Header Ads

Donald Trump và Trung Hoa trước Viễn ảnh Chiến tranh Mậu dịch



Trần Trung Tín

Hội nghị hàng năm của World Economic Forum được tổ chức tại Davos-Klosters, Switzerland, từ ngày 17 đến 20/01/2017, với sự tham dự của nhiều giới chức có thẩm quyền trên thế giới trong kỹ nghệ, kinh tế, xã hội và chính quyền.

Trong diễn văn tại ngày khai mạc hội nghị Davos, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tiếp tục cam kết gắn bó với tự do mậu dịch.  Đồng thời, ông cũng có phát biểu hàm ý cảnh cáo ông Trump đừng theo đường lối bảo vệ mậu dịch (protectionism)(1).

Hôm sau, 18/01/2017, Jack Ma, sáng lập viên của công ty Alibaba, cũng bày tỏ ý kiến là Trung Hoa và Hoa Kỳ nên suy nghĩ kỹ, trước khi bắt đầu một cuộc chiến tranh mậu dịch.  Cũng nên biết, công ty Alibaba là niềm hãnh diện của Trung Hoa trong e-commerce và công ty này còn hay được đem ra so sánh với công ty Amazon của Hoa Kỳ.

Jack Ma còn nói rằng Trung Hoa nên để cho ông Trump có thời gian ổn định chính quyền mới trước khi có phản ứng đối với những tuyên bố khiêu khích (rhetoric) của ông. Jack Ma nói "Một cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ là tai họa cho cả thế giới. Rất dễ dàng để bị rơi vào chiến tranh mậu dịch."

Nhìn nhận là Trung Hoa còn có thể làm tốt hơn nữa để nền kinh tế của họ được cởi mở hơn, nhưng ông Jack Ma nói rằng công ăn, việc làm tại Hoa Kỳ bị mất đi là do bởi lỗi của người Mỹ, chứ không phải của Trung Hoa.

Dù vậy, Jack Ma nói rằng cả hai chính phủ Mỹ-Hoa và các giới doanh thương của hai nước đều nên cố gắng hết sức để tránh cuộc chiến tranh mậu dịch. Ông Ma còn đi xa hơn khi nói rằng nếu phải đóng cửa công ty Alibaba để không có chiến tranh mậu dịch, thì "Tôi sẽ đóng cửa Alibaba.  Mọi người cần phải làm bất cứ điều gì để chiến tranh mậu dịch không xẩy ra.”

Trận chiến Chính trị & Ngoại giao: Chính sách “Một Trung Hoa”

Chỉ bốn ngày trước khi Tập Cận Bình đọc diễn văn tại hội nghị Davos, ông Trump có dành cho The Wall Street Jounal một cuộc phỏng vấn vào ngày 13/1/17. Trong buổi phỏng vấn này, Trump cho biết ông sẽ dùng bất kỳ phương tiện nào trong tầm tay để điều chỉnh lại mối quan hệ với hai đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ là Nga Sô và Trung Hoa. Trump gợi ý là ông sẵn sàng gỡ bỏ cấm vận nhắm vào Nga Sô và ông đã không cam kết về một thỏa thuận lâu dài với Trung Hoa về Đài Loan(2).

Ông Trump nói, "Mọi thứ đều có thể được đem ra thương thảo, kể luôn chính sách Một Trung Hoa."

Tuy nhiên, qua bài diễn văn khá dài(1) đọc trước hội nghị Davos ngày 17/1/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không đề cập, dù gián tiếp, đến chính sách “Một Trung Hoa” - theo đó, về mặt ngoại giao, chỉ hiện hữu duy nhất một Trung Hoa.

Chính sách “Một Trung Hoa” này là điều mà ông Trump đã nhiều lần bày tỏ ý muốn thay đổi. Điển hình nhất là việc sau khi đắc cử, ông đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Đài Loan bà Tsai Ing-wen, một điều cấm kỵ đối với Trung Hoa mà kể từ thời Nixon cho đến Obama chưa một tổng thống nào làm.

