ven đường hoa hồng dại mọc tràn lan, loại hoa mà bà Laura đã thêu trên bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ, biểu tượng cho một số tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Đôi nét về New York City
New York nằm trên bến cảng thiên nhiên Atlantic thuộc Đông Bắc Hoa Kỳ, thành phố gồm 5 quận là The Bronx, Brooklyn, Manhattan, Queens và Đảo Staten. Đất chật người đông nên hầu hết dân nghèo đều sống trong những chung cư cũ kỹ, phương tiện di chuyển thông dụng là xe điện ngầm lan toả khắp nơi. Chuyến xe điện từ Brooklyn đến Manhattan đã cho một người khách du lịch như tôi có thể nhìn ra phần nào tầng lớp dân chúng sống trong khu vực ở thành phố đông đúc này.
New York nổi tiếng về phương tiện giao thông hoạt động suốt 24 trên 24 giờ mỗi ngày. Nhiều cư dân khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau, và cũng là cửa ngõ để di dân từ khắp nơi đổ về bằng đường biển. Khởi đầu thì New York được người Hà Lan thành lập năm 1624, đến năm 1664 lại bị Vương Quốc Anh kiểm soát. Năm 1785 cho tới năm 1790 New York đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ. Tượng Nữ Thần Tự Do là món quà của nước Pháp tặng cho Hoa Kỳ, khánh thành ngày 28 tháng 10 năm 1886. Nữ Thần Tự Do biểu tượng cho Libertas (chữ Latin, tiếng Mỹ là Liberty) và đã từng đón tiếp hằng triệu di dân đến đất Mỹ cuối thế kỷ 19-20.
Brooklyn Bridge |
Trời vẫn mưa phùn gió bấc, mới đầu thu lá chưa vàng, nếu không vì thời gian ngắn ngủi không kịp đi thăm các nơi đặc biệt của thành phố này thì cứ ở nhà mà xúm vào tán gẫu chuyện ngày xưa. Ngày xưa của hơn 40 năm trước, ôi thời gian sao đi nhanh thế, bữa cơm chiều hôm trước ắp đầy hương vị miền Tây quê nhà. Chồng bạn đã về hưu chỉ thích đi câu, những con cá biển tươi hồng nằm trong tủ lạnh chuẩn bị cho món canh chua, món bún cá và cá ướp muối xả chiên ròn. Quý là ở chỗ đó, món ăn ngon vì hợp khẩu vị đã đành, mà quý hơn là ở nơi xứ lạ quê người vẫn tìm ra cái vui nồng ấm, rộn rã tiếng cười như ở quê nhà ngày xưa.
Sáng hôm sau, tuy trời ui ui khi mưa khi nắng nhưng cả nhà quyết định dạo một vòng phố Tàu cho biết, New York có tới hai khu phố Tàu lập nghiệp từ thuở nào không ai biết. Lý do dễ hiểu là ngày chủ nhật mới có chỗ đậu xe, mà lại không phải trả tiền. Có mỗi một ngày chủ nhật thôi nghen, còn các ngày khác bạn đừng hy vọng lái xe vào khu thị tứ của New York vì không dễ gì kiếm được chỗ đậu xe và tiền đậu xe không phải là ít! Những ngày sau đã có một phương tiện giao thông giản tiện hơn đó là xe điện ngầm, chỉ cần mua một cái “ticket” là tha hồ đi khắp nơi.
Wall Street và Federal Hall
Wall Street |
Chắc không ai lạ gì đường Wall Street, giờ này vẫn còn một số người đeo ba lô, mang túi ngủ nằm ngổn ngang dọc theo đường đi, họ đến để phản đối cái gọi là “Thị Trường Chứng Khoán” mập mờ căn cứ vào các biến động khắp nơi trên nước Mỹ và trên toàn thế giới. Nhiều người đã tiêu tan sự nghiệp cũng vì say sưa chạy theo những con số ảo lên xuống mỗi ngày, mồ hôi nước mắt của một đời gầy dựng trong nhọc nhằn cũng vì cái đam mê này để có một kết thúc thê thảm. New York là thành phố lớn và nhộn nhịp, là hơi thở của nước Mỹ nhưng cũng thật khó thở cho những ai quen sống cuộc đời bình lặng nơi những tiểu bang êm ả.
