Header Ads

Tháng Tư Và Chiến Sử


Bùi Phạm Thành


Lịch sử không phải lúc nào cũng được viết bởi kẻ thắng trận hoặc có uy quyền. Lịch sử lại còn là những văn kiện sống, có thể được viết bởi những người đã từng sống qua hoặc trực tiếp tham dự trong những giai đoạn lịch sử, nhất là trong những giai đoạn chiến tranh. Những văn kiện sống được viết như vậy sẽ để lại cho đời sau những chứng tích để tham khảo và bàn luận về những gì đã xảy ra.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam từ mấy ngàn năm nay là lịch sử của sự tranh đấu không ngừng nghỉ bằng máu và nước mắt cho sự hiện hữu của người Việt, của dân tộc Việt trước ngoại xâm đến từ phương Tây, phương Bắc.

Tại những thời điểm sinh tử cho sinh mệnh lịch sử Việt, bên cạnh những tàn ác vô nhân của ngoại nhân còn phải ghi nhận sự bất lương và phản bội của những phần tử mang dòng máu Việt nhưng đã bán linh hồn cho quỷ dữ đã không hề ngần ngại đâm vào sau lưng Mẹ Việt Nam những nhát dao chí tử.

Vào giữa thế kỷ 20, qua bao gian khổ và hy sinh, cuối cùng dân tộc Việt Nam cũng đã vứt bỏ được ách thực dân Pháp.  Nhưng là cả một đại bất hạnh cho dân tộc Việt, khi ngay sau đó những đứa con cưng của chủ nghĩa cộng sản đã tự nguyện làm "mũi nhọn xung kích" cho một chủ nghĩa vô nhân và ẩn náu sau chiêu bài yêu nước đã quỷ quyệt lợi dụng và đem xương máu của người dân Việt hoang phí trong chiến tranh “giải phóng” mà thực chất chỉ là làm tay sai cho Liên Xô, cho Tàu cộng.

Thảm thương nhất cho dân tộc Việt Nam là bên trên sự tổn thất kinh hoàng về sinh mạng do chiến tranh “giải phóng” còn là một dân trí bị đồi trụy hóa, lương tri và đạo đức của người dân trong nước, nhất là ở nơi các giới chức quyền, bị băng hoại.

Thành ngữ tây phương có câu "The winners write history", có thể hiểu là "Kẻ thắng trận (là người) viết lịch sử." Hiển nhiên là thế, vì thắng trận nên họ có muốn viết sao cũng được bởi lúc đó họ là kẻ mạnh, có uy quyền.

Ngày hôm nay, lịch sử Việt Nam cũng  đang được viết bởi những kẻ thắng trận. Nhưng đáng ghê sợ hơn nữa, những kẻ thắng trận này là những con người cộng sản, là những bậc thầy của lừa lọc và gian trá. Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại bị bôi xóa, cạo sửa và ngụy tạo một cách triệt để, quy mô và có hệ thống bởi kẻ chiến thắng như những người cộng sản Việt Nam.

Thế nhưng, lịch sử lại còn là những văn kiện sống, có thể được viết bởi những người đã từng sống qua hoặc trực tiếp tham dự trong những giai đoạn lịch sử, nhất là trong những giai đoạn chiến tranh. Những văn kiện sống được viết như vậy sẽ để lại cho đời sau những chứng tích để tham khảo và bàn luận về những gì đã xảy ra.

Nếu không có những văn kiện sống như thế, thì lịch sử Việt Nam khi được biên soạn bởi các giới cầm quyền cộng sản sẽ chỉ có thể là những giả trá để ca ngợi và biện minh cho kẻ chiến thắng với bạo lực và quyền uy không giới hạn.

Nếu không có những văn kiện sống như thế, thì chính nghĩa luôn luôn nằm trong tay của kẻ thắmg đang viết sử!

Trong những văn kiện sống như thế, người dân chính là một nhân chứng hùng hồn nhất. Chính người dân với chọn lựa có ý thức của họ để sống với chính thể nào, chính quyền nào, thì đó mới chính thực sự là thước đo, mới thực sự nói lên được ai là người có chính nghĩa.

Và phải nói rằng, trước những chọn lựa đó, mỗi người dân đều phải đem sinh mạng và sự tự do của chính mình, hay của cả gia đình mình, ra để thực hiện.

Lịch sử sẽ luôn luôn được tô đậm bởi những văn kiện sống! Và người dân chọn theo về phía bên nào, thì bên đó có chính nghĩa. Đơn giản là như thế.

Lịch sử đã chứng minh rằng chiến tranh nào thì cũng sẽ chấm dứt và có phân chia thắng bại. Kẻ thắng không hẳn là có chính nghĩa, như đã đề cập bên trên, mà dân chúng sẽ là những người quyết định bên nào có chính nghĩa bằng sự lựa chọn của họ.

Năm 1954, cuộc di cư từ Bắc vào Nam của cả triệu người để lánh nạn cộng sán.

