Header Ads

Felix Dzerzhinsky Còn Sống Ở Việt Nam



Dù khinh thường dư luận quốc tế bao nhiêu, đảng CSVN cũng không thể một cách lộ liễu dựng tượng một người đã từng tuyên bô’ “giết không cần hỏi cung mới làm cho người ta sợ.”
-- Trần Trung Đạo

Nếu không đọc bài viết của tác giả Lê Dủ Chân trên Dân Làm Báo, thật khó tin rằng một bức tượng của Felix Dzerzhinsky vừa được khánh thành trước trụ sở Học viện Cảnh Sát Nhân Dân Việt Nam.  Bởi vì, dù khinh thường dư luận quốc tế bao nhiêu, đảng CSVN cũng không thể một cách lộ liễu dựng tượng một người đã từng tuyên bô’ “giết không cần hỏi cung mới làm cho người ta sợ.”

Dzerzhinsky sinh năm 1877 trong một gia đình quý tộc Ba Lan sùng đạo Thiên Chúa nhưng trở thành một người CS dã man, khát máu. Y có năng khiếu về ngoại ngữ mặc dù học hành bị dang dở vì tham gia hoạt động CS. Dzerzhinsky bị tù nhiều lần trong đó có lần bị lưu đày tận vùng băng tuyết Siberia.

Sau khi vượt thoát khỏi Siberia, Dzerzhinsky hoạt động cho đảng CS Đức và là nhân vật nổi tiếng trong phong trào CS Đông Âu. Sau 1917, thay vì hồi cư về Ba Lan Felix Dzerzhinsky quyết định ở lại Nga và được bầu vào đảng ủy CS Moscow. Felix Dzerzhinsky chia sẻ quan điểm của Lenin về vai trò toàn trị của Sô Viết và là người đầu tiên nhận trọng trách chỉ huy cơ quan mật vụ Cheka, hay còn được viết là Che Ka, khủng khiếp nhất tại Nga.

Cheka viết tắt từ chữ Nga Vserossiyskaya chrezvychaynaya komissiya Chrezvychaĭnaya komissiya (Ủy ban Toàn Nga Chống Phản Cách Mạng và Phá hoại). Về sau cơ quan này được thêm vào câu “chống tung tin đồn.” Cơ quan khủng khiếp này được chính thức thành lập ngày 20 tháng 12, 1917. Nhân viên của cơ quan được gọi là chekist. (1)

Theo lời kể của chính Dzerzhinsky: “Trong Cách mạng Tháng Mười, tôi là thành viên của Ủy ban Quân sự, và lúc đó được tin tưởng với trách nhiệm tổ chức và chủ tịch của Ủy ban Đặc biệt Đấu tranh chống Phản Cách Mạng và Phá Hoại, giữ chức vụ tương đương với Ủy viên Nội Vụ.”

Ngày 20 tháng 10, 1918 

Sergei Melgunov, một sử gia Nga nổi tiếng, chủ bút của tạp chí Tiếng vọng từ Quá khứ (Voice of the Past) và tác giả của nghiên cứu Khủng Bố  Đỏ tại Nga 1918-1923 (The Red Terror in Russia 1918-1923) được in lần đầu tại Đức năm 1924 cho biết danh từ “Red Terror” không phải là tiếng để báo chí hay dân chúng ám chỉ tội ác của  Felix Dzerzhinsky hay kết án y mà danh từ do chính Dzerzhinsky thừa nhận và Cheka đã sử dụng trong các tài liệu chính thức của tổ chức. Trong tài liệu của Cheka, mục đích của tổ chức này là “tận diệt mọi kẻ thù của giai cấp vô sản.” (2)

