Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ (Phần 1)
Tôi chắc chắn là mình phải có duyên với bà Laura vì bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ của bà, hiện đang treo ở phòng khách nhà tôi. Tấm tranh nằm trên bức tường ngang ở phòng ngoài, đập ngay vào mắt khách ghé thăm, nên ai cũng không khỏi đứng lại nhìn một chốc. Dù rằng bề ngoài bức tranh trông có vẻ tầm thường thiệt đó nhưng đối với tôi quả là rất đẹp.
Nắng tháng Sáu oi ả, lũ trẻ bắt đầu nghỉ hè là nhiều người hay dọn dẹp nhà cửa hoặc dời nhà đi nơi khác, chuẩn bị trước cho mùa tựu trường tiện việc học cho con cái. Ở cuối con đường Elkington cũng có một điểm “garage sale”, căn nhà này của một đôi vợ chồng gìa người Mỹ trắng, trước kia mỗi buổi sáng đẹp trời họ thường cùng nhau đi bách bộ dưới tàn cây râm mát. Thời gian sau thỉnh thoảng người trong xóm thấy bà cụ lặng lẽ đi một mình, gặp nhau thì cũng chỉ trao đổi vài câu lấy lệ. Sự vắng mặt của ông bà cụ Laura cũng giống như một người hàng xóm gần nhà tôi, họ “đi” cả rồi, cô này còn trẻ chỉ ngoài bốn mươi, sáng đi tối về nên cũng ít ai biết, lâu lắm cũng không thấy đâu. Một hôm sửa lại cái hàng rào giữa hai nhà, hỏi thăm mới biết cô đã ra người thiên cổ.
Xứ sở này láng giềng vẫn có những cái lạ lùng như thế, người Mỹ khác với người Á Đông ở chỗ, họ thích thay đổi nhà cửa luôn luôn khi có dịp, vì công ăn việc làm cũng có, vì thích cái gì mới mẻ cũng có, căn nhà cũ hay chiếc áo cũ đối với họ khi cần thay đổi không làm họ quyến luyến bao nhiêu. Bà Laura chết khi nào cũng chẳng ai hay, con đường vẫn thế, hai hàng cây ven đường vẫn xoè ra những tán lá rộng mà khi sang hè có tiếng ve gọi chiều râm ran. Căn nhà đã cũ được treo bảng bán hình như đã có người mua, và đứa cháu nội bán tống bán tháo những thứ cũ kỹ của ông bà để lại.
Buổi sáng hôm ấy là một ngày thứ Bảy trời đẹp, tôi đi bộ ngang nhà bà cụ Laura , thấy đứa cháu đang loay hoay dựng mấy tấm tranh cũ dựa vào cái bàn chất đầy những thứ lặt vặt, chắc hẳn là những đồ dùng của bà Laura thời sinh tiền. Mắt tôi chạm ngay vào bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ, nền vải đã ngả vàng với thời gian nhưng được lộng trong một cái khung gỗ màu nâu xậm. Tấm tranh thêu bản đồ nước Mỹ với 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang lại thêu một loài hoa biểu tượng cho tiểu bang ấy. Đứa cháu thấy tôi chăm chú nhìn bức tranh liền nói:
“Đây là bức tranh của bà nội tôi, bà ấy đã thêu nó vào những ngày chờ đợi ông tôi đi xa, nghe nói tận chiến trường Việt Nam. Nếu bà mua, tôi chỉ bán 5 đồng…”
Tôi há hốc mồm nhìn chàng thanh niên còn khá trẻ, trong bụng nghĩ giá cậu ta nói 30 đồng tôi cũng mua, vì hình như bức tranh có một hấp lực kỳ lạ khiến tôi không rời mắt được. Tôi bật hỏi:
“Sao cậu không giữ làm kỷ niệm?”
Hai chữ “kỷ niệm” hình như quá mới mẻ với một người trẻ tuổi. Cậu hồn nhiên trả lời:
“Căn nhà đã cũ rồi chúng tôi không muốn ở, hơn nữa căn nhà mới lại rất đẹp không có chỗ để treo một bức tranh tầm thường như vậy.”
Tôi vội móc túi lấy năm đồng trao cho chàng thanh niên, lòng nao nao buồn, hình như có giọt nước mắt rơi trong lòng tôi khi chạnh nghĩ đến hai chữ Kỷ Niệm. Thế nào là tầm thường, kỷ niệm tình yêu của một người vợ xa chồng trong thời chinh chiến, bà Laura đã trải lòng mình trong từng đường kim mũi chỉ về đất nước của bà. Kỷ niệm của một bà nội già nua đã không có giá trị dưới mắt nhìn của lũ con cháu, mai sau liệu rằng những kỷ niệm của tôi để lại có được trân trọng không?
Tôi nghĩ đến cái áo dài màu cánh dán của mẹ tôi được xếp lại cất trong ngăn tủ, mỗi lần nâng niu nó tôi lại hình dung ra tấm thân gầy và những giọt mồ hôi của mẹ. Tôi nghĩ đến cây thập giá mạ vàng nhỏ bé chị tôi tặng cho tôi thời thơ ấu hơn nửa thế kỷ trước, vẫn còn treo trên bức vách trong phòng ngủ. Tôi nghĩ đến con búp bê tật nguyền, món quà tình yêu Giáng Sinh hơn 40 năm trước vẫn xiêu vẹo đứng trong tủ sách. Một ngày nào đó tôi trở về cát bụi, những kỷ niệm ấy sẽ đi về đâu?