Năm 1975, cả hàng trăm ngàn người di tản ra ngoại quốc khi cộng sản Bắc Việt tiến chiếm miền Nam.

Hàng nhiều năm sau đó là những làn sóng người tị nạn vượt biển hãi hùng, là những chuyến vượt biên giới bằng đường bộ đi tị nạn đã là những bằng chứng hùng hồn nhất nói lên sự chọn lựa của người dân Việt Nam và cho thấy bên nào có chính nghĩa. Sự chọn lựa này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam không ghi chép rõ ràng về Lê Long Đĩnh, và lịch sử do sử gia của những người cộng sản Việt biên soạn cũng không có một chương nào ghi rõ chi tiết về nguyên nhân và hậu quả xác thực của những cuộc đấu tố địa chủ của cộng sản Việt Nam vào đầu thập niên 1950; hoặc những cuộc tắm máu người dân không cầm vũ khí trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế.

Đồng thời lịch sử đó cũng không có chương nào nói về  chính sách trả thù tàn độc qua cái gọi là "học tập cải tạo" và thực trạng thảm thương của những quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hoà bị đưa vào trại “cải tạo” sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tại sao lại như vậy? Tại vì những quyển sử đó được viết bởi kẻ cộng sản thắng trận.

Bởi đó, chúng ta có thể thấy được sự cần thiết và tầm mức rất quan trọng của những trang sử được ghi lại bởi những người trong cuộc, những nhân chứng sống, đã thực sự có mặt ngay trong khoảng thời gian lịch sử đó - không phải như những kẻ bàng quan mà là những người trực tiếp tham dự.

Quyển Quân Sử Binh Chủng Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam, được ghi lại bởi những người đã chiến đấu và đổ máu cho lịch sử Việt Nam, là một trong những tài liệu quý báu cho thế hệ mai sau khi cần tìm hiểu về cuộc chiến ý thức hệ giữa Việt Nam Cộng Hoà (miền Nam) chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản do miền Bắc chủ xướng.

Ngay trong phần đầu tiên của lời tựa đã nói lên ước vọng sâu xa này:
"Quyển Quân Sử của Binh Chủng Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam ra đời như một nhu cầu cần thiết để minh định một cách khách quan cuộc chiến mà SĐTQLC đã tham dự, cũng như ghi lại những sự gian khổ và hy sinh thật sự trong suốt chiều dài của cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam, chống lại sự gây chiến của cộng sản Bắc Việt được cộng sản quốc tế yểm trợ."

Đúng vậy, quyển quân sử này là một văn bản ghi lại từ ngày đầu hình thành Binh Chủng Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC), ngày 13 tháng 10 năm 1954, tiếp theo đó là hơn 20 năm dài với những trận chiến mà binh chủng đã tham dự, và sau cùng là sự tan rã của binh chủng khi chính phủ VNCH tuyên bố đầu hàng csVN ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong suốt hơn 20 năm chinh chiến với những trận chiến đã đem tên của những địa danh xa lạ vào trong những tác phẩm văn chương, âm nhạc và dĩ nhiên là trong những trang quân sử của Quân Lực VNCH. Từ trận chiến đầu tiên năm 1955 ở Giồng Riềng, Rạch Giá cho đến những tên quen thuộc như Đỗ Xá, Bình Giả, Đức Cơ ... rồi đến Mậu Thân năm 1968, Lam Sơn 719 và trận Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972 đã được xem như một trận chiến ngang hàng với trận TQLC Hoa Kỳ chiếm đảo Iwo Jima của Nhật trong Đệ Nhị thế Chiến. Để rồi kết thúc bằng những trận chiến năm 1975 cho đến lúc phải buông súng sau khi chính phủ VNCH ra lệnh đầu hàng.

Có mấy ai biết những gì họ đang có, đang hưởng là do máu và nước mắt của những người lính đã đem chính bản thân của họ để đem lại an bình, hạnh phúc cho dân chúng.
Qua những trang chiến sử, chúng ta được thấy tóm luợc của những cuộc hành quân và bản đồ của trận chiến. Những dòng chữ không mang một âm thanh của tiếng súng, những tấm bản đồ không ghi lại một dấu vết của đạn bom. Thế nhưng, chúng lại tiềm ẩn những kinh hoàng của chiến trận đầy mồ hôi, máu, nước mắt và sự hy sinh dũng cảm của những chiến sĩ TQLC đã tham dự. Những hình ảnh ấy và những câu thơ trong bài “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của bà Đoàn Thị Điểm (dịch thơ của Đặng Trần Côn) đã cho chúng ta thấy những đau thương, bi hùng, không những của người lính chiến, mà còn liên hệ cả đến gia đình của họ. Thế cho nên khi đọc những trang chiến sử, không mấy ai tránh khỏi nỗi thương cảm cho những chiến sĩ và người thân của họ đã hy sinh để bảo vệ Tự Do, Hạnh Phúc cho người dân.

Hồn tử sĩ, gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu, trăng dõi dõi soi.
Chinh phu, tử sĩ, mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?
Dấu binh lửa nước non xưa cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.

