Cả từ hơn một thập niên, đã nhiều lần Bắc Hàn lần khiêu khích và thách đố Hoa Kỳ. Nhưng chưa lần nào Hoa Kỳ lại có phản ứng mạnh mẽ như lần này. Chỉ vì Bắc Hàn đang gấp rút phát triển những hỏa tiễn liên lục địa (intercontinental ballistic missle) có thể bay sang tới Hoa Kỳ.
Để tìm hiểu thêm về Bắc Hàn, xin giới thiệu đến quý độc giả phần phân tích "3 maps that explain North Korea's strategy" của tác giả George Friedman đăng trên businessinsider.com, ngày 18/4/2017.
Huỳnh Thạnh chuyển ngữ
Để hiểu được chiến lược của Bắc Hàn ngày nay, đầu tiên chúng ta phải hiểu được hệ quả phức tạp gây ra bởi địa lý của quốc gia này.
Đại Hàn (Korea) là một bán đảo nhô ra từ phía nam Mãn Châu được bao quanh bởi biển Hoàng Hà và biển Nhật Bản. Nó có chung đường biên giới rộng 880 dặm với Trung Hoa và có biên giới dài 30 dặm với Nga.
Từ phía đông bắc của biên giới Đại Hàn, còn khoảng 70 dặm là đến Vladivostok, hải cảng chính yếu nằm bên phía đông của Nga. Góc đông nam nhô ra chỉ trong vòng 100 dặm của phía nam Nhật Bản, và bờ tây nam của bán đảo góc phía tây chỉ cách Thượng Hải khoảng 300 dặm.
Vì thế Bán đảo Triều Tiên đã đưa ra một mối đe doạ tiềm tàng cho ba cường quốc - không phải vì những gì mà bất kỳ chính phủ nào trên bán đảo Triều Tiên có thể gây ra, mà chỉ vì vị trí địa lý của nó.
Đại Hàn có thể đe dọa việc Nhật Bản qua lại trên Biển Đông Trung Hoa và Thái Bình Dương tính từ Biển Nhật Bản. Đại Hàn cũng có thể gây trở ngại cho việc Trung Hoa qua lại trên Biển Hoàng Hải và còn có tiềm năng ảnh hưởng tới Thượng Hải.
Nhật Bản và Trung Hoa đã xâm chiếm Bán đảo Triều Tiên nhiều lần. Vị trí và kích thước địa dư của Bán đảo tương ứng với Nhật Bản và Trung Hoa đã khiến những cuộc xâm nhập này là những điều không thể tránh khỏi.
Vì lý do đó, cả Trung Hoa và Nhật Bản đã xâm chiếm quốc gia này tại những thời điểm khác nhau trong lịch sử - và sau đó là Liên Xô và Mỹ.
Động cơ đằng sau sự xâm lăng này không phải là đặt nặng vào việc chiếm giữ được sự giàu có của Đại Hàn, vốn là điều rất nhỏ, so với việc quốc gia này có thể cung ứng những bàn đạp chiến lược hoặc những chướng ngại cho các cường quốc.
Đại Hàn đã là một phần quan yếu trong bất kỳ chiến lược nào của Trung Hoa hay Nhật Bản.
Thế Chiến II kết thúc đã không làm giảm đi tầm quan trọng của Đại Hàn. Sự kết thúc đó đơn giản chỉ là loại bỏ một tay chơi trong cuộc là Nhật Bản, và giới thiệu một tay chơi mới là Hoa Kỳ. Dù vậy, thực ra sự hiện diện của người Mỹ ở Đại Hàn không phải là điều mới mẻ gì.
Sự bại trận của Nhật Bản trong Thế chiến II đã chấm dứt quyền bá chủ của Nhật Bản đối với Đại Hàn. Hội nghị Yalta đã tạo ra một chính phủ liên hiệp của 4 phe quyền lực tại Đại Hàn, nhưng liên minh này đã thất bại, cũng như một chính phủ liên hiệp tương tự ở Berlin.
