Header Ads

Tương Lai Của Mối Quan Hệ Mỹ-Trung

(Image credit: avdeev707 / Getty Images)

Hai chuyên gia của Viện Đại Học Stanford thảo luận về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung, với những câu hỏi được nêu lên cho chính phủ sắp tới của ông Donald Trump.

Nicholas Hope là cựu giám đốc của Trung tâm Phát triển Quốc tế ở Stanford; ông đã hướng dẫn chương trình nghiên cứu về Trung cộng từ năm 1998.

Đô đốc Gary Roughead là chuyên viên quân sự tại Học viện Hoover của Stanford. Ông là giám đốc thứ 29 của phòng hành quân Hải Quân Hoa Kỳ sau khi đã giữ qua sáu chức vụ về hành quân và là một trong hai sĩ quan trong lịch sử Hải Quân Hoa Kỳ đã từng chỉ huy cả hai hạm đội ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Bài viết của Alex Shashkevich - Lâm Viên chuyển ngữ

Tại sao sự đắc cử của ông Donald Trump có thể làm thay đổi mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung cộng?


Hope: Tương lai của mối quan hệ, nói một cách rất ngắn gọn, không thể đoán trước được. Với những lời tuyên bố mạnh mẽ trong thời gian tranh cử chức vụ Tổng thống Mỹ của cả hai ứng cử viên về thương mại, chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ với Trung cộng sẽ trở nên khó khăn trong tương lai. Nhất là với ông Trump, người đã chỉ trích rất nặng nề về tình trạng trao đổi thương mại Mỹ-Trung.

Roughead: Theo quan điểm của tôi, thì quá sớm để nói mối quan hệ đó sẽ được hình thành như thế nào. Rõ ràng với những ý kiến và lời tuyên bố trong thời tranh cử và, gần đây, cuộc điện đàm của ông Trump với bà Tổng thống Đài Loan đã thực sự đặt mối quan hệ Mỹ-Trung dưới ánh đèn của sân khấu chính trị. Chính phủ mới vẫn đang xây dựng nội các của mình, và khối lãnh đạo an ninh quốc gia của ông Trump vẫn chưa công bố một phương thức rõ ràng và các ưu tiên về chính sách. Tôi nghĩ rằng phải cần một thời gian nữa thì chúng ta mới thấy rõ ràng về chính sách sẽ được đưa ra khi nói đến quan hệ Hoa Kỳ-Trung cộng. Những người mà ông Trump chọn vào chức vụ bộ trưởng của những bộ Ngoại Giao, Kinh Tế và Quốc Phòng sẽ là những nhân vật chính yếu của chính phủ về phương diện này.

Trung cộng đã tỏ ra rất bực bội sau khi ông Trump nói chuyện với giới lãnh đạo của Đài Loan. Đây là lần đầu tiên mà một tổng thống hoặc tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ đã có liên lạc trực tiếp với giới lãnh đạo của Đài Loan kể từ năm 1979. Tại sao Đài Loan lại là một vấn đề nhạy cảm cho Trung Quốc?


Hope: Tôi không thể không cảm thấy rằng ông Trump đã nghe lời khuyên sai lầm của các chuyên gia tư vấn của đảng Cộng hòa về vấn đề này. Cuộc thảo luận ban đầu của ông với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, được xem là tích cực. Nhưng sau đó ông đã quấy đục nước bằng cuộc nói chuyện với bà tổng thống Đài Loan. Bất cứ ai làm ăn với Trung cộng đều biết rằng tất cả dân chúng Trung cộng đều coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của đất nước họ. Họ sẽ phản ứng ngay lập tức, ngay cả khi chỉ nghĩ rằng một người nào đó bên ngoài sẽ can thiệp vào chuyện giữa Đài Loan và Trung cộng. Quan điểm của tôi là nếu bạn muốn đi đến một cuộc chiến tranh bằng súng đạn với Trung cộng, bạn chỉ cần tiếp tục thúc đẩy các ý tưởng độc lập của Đài Loan.

Roughead: Cho đến khi cuộc gọi điện thoại giữa ông Trump và bà tổng thống của Đài Loan không được xem như là một lời tuyên bố quan trọng của Hoa Kỳ thì mới không có gì đáng để ý, nhưng đó là một vấn đề vẫn luôn có ở đó, nó luôn luôn quan trọng đối với Trung cộng. Đề cập đến Đài Loan với Trung cộng hay một phái đoàn của Trung cộng thì có nghĩa là bạn đã đi vào các cuộc chạy đua với họ. Quan điểm của họ là Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung cộng và là một vị trí hoàn toàn không mềm dẻo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung cộng).

Ông Trump cũng vừa đề nghị có thể tách ra khỏi vị trí lâu dài của Mỹ vẫn cho rằng Đài Loan là một phần của "một nước Trung Hoa." Tại sao lại có chính sách này và những gì có thể xảy ra nếu chính sách này bị thay đổi?