Đành rằng hội nghị Davos đặt trọng tâm vào những vấn đề kinh tế và phát triển, nhưng không ai có thể kiểm duyệt bài diễn văn của Chủ tịch nước Trung Hoa.  Nếu muốn, trên diễn đàn thế giới này, Tập Cận Bình vẫn có thể khéo léo, vắn tắt trình bày quan điểm của Trung Hoa nhằm đối phó lại sự tấn công của ông Trump - chỉ trước đó 4 ngày - nhắm vào mặt chính trị và ngoại giao, vốn là những lãnh vực có liên hệ mật thiết với mậu dịch và kinh tế.

Đối với quốc gia nào cũng vậy, sự toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là một vấn đề sinh tử.  Nhưng đặc biệt đối với Bắc Kinh đó lại còn là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Vì nếu như có một Đài Loan thành công trong việc ly khai, thì các vùng khác lại càng như được khuyến khích thêm can đảm đòi độc lập.

Khu vực có kích thước nhỏ muốn đòi tự trị hay độc lập thì có thể có Macao, Hồng Kông. Mà kích thước lớn thì có Tây Tạng (Tibet) và Tân Cương (Xinjiang, ở vùng tây bắc Trung Hoa, sát biên giới với Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Hồi Quốc và Ấn Độ). Với những xung đột ly khai vẫn còn xảy ra, hai khu vực này vẫn làm Trung Hoa lo ngại.

Ngoài ra, mặc dù là điều rất khó xẩy ra, nhưng Mãn Châu (Manchuria), vùng đông bắc Trung Hoa, sát biên giới Nga, Mông Cổ, Bắc Hàn gồm những tỉnh (provinces) Heilongjiang, Jilin and Liaoning, cũng có thể là một “ứng viên” đứng lên đòi độc lập - nhất là một khi Nga và Nhật sẵn sàng “yểm trợ” khi thuận tiện.


Bản đồ của Trung Hoa


Tưởng cũng nên nhắc lại, vào tháng 12, 2016, khi mới đắc cử, Trump đã làm cho Bộ Ngoại giao Trung Hoa phải lên tiếng phản đối ngay lập tức sau khi trả lời trong cuộc phỏng vấn của chương trình Fox News Sunday là ông không muốn Hoa Kỳ tiếp tục bị ràng buộc vào chính sách Một Trung Hoa, và ông muốn buộc chính sách này vào những vấn đề mậu dịch của Trung Hoa với Hoa Kỳ.

Nhưng cho đến nay, ngoài việc đưa ra những phản đối, các giới chức trách nhiệm của Trung Hoa vẫn chưa đưa ra được mối đối sách nào để đối phó với việc Trump có thể không còn tôn trọng chính sách "Một Trung Hoa".

Cũng có những phát biểu mạnh mẽ đến từ giới học thuật như giáo sư Su Hao chuyên về chính sách ngoại giao tại China Foreign Affairs University: "Đối với Bắc Kinh, nguyên tắc Một-Trung Hoa là vấn đề của sự toàn vẹn chủ quyền và phẩm cách của quốc gia (national dignity). Không có một lợi ích kinh tế nào có thể đem ra so sánh với điều đó được." (3)

Hoặc đến từ giới nghiên cứu như Shi Yinhong, giám đốc của American Studies tại Beijing’s Renmin University, đưa ra nhận xét là uy tín của giới lãnh đạo Trung Hoa, trong và ngoài nước, cũng tùy thuộc vào chính sách Một Trung Hoa. Shi nói: "Việc nói thách quá đáng trong việc trả giá các lợi ích cốt lõi của Trung Hoa, như Đài Loan và Biển Nam Hải (Biển Đông), sẽ chỉ gặp phải sự trả đũa mạnh mẽ." (3)

Ngoài những phản đối và nói hùng, nói mạnh (tough talk), xem ra Trung Hoa chưa tìm ra được một đáp án khả thi nào để ứng đối với một tình huống mới - mà họ chưa hẳn đã dự liệu được:

Có vẻ như Donald Trump không muốn tái khởi động (reset) các mối quan hệ mậu dịch Mỹ-Hoa mà thay vào đó, ông muốn định nghĩa lại (redefine) tương quan của những mối quan hệ này.