Hơn hai mươi năm chinh chiến với bao máu xương của người lính TQLC nói riêng và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) nói chung đã như dã tràng xe cát. Tử sĩ đã trở thành vô danh, mộ bia bị tàn phá, thương phế binh đã trở thành những gánh nặng của gia đình và chính bản thân họ.

Có mấy ai biết những gì họ đang có, đang hưởng là do máu và nước mắt của những người lính đã đem chính bản thân của họ để đem lại an bình, hạnh phúc cho dân chúng.

Charles M. Province, một cựu chiến binh Hoa Kỳ và cũng là một nhà biên khảo về chiến tranh, đã viết bài thơ nổi danh được khắc trên tường đá ở nhiều nghĩa trang quân đội trên toàn nước Mỹ, bài thơ "It is the Soldier - Đó là Người Lính:"

It is the Soldier, not the minister, who has given us freedom of religion.
It is the Soldier, not the reporter, who has given us freedom of the press.
It is the Soldier, not the poet, who has given us freedom of speech.
It is the Soldier, not the campus organizer, who has given us freedom to protest.
It is the Soldier, not the lawyer, who has given us the right to a fair trial.
It is the Soldier, not the politician, who has given us the right to vote.
It is the Soldier who salutes the flag,
Who serves beneath the flag,
And whose coffin is draped by the flag,
Who allows the protester to burn the flag.

Dịch nghĩa:

Đó là Người Lính, không phải là mục sư, đã cho chúng ta tự do tôn giáo.
Đó là Người Lính, không phải là nhà báo, đã cho chúng ta tự do báo chí.
Đó là Người Lính, không phải là thi sĩ, đã cho chúng ta tự do ngôn luận.
Đó là Người Lính, không phải là ban tổ chức, đã cho chúng ta tự do biểu tình.
Đó là Người Lính, không phải là luật sư, đã cho chúng ta quyền được xét xử công bằng.
Đó là Người Lính, không phải là chính trị gia, đã cho chúng ta quyền tự do bầu cử.
Đó là Người Lính nghiêm chỉnh chào cờ.
Phục vụ dưới lá cờ, 
Và quan tài của họ được phủ cờ, 
Là người cho phép người biểu tình được đốt cờ.

Tháng Tư lại về với chúng ta như một nhắc nhở đến những người lính của QLVNCH đã hy sinh trong cuộc chiến dài hơn 20 năm và cũng đã mang thương tật hoặc ngã xuống lần cuối ngày 30 tháng Tư năm 1975 để chúng ta có được ngày hôm nay.

Có thể trong chúng ta có những người trẻ sinh ra sau 1975 không hề biết gì về cuộc chiến bi hùng của ông, cha họ. Thế cho nên quyển quân sử của Binh chủng TQLC cũng như những quân, binh chủng khác của QLVNCH trở nên quan trọng và cần thiết để tìm hiểu về một thời chiến tranh thảm khốc với số người thiệt mạng lên đến hàng triệu và số người phải sống ly hương cũng hơn chứ không kém.

Thời gian trôi đi và mang theo những thế hệ xa xưa, nhưng lịch sử sẽ là chứng tích còn lại mãi mãi cho đời sau.

Chúng tôi xin một lần nữa được nói lời tri ân và nghiêng mình trước anh linh của những chiến sĩ QLVNCH đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua và trân trọng giới thiệu đến toàn thể bạn đọc của Đặc San Lâm Viên quyển Quân Sử của Binh Chủng Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam.

Bùi Phạm Thành
(tháng 4, 2017 - dslamvien.com)


Ghi chú:

Xin trích lời của Ban Biên Soạn quyển Quân Sử Thuỷ Quân Lục Chiến:

1. QS/TQLC không có ý thương mại, chỉ muốn lưu lại cho hậu thế để ai muốn nghiên cứu chiến tranh VN nói chung và sự hy sinh của Binh Chủng TQLC nói riêng mà thôi.

2. Chúng tôi sẽ gởi cho những ai muốn có quyển sách, để biết thêm về sự chiến đấu kiên cường cũng như sự hy sinh lớn lao của Binh Chủng trong cuộc chiến chống CS xâm lược để bảo vệ miền Nam VN.

3. Chúng tôi còn một số lượng sách giới hạn, sẽ gởi cho những ai gởi lời yêu cầu trước.

4. Thư yêu cầu nhận sách, xin gởi về MX Phạm Cang, email: lamviendalat1963@yahoo.com.

5. Sách gởi tặng vô điều kiện, tuy nhiên nếu ai nghĩ về sự hy sinh của TQLC có thể gởi tặng cho Thương Phế Binh TQLC, tuỳ nghi, không có tính cách nhận sách phải gởi tiền. Nếu có gởi, xin gởi về Thủ quỹ TH/TQLC:

MX Võ Phi Hùng
1447 E. Jefferson Ave.
Des Moines, IA 50316.
(Pay to the order of THTQLCVN).
Powered by Blogger.