Căng Thẳng Leo Thang Tại Trung Đông: Chiến Đấu Cơ F-18 Của Mỹ Bắn Hạ Máy Bay Của Syria
Vào tháng Tư, 2017, trong khi Tổng Thống Donald Trump đang đón tiếp Chủ Tịch Tập Cận Bình, thì các tàu chiến Hoa Kỳ đã bắn 59 phi đạn Tomahawk vào phi trường của Syria. Và ngày Chủ Nhật 18/6/2017 vừa qua, chiến đấu cơ F-18 của Hoa Kỳ đã lại bắn hạ một oanh tạc cơ của Syria.
Xin mời quý vị theo dõi phần tường trình của phóng viên Paul McLeary về việc này qua bài Russia Threatens U.S. Warplanes in Syria, Escalating Tensions, ấn hành trên tạp chí ForeignPolicy.com ngày 19 tháng Sáu, 2017.
Hôm thứ Hai, 19/6, Nga đã cảnh cáo rằng bất cứ máy bay nào của Mỹ hay liên quân bay ở phía tây sông Euphrates của Syria sẽ bị theo dõi bởi chiến đấu cơ và các giàn phòng không của Nga, đây là một phản ứng cấp kỳ của Nga trước việc một chiến đấu cơ F-18 của Hoa Kỳ đã bắn rớt chiếc oanh tạc cơ Su-22 của Syria (vào hôm Chủ Nhật 18/6).
Cho đến nay, vẫn không ai biết rõ được là người Nga có khả năng theo dõi hàng chục phi tuần được thực hiện bởi các máy bay của Mỹ và liên minh bay trên Syria vào bất cứ ngày nào, nhưng lời đe dọa này càng làm cho những căng thẳng leo thang khi các chiến binh Ả Rập và người Kurd được Mỹ hậu thuẫn đang gây sức ép lên các căn cứ địa vững chãi của Nhà nước Hồi giáo (Islamic State - HT: vẫn thường được biết đến qua tên ISIS) tại Raqqa, và ở miền Nam Syria, các lực lượng của Hoa Kỳ đang có thêm nhiều cuộc chạm trán với các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.
Cùng với Iran, Nga là đồng minh cật ruột của chế độ Bashar al-Assad của Syria, và việc một chiến đấu cơ phản lực của Mỹ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Syria đã thể hiện một sự leo thang mới trong một tình huống ngày càng căng thẳng đang diễn ra tại đông nam Syria. Với Nhà nước Hồi giáo đang mất dần lãnh thổ, các lực lượng trung thành với chế độ Syria và các lực lượng dân quân võ trang (militia) được Iran hậu thuẫn đang trên đà gia tăng chạm trán với các lực lượng quân đội cùng liên kết với Hoa Kỳ.
Cũng là một phần trong sự phản đối chống lại việc bắn hạ máy bay của Syria - mà Bộ Quốc phòng Nga gọi đó là một "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, ngoài ra còn là sự xâm lược quân sự đích thực chống lại Cộng hòa Ả Rập Syria" - Moscow cũng cho biết họ đang đóng cửa đường dây nóng (hotline) giữa các sĩ quan quân đội Mỹ và Nga trong khu vực, nơi mỗi bên đưa ra những thông tin cảnh báo về các hoạt động không quân sắp tới của mình tại Syria.
Cũng vào thứ Hai, các giới chức quốc phòng của Hoa Kỳ nói rằng đường dây nóng vẫn mở. Phát biểu tại Washington vào chiều Thứ Hai, Đại Tướng Joseph Dunford, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân (Chairman of the Joint Chiefs), cho biết hai bên đã thảo luận vấn đề này vào sáng Thứ Hai, và kêu gọi sự kiên nhẫn khi hai bên tiếp tục thảo luận về các hoạt động tại Syria.
"Tôi tin tưởng rằng chúng ta vẫn đang duy trì được mối thông tin liên lạc giữa các trung tâm hành quân của chúng ta và trung tâm hành quân của Liên bang Nga," Tướng Dunford nói tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia. "Tôi cũng tin tưởng rằng lực lượng của chúng ta có khả năng để tự coi sóc lấy họ."
Trong tháng Tư vừa qua, Nga đã đóng lại đường dây hotline trong khoảng thời gian ngắn, sau khi các tàu của Mỹ đã bắn 59 phi đạn Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria để đáp lại một cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học nhắm vào thường dân xuất phát từ căn cứ này.
Tướng Dunford cho biết: "Liên bang Nga đã chỉ ra rằng mục đích của họ ở Syria, như cûa chúng ta, là đánh bại ISIS, và chúng ta sẽ thấy ở đây nếu điều đó đúng trong những giờ phút sắp tới.
Đại Tá Ryan Dillon, phát ngôn viên của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu, nói với tạp chí Foreign Policy hôm thứ Hai rằng "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc hành quân trên không ở khắp Syria," mặc dù có những lời chống đối của Nga. Ông còn nói việc bắn hạ là "phù hợp với các quy luật giao chiến (rules of engagement) và luật quốc tế."