Không thể nào biết được tường tận các thế trận liên hoàn của Trump được hoạch định như thế nào để tấn công Trung Hoa, nhưng xem ra ông muốn dùng chính sách Một Trung Hoa như là một bargaining chip để mặc cả.

Thông điệp "Một Trung Hoa" được gửi ra và rõ ràng là có kèm theo một tín hiệu nhắn nhủ đầy đe dọa: Nếu không giải quyết ổn thỏa những vấn đề mậu dịch, thì như người Mỹ vẫn hay nói: We will bring this fight to your doorstep - Chúng tôi sẽ mang cuộc chiến này đến ngay ngưỡng cửa nhà bạn.

Yếu tố bất ngờ

Thực ra, Trump không phải là ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ cứng rắn với Trung Hoa. Trước mùa bầu cử tổng thống năm 2000, George W. Bush (Bush con), đã hứa sẽ đối xử với Trung Hoa như một đối thủ kinh tế.

Nhưng 4 năm sau, khi là ứng viên cho đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống, John Kerry đã tố cáo tổng thống George W. Bush là "ngủ gục trên tay lái" vì đã không giải quyết được việc thao túng tiền tệ (currency manipulation) của Trung Hoa.

Tương tự, trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2008, Barack Obama cũng hứa sẽ đặt vấn đề thao túng tiền tệ với Trung Hoa.  Nhưng khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Obama đã không liệt kê Trung Hoa trong danh sách của những kẻ thao túng tiền tệ.

Sang đến cuộc vận động tranh cử 2016, khi Trump lớn tiếng hứa hẹn sẽ tấn công vào chính sách tiền tệ của Trung Hoa và sẽ đánh 45% thuế lên các hàng hóa nhập cảng từ Trung Hoa, thì tại lục địa bên kia Thái Bình Dương, các giới lãnh đạo, các trung tâm suy tưởng (think-tanks) và truyền thông của Trung Hoa có thể đều xem đó là những phát biểu thách thức (rhetoric) trong lúc giận dữ tức thời.  Hẳn họ đã nghĩ, rồi Trump cũng sẽ giống như những vị tiền nhiệm, và cuối cùng thì cũng sẽ chịu "sống chung hòa bình."(4)

Cứ vững tin như thế cho đến khi có một loạt báo động đỏ vào tháng 11/2016, ngay sau khi Trump đắc cử: Với cuộc nói chuyện điện thoại giữa Trump và bà Tổng thống Đài Loan! Với Trump công khai tuyên bố chính sách Một Trung Hoa cũng không còn là một yếu tố ngoại giao bất khả xâm phạm! Thì lúc đó Trung Hoa mới nhận ra là chính họ hoàn toàn bị mất cảnh giác.

Yếu tố bất ngờ này lại càng làm cho Trung Hoa rơi vào thế bị động vì tại thời điểm này họ đang trong giai đoạn chạy nước rút trước việc tổ chức Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Hoa tại Bắc Kinh vào mùa thu năm 2017.

Trước những thay đổi có tầm cỡ mà Trung Hoa đã không nhanh chóng đưa ra được những đối sách để chống trả lại những tấn kích của Trump, thì giới lãnh đạo Trung Hoa đã cho thấy họ đã đi sau Donald Trump, ít nhất là một bước, trong ván cờ tiên liệu.