Cũng giống như ở Berlin, Đại Hàn đã bị phân chia - với quân đội Xô Viết và những người Đại Hàn ủng hộ chiếm giữ vùng đất phía bắc vĩ tuyến 38 và người Mỹ và những người Đại Hàn ủng hộ chiếm giữ miền Nam.
Hoa Kỳ đã không xem Nam Hàn là một tài sản chiến lược quan trọng, nhưng Liên Xô và Trung Hoa đã nhìn thấy một cơ hội. Trong cuộc phong tỏa thành phố Berlin, Liên Xô đã thất bại trước những cuộc không vận của Hoa Kỳ vượt hàng rào phong tỏa của Nga để tiếp tế cho Berlin. Liên Xô cũng thấy Đại Hàn là một mối đe dọa đối với Vladivostok nếu Hoa Kỳ giành lại được quyền lợi tại đây.
Người Trung Hoa cũng đã có một mối quan tâm tương tự về một sự thay đổi sau này trong vấn đề quyền lợi của Mỹ và họ muốn trục xuất người Mỹ khỏi bán đảo này. Một lần nữa, chính phương diện địa lý của Đại Hàn mới là một vấn đề quan trọng.
Tháng 6 năm 1950, Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn và việc này đã là một bất ngờ cho Hoa Kỳ: tình báo của Hoa Kỳ đã thất bại không khám phá được hành động xâm lược của Bắc Hàn trên mặt đất liền.
Tổng thống Harry Truman phải đối diện với một quyết định quan trọng. Về phương diện kỹ thuật, Đại Hàn không quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Nhưng Truman đã tính toán rằng vị trí chiến lược của Đại Hàn sẽ bảo vệ Nhật Bản và chiến đấu bảo vệ Nam Hàn sẽ cho thấy rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ kháng cự lại sự xâm lược công khai.
Quyết định của Truman, được hinh`thành vào cuối tuần, đã tạo ra một vùng Đông Bắc Á mới mẻ bằng việc làm cho Hoa Kỳ trở thành người bảo đảm an ninh quốc gia của Nam Hàn.
Tuy vậy, khởi động chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên là một điều cực kỳ khó khăn. Một trong những lý do chính là địa hình của Bán đảo Triều Tiên. Đó là nơi nhỏ hẹp - khoảng 200 dặm rộng ở chỗ hẹp nhất - và dài khoảng 500 dặm. Nó cũng được bao bọc bởi các ngọn đồi rất lởm chởm.
Một lực lượng tương đối nhỏ, nếu khéo léo dựa vào địa hình gập gềnh lởm chởm, có thể cầm chân một lực lượng lớn hơn, từ từ triệt thoái và gây thương vong cho kẻ tấn công, vốn phải bước ra khỏi những chỗ ẩn núp.
Từ những vị trí tức thời dựa trên yếu tố bất ngờ hoặc áp đảo (imbalance), rất có thể sẽ đẩy lui được lực lượng phòng thủ. Nhưng cuộc Chiến tranh Triều Tiên đã cho thấy, trong khi đẩy lui kẻ thù là chuyện có thể làm được, thì lại không thể có chuyện xóa sạch được lực lượng đó.
Một lý do khác nữa là thực tế chiến lược không cho phép một quyền lực quan trọng nào trong khu vực có thể để bán đảo này hoàn toàn rơi vào tay của một thế lực thù địch khác.
Những yếu tố đa dạng này đã tạo ra tình hình hiện tại ở Đại Hàn. Bán đảo này được chia thành hai quốc gia - một quốc gia được Hoa Kỳ hoàn toàn hỗ trợ, và quốc gia kia ở vào thời điểm này đang trong một mối quan hệ phức tạp hơn rất nhiều với Trung Hoa, người bảo hộ lâu đời của nó.
Nam Hàn đã trỗi dậy như là một trong những cường quốc kỹ nghệ chính trên thế giới. Lý do của sự thành công về kinh tế của quốc gia này là chiến lược lớn của Mỹ duy trì một cam kết dài hạn để bảo vệ Nam Hàn.
