Thứ Sáu ngày 27/01/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh (executive order) dưới đề tựa PROTECTING THE NATION FROM FOREIGN TERRORIST ENTRY INTO THE UNITED STATES (Bảo Vệ Quốc Gia Để Không Bị Khủng Bố Nước Ngoài Xâm Nhập Vào Hoa Kỳ).
Sắc lệnh này được biết đến qua tên gọi vắn tắt “travel ban” (lệnh cấm đi lại) với một số điều khoản chính yếu:
- Cấm dân từ bẩy quốc gia Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không được vào Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày
- Đình chỉ ngưng không nhận tất cả người tị nạn trong vòng 120 ngày
- Cấm vô thời hạn không nhận người tị nạn từ Syria
Tuy vậy, khi lệnh cấm được thi hành, hoảng hốt và rối loạn (panic) đã xẩy ra tại các phi trường của Hoa Kỳ hay trên thế giới, nơi công dân của bẩy quốc gia nói trên đang trên đường vào Hoa Kỳ. Kết quả là sắc lệnh cấm này đã gây ra những biểu tình và chống đối mạnh mẽ nhất từ lúc Trump lên nhậm chức tổng thống.
Một vòng Thế giới
Anh: Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Boris Johnson đã ghi trên Twitter: “Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền và tự do của người dân có quốc tịch Anh trong nhà và ngoại quốc. Có sự kỳ thị bởi vì quốc tịch là điều chia rẽ và sai lầm.”
Trước đó, vào ngày 27/01/2017, Thủ tướng Theresa May là vị lãnh tụ nước ngoài đầu tiên có họp chính thức với Trump và cả hai đã chào mừng "mối quan hệ đặc biệt" của hai quốc gia. Chỉ sau đó vài tiếng, Trump đã ký sắc lệnh cấm. Cuối cùng, Thủ tướng May cũng đưa ra một tuyên bố nói chính phủ Anh "không đồng ý" với lệnh cấm, nhưng di dân là "một vấn đề của chính phủ của Hoa Kỳ."
Pháp: Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Marc Ayrault nói rằng chào đón những người tị nạn là một "nhiệm vụ của đoàn kết." Ông viết trên Twitter "Khủng bố không có quốc tịch; kỳ thị phân biệt không phải là một câu trả lời."
Đức: Thủ tướng Angela Merkel nói, “Không thể lấy lý do cần phải cương quyết trong cuộc chiến đấu chống lại khủng bố để biện minh cho việc nghi ngờ những người có đức tin khác, trong trường hợp này là người theo Hồi giáo hoặc từ một gốc gác nào đó." Và, "Những hành động này, theo tôi, là đi ngược lại ý tưởng quan yếu của viện trợ quốc tế dành cho người tị nạn và sự hợp tác quốc tế."
Phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel cho biết bà đã gọi cho Trump để giải thích cho ông ta nhiệm vụ của Hoa Kỳ theo Công ước Geneva về người tị nạn.
Thổ Nhĩ Kỳ: Là Phó Thủ tướng của quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo và không nằm trong danh sách cấm, ông Mehmet Simsek viết trên Twitter, "Chúng tôi vui vẻ chào đón nhân tài toàn cầu không được phép trở lại #USA."
Canada: Không đề cập đến sắc lệnh của Trump, Thủ tướng Justin Trudeau chỉ viết trên Twitter, “Với những người chạy trốn sự ngược đãi, khủng bố và chiến tranh, người dân Canada sẽ mở rộng vòng tay chào đón các bạn, không phân biệt đức tin. Đa dạng (diversity) là sức mạnh của chúng ta.”
Úc: Thủ tướng Malcolm Turnbull nói, "Điều quan trọng là mỗi quốc gia đều có thể kiểm soát những người đi qua biên giới của mình." Và ông là một trong rất ít các nhà lãnh đạo công khai thể hiện sự hỗ trợ lệnh cấm đi lại.
Pakistan (Hồi quốc): Pakistan không nằm trong danh sách cấm của Trump, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Chaudhry Nisar lên án sắc lệnh, nói rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến những kẻ khủng bố. Thay vào đó nó sẽ "tăng thêm những khổ đau của các nạn nhân của khủng bố. Những người khốn khổ nhất của khủng bố là người Hồi giáo, và họ đã hy sinh nhiều nhất chống lại tai họa này."
Saudi Arabia: Chính quyền Saudi Arabia đã không công khai công bố thế đứng của họ. Nhưng hãng hàng không quốc gia Saudi Airlines đã ra tuyên bố là công dân của bẩy quốc gia bị nêu tên "sẽ không được phép bay trên Saudi Airlines. Công dân với chiếu khán ngoại giao hoặc làm việc cho cơ quan quốc tế và có những chiếu khán hợp lệ thì được miễn trừ."