Thành phần thao túng tiền tệ (currency manipulator)

Donald Trump đã nhiều lần nói là ông sẽ xếp Trung Hoa lên danh sách của những kẻ thao túng tiền tệ ngay ngày đầu tiên lên nắm quyền tổng thống ("On Day One of a Trump administration, the U.S. Treasury Department will designate China a currency manipulator.") Nhưng việc đó đã không xẩy ra ngay trong những ngày đầu mới nhậm chức.

Vì thường ra, khi một quốc gia bị Hoa Kỳ xếp loại vào thành phần thao túng tiền tệ, thì quốc gia đó đã vi phạm 3 điều(4):

  1. Tổng số thặng dư tài khoản vãng lai (current account surplus) của quốc gia đó phải ít hơn 3% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của họ

  2. Tài khoản vãng lai thặng dư (current account surplus) khi tiền của quốc gia đó cho thế giới vay nhiều hơn là tiền họ đi mượn.  Hoặc tiền để dành của quốc gia lớn hơn tiền họ đem ra đầu tư.
    Tài khoản vãng lai thiếu hụt (current account deficit) khi tiền của quốc gia đó đi mượn nhiều hơn tiền họ cho vay.

  3. Thặng dư mậu dịch (trade surplus) vượt quá 20 tỉ USD: Tiền xuất cảng sang Mỹ nhiều hơn tiền nhập cảng từ Mỹ trên 20 tỉ USD.
  4. Can thiệp mạnh mẽ trong thị trường ngoại tệ: Xảy ra khi chính phủ hay ngân hàng trung ương mua hoặc bán ngoại tệ để trao đổi với đồng tiền nội địa của mình, với ý định tạo ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái.

Bộ tài chánh Hoa Kỳ đảm trách việc xét nghiệm các tiêu chuẩn trên. Lần cuối cùng mà Trung Hoa bị Hoa Kỳ cho lên danh sách thao túng tiền tệ là năm 1994.

Việc thao túng tiền tệ (currency manipulation)

Khi một quốc gia có thặng dư mậu dịch, thì trị giá của đồng tiền của quốc gia đó đáng lý ra phải tăng cao vì giới doanh thương nước ngoài cần mua hiện kim của quốc gia đó để trả cho hàng hóa họ mua. Càng có nhu cầu muốn mua (demand) hiện kim trên thị trường tiền tệ, thì trị giá của hiện kim đó càng lên cao.  Một đồng tiền như vậy được xem là "mạnh".

Ngược lại, sự thâm thủng mậu dịch (trade deficit - mua vào nhiều, bán ra ít) thường sẽ làm giảm giá trị của đồng tiền. Khi mua nhiều hàng hóa, sẽ có nhiều tiền đó luân lưu trên thị trường. Một khi con số "cung" lên cao, và con số "cầu", cần đến đồng tiền đó, lại đi xuống, thì trị giá của đồng tiền sẽ giảm.  Đồng tiền như vậy sẽ bị xem là "yếu".

Nếu để cho vận hành bình thường, thì sự thâm thủng (deficit) và thặng dư (surplus) sẽ tự điều chỉnh theo thời gian. Tiền tệ của quốc gia có thặng dư mậu dịch sẽ trở nên "mạnh" hơn. Lúc đó mua hàng hóa của các quốc gia thặng dư này sẽ tốn kém nhiều hơn và ngược lại khi mua hàng từ các quốc gia khác sẽ tốn kém ít hơn.  Cứ theo chiều hướng đó trong vài năm thì thặng dư mậu dịch (bán nhiều và mua ít) sẽ bị giảm xuống, và các quốc gia đó sẽ “tự điều chỉnh“ để trở nên mua nhiều và bán ít (thâm thủng mậu dịch).

Mặt khác, tiền tệ của quốc gia bị thâm thủng mậu dịch sẽ trở nên "yếu" hơn. Lúc đó sẽ tốn kém ít hơn khi mua hàng của các quốc gia này và vì không có nhiều tiền cho nên họ không mua nhiều hàng từ các quốc gia khác. Tiền chỉ có vào (do bán hàng ra) và không xuất ra (vì không mua hàng vào), thì sự thâm thủng mậu dịch của quốc gia đó dần dần sẽ mất đi.