Nhưng mối quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ mang đến cả lợi ích lẫn rủi ro. Rủi ro chính là chiến tranh. Lợi ích chính là Hoa Kỳ làm cho lợi thế nghiêng về phía quốc gia được họ ủng hộ.
Mối quan hệ của Bắc Hàn với Trung Hoa và Nga đã không mang lại những lợi ích tương tự như thế.
Bản đồ bên trên cho thấy ánh sáng nhìn thấy được từ không gian vào ban đêm. Nam Hàn đang sáng rực, Trung Hoa sáng ít hơn chút, nhưng tập trung vào một số khu vực có cường độ cao. Mặt khác, Bắc Hàn gần như không có ánh sáng, hoặc chính xác hơn, không có đủ các chùm ánh sáng có thể nhìn thấy được từ không gian.
Cả Nam Hàn và Bắc Hàn đều bị tàn phá bởi Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng trong khi Nam Hàn đã chuyển mình thành một sức mạnh kỹ nghệ hiện đại, thì Bắc Hàn trông vẫn như là đang ở thời kỳ tiền kỹ nghệ - hoặc gần như vậy, căn cứ trên ánh đèn vào ban đêm.
Làm thế nào mà sự cách biệt này lại xảy ra như thế? Người Tàu và Nga có ít tài nguyên hơn để đầu tư vào Bắc Hàn so với những gì Hoa Kỳ phải đầu tư vào miền Nam. Nhưng một câu trả lời đầy đủ chắc chắn phải phức tạp hơn thế.
Ngay cả đối với chính họ, người Bắc Hàn cũng đã có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế lớn hơn những gì mà họ đang có. Và sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Tàu chắc chắn có thể giúp Bắc Hàn đầy đủ hơn nếu họ muốn làm như vậy.
Phần còn lại của câu trả lời liên quan đến bản chất của chế độ Bắc Hàn. Chiến lược đầu tiên của bất kỳ nhà nước nào là sự bảo tồn của nó. Bắc Hàn đã phải đối mặt với một lực lượng quan trọng của Hoa Kỳ và một lực lượng của Nam Hàn ngày càng mạnh. Dựa trên cách suy nghĩ hợp lý, thì Trung Hoa và Liên Xô sẽ tạo ra một lực lượng tương đương. Nhưng họ đã chọn không làm như vậy.
Người Tàu và Nga không muốn một Bắc Hàn hùng mạnh bởi vì khi đó Bắc Hàn có thể quay sang chống lại họ. Nga và Tàu muốn có một quốc gia đệm nằm giữa họ và các lực lượng Mỹ ở phía nam. Do đó, người Nga và Tàu cùng nhau tạo ra một nghịch lý ở Bắc Hàn.
Cả người Nga và Tàu đều hiểu rằng chỉ đơn thuần là người cộng sản đã không còn là một yếu tố đủ mạnh để làm nền tảng cho một liên minh. Người Nga và Tàu đã trở thành kẻ thù mặc dù đã chia sẻ cùng một hệ tư tưởng. Cả Nga lẫn Tàu, chẳng có kẻ nào muốn đối phương sử dụng Bắc Hàn làm công cụ chống lại họ.
Chúng ta nên biết thêm rằng ngay chính Nam Hàn và Hoa Kỳ cũng không sốt sắng muốn thấy chế độ Bắc Hàn sụp đổ. Nam Hàn không muốn gánh chịu một chi phí và rủi ro liên quan đến việc tái kết hợp. Còn Hoa Kỳ thì bằng lòng với nguyên trạng nơi Bán đảo Triều Tiên, vì mối quan tâm chính của Hoa Kỳ tại đó chỉ là sao cho sự xung đột chỉ ở mức tối thiểu.
Và từ trong chiến lược mâu thuẫn này đi ra, đã nổi lên một nhà nước Bắc Hàn đương thời.
Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Trung Hoa tiến đến một nền kinh tế tự do hơn, và Bắc Hàn bị đặt vào một vị trí khó khăn. Chiến lược chính của Bắc Hàn để chế độ có thể sống còn và để ngăn chặn cả người Mỹ và người Nam Hàn vẫn được duy trì nguyên vẹn.