Federal Hall |
Đi thăm Nữ Thần Tự Do
“Ráng cuốc bộ à nha!” cô bạn tôi dặn dò khi đưa cho tôi mượn đôi giày thể thao để có thể lội cùng khắp các nơi ở New York. Đôi giày quá khổ của bạn như đôi hia bảy dặm đưa tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm, công nhận là thoải mái khi lang thang trên các nẻo đường phố ở New York. Ngày thứ hai ở New York chúng tôi dự trù đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do, cũng bằng xe điện rồi xuống ga đi thẳng vào địa điểm tập trung để du khách xuống phà. Sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, những nơi này được kiểm tra kỹ lưỡng không thua gì ở phi trường hay các nơi quan trọng khác. Tuy lỉnh kỉnh như vậy nhưng lại khá yên tâm, xung quanh tôi lúc ấy xì xào những ngôn ngữ lạ vì hầu như du khách kéo đến đây từ khắp nơi trên thế giới.
Nữ Thần Tự Do |
Sau đó, du khách lại xuống một chuyến phà khác để đến đảo Ellis Island, nơi đây là trung tâm tiếp nhận di dân vào Mỹ hơn trăm năm trước (Nay được xây dựng lại thành Immigration Museum – viện bảo tàng của người di dân). Từ xa xưa, đây là cửa ngõ đón nhận những con tàu của người di dân tứ xứ, tại đây họ sẽ được phỏng vấn, khám sức khoẻ trước khi được chấp thuận cho nhập cư vào đất Mỹ. Nay là viện bảo tàng trưng bày nhiều hình ảnh cũng như những hành lý của những người được nước Mỹ mở rộng vòng tay đón nhận vào xứ sở này. Một cuộn phim khoảng nửa tiếng chiếu lại những cảnh lúc ban đầu, khiến hai cô bạn tôi rưng buồn vì nhớ lại những ngày vượt biển cam go và kinh hoàng trên biển khơi sau năm 1975. Nơi bạn được định cư cũng là New York, những ngày đầu tiên vật lộn với cuộc sống và làm quen với khí hậu mùa đông nước Mỹ không dễ chịu chút nào, chưa kể phải tiết kiệm tối đa để gửi về cho gia đình ở quê nhà cũng đang sống trong thời buổi “gạo châu củi quế”. Vậy mà anh vẫn cố đi học trở lại, trong cái vất vả mới hiểu rằng chỉ có sự học mới mở cánh cửa thênh thang cho cơ hội bước vào, và bây giờ sau hơn 30 năm trời đã không phụ lòng người có chí.
World Trade Center
Ngày hôm sau vẫn là một ngày mùa thu mưa rơi rả rich, nhưng chương trình thì vẫn tiếp tục đến viếng thăm hai tòa tháp đôi đã bị bọn khủng bố đánh sập vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
World Trade Center |
Đến nơi này, dù không ai bảo ai nhưng tất cả đều lặng lẽ nghiêng mình xuống mặt hồ và nhìn theo dòng nước chảy tuôn xuống hố vuông ở đáy hồ như tuôn vào lòng huyệt. Nhiều đôi mắt rưng rưng, có người giơ lá cờ nước Mỹ vẫy vẫy thay cho lời chào vĩnh biệt, cơn mưa đã qua nhưng bầu trời vẫn âm u như cũng muốn trút xuống muôn ngàn giọt lệ…
Times Square
Buổi sáng ngày kế tiếp, cơn mưa thu vẫn rớt những giọt lệ đầm đìa xuống thành phố, sau bữa ăn sáng tại nhà với món bún cá. Cá biển tươi do anh Phong câu là thú vui điền viên của người lính già sau những năm làm việc mệt mỏi, thêm món rau ghém đúng điệu miền Tây thuở nào nên ai cũng phải tấm tắc khen ngon. Sau bữa ăn còn ngồi tán dóc mãi cho đến khi chủ nhà hối mọi người chuẩn bị ra trạm xe điện ngầm để thăm nốt vài nơi mà bạn tôi bảo chẳng ai ở xứ Mỹ lại không nghe tiếng. Đó là Times Square nơi mà mỗi năm trong khí trời rét buốt, tuyết có rơi đầy trời thì người dân New York cũng vẫn tụ tập ra đây để đón chào năm mới.