Tướng Dunford đã đưa ra những dẫn chứng trong lần xuất hiện của ông vào thứ Hai, nói rằng vụ bắn hạ là hợp pháp chiếu theo quyết định vào năm 2001 của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cho phép quân đội Hoa Kỳ tấn công al-Qaeda và các chi nhánh của nó. Vì mục tiêu đang nhắm tới là thành phần Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Syria, cho nên các lực lượng của Hoa Kỳ được che chở dưới sự bảo vệ rộng rãi đó.
Bản tuyên bố của Nga đã cẩn thận không hứa hẹn là sẽ bắn hạ các máy bay của liên minh, nhưng cảnh cáo rằng bất cứ máy bay nào của liên minh "sẽ đều bị xem là các mục tiêu trên không và đều bị theo sát bởi hệ thống phòng thủ địa không và các máy bay phòng không của Nga."
Kể từ cuối thập niên 1990s khi có xung đột ở Bosnia, thì việc bắn rơi chiếc Su-22 là lần đầu tiên máy bay Mỹ bắn rớt một chiếc máy bay có người điều khiển trên đó. Tuần trước, một chiếc F-15 bắn rớt một chiếc drone (máy bay không người lái) do Iran chế tạo đã được dùng để tấn công các đơn vị biệt kích của Mỹ và một nhóm các chiến sĩ người Syria chiến đấu chống ISIS đang đi tuần tra ở miền nam Syria, gần biên giới Iraq.
Nga đã giàn ra các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của họ tới các căn cứ ở phía tây của Syria, nhưng có nhiều phần là họ khó có thể bắn hạ các máy bay đang bay xa như ở tận Raqqa. Michael Kofman, một khoa học gia nghiên cứu của CNA Corporation đã nói với Foreign Policy rằng vì có núi đứng giữa các giàn phòng không tại vùng ven biển và phần còn lại của nước Nga, cho nên "có lẽ họ chỉ có thể nhìn thấy ở mức độ thực sự cao, và chưa chắc là họ có thể nhìn thấy được ra xa về phía viễn đông," để nhắm bắn tới các máy bay gần Raqqa.
Sự việc bắt đầu vào Chủ Nhật sau khi các lực lượng thân chế độ (pro-regime) – đó là một từ ngữ bao trùm (blanket term) được Ngũ Giác Đài gắn cho các nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn, các dân quân Shiite Iraq và các nhóm khác chiến đấu bên cạnh các lực lượng của chính quyền Syria - đã tấn công một đơn vị Lực lượng Dân chủ Syria (Syrian Democratic Forces, SDF), được Hoa Kỳ yểm trợ, nơi gần thành phố Taqba, phía tây của Raqqa. Vụ tấn công xảy ra bất chấp những gì mà một viên chức quốc phòng của Mỹ đã nói với Foreign Policy là đã có một thỏa thuận giữa cấp chỉ huy SDF địa phương và chỉ huy của Syria là không tấn công lẫn nhau trong một khu vực được chỉ định rõ này.
Sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc xung đột Syria đã kéo dài được sáu năm đang trở nên phức tạp hơn. Việc bắn rớt máy bay của Syria, và tiếp đến là các cảnh cáo của Nga, xảy đến ngay vào lúc lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh càng ngày càng vướng mắc với các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Syria. Khi các phần lãnh thổ trong tay Nhà nước Hồi giáo bị thu hẹp lại, thì Iran đã đẩy mạnh thêm nhằm chiếm được chỗ đứng càng nhiều càng tốt trên vùng lãnh thổ để giữ những tuyến đường mở ra từ biên giới của Iran với Iraq, xuống đến tận Damascus, và vào Lebanon.
Các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ trong tháng vừa qua đã 3 lần ném bom vào các lực lượng Hezbollah được Iran yểm trợ, sau khi họ di chuyển đến quá gần một lực lượng trú phòng của Hoa Kỳ ở al-Tanf gần biên giới Iraq.
Đại tá Dillon nói rằng Hoa Kỳ đang theo sát các lực lượng ủng hộ chế độ khi họ tiếp tục di chuyển về phía đông từ khu vực Taqba hướng tới tỉnh Deir Ezzor ngay biên giới với Iraq. Các cấp chỉ huy của Hoa Kỳ đã nói phần lớn cấp lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo đã bỏ chạy khỏi Raqqa sang các làng dọc theo thung lũng Sông Euphrates trong tỉnh và họ mong đợi thành phố Maydan, trong thung lũng, sẽ là nơi xảy ra một trận chiến lớn.
Hôm Chủ nhật, Iran đã bắn 6 phi đạn nhắm vào các mục tiêu thuộc Nhà nước Hồi giáo ở Deir Ezzor nhằm đáp trả vụ tấn công gần đây vào toà nhà Quốc hội Iran và một ngôi đền ở Tehran.
Chính quyền của Trump đã có một cuộc tranh luận nội bộ về cách sẽ phải phản ứng như thế nào trước sự hiện diện của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở đông nam Syria, với một vài giới chức của Toà Bạch Ốc muốn đẩy tới để đạt được một cách giải quyết mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn Iran và các thành phần tay sai ủy nhiệm không để họ chiếm giữ khu vực ngay biên giới Iran - Syria.
Post a Comment