Header Ads

Anh Bộ Đội

Trần Thi  

Sau tháng Tư 1975, chính quyền "cách mạng" hay đặt tên các phương tiện giao thông vận tải xuyên Việt với hai chữ Thống Nhất đi kèm. Chẳng hạn như tuyến đường sắt Thống Nhất, rồi từ đoàn tàu (hỏa) Thống Nhất, đến tàu (thủy) Thống Nhất…    

Thời đó, "phó thường dân Nam bộ" hiểu hai chữ “Thống Nhất” này một cách rất "giản đơn:" Từ ngoài Bắc, người thì đua nhau kéo vào Nam; Còn từ trong Nam, hàng thì lũ lượt chở ra Bắc.

Có lần vào cảng Sài Gòn để tiễn người cậu về Bắc, Hùng thấy con tàu Thống Nhất khệ nệ chồng chất đủ mọi thứ "phồn vinh giả tạo" để đem về đất Bắc hà. Khi đó, Bắc hà là một xứ sở mà trong Nam có ai hỏi đến thì đều được trả lời là "ngoài ấy cái gì cũng có." Nhưng thực sự thì trong Nam "có cái gì," "ngoài ấy" đều muốn lấy hết cả.

Đứng cùng người cậu chờ kiểm soát trước khi lên tàu, Hùng thấy có anh bộ đội đẩy đến một chiếc Honda định đưa lên tàu. Nhân viên kiểm soát ngăn lại, yêu cầu hút hết xăng trong xe ra để tránh hỏa hoạn rồi mới cho lên.

Để xe ở đó, anh bộ đội thoăn thoắt quay ra ngoài.  Chỉ tí xíu sau đã thấy anh trở lại với chiếc xe khác mới mượn được, rất giống như xe của anh.  Rất nhanh nhẹn, anh bộ đội lấy ra một ống cao su và đưa lên miệng hút xăng từ xe anh rồi cắm ống hút vào bình xăng của xe bên cạnh mới đem đến để chuyển xăng qua.

Được một lúc, khi xăng ngưng không còn chạy qua ống hút, anh bộ đội kiểm soát lại thì thấy xăng vẫn còn nhiều trong xe. Anh bộ đội lại đưa ống lên miệng, hút xăng mạnh hơn và cắm ống hút vào bình xăng xe bên cạnh. Làm như vậy vài lần, mà cũng thấy xăng vẫn còn hoài trong xe.  Xem ra anh bộ đội đã hơi "nóng máy.”

Trên cổ áo của anh bộ đội, thấy đeo toàn là sao, mà Hùng không biết là cấp bậc gì. Nhưng qua dáng vẻ cao ngạo hãnh tiến, Hùng đoán anh bộ đội chắc phải là cấp chỉ huy.  Tò mò khẽ hỏi người cậu, thì Hùng được biết anh bộ đội là Trung Úy.

Cứ hút xăng như vậy mấy lần, anh bộ đội đã toát mồ hôi, nhưng xăng trong xe anh vẫn "kiên cường bám trụ” không chịu đi ra hết.  Nhìn anh Trung Úy vật lộn với hai bình xăng, Hùng đoán anh không biết đến nguyên lý bình thông nhau mà, ở miền Nam, Hùng được học khái niệm vào năm cuối bậc tiểu học: Khi chất lỏng được lưu chuyển giữa hai bình thông nhau, thì sau khi đã ổn định, chất lỏng trong hai bình sẽ ở cùng một mực ngang nhau. Vì thế chẳng bao giờ mà xăng từ xe anh bộ đội lại có thể chạy hết sang xe bên cạnh một khi hai chiếc xe có cùng chiều cao và đứng cùng trên một mặt phẳng.

Trông anh Trung Úy cứ muốn "khắc phục" chuyện hút xăng theo kiểu "với sức người, sỏi đá cũng thành cơm," người cậu của Hùng cũng ngượng. Ông lên tiếng:  “Này đồng chí ơi, đồng chí làm như thế không được đâu....”

Ông chưa kịp nói hết, thì anh bộ đội Trung Úy đã cởi phăng chiếc áo đang mặc và nằm xuống phía dưới xe bên cạnh để xem xét. Chắc anh bộ đội nghĩ là chiếc xe này có motor của phản động "cài đặt" ở đâu đó để "chống phá cách mạng," không để anh "hoàn thành xong nhiệm vụ" hút xăng ra khỏi bình. Thế! Cho nên cần phải "triệt hạ" cái motor "phản động" này ngay. 

Vừa ngả người nằm xuống xem xét máy, anh bộ đội vừa trả lời trống không: “Được chứ sao lại không? Đế quốc Mỹ nó mạnh như thế đấy, mà ‘đây’ còn đánh cho chúng nó tan tác chạy không kịp, nữa là chiếc xe này...” Hình như cũng là người lớn lên tại tỉnh thành, cho nên anh bộ đội không phát âm là "chiếc xe ‘lày’."

Người cậu của Hùng, cũng là đảng viên, nhưng nghe anh bộ đội Trung Úy nói như thế, và dù có bẽ mặt, nhưng ông cũng chưa muốn "tan tác" như đế quốc Mỹ, cho nên đành giã biệt Hùng và lẳng lặng đi lên tàu Thống Nhất quay về lại xứ Bắc hà.

Vừa có thành tích đánh Mỹ, lại vừa thấu triệt được tinh túy của câu thơ để đời "với sức người, sỏi đá cũng thành cơm" của Tố Hữu, một đại thi hào của nền thi ca xã hội chủ nghĩa, thì anh bộ đội Trung Úy đúng thật là văn võ song toàn.  Cộng thêm với khí thế hung hăng ngất trời “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng,” nghe nổ to còn hơn pháo đùng, thì anh bộ đội chắc chắn sẽ thăng tiến rất nhanh trong binh nghiệp.

Mấy mươi năm trước, anh bộ đội hút xăng đã mang quân hàm Trung Úy.  Đến năm 2017 này, anh bộ đội Trung Úy hẳn đã trở thành Ông Bộ Đội Trung Tướng hay ngay cả Đại Tướng. 

Ai biết được là Ông Bộ Đội đó lại không đang nắm giữ chức vụ lãnh đạo to kềnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay?

                                                                                                                  Trần Thi – 4/2017



Powered by Blogger.