Khi thị trường ngoại tệ được vận hành môt cách đúng đắn và tỉ giá hối đoái được định ra do bởi nhu cầu mua bán trên thị trường, thì về mặt lý thuyết, cán cân mậu dịch của thế giới thương mại cuối cùng vẫn sẽ được quân bình.

Nhưng giả sử rằng thay vì các giới doanh nhân và doanh nghiệp trong quốc gia có thặng dư mậu dịch dùng đồng tiền "mạnh" để mua thêm nhiều hàng hóa từ các nơi khác của thế giới, thì quốc gia đó có một cơ quan trung ương dùng phần thặng dư tiền mặt để thu mua tiền tệ của các nước khác. Trong trường hợp này, việc thu đổi mua bán ngoại tệ căn cứ theo sự vận hành tự nhiên của các yếu tố cung/cầu trên thị trường đã bị bỏ qua. Điều này được gọi là thao túng tiền tệ. (5)

Khi thực hiện việc thao túng tiền tệ, quốc gia có thặng dư mậu dịch đã tạo ra sự khan hiếm của đồng tiền của các nước khác, và "đẩy" giá của các đồng tiền đó lên cao thành tiền "mạnh", trong khi vẫn giữ được đồng tiền của họ ở mức "yếu".  Có nghĩa là hàng hóa từ các nước có đồng tiền "mạnh" sẽ vẫn đắt hơn và hàng hóa từ quốc gia đang thao túng tiền tệ sẽ vẫn rẻ hơn.

Sự thặng dư mậu dịch của quốc gia đang thao túng tiền tệ cứ tiếp tục tăng lên thay vì được điều chỉnh. Ngược lại, tại các nước không thao túng tiền tệ, thì nhà máy bị đóng cửa, người dân bị mất việc làm và sự giàu có của các quốc gia này đã chạy sang quốc gia đang thao túng tiền tệ.

Có người có nhiều tiền mặt muốn giá trị đồng tiền của họ trở nên "mạnh" hơn để có thể ra bên ngoài thế giới mua được nhiều thứ hơn. Nhưng với những nhà sản xuất hay chế tạo hàng hóa, thì họ lại muốn giá trị của đồng tiền của nước họ trở nên "yếu" để họ có thể bán hàng hóa của họ với giá thấp.

Nói cách khác, các nhà đầu tư muốn đồng tiền của nước họ lúc nào cũng phải "mạnh" và các nhà sản xuất muốn đồng tiền của nước họ lúc nào cũng "yếu".

Trong tương quan mậu dịch thế giới, các quốc gia thao túng tiền tệ - mà không bị đương đầu và ngăn chận lại - sẽ luôn luôn đạt được lợi thế của kẻ chiến thắng.

Tự do mậu dịch vẫn là điều nên được khuyến khích và thực hiện giữa các quốc gia.  Nhưng qua những sắp xếp và chuyển động của Trump, xem ra ông ta không để Trung Hoa tiếp tục nhân danh "tự do mậu dịch" để thao túng tiền tệ và luôn luôn dành phần thắng trong tương quan mậu dịch với Hoa Kỳ.

Quan điểm và phản ứng từ phía Trung Hoa

Bắt đầu ý thức được sự quyết liệt của ông Trump, phía Trung Hoa cũng đang tìm những "kẽ hở pháp lý" để chống đỡ.