Hữu phái tại Âu Châu
Anh: Nigel Farage, nhân vật lớn tiếng nhất trong vụ ly khai Brexit, đã chào mừng sắc lệnh của Trump và nói với BBC, "Ông ta được bầu lên để cứng rắn. Ông ta được bầu để nói là ông ta sẽ làm bất cứ điều gì trong quyền lực của ông ta để bảo vệ Hoa Kỳ không bị xâm nhập bởi khủng bố ISIS. Có bẩy quốc gia trong danh sách đó. Ông ta có quyền làm chuyện đó. Ông ta đã được bầu lên vì việc này."
Hòa Lan: Là sáng lập viên và lãnh tụ của đảng Party for Freedom ông Geert Wilders viết trên Twitter, "Chấm dứt di dân từ bất cứ quốc gia Islam nào chính là điều chúng ta cần. Tương tự ở Hòa Lan, đạo Hồi Islam và tự do không tương hợp."
Phản đối từ dân chúng trong nước Hoa Kỳ
Đã có hàng chục ngàn người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm và bày tỏ sự đoàn kết (solidarity) với người tị nạn và người Hồi giáo.
Theo New York Times, số ra ngày 29/1/17, thì tính đến thời điểm đó đã có hơn 40 cuộc biểu tình phản đối diễn ra tại nhiều phi trường và thành phố trên các tiểu bang của Hoa Kỳ. Và trong những ngày gần đây vẫn còn có một số cuộc biểu tình được ghi nhận.
Phản đối từ phía Lập pháp Hoa Kỳ
Đảng Cộng Hòa
Hai Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona và Lindsey Graham của South Carolina đã cho ra một thông cáo chung:
"Chính phủ của chúng ta có trách nhiệm bảo vệ biên giới, nhưng chúng ta phải làm theo một cách thế sao cho chúng ta được an toàn hơn và duy trì được tất cả những giá trị tốt đẹp và phi thường của đất nước của chúng ta.
"... Và chúng ta không nên quay lưng lại đối với những người tị nạn mà qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng đã cho thấy họ không là mối đe dọa cho quốc gia của chúng ta, và họ là những người đã gánh chịu những nỗi thống khổ kinh hoàng, mà đa số là đàn bà và trẻ em.
“… Sắc lệnh này đã gửi ra một tín hiệu, vô tình hay hữu ý, là Hoa Kỳ không muốn người Hồi giáo đến quốc gia của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng tôi sợ rằng sắc lệnh này có thể giúp tuyển mộ quân khủng bố nhiều hơn là giúp cải thiện sự an ninh của chúng ta.”
Thượng nghị sĩ Bob Corker của Tennessee, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết ông ủng hộ việc gạn lọc kỹ càng hơn, nhưng nhận thấy sắc lệnh đã được "thi hành rất tệ hại", đặc biệt là đối với người có thẻ xanh. Ông Corker nói, "Chính quyền nên lập tức có những điều chỉnh thích hợp, và tôi hy vọng qua các xem xét kỹ lưỡng và thực hiện các biện pháp cải tiến an ninh thì các chương trình này sẽ có nhiều phần được cải thiện và phục hồi."
Đảng Dân Chủ
Vào tối ngày 30/1/17, Dân biểu Nancy Pelosi của California, Thủ lãnh phe Thiểu số tại Hạ viện, và các Dân biểu và Thượng nghị sĩ tập hợp trước Tối cao Pháp viện để phản đối sắc lệnh cấm đi lại. Bà còn viết trong một thông báo, "Hành động của Tổng thống không những vi hiến mà còn trái với đạo đức".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York, Thủ lãnh phe Thiểu số tại Thượng viện, kêu gọi ông Trump phải ngay lập tức đổi ngược lại hành động đã làm, nói rằng sắc lệnh đó làm cho Hoa Kỳ "ít nhân đạo hơn, ít an toàn hơn, ít tinh thần của người Mỹ hơn." Trong một cuộc họp báo, ông Schumer nói "Phải đảo ngược lại sắc lệnh đó ngay lập tức, và đảng Dân chủ sẽ đưa ra đạo luật để đánh đổ nó."