Nhưng việc Bắc Hàn tùy thuộc vào các đối tác (partners) cộng sản càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Một đối tác đã không còn là cộng sản, và đối tác kia ngày càng không thể tiên liệu được. Bắc Hàn không thể bắt chước Trung Hoa và vẫn bảo đảm sự sống còn của chế độ, và các lực lượng đã biến đổi các đối tác của họ có thể cũng đang ẩn náu ở Bắc Hàn.
Kết cuộc là Bắc Hàn đã bị buộc phải khóa cứng vào chính sách thù địch mãnh liệt đối với Nam Hàn và đẩy mạnh các biện pháp vốn đã cực đoan để bảo toàn chế độ, bảo vệ nó trước sự tấn kích của các lực lượng cả bên ngoài và bên trong nội bộ - ngay cả các lực lượng bên trong gia đình đương quyền.
Chiến lược của Bắc Hàn đã trở thành một loại bịp bợm tháu cáy (bluffing). Trò chơi bịp bợm tháu cáy này đòi hỏi kỷ luật tuyệt đối và không có bất đồng. Người Bắc Hàn đã tìm cách để đe dọa người Mỹ và Nam Hàn bằng cách giả vờ là nhũng kẻ không hợp lý (irrational) và dễ nổi cơn (on a hair trigger).
Giới lãnh đạo đã tìm cách thuyết phục công chúng Bắc Hàn rằng không có mối đe dọa nào từ bên ngoài mà nó không thể bẻ nát bởi vì sức mạnh phi thường của nó. Những gì thể hiện ra đối với thế giới được xem ra là những hành vi hoàn toàn không hợp lý, thì với nhu cầu chiến lược của Bắc Hàn, đó là những điều khá hợp lý.
Bắc Hàn có một quân đội to lớn nhưng không phải là một quân đội tốt. Vũ khí và chiến thuật của nó đã lỗi thời từ nhiều thế hệ. Nó có một lợi thế - địa lý. Seoul (thủ đô của Nam Hàn), hiện nay là một đô thị hiện đại, nằm trong tầm pháo kích của Bắc Hàn. Lực lượng của Bắc Hàn được tập trung vào biên giới và họ đe doạ rằng trong trường hợp có xung đột (mà Bắc Hàn nhấn mạnh sẽ khai hỏa nếu bị khiêu khích), Bắc Hàn sẽ pháo kích khu vực đô thị khổng lồ và điều động xe tăng tiến về phía nam để tiến chiếm thành phố thủ đô này.
Dựa theo những con số, thì đây là điều rất có thể xẩy ra, nhưng quân đội Bắc Hàn khi di chuyển sẽ rất dễ bị tấn công bởi không lực. Những điều này có nghĩa là một cuộc động binh không hợp lý có thể gây ra thiệt hại đáng kể.
Bắc Hàn còn cần phải có một mối đe dọa khả tín hơn là một lực lượng cồng kềnh dễ làm mồi cho bom trải thảm. Chính nhu cầu này đã tạo ra chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Chương trình này đã làm tăng thêm hậu quả của hành động bất hợp lý. Đó rõ ràng là một trò bịp bợm tháu cáy (bluff), vì giải quyết vấn đề bằng cách tấn công bằng võ khí hạt nhân sẽ bảo đảm sự tiêu vong của chế độ - và có thể cả quốc gia.
Đúng lý mà nói, Bắc Hàn không thể phóng ra cuộc tấn công hạt nhân. Do đó, điều quan yếu đối với Bắc Hàn là phải tỏ ra họ là những kẻ bất cận nhân tình, không hợp lý. Vì chỉ có sự phi lý rõ nét, nhưng được quản lý tỉ mỉ, mới có thể làm cho người Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản, Nga và Trung Hoa tin rằng Bắc Hàn là những kẻ hết sức nguy hiểm.
Nhưng tính phi lý rõ rệt của chế độ này phải được điều chỉnh để sự nguy hiểm của Bắc Hàn không bao giờ bị xem là có thực hoặc khẩn cấp đến độ người khác phải xuống tay hạ thủ tấn công trước.
