Header Ads

Sự Kiện Phóng Hoả Tiễn Của Bắc Triều Tiên Bị Thất Bại Là Do Mỹ Phá Hoại Mạng?



Đinh Tiến Đạo
(phỏng theo Business Insider)

Thời gian gần đây, sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đến nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về sự coi thường hiến chương của Liên Hiệp Quốc ngăn cấm mọi cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Kể từ khi lên “ngôi vua” thay cha trị vì Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un đã có liên tiếp những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phóng hoả tiễn tầm xa mang đầu đạn nguyên tử.  Lần phóng hoả tiễn để thử nghiệm mới đây nhất của Bắc Triều Tiên đã được thực hiện vào ngày Chủ nhật 16 tháng 4 năm 2017, ngay sau ngày Kim Jong Un tổ chức diễn hành rầm rộ tại thủ đô Bình Nhưỡng để kỷ niệm ngày sinh nhật của ông nội Kim Nhật Thành, người đã sáng lập ra đảng Cộng sản Bắc Triều Tiên.  Tuy nhiên việc phóng thử nghiệm này bị thất bại vì hoả tiễn đã nổ tung sau vài giây khai hoả.

Khi Bắc Triều Tiên đang làm thế giới lo ngại vì chương trình theo đuổi phát triển hoả tiễn mang đầu đạn nguyên tử, cộng với một nhà lãnh đạo cha truyền con nối còn non trẻ, hiếu thắng như Kim Jong Un thì việc thất bại trong kỳ phóng hoả tiễn lần này đã làm cho mọi người đặt dấu hỏi là liệu phải chăng có thể nào những “sư tổ” về mạng (cyber) của Mỹ đã ra tay phá hoại?

Một tiết lộ gần đây đăng trên báo The New York Times cho rằng: Mỹ có một quá trình hoạt động bí mật để phá huỷ chương trình hoả tiễn hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã diễn ra một cách ác liệt kéo dài ít nhất là ba năm nay. Dựa theo vào hoạt động đó, bài báo cho rằng có khả năng cao là sự thất bại việc phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên, mà những thiết kế về hoả tiễn chủ yếu dựa vào Nga, đã bị Mỹ xâm nhập vào phần tin học (software) và mạng lưới (network) của hệ thống.

Bài báo cũng cho biết rằng dù cơ sở hạ tầng thiết lập hoả tiễn của Bắc Triều Tiên không thể so sánh được với Nga - Thiết kế hoả tiễn vào thời kỳ khi Nga còn là Liên bang Xô Viết, mà Bắc Triều Tiên dựa vào đó, thì có khoảng 13% là thất bại. Còn đối với Bắc Triều Tiên thì tỷ lệ thất bại lên đến 88% - Cho nên có thể sự thất bại của việc phóng hoả tiễn lần này của Bắc Triều Tiên là do việc chế tạo, nhưng theo một chương trình phỏng vấn trên đài Fox News, bà K.T. McFarland, cố vấn cho văn phòng An ninh Quốc gia Mỹ đã “úp mở” cho một suy đoán rằng có khả năng gián điệp dính líu trong vụ việc này: “Chúng tôi không thể tiết lộ những bí mật tình báo, và những hoạt động ngầm cho nên tôi không có ý kiến.”


                       Hình ảnh thử nghiệm hoả tiễn Pukguksong-2 vào Tháng Hai 2017 (ảnh Reuter)

Vào ngày Thứ Hai, 17-4-2017,  Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã có chuyến viếng thăm Hàn quốc, ông đã ra thăm vùng trái độn giữa Nam và Bắc Hàn và tuyên bố “Tất cả những phương án để đối phó với Bắc Triều Tiên chúng tôi đã có sẵn trên bàn, để đạt được mục tiêu và bảo đảm sự ổn định của người dân quốc gia này”, ông còn nói thêm: “Kỷ nguyên của chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên đã kết thúc.”