Khủng bố Đỏ tại Nga chính thức bắt đầu sau khi Moses Uritski, một cán bộ của Cheka bị ám sát ngày 17 tháng 8, 1918 tại St. Petersburg và nhất là sau ngày 18 tháng 8, khi bà Fanny Kaplan (1890-1918), đảng viên đảng xã hội ám sát hụt Lenin tại Moscow. Lenin thoát chết dù bị bắn hai phát. Dù sao, Lenin không bao giờ hoàn toàn hồi phục và viên đạn ghim vào lồng phổi của ông ta được xem như là một trong những nguyên nhân dẫn tới đột quỵ sau này. Fanny Kaplan bị xử bắn ngày 3 tháng 9, 1918. (3)

Ngày 20 tháng 10, 1918, 500 tù nhân bị Cheka xử bắn không qua một phiên tòa nào. Một con số ước lượng khác cho biết số người bị giết chỉ trong vài đêm đầu lên đến 1300 người.

Không riêng đàn ông mà vợ con những người tình nghi là phản cách mạng cũng bị giết. Trong nhiều trường hợp, trẻ em bị xử bắn trước sự chứng kiến của cha mẹ nhưng cũng có khi cha mẹ bị xử bắn trước mắt con cái còn rất nhỏ của họ.

Dzerzhinsky công khai thừa nhận và ủng hộ phương pháp khủng bố “Chúng ta ủng hộ khủng bố có tổ chức. Khủng bố là một điều cần thiết trong thời kỳ cách mạng. Mục tiêu của chúng ta là chiến đấu chống kẻ thù của Chính quyền Xô Viết và trật tự sống mới. Chúng ta kết án nhanh chóng. Trong hầu hết trường hợp, chỉ cần một ngày, giữa bắt giữ kẻ phạm tôi và xử án.” (4)

Trong bài báo trên tạp chí Krasnaya Gazeta Dzerzhinsky viết về Khủng Bố Đỏ: “Chúng ta sẽ biến trái tim thành gang thép, qua đó, chúng ta sẽ trui rèn trong ngọn lửa chịu đựng và máu của các chiến sĩ tự do. Chúng ta sẽ làm cho trái tim trở nên thô bạo, cứng rắn, không thể đổi dời, để không còn chỗ cho lòng thương xót xen vào, để chúng không còn dao động khi nhìn thấy biển máu của kẻ thù… Không có xót thương, không có thận trọng, chúng ta sẽ giết nhiều trăm kẻ thù. Nhiều ngàn cũng vậy. Hãy để chúng ngập chìm trong máu của chúng.” (5)

Felix Dzerzhinsky khát máu và tuyệt đối trung thành với Lenin 

Theo một chuyện được kể lại, trong một phiên họp do Lenin chủ tọa năm 1918 có sự hiện diện của Dzerzhinsky. Lenin chuyển đến Dzerzhinsky một tấm giấy nhỏ ghi câu hỏi bao nhiêu kẻ thù của cách mạng hiện đang bị cầm tù. Dzerzhinsky viết trả lại khoảng 1500 người. Lenin đọc xong và dùng bút gạch một dấu chữ thập bên cạnh con số và trả lại cho Dzerzhinsky. Đọc xong, Dzerzhinsky đứng dậy và bước ra khỏi phòng họp. Đêm đó, 1500 tù nhân bị đem ra xử bắn. Một quan điểm cho rằng Lenin có thói quen gạch dấu chữ thập vào góc tài liệu để xác nhận là đã đọc xong chứ không phải ra lịnh cho Dzerzhinsky đi giết 1500 người tức khắc. Dù Lenin có thật sự ra lịnh hay Dzerzhinsky hiểu sai cũng cho thấy dưới chế độ CS mạng sống của con người còn thấp hơn loài thú. Dzerzhinsky không thắc mắc, không đặt vấn đề và không có một chút cân nhắc nào trước khi hành hình một số lượng đông đảo hàng ngàn người. Lenin cũng im lặng và dư luận dĩ nhiên không ai dám lên tiếng. (6)