Một giới chức của Ngân Hàng Nhân Dân Trung Hoa (ngân hàng trung ương, tương tự như Federal Reserve của Hoa Kỳ), phát biểu với điều kiện được giấu tên, nói rằng Trung Hoa đã không vi phạm điều thứ #1- thặng dư tài khoản vãng lai - vì sự thặng dư tài khoản của họ ít hơn 3% của tổng sản lượng quốc gia. Giới chức ngân hàng trung ương này cho biết: "Sự thặng dư của tài khoản vãng lai của Trung Hoa năm 2016 được ước tính là 2.5% của tổng sản lượng năm nay và sang năm 2017 còn thấp hơn nữa.

Còn về mặt can thiệp vào thị trường ngoại tệ, Trung Hoa là người mua nhiều (net buyer) đồng yuan (nhân dân tệ) để ngăn chận sự mất giá nhanh chóng lúc gần đây. Có lẽ Trump nên cân nhắc lại những điều ông ta định làm và những hậu quả đối với nền kinh tế của Hoa Kỳ nếu như Trung Hoa không làm chuyện can thiệp như thế." (4)

Cũng để bày tỏ quan điểm biện hộ chống đỡ cho Trung Hoa, Sun Lijian, một kinh tế gia của Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết: "Trung Hoa sẽ không thực hiện những biện pháp cải cách cực đoan sâu rộng trong chính sách về tỉ giá hối đoái, nếu đó là những gì mà Hoa Kỳ đòi hỏi. Những lời tố cáo từ phía Hoa Kỳ đã không bao giờ làm phiền nhiễu được tốc độ cải cách tiền tệ của riêng Trung Hoa, và nó sẽ vẫn tiếp tục như vậy trong thời gian này."(4)

Tương tự, giáo sư tài chánh của Đại học Renmin, Zhao Xijun, đã nói Trung Hoa sẽ theo đường lối đã được định trước trong việc cải tổ chế độ tiền tệ (currency regime reform) và "chắc chắn nói không" trước việc bị chỉ định là kẻ thao túng tiền tệ.  "Những phòng ban liên hệ đang chuẩn bị cho những thông tin liên lạc song phương, thương thảo và điều tra được dự kiến là sẽ tiến hành cùng lượt với những lời buộc tội nếu điều đó xảy ra", ông nói. "Ngoài ra, họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mậu dịch nếu đó là điều không thể tránh được."(4)

Nhưng từ Washington, giám đốc dự án về thương mại và kinh tế chính trị Trung Hoa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Scott Kennedy nói: “Ở giai đoạn này, mục đích của tất cả các la hét và nói chuyện là để cố gắng tránh một cuộc chiến tranh mậu dịch, để cho thấy Hoa Kỳ không nói dọa. Tuy nhiên, có chiến tranh mậu dịch hay không là tùy thuộc vào phản ứng như thế nào của Trung Hoa.

"Nếu Trung Hoa không giải quyết các vấn đề về tỉ giá hối đoái của họ, về việc bóp méo nền kinh tế trong nước hoặc tự do hóa nền kinh tế để đón nhận thêm nữa các đầu tư từ bên ngoài, thì tôi nghĩ rằng xác suất có các hình phạt kiểu này hay kiểu khác rất là cao.

"Xem ra cuộc chiến tranh mậu dịch là điều không tránh khỏi. Nhưng đó là điều cực kỳ nguy hiểm cho cả hai phía, đặc biệt là Trung Hoa nếu cuộc chiến tranh mậu dịch nổ ra."(4)

Bởi vì nền kinh tế của Trung Hoa "quá lệ thuộc" vào quan hệ song phương, cũng như so với Hoa Kỳ nền kinh tế của Trung Hoa "rất mỏng manh dễ vỡ (fragile)", theo nhận xét của ông Keneday.

Trận chiến Pháp lý: Luật pháp của Hoa Kỳ

Theo đúng luật của Hoa Kỳ, thì hiện nay Trung Hoa không nằm trong danh sách bị lưu ý.  Vì trong tháng 10, 2016, Bộ Tài chánh Hoa Kỳ của chính phủ Obama đã khước từ việc lên danh sách có tên Trung Hoa là quốc gia thao túng tiền tệ.  Việc làm này là một cách gián tiếp bác bỏ phương cách cứng rắn của ông Donald Trump đề ra để đối phó với Trung Hoa.