Nó phải bảo vệ chế độ và làm tê liệt các đối thủ mà không đẩy đối phương đến mức phải tiến hành các hành động quân sự.
Bắc Hàn có hai lợi thế to lớn trong chiến lược này. Thứ nhất, không ai thực sự quá quan tâm đến nỗi phải hành động. Người Nam Hàn không muốn nhận chịu một tổn phí mà Đức phải gánh vác khi quốc gia này kết hợp với Đông Đức thời hậu cộng sản. Mỹ cũng không sốt sắng trước sự bất ổn được tạo ra bởi sự sụp đổ của Bắc Hàn, mà Nhật Bản hay Nga thì cũng thế.
Và người Tàu dùng khả năng hiện có của họ để xoa dịu những người Bắc Hàn bất cận nhân tình để được người Mỹ nhượng bộ về các vấn đề khác. Mọi người đều hài lòng với Bắc Hàn như đã từ lâu nay.
Thứ hai, Bắc Hàn có một chế độ cai trị vững vàng. Thay vì vỡ ra từng mảnh và biến dạng như các chế độ cộng sản khác, chế độ của Bắc Hàn đã trở nên bị khóa cứng trong một mô hình cực kỳ hiệu quả trong một tình trạng chiến lược duy nhất của nó.
Có một sự bền vững trong tình trạng hiện nay của Bắc Hàn mà nhiều người vẫn đánh giá thấp. Nam Hàn có nhiều vấn đề quan trọng hơn để phải lo lắng, chẳng hạn như nền kinh tế khổng lồ của mình.
Bắc Hàn phải tránh để không bị hạ thủ trước (preemptive strike) vào ngay các cơ sở hạt nhân của họ, vì họ không thể duy trì các phương cách quân sự thông thường khác. Các đối tác chính yếu trong cuộc hiểu Bắc Hàn khá rõ để có thể chịu đựng được những tuyên bố xác quyết của họ về quyền lực và sự hiếu chiến mà không ai bị hoảng loạn. Chế độ của Bắc Hàn tỏ ra cứng cỏi và hoàn toàn kiểm soát được mọi sự. Kết quả là một công thức cho bế tắc - một sự bế tắc của những kẻ thờ ơ.
Nhưng phí tổn của sự bế tắc này là màu đen của đêm tại Bắc Hàn. Cái giá phí để duy trì chế độ là một sự thiếu vắng thê thảm của sự phát triển kinh tế. Phần của cải nào còn sót lại đều bị chuyển sang lo việc bảo trì đường lối bịp bợm tháu cáy (bluff), và rồi cần phải có một sự cân bằng nội tại tinh tế, đòi hỏi không những một sự đàn áp rộng lớn mà, trên tất cả, còn là một sự cô lập.
Tiếp xúc với phần còn lại của thế giới sẽ làm mất ổn định, và bởi đó Bắc Hàn phải hạn chế sự tiếp xúc đó, đưa đến một sự tăm tối về văn hóa cũng như về vật chất. Và màn đêm sẽ không đi qua nhanh. Đêm tối là điều tạo nên Bắc Hàn. Nó cho phép bịp bợm tháu cáy (bluff) được tiếp tục và cùng với nó là chế độ của Bắc Hàn.
Như tự bao giờ, đối với phần còn lại của thế giới Đại Hàn (Korea) - bây giờ là Bắc Hàn - là một nơi chốn được dùng một cách chiến lược để ngăn chặn tham vọng của kẻ khác. Rất ít người muốn bất cứ điều gì từ nó, ngoại trừ việc để nó tiếp tục làm vùng đệm giữa các cường quốc mạnh hơn.
Và ngay cả nếu hoàn thành mục đích này đòi hỏi lãnh đạo Bắc Hàn thỉnh thoảng có vẻ đáng sợ bằng cách tỏ lộ sự vô lý, thi đối với những người theo dõi Bắc Hàn, họ đều biết rằng khía cạnh đáng sợ của Bắc Hàn được kiểm soát chặt chẽ bởi chế độ đang tính toán.
Huỳnh Thạnh chuyển ngữ
Post a Comment