Header Ads

Nói Chuyện Với Cụ Vương - Trà Đạo


Vừa dơ tay định gõ cửa thì tiếng cụ Vương đã vọng ra:

- Mời ông vào. Đây làm am cỏ làm gì có cửa mà gõ …

- Chào cụ. Am cỏ dù không có cửa nhưng lịch sự chắc cũng phải gõ vào cột vào vách đánh tiếng cho đúng phép phải không cụ?

- Đấy là lễ phép của người ngoài, còn tôi với ông thì nghe tiếng dép đã biết là ai rồi …

- Nhưng thưa cụ lễ nghĩa là lễ nghĩa, luật lệ là luật lệ, cái phải theo thì vẫn cứ theo có phải vậy không ạ?

Cụ Vương ngừng tay pha trà, ngửng mặt lên, nhíu mày:

- Hôm nay chắc có gì lạ phải không ông? Ngồi xuống đây uống một tách trà cho thấm giọng, hôm nay ngoài trời mưa gió, ngày giờ dư giả chúng ta tha hồ đàm luận …

Tôi cảm ơn cụ, nâng tách trà thơm ngát, thổi nhẹ cho bớt nóng rồi chậm rãi nhấp vài ngụm nhỏ. Và đột nhiên thấy tâm hồn thoải mái, dường như một nửa ưu phiền đã trôi theo ngụm trà còn nửa kia bay theo làn khói ấm đang bốc lên từ tách trà trên tay.

Dường như đọc được ý nghĩ của tôi nên cụ Vương lên tiếng:

- Ông thấy chưa, chỉ cần dừng lại một chút cho ý nghĩ lắng đọng thì thoải mái tâm hồn phải không ông? Có lẽ vì thế mà người Nhật họ đặt ra “Trà Đạo”.

Bỗng dưng như một cơn lốc chợt đến, tôi hỏi cụ:

- Tại sao lại phải là “Trà Đạo”, tại sao lại phải là Đạo, là bó buộc, là luật lệ, là trừng phạt, …

Cụ Vương mỉm cười, chậm rãi:

- À thì ra là thế. Ông đang vướng mắc về chữ nghĩa đấy hả? Này ông, Đạo chỉ có nghĩa là con đường thế thôi. Mà đường thì muôn nẻo, muôn hướng, có chính có phụ, có ngắn có dài, … Con đường nào rồi cũng dẫn tới một nơi mà ta muốn đến.

- Nhưng thưa cụ có khi mình không biết đường thì phải nhờ người dẫn dắt hoặc đi theo người trước chứ?

Cụ Vương vẫn từ tốn:

- Đấy ông thấy chưa? Vạn nẻo đường chưa chắc có đường nào sai, chỉ có người dẫn lối đưa đưa đường đi lạc mà thôi. Diễn rộng ra thì chưa chắc có Đạo xấu mà chỉ có người Dẫn Đạo hoặc Hành Đạo xấu mà thôi. Chuyện này vẫn xảy ra từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Thế cho nên gọi là Trí Thức thì chưa đủ mà phải là Tri Thức, phải biết xuy xét. Nếu học đạo mà chỉ nhai lại những câu kinh điển nhưng chẳng áp dụng gì được vào đời sống. Học thì cứ luôn mồm Từ Bi hỷ xả, bị tát má trái thì đưa má phải. Nhưng lúc làm thì lại ăn thua đủ như mụ nhà quê xắn váy chửi “Hôm nay bà không ăn chay thì bà đào mả tam đại tứ đại nhà mày lên, một mắt đền một mắt chứ chẳng chừa đâu!” …

Nhân lúc cụ Vương ngừng lại lấy hơi, tôi bèn nói nhanh:

- Tôi hiểu rồi thưa cụ, nhưng cái chuyện “Ông trời của tao đúng, Ông trời mày sai" rồi cứ thế mà chửi nhau, ném bom, bắn súng, cắt cổ nhau mỗi ngày vẫn xảy ra thì làm sao mà giải thích?

- Thì cũng chỉ là ở kẻ dẫn đường, lãnh đạo hay hành đạo và lòng tham của họ to nhỏ thế nào mà thôi. Đối vớ kẻ được bảo rằng giết kẻ khác đạo với mình thì sẽ lên Thiên Đường thì nó sẽ xem chuyện giết người là đúng, Trời cản cũng chẳng được. Nhưng kẻ đứng dưới một bầu Trời khác thì lại nói là nó sai, bèn đem súng tới bắn, đem bom tới ném, … Thì cả hai ông Trời cũng chẳng làm chi được.

- Như thế thì hết thuốc chữa hả cụ?

- Không hẳn là như thế. Trong Chinh Phụ Ngâm có câu: “Nước Thanh Bình ba trăm năm cũ” thì chúng ta hiểu rằng cũng có những khoảng thời gian Thanh Bình lâu dài trong lịch sử của một quốc gia. Rồi lòng tham con người nổi lên, sinh ra những đám khủng bố Al-Qaeda, ISIS, Tập Cận Bình, Putin, … để giết nhau không thương tiếc. “Xanh kia thăm thẳm từng trên, Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” Hỏi Trời hay trách Trời thì tuỳ người dẫn giải. Nhưng mà bệnh nào thuốc nấy. Chuyện Quốc Tế thì có luật Quốc Tế, chuyện Quốc Gia có luật Quốc Gia còn nhỏ bé như hội đoàn thì có Điều Lê, Nội Quy, …

- Như thế là phương thuốc hay nhất là dùng luật của con người để trị con người hả cụ?

Cụ Vương trầm giọng:

- Tôi e rằng chỉ có vậy. Chuyện người sống thì người sống lo. Chuyện Thiên Đàng, Địa Ngục thì để trời lo. Hai cõi hai nơi hoàn toàn phân biệt. Người sống không có thể nói chuyện người chết, nếu có thì chỉ là đồng cô bóng cậu. Còn người chết thì chẳng có thể xía vào chuyện người sống, mà có xía vào thì cũng chẳng ai thèm nghe.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao thế hả cụ.

- Gời ơi sao ông lại hỏi ngớ ngẩn thế. Người chết mà đội mồ dậy nói chuyện thì sợ chạy té đái đi chứ ở đó mà nghe!

Cũng may là tôi chỉ sặc nước trà chứ té đái ra am cỏ của cu thì thật là vô lễ. Tôi đứng dậy chào:

- Cám ơn cu về buổi đàm thoại hôm nay. Thỉnh thoảng tôi sẽ ghé cu để  "trà đàm" có được không ạ?

Cu Vương gật gù:

- Ông không nên khách sáo. Cửa am cỏ lúc nào cũng mở.

Bước chân ra tới cổng vẫn còn nghe tiếng ngâm thơ của cụ Vương vọng ra:

Am ta không có cửa
Loăn xoăn đám cỏ gà
Một thân đầu nhẵn nhụi
Gia tài hai bị da
Khách vẫn thường hay hỏi
Rằng cụ trẻ hay già
Lúc uống sữa, ồ: Trẻ
Khi khạc nhổ, ấy: Già
Khi “Vũ qua bắc hải”
Lúc “Vãi nước sợ ma”
Bao nhiêu năm sương gió
Am cỏ vẫn mình ta

Nguyễn Thứ Dân
Powered by Blogger.