Giải thích từ Tổng thống Donal Trump
Trước những phản đối và phê bình chỉ trích đến từ mọi nơi, Tổng thống Donald Trump đã công bố bản văn:
“Hoa Kỳ là một quốc gia tự hào về những người di dân và chúng ta sẽ tiếp tục thể hiện lòng trắc ẩn (compassion) đối với những chạy trốn khỏi sự áp bức, nhưng chúng ta sẽ làm như vậy trong khi vẫn phải bảo vệ công dân và biên giới của chúng ta. Hoa Kỳ luôn luôn là vùng đất của tự do và ngôi nhà của dũng cảm. Chúng ta sẽ giữ cho nó được tự do và giữ cho nó được an toàn, một điều như các giới truyền thông đều biết, nhưng họ từ khước không nói ra. Chính sách của tôi cũng tương tự như những gì Tổng thống Obama đã làm trong năm 2011 khi ông cấm cung cấp chiếu khán cho người tị nạn từ Iraq trong sáu tháng. Bảy nước có tên trong Sắc Lệnh cũng là những nước trước đây được chính quyền Obama chỉ ra (identified) là nguồn gốc của khủng bố. Để được rõ ràng, đây không phải là một lệnh cấm người Hồi giáo, như các giới truyền thông đã phúc trình sai lạc. Đây không phải là về tôn giáo - mà đây là về khủng bố và giữ cho quốc gia của chúng ta được an toàn. Hiện có hơn 40 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới mà đa số dân theo Hồi giáo đã không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Chúng ta sẽ cấp chiếu khán cho tất cả các nước một khi chúng ta chắc chắn là đã xem xét và thực hiện được các chính sách an ninh nhất trong 90 ngày sắp đến. Tôi có một cảm giác (thương cảm) rất là to lớn đối với những người đang bị liên lụy trong cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp này tại Syria. Ưu tiên thứ nhất của tôi sẽ luôn luôn là bảo vệ và phục vụ đất nước của chúng ta, nhưng là một Tổng thống, tôi sẽ tìm cách giúp đỡ tất cả những ai đang đau khổ.”
Ngoài ra, sau đó Chánh văn phòng của Tòa Bạch Ốc ông Reince Priebus cho biết là những người đang có thẻ xanh sẽ không bị cấm không cho trở về lại Hoa Kỳ, ngay cả khi họ là người của một trong bảy quốc gia có tên trong sắc lệnh cấm.
Tính Hợp pháp của Sắc lệnh
Đã có nhiều nơi đưa đơn kiện sắc lệnh này. Quan trọng nhất phải kể đến tiểu bang Washington và sau đó có thêm tiểu bang Minnesota đã nộp đơn kiện sắc lệnh cấm này tại Seattle, Washington.
Thứ Sáu ngày 03/02/2017, Thẩm phán liên bang James Robart, trước đây đã được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, đã ra lệnh ngưng thi hành sắc lệnh cấm đi lại này trên toàn quốc.
Thứ Bẩy ngày 04/02/2017, sau khi có quyết định của Thẩm phán James Robart, Bộ An ninh Nội địa của Hoa Kỳ đã rút lại các lệnh không cấp chiếu khán cho công dân của bẩy quốc gia nói trên.
Cùng trong ngày thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cho phục hồi lại khoảng gần 60,000 chiếu khán mà trước đó đã bị thu hồi khi sắc lệnh cấm đi lại được ban hành.
Sang nửa đêm Chủ Nhật ngày 05/02/2017, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nộp đơn kháng án, yêu cầu Tòa Chống án Liên bang (The Ninth Circuit Court of Appeals) ra lệnh ngưng phán quyết của Thẩm phán Robart để phục hồi sắc lệnh của Trump.
Sáng sớm Chủ Nhật ngày 05/02/2017, Tòa Chống án Liên bang đã bác bỏ lời yêu cầu khẩn cấp của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và đồng thời đã yêu cầu cả hai bên nộp bản tóm tắt quy phạm pháp luật trước khi tòa án này đưa ra quyết định.
Điều này có nghĩa là các phán quyết của Thẩm phán James Robart đình chỉ việc thi hành sắc lệnh cấm đi lại sẽ tiếp tục có giá trị - trong lúc này.
3:00 giờ chiều ngày thứ Ba 07/02/2017, Tòa Chống án Liên bang tại San Francisco sẽ nghe luận điểm của hai bên về sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump và sẽ quyết định số phận của lệnh ngưng thi hành của Thẩm phán James Robart.
Dù quyết định của Tòa Chống án Liên bang này như thế nào, thì có nhiều phần trăm chặng kế tiếp sẽ là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ - nơi cuối cùng sẽ quyết định số phận của sắc lệnh cấm đi lại của Tổng thống Donald Trump.
Team Trump
Về sắc lệnh cấm đi lại này, rất có thể nội các mới của ông Trump có nhiều thành viên chưa đủ kinh nghiệm chính trị hay điều hành và đã thiếu sót khi viết ra sắc lệnh, cũng như đã cho thi hành một cách vội vã thiếu chuẩn bị.
Tuy nhiên, trước một sắc lệnh có tầm cỡ quan trọng như sắc lệnh này, khó có thể hiểu được tại sao Team Trump lại không thực hiện những thăm dò (survey), và những nghiên cứu khả thi (feasibility study) về mọi khía cạnh của sắc lệnh này.