Như chúng ta đều biết, chiến dịch chống lại Bắc Triều Tiên là chuyện bình thường. Ken Geers, một chuyên gia kỳ cựu về an ninh mạng cho hãng Comodo, và đã từng làm việc trong Cơ quan An ninh Quốc gia đã nói với báo Business Insider rằng hoạt động mạng để chống lại Bắc Triều Tiên thì không lạ lẫm gì. Ông nói thêm “Trong khi nước Mỹ xâm nhập vào chương trình hoả tiễn của một quốc gia khác có thể gây phản ứng cho một số người, nhưng với không gian tình báo của quân đội thì đó là những gì họ phải thực hiện. Nếu bạn cho rằng chiến tranh có thể xảy ra với một nước nào đó thì bạn phải chuẩn bị phương cách đối phó, trong thời đại internet, đó gọi là hacking.”

Bắc Triều Tiên đã ngăn ngừa hệ thống mạng của mình nối kết với thế giới mạng một cách rất chặt chẽ, tuy nhiên điều đó cũng không thể cấm cản được những tay hắc-cơ (hackers) chuyên nghiệp ở Mỹ. Ông Geers cho rằng việc ngăn không cho hệ thống của mình kết nối mạng toàn cầu thì cũng chẳng ăn thua gì. Những tay hacker không cần máy tính nối mạng cũng vẫn có thể xâm nhập được.

Cũng theo tờ The New York Times số gần đây đã đăng chi tiết về một trường hợp trong đó Nga xâm nhập vào hệ thống máy tính của NATO vào năm 1996 bằng cách sản xuất một kiểu USB driver và bày bán ở thủ đô Kabul, Afghanistan, gần cơ quan của NATO tại đây.  Nhân viên làm việc trong toà nhà NATO ra mua những USB drivers này cài vào hệ thống làm việc, sự kiện này đã khiến Nga xâm nhập dễ dàng vào hệ thống dữ liệu của NATO.  Geers nói thêm: “Sự xâm nhập này là kết quả việc phối hợp nhuần nhuyễn giữa tình báo tin học (SIGNT-signals intelligent), tình báo truyền thông (COMINT-communication intelligent) và gián điệp (HUMINT-human intelligent).”   Ông diễn tả là thời buổi này như “một thời kỳ vàng son của những hoạt động tình báo,” chẳng hạn như cuộc chiến tranh mạng.  Nó chẳng gây nên chết người, không thể quy tội cho ai, và hầu như hoàn toàn không thể trừng phạt được ai.

Tuy nhiên, giả sử tình hình thử nghiệm hoả tiễn của Bắc Triều Tiên cứ bị nổ tung như vừa qua vẫn kéo dài vì những cuộc tấn công mạng thì Bắc Triều Tiên cũng không thể nào ngưng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Geers còn nói: “Hãy tưởng tượng anh là Tổng thống. Bắc Triều Tiên là một nước vi phạm nhân quyền và xuất cảng những khí tài nguy hiểm.  Trách nhiệm của chính phủ là phải tìm những phương cách để đối phó với Bắc Triều Tiên, và một trong những cách đó là phải thay đổi chế độ này.”

Ngoài ra. ông còn cho biết: “Nếu một cuộc chiến tranh mạng xảy ra giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, với một con số ít ỏi máy chủ (servers) và điểm truy cập (access points) của đường truyền internet rất giới hạn của Bắc Triều Tiên, thì chiến thắng chắc chắn nghiêng về phương Tây.

Cho dù trước đây Bắc Triều Tiên có tấn công vào kho dữ liệu của hãng Sony hay Nhà Trắng, nhưng đó là chuyện đương nhiên của không gian mạng.  Nhưng nếu một cuộc chiến tranh thực sự xảy ra thì anh sẽ thấy Trung Tâm Chỉ Huy Mạng (Cyber Command) sẽ xoá sạch mạng lưới của các nước khác một cách khá nhanh chóng.”  

Đinh Tiến Đạo
Powered by Blogger.