Con số chính xác nạn nhân của Cheka không thể nào ước lượng được. Số ước đoán của các sử gia rơi vào khoảng từ 100 ngàn đến 500 ngàn bao gồm những người bị giết và chết do nhiều lý do sau thời gian dài bị đày ải tại các “Trại Tập Trung.” Một ví dụ, Trại Arkhangelsk lúc đầu giữ 5000 tù nhân đến năm 1922 chỉ còn 1500 người sống sót. Nhiều ngàn người chết không qua một bản án hay xét xử nào. (7)

Felix Dzerzhinsky qua đời vì đột quỵ tim ngày 20 tháng Bảy, 1926. Nếu y sống trong giai đoạn Đại Thanh Trừng (Great Purge) và là trợ thủ đắc lực của Stalin, không ai có thể tiên đoán thêm bao nhiêu người sẽ bị giết.

Giật sập tượng Felix Dzerzhinsky

Sau khi phong trào CS châu Âu sụp đổ, tượng đài Dzerzhinsky bị giật đổ tại nhiều nơi.  Những công viên, đường phố mang tên y được thay đổi.

Một sự kiện lịch sử xảy ra lúc nửa đêm ngày 23 tháng 8, 1991, khi bức tượng Dzerzhinsky 12 tấn trên lối vào trụ sở KGB  ở thủ đô Moscow bị giật sập.

Đêm đó, khoảng 20 ngàn dân Nga tập trung tại quảng trường Lubyanka đồng thanh hô lớn “Đả đảo KGB” hay “Felix Đây Là Điểm Kết Thúc Của Ngươi.” Linh mục Chính Thống Giáo Gleb Yakunin tuyên bố “Điều này biểu tượng cho thấy rằng chúng ta đang giải tán hệ thống và chúng ta sẽ hủy bỏ bộ máy KGB toàn trị, nguy hiểm và to lớn.” Lãnh tụ công nhân hầm mỏ Anatoly Malykhin tuyên bố “Đây không phải là trả thù hay phần thưởng. Đó chỉ tái lập công lý. Chúng tôi đang quét dọn rác rưới từ cuộc đời của chúng tôi.” (8)

Một người không thể đứng lâu bằng một chân mà phải đứng bằng hai chân. Hai chân đã giúp CS Châu Âu đứng được 74 năm và giúp cho CS Á Châu còn tồn tại cho đến hôm nay là khủng bố và tuyên truyền.  Khủng bố Đỏ tại Liên Xô là một vết nhơ trong lịch sử văn minh của loài người và những người có ý thức đều đồng ý việc duy trì các tượng Felix Dzerzhinsky là một cách thừa nhận bản chất phi nhân của chế độ.

Felix Dzerzhinsky dĩ nhiên đã chết, tượng đài của y bị giật sập nhưng tại một nơi bản chất vô cùng ác độc và ghê tởm của y vẫn còn được tôn thờ, nơi đó là Cộng Sản Việt Nam.

Trần Trung Đạo

Tham khảo:

(1) The US Library of Congress. Revelations trom the Russian Archives. Documents in English Translation.

(2) S. Melgunoff, “Red Terror” in Russia 1918 – 1923

(3) Who Shot Lenin? Fania Kaplan, the SR Underground, and the August 1918 Assassination Attempt on Lenin. Scott B. Smith Jahrbücher für Geschichte Osteuropas. Neue Folge, Bd. 46, H. 1 (1998), pp. 100-119.

(4) John D. Loscher, The Bolsheviks: How the Soviets Seize Power, Volume 2, Author House 2009, pp 547-549

(5) Article in Krasnaya Gazeta, 1 September 1918, entitled "The Start of the Red Terror. Trích dẫn trong The Bolsheviks: How the Soviets Seize Power của John D. Loscher, p550

(6) Prominent Russians: Felix Dzerzhinsky, Russiapedia, http://russiapedia.rt.com/prominent-russians/politics-and-society/felix-dzerzhinsky/

(7) Lenin and the First Communist Revolutions, VII. http://econfaculty.gmu.edu/bcaplan/museum/his1g.htm

(8) Hated Symbol of KGB Torn Down by Crowd, August 23, 1991 Elizabeth Shogren, Times Staff Writer
Powered by Blogger.