Times Square đón Tết Dương Lịch |
Trong lúc đó, phái đoàn ngoại giao của một quốc gia nào đó đang xếp hàng chờ đợi lên phòng họp, trông vẻ mặt ai cũng trang trọng và lạnh lùng, còn bọn “phó thường dân” như chúng tôi thì cũng có phong cách thoải mái của người công dân sống trong một đất nước tự do, người dân không khúm núm sợ sệt bất cứ ai. Trên vách tường có treo lá cờ màu xanh của Liên Hiệp Quốc lỗ chỗ vết đạn, đây là lá cờ treo ở trụ sở Liên Hiệp Quốc được đem về từ Iraq, bên dưới là hàng chữ:
“Fallen in The Cause Of Peace”
Rồi theo đường 43th chúng tôi còn phải lội bộ mệt nghỉ đến khu trung tâm thành phố, buổi chiều vẫn mưa phùn gió bấc, người người vẫn chen chân trên những con đường ướt mưa. Chưa tối mà nơi này đã rực sáng ánh đèn màu, đây là đầu não của Đài Truyền Hình CNN, các biển quảng cáo đủ loại nhấp nháy trên các nhà chọc trời hình như đều quy tụ tại nơi đây, trái tim của New York lúc nào cũng hừng hực sức sống. Người ta vẫn thản nhiên đi trong mưa và giá lạnh, giữa lòng đường là những chiếc bàn tròn có dù che để người đi đường nghỉ chân, chúng tôi ngồi giữa phố nhấm nháp mấy nắm xôi dừa đem theo. Giữa phố đông người đi, mưa vẫn bay bay khi bóng chiều xậm lại cho đèn càng thêm rực rỡ, bên kia đường là rạp hát Broadway nổi tiếng của nước Mỹ, thường trình diễn những vở nhạc kịch trứ danh (mà giá vé vào cửa cũng không rẻ gì đâu nhé!).
Bốn ngày ở New York, thế mà cũng chưa đi hết nổi thành phố không bao giờ ngủ này. Trên đường về, ghé phố Tàu ở khu Manhattan chui vào một tiệm cà phê sâu hút trong lòng phố, nơi này có cà phê sữa nóng ngon tuyệt, ăn với miếng bánh ngọt rất thích hợp cho túi tiền của người bình dân. Theo bạn tôi thì ánh sáng của đèn màu đô thị vẫn không soi nổi hết những mảnh đời tăm tối, bóng đêm và tội ác vẫn đè nặng lên nhịp thở của New York mỗi phút giây.
Ngày hôm sau chúng tôi lên đường qua Boston để dự Đại Hội mùa Thu của trường. Những ngày ở New York là những ngày vui riêng của bạn bè cùng lớp năm xưa, đến Boston chúng tôi lại có niềm vui chung là được gặp lại Thầy cũ, Bạn cũ, và những anh chị đồng môn ở khắp nơi đổ về đây, dường như cũng chỉ mong đợi mỗi năm một lần được gặp lại nhau để tìm về kỷ niệm thời đi học.
White Mountains, Mùa Thu New Hampshire…
Cho mãi tới mùa thu năm nay khi mảnh vườn sau xào xạc lá với chút heo may, tôi mới chợt nhớ ra cách đây năm năm mình đã được tận hưởng một mùa thu tuyệt vời ở New Hampshire, cũng đúng vào giữa tháng Mười, sau đại hội thường niên của ngôi trường cũ.
Trước đó, chúng tôi phải bay tới New York thăm người bạn cũ, và cũng là lần đầu tiên được biết về một thành phố mà tôi đặt tên là “thành phố không bao giờ ngủ”. New York lúc đó mới vào thu, từ nhà bạn nhìn ra rất ít lá vàng lá đỏ, dù trời đã khá lạnh và mưa gió sụt sùi. Mãi tới khi chúng tôi lấy chuyến xe bus đi Boston họp bạn, ra khỏi New York chất chồng những khu chung cư cũ kỹ, đã thấy mùa thu thấp thoáng ẩn hiện trong những cánh rừng ven đường đi. Và phải cho tới khi Đại Hội kết thúc, chuyến du ngoạn đưa mọi người đi tìm mùa thu New Hampshire, ai cũng phải ngẩn ngơ vì muà thu rực rỡ, với bao nhiêu màu lá xanh, nâu, tím, đỏ như một bức tranh tuyệt vời của thiên nhiên.