Tôi khệ nệ vác bức tranh thêu của bà Laura về nhà, lau chùi bụi bặm xong bức tranh sáng hẳn lên, từng đường kim mũi chỉ cho tôi hình dung ra bóng dáng một người vợ hiền, cần mẫn thêu từng mũi từng mũi cho mỗi ngày cô đơn để chờ đợi, đáng quý biết bao nhiêu. Tìm một chỗ xứng đáng cho bức tranh, mặc dù là kỷ niệm của bà Laura, ẩn hiện trong đó một tình yêu đất nước tiềm tàng trong từng đường kim mũi chỉ. Buổi chiều cả nhà đi làm, đi học về, con tôi ngạc nhiên nhìn bức tranh rồi hỏi:
“ Wow! Mẹ lại bưng về một cổ vật nhà người ta nữa phải không?”
Mấy đứa nhỏ thường cho là tôi lẩm cẩm khi thích đi tìm mua những món cũ kỹ bưng về từ nhà người khác, nhưng cũng không khỏi thán phục ý nghĩa của bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ. Ngoài những môn học từ nhà trường đám trẻ thường cũng chả biết bao nhiêu về địa lý nhân văn, thổ nhưỡng của đất nước rộng lớn này.Tôi đã có muời mấy năm sống ở Hoa Kỳ, lại có được cái may là cả nhà đã vài lần làm những chuyến du lịch đi qua nhiều tiểu bang nước Mỹ, những tiểu bang miền Đông Bắc cho tới vùng Tây Nam, đường xa vạn dặm đã cho tôi cái nhìn bao quát về một xứ sở vẫn được gọi là Hiệp Chủng Quốc.
Say sưa nhìn tấm tranh thêu bản đồ nước Mỹ để nhớ lại những nẻo đường mình đã đi qua, dù mỗi cảnh mỗi khác nhưng đã để lại trong trí nhớ tôi những cái đặc biệt của mỗi địa phương tôi ghé lại. Chính giữa khung tranh là hình bản đồ được thêu bằng chỉ xanh đậm khoanh rõ hình thể lớn nhỏ của mỗi tiểu bang, xung quanh bức tranh là một khung vuông vức, bà Laura đã chia ra từng ô rồi tỉ mỉ thêu bông hoa bằng chính màu sắc của hoa lồng thêm tên của tiểu bang đó.
Blue Bonnet |
California Poppy |
Yucca |
Sagebrush |
Saguaro |
Xương rồng nhiều vô số kể, nhiều giống cao hằng mấy thước vươn lên giữa đồng khô cỏ cháy, mọc trên những ngọn đồi trọc làm cho phong cảnh càng hoang vu. Những bông hoa xương rồng vàng tươi thật đẹp trĩu trên cành xương xẩu, loại hoa Saguaro điểm tô cho sa mạc bớt vẻ hoang tàn. Lơ mơ nhìn qua kính xe, cái nắng ở đây làm cho mọi người cảm thấy khô đến rát mặt. Tôi nghe chị tôi nói:
“Vùng núi non khô khốc và sa mạc này ngày xưa là của dân da đỏ. Mình cứ tưởng tượng xem, nghe như có tiếng vó ngựa dập dồn trên các đỉnh đồi trọc, nhưng lạ thay giữa vùng sa mạc thỉnh thoảng vẫn thấy có những cụm cây xanh, chỗ ấy nhất định có hồ nước. Đấy là ân sủng của thiên nhiên, chứ làm sao con người sống nổi với một khí hậu khắc nghiệt, đồi núi trơ trụi như ở đây.”
Quay trở về Texas sau một chuyến đi dài, thấm mệt, bây giờ nhìn tấm tranh thêu của bà Laura, tôi lại nhớ đến một chuyến đi khác về hướng Đông để thăm tiểu bang Louisiana xứ đầm lầy, nơi ngày xưa có chuyến tàu chở những người nô lệ da đen đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ. Ở đây họ trồng một loại cây cao có bóng mát, lá xanh nâu rất lớn như lá bàng khi nở hoa cũng to không kém, đó là hoa Magnolia.
Magnolia |
Hoa Lục Bình |
Camelia |
Cherokee Rose |
Trước khi đi ngược lên những tiểu bang miền Đông Bắc, bức tranh thêu của bà Laura đã đưa tôi về miền biển xanh cát trắng Florida, nếu đi về miền Trung thì Florida càng tuyệt vời hơn với những vườn cam vàng óng và các loại trái cây nhiệt đới hình như cũng hiện diện ở nơi này. Chanh, cam, mãng cầu, nhãn, chôm chôm, dần dần cũng được người Việt trồng trọt ở tiểu bang quanh năm nắng ấm. Tuy nhiên, vì gần biển nên Florida cũng bị hứng nhiều trận bão dữ dội hơn các nơi khác, nhưng sống đâu quen đó, người dân ở đây đã tạo cho họ thói quen chịu đựng với thiên tai, giống như xứ Phù Tang người ta quen dần với những cơn địa chấn.
Orange Blossom (Hoa Cam) |
Khu nghỉ mát ở những thành phố biển nổi tiếng đã thu hút bao nhiêu lượt du khách đến đây vào dịp hè, người đi xa hay dừng lại để ngắm nhìn những vườn cam, hít thở hương hoa cam dìu dịu. So sánh với cam California nổi tiếng mọng nước nhưng hơi nhạt khác cái chua ngọt của cam Florida, tôi lại lan man nhớ đến những quả cam nhỏ xíu rám nắng hè cuả miền Texas nơi tôi cư ngụ. Trái nhỏ mà sao ngọt mặn như bàn tay hoá công đã ướp vào đấy một chút muối đậm tình của miền “đất nóng tình sôi”.
Post a Comment