Tuy nhiên, theo như Lewis Alexander, cựu kinh tế gia của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (Fed), cố vấn Bộ Tài chánh thời Tổng thống Obama, và hiện đang là kinh tế gia trưởng (chief economist) của công ty Nomura Securities International Inc. tại New York, thì:  "Quá trình (xét nghiệm việc vi phạm) được thiết lập bởi bộ Tài chánh, nhưng cuối cùng thì họ vẫn có thể thay đổi.  Trump sẽ có một Bộ Trưởng Tài chánh mới. Tôi nghĩ họ sẽ có một ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm."(6)

Theo South China Morning Post, khi căn cứ theo những luật hiện hành của Hoa Kỳ, thì ai cũng rất dễ nghĩ là tổng thống chỉ được luật pháp cho phép đơn phương áp đặt thuế nhập cảng ở mức tối đa là 15% và chỉ áp dụng trong vòng 150 ngày(4). Có nghĩa là nếu có bị trừng phạt kinh tế, thì thiệt hại cũng không quá nặng.

Nhưng, vào ngày 14/12/16, trên website Law360.com có đăng bài viết "The President’s Long-Forgotten Power To Raise Tariffs" (Quyền lực Tăng thuế của Tổng thống từ lâu nay đã bị bỏ quên). Đồng tác giả là cựu phó đại diện thương mại của Hoa Kỳ, John Veroneau và Catherine Gibson, đồng nghiệp tại công ty luật Covington & Burling.  Hai vị này cho biết là họ đã khám phá ra "Section 338 of the Tariff Act of 1930" cho phép tổng thống ấn định mức thuế nhập cảng lên tới 50% và ngay cả có thể hoàn toàn cấm nhập cảng từ một quốc gia nào đó.(7)

Trong chiều hướng muốn theo đuổi một chính sách thương mại "gây hấn" hơn với Trung Hoa và với đạo luật 87 tuổi mới được tái khám phá, ông Trump có thể có đủ công cụ để thực hiện chính sách đã dự định.

Cũng nên biết là lần cuối cùng điều luật này được áp dụng là nhắm vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lúc năm 1949, thời cộng sản mới lên nắm chính quyền.

Tạm Kết

Trước khi nhậm chức tổng thống, vào ngày 21 tháng 12, 2016, ông Trump đã thành lập Hội đồng Mậu dịch Quốc gia của Tòa Bạch ốc, đứng đầu bởi Peter Navarro, một người nổi tiếng với những chỉ trích Trung Hoa.  Hội đồng này có trách nhiệm phát triển những chính sách để cắt giảm sự thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ, phát triển tăng trưởng và ngăn chặn không để công việc đi ra nước ngoài.

Hiện thời, chỉ trong vòng 1 tuần sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký những quyết định liên quan đến vấn đề di dân bất hợp pháp, hoặc bắt đầu xây tường dọc biên giới Mỹ-Mễ, hay rút lui ra khỏi Hiệp ước TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement). Bằng vào những quyết định đó Trump cho thấy ông đang thực hiện những điều đã hứa trong giai đoạn tranh cử tổng thống.

Và trong những lời hứa đó có phần Trump đã nói ông sẽ đánh 45% thuế vào hàng hóa nhập cảng từ Trung Hoa nhằm để bảo vệ công ăn việc làm của Hoa Kỳ không bị cạnh tranh một cách không lương thiện.

Hiện nay, với một Trung Hoa hãnh tiến đang bành trướng tham vọng bá chủ thế giới và với một Donald Trump cùng ban tham mưu với một đường lối mới trực diện đối đầu với Trung Hoa, thì trong tương lai chắc chắn hai quốc gia này sẽ có những "đụng chạm".

Tuy nhiên những