Hope: Mối quan tâm thực sự bây giờ của Trung cộng là tình trạng của chính sách "một nước Trung Hoa", đó là căn bản của Nixon-Kissinger để công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (Trung cộng) trong thập niên 1970. Chính sách này được tạo ra để thúc đẩy hòa bình và mục đích của nó là để giảm thiểu khả năng của một cuộc xung đột quân sự giữa Đài Loan và Trung cộng. Chính sách này cho phép Trung cộng và Hoa Kỳ phát triển quan hệ hòa bình và mang tính xây dựng, bất chấp đôi khi cũng có căng thẳng, trong những thập niên tiếp theo. Nếu chính sách đó bị bỏ rơi, quan hệ của Mỹ-Trung có thể bị hư hại không thể cứu vãn được. Điều này có hay không có thể kích động một cuộc chiến tranh là điều khó nói, nhưng câu hỏi là tại sao chúng ta lại tạo nên nguy cơ đó?

Roughead: Đối với Trung cộng thì việc bỏ qua chính sách "Một nước Trung Hoa" là một bước ngoặc không thể chấp nhận được. Nó là một căn bản để thách thức quan điểm của sự toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước Trung cộng và sẽ được giải thích như là Hoa Kỳ đang cố gắng xé tan nền móng của chính sách "Một nước Trung Hoa" đã được duy trì trong nhiều thập niên.


Có những tin tức nào gần đây cho thấy nỗ lực của ông Trump để giải quyết các vấn đề thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, mà ông đã nói hay không?


Hope: Nếu đó là ý định của Trump, thì ông ta quả là khờ khạo. Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ rất tai hại cho tất cả mọi người. Tôi tin rằng lời đề nghị của ông về việc áp đặt thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung cộng và xé Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ khiến chúng ta phải hổ thẹn. Đài Loan không phải là một quân cờ; Trung cộng vẫn xem mảnh đất đó như là một phần đất thiêng liêng của Tổ quốc. Họ sẽ không nhượng bộ để đạt được vị trí về thương mại. Nếu đó là những gì nhóm chuyển quyền đang suy nghĩ, thì đó là họ tự lừa dối mình. Họ cần được lưu ý đến những lời khuyên khôn ngoan của George Shultz trong một chính quyền Cộng hòa trước đó: "một quốc gia; biện pháp hòa bình (one country; peaceful means.)"

Roughead: Có thể là bằng cách đặt việc này lên bàn để thảo luận cho thấy một tín hiệu "không rõ ràng" rằng mối quan hệ giữa hai nước có thể sẽ khác. Có thể Đài Loan là một con bài để mặc cả? Chỉ có tổng thống tân cử và nhóm của ông biết điều đó. Nếu Đài Loan đã được sử dụng như một quân cờ để mặc cả về thương mại mà thôi, nó cũng sẽ trở nên một vấn đề lớn hơn nhiều đối với Trung cộng.


Những thử thách lớn nhất giữa Trung cộng và Hoa Kỳ là gì?


Hope: Lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được quyết định bởi Trung cộng và Hoa Kỳ có thể phát triển một mối quan hệ hợp tác vì lợi ích của tất cả chúng ta hay không. Họ không cần phải trở thành người bạn tuyệt vời, nhưng chúng ta phải nhận ra và tôn trọng lợi ích của nhau và sẵn sàng thương lượng. Trong một khoảng thời gian dài của 70 năm qua, Hoa Kỳ đã là người lèo lái. Cái gì tốt cho Hoa Kỳ được coi là tốt cho tất cả mọi người khác trong thế giới không cộng sản. Điều đó đang thay đổi. Trong tương lai, Trung cộng sẽ không chấp nhận sự việc phải làm theo lời Hoa Kỳ nói. Nga và nhiều nước khác cũng sẽ không làm như vậy nữa. Bây giờ thì tuỳ thuộc vào Hoa Kỳ để thực hiện vai trò lãnh đạo bằng cách tạo nên một thế giới hòa bình và phong phú.

Roughead: Đó là một chiến lược quan trọng nhất của Hoa Kỳ: Ai sẽ là kẻ có thế lực thống trị ở châu Á và những quy tắc nào sẽ được đặt ra? Đó là câu trả lời xuyên qua kinh tế và an ninh trong khu vực và trên toàn cầu. Làm thế nào để đối phó với các lợi ích kinh tế đang xen vào giữa hai quốc gia? Làm thế nào để hai cường quốc này -- bạn phải công nhận Trung cộng là một cường quốc đáng kể ở châu Á -- đối phó với nhau? Làm thế nào để chúng ta tiếp tục được hưởng lợi với nhau? Một khía cạnh quan trọng nữa để xem xét là sự phát triển khả năng quân sự của Trung cộng trong hai thập niên vừa qua. Trong thực tế, đã có những tiên đoán rằng đến năm 2020 Trung cộng sẽ có một lực lượng hải quân lớn thứ hai trên thế giới, và đến năm 2030 họ sẽ lớn ngang với Hoa Kỳ. Các mối quan hệ chiến lược giữa Trung cộng và Nga cũng là một điểm quan trọng. Nó có thể làm cho môi trường an ninh thế giới nhiều phức tạp hơn.


Lâm Viên - Chuyển ngữ
1/4/2017
Tham khảo:

Stanford experts debate future of U.S.-China relationship
Powered by Blogger.