Năm năm trời trôi qua như một giấc mơ, cũng từ mùa thu ấy tôi có dịp được hàn huyên tâm sự với ông thầy dạy môn Lý Hoá cách đây gần 50 năm. Thầy đã già nhưng bước đi còn vững chãi, ông nổi tiếng là một vị giáo sư rất nghiêm khắc ngày xưa, dường như hồi đó đám học trò nhỏ không bao giờ dám lân la hỏi thầy câu nào. Thế mà sau gần 50 năm, hai thầy trò bước thấp bước cao đi bên nhau nhắc chuyện cũ, vì đây là vùng đồi nên đôi khi phải leo dốc, đến tuổi này thời gian đã đẩy tình thầy trò gần nhau hơn. Và năm nay… vài người tôi gặp từ mùa thu ấy đã lần lượt từ giã mùa thu cuộc đời, thoảng như chiếc lá rụng theo cơn gió heo may mà chưa kịp nói với nhau một lời từ biệt.
Tác giả với cảnh Thu của New Hampshire |
Đây là vùng núi đồi trùng điệp, vào mùa thu cây lá đổi màu, tất cả những cánh rừng đều nhuộm một màu vàng mơ tuyệt đẹp. Những tầng lá chồng lên nhau rung lên cung đàn muôn điệu theo cơn gió heo may thổi về. Thật ra là lạnh, nhất là với những người sống ở phương Nam đi tìm mùa thu phương Bắc. Chiếc cầu nhỏ chênh vênh hai bờ thác, tôi lặng người đi vì cảnh đẹp của rừng thu, từ đỉnh thác nước róc rách chảy thành một dòng suối, cuốn theo những chiếc lá khô trôi về nguồn cội.
Sau đó mọi người lên xe đến một nơi khác cũng gần đó, được gọi là Cannon Mountain, một khu vực trượt tuyết nổi tiếng của Mỹ từ lâu đời nên từ năm 1938 đã có một đường xe cáp treo để đưa du khách lên đỉnh núi cao trên hai ngàn feet. Đến năm 1980 đường cáp được tân trang với hai xe đối trọng có thể chở được 70 người mỗi chuyến lên hoặc xuống núi. Đây là đường cáp treo có độ dốc lớn nhất nước Mỹ (và là hàng thứ hai trên toàn thế giới) đưa du khách lên thăm đỉnh núi tuyết phủ mịt mù từ giữa tháng Tư đến giữa tháng Mười hàng năm.
Mùa Tạ Ơn
Chỉ không đầy 2 tuần sau khi chúng tôi trở về nhà, cơn bão Sandy (cuối tháng 10, 2012) đã thổi vào New Jersey, New York và các tiểu bang lân cận, đem đến cảnh khổ cho bao nhiêu người đang cư ngụ ở đây. Những nơi chốn chúng tôi đã tới cũng bị tàn phá nặng nề, nhiều vùng trong thành phố ánh sáng này vẫn chìm trong bóng tối, cơn bão tuyết tiếp theo nàng Sandy còn ác nghiệt hơn, vì mang theo những cơn mưa tuyết bao trùm lên cảnh vật khiến người ta rét cóng. Không ai nghĩ nổi rằng nước Mỹ vẫn có những người nghèo phải đi nhặt nhạnh thức ăn trong thùng rác của siêu thị để sống qua cơn đen tối vì thiên tai giáng xuống…
Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, tôi muốn mượn những dòng chữ này để cảm ơn tất cả mọi người, đã trôi qua dòng đời mà tôi như chiếc thuyền con bập bềnh trên dòng sông uốn khúc. Cũng như các bạn cùng lớp may mắn của tôi, trải qua những năm tháng gian nan với cuộc sống để rồi có ngày đã đến được nơi này, đất nước Hoa Kỳ đã mở toang cánh cửa cơ hội cho gia đình tôi được vươn lên. Cảm ơn đất nước này, cảm ơn những người Lính đã xả thân ngoài chiến trường, dãi dầu với khói lửa chiến tranh. Cảm ơn Thầy Cô và các anh chị đồng môn khác nhau qua nhiều thế hệ, mà vẫn đến với nhau bằng tình thân anh chị em một nhà từ ngôi trường cũ. Cảm ơn riêng đến các bạn cùng lớp với tôi, cảm ơn người bạn đời của chúng tôi, đã thật chu đáo tạo cơ hội để bạn bè “Xóm Nhà Lá” chúng tôi ngày xưa có được những ngày vui bên nhau thật tròn trịa sau mấy chục năm rời xa trường cũ…
Chú thích
(1) Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ (Phần 1)
http://www.dslamvien.com/2017/10/buc-tranh-theu-ban-do-nuoc-my-phan-1.html
Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ (Phần 2)
http://www.dslamvien.com/2017/10/buc-tranh-theu-ban-do-nuoc-my-phan-2.html
Post a Comment