Điều khá chắc chắn là Team Trump sẽ không thể ngờ nghệch đến độ tin rằng nội các của Trump lại có thể "ung dung" thực hiện những sắc lệnh gây bão tố như lệnh cấm đi lại này và sẽ không bị kiện ra tòa án.
Với bộ tham mưu có đầy đủ khả năng đánh bại các đối thủ có tầm cỡ của cả đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong thời gian tranh cử, thì quả là một điều đáng ngạc nhiên khi Team Trump lại có thể mắc phải lỗi lầm sơ đẳng không tham khảo và không phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa khi thi hành lệnh cấm đi lại theo như các tường trình.
Và do vậy, những missteps nói trên đã đưa đến một làn sóng phản đối lan rộng từ bên trong Hoa Kỳ ra đến nước ngoài, như một cơn cuồng phong giông bão.
Ý kiến riêng
Ngay giữa trung tâm cơn bão của những biểu tình và ý kiến chống đối khắp nơi về sắc lệnh cấm đi lại này, thì ngoại trừ các ý kiến của các Trump haters luôn luôn tiêu cực, cũng còn có rất nhiều quan tâm rất chính đáng về mặt nhân đạo hay kỳ thị tôn giáo.
It is better to be feared than loved, if you cannot be both.
Tốt hơn hết là để bị sợ hơn là để được yêu, nếu không thể có được cả hai.
-- Niccolo Machiavelli (The Prince)
Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, thuần túy về mặt chính trị, “cơn bão” này cũng đã đem lại khá nhiều kết quả tương đối tốt cho Team Trump:
- Đối với cử tri Hoa Kỳ: Dù ủng hộ hay chống đối, họ đều thấy Tổng thống Trump đã thực hiện điều mà ứng cử viên Trump đã đưa ra trong thời gian vận động tranh cử, đặc biệt là về việc trong vòng 3 tháng tạm thời ngăn chận sự du nhập vào Hoa Kỳ của những người theo đạo Hồi xuất phát từ những nơi mà thành phần khủng bố Hồi giáo có thành tích.
- Khủng bố Hồi giáo: Không như vị tổng thống tiền nhiệm Obama và chính quyền của ông đã né tránh việc nêu đích danh "Islamic terrorism" (khủng bố Hồi giáo) vì ngại làm “buồn lòng" hơn 1.6 tỉ người Hồi giáo, chính quyền Trump đã cho thấy họ không ngần ngại dùng đến biện pháp mạnh đối với các thành phần Hồi giáo cực đoan - vốn không phải là cả khối Hồi giáo.
Không nhất thiết phải đưa ra lời cảnh cáo hăm dọa hay vạch ra lằn đỏ (drawing the red line) nào, team Trump đã hành động và “action speaks louder than words.”
- Địch thủ và đối thủ: Các chính quyền Bắc Hàn, Iran, Nga và nhất là Trung Hoa cộng sản qua “cơn bão” này, hẳn đã thấy chính quyền Trump có vẻ như không hề ngại "đụng chạm."
Dù chắc chắn vẫn còn muốn khoe khoang với thế giới - và nhất là dân chúng trong nước - thấy là họ vẫn thuộc loại "kiên cường", hẳn các quốc gia này cũng đã âm thầm "take notes" về Team Trump. Hy vọng các chính quyền này sẽ nghiêm chỉnh hơn khi phải cùng Hoa Kỳ giải quyết những xung đột.
- Láng giềng Châu Mỹ La Tinh: “Cơn bão” cấm đi lại vào nước Mỹ này đã gây chấn động khắp thế giới, và chắc chắn sẽ truyền đến phía Nam Hoa Kỳ sang tới El Salvador, Guatamela, Honduras và nhất là Mễ.
Thông điệp gián tiếp sẽ là: Nước Mỹ không còn là nơi vườn không, nhà trống có thể tùy tiện ra vào. Tại vùng đất trước đây đã quá dễ dàng cho việc tự do xâm nhập, một tấm bảng vô hình đã được dựng lên: Caution: Enter at your own risk!
- Đồng minh của Hoa Kỳ: nhất là các "đồng minh” loại free riders (chuyên đi xe chùa) đều có thể nhận được thông điệp của vị “new sheriff in town”: Wake up and smell the coffee!
Vì như Trump đã nói, “We can’t let the world take advantage of us from an economic standpoint.” - Chúng ta không thể để cho thế giới lợi dụng chúng ta về mặt kinh tế.
Với cung cách làm việc của Trump, xem ra ông đã đi theo đúng lời khuyên của Niccolo Machiavelli dành cho một lãnh tụ trong quyển Quân Vương (The Prince): "It is better to be feared than loved, if you cannot be both." - Tốt hơn hết là để bị sợ hơn là để được yêu, nếu không thể có được cả hai.
Trần Trung Tín
Feb 07, 2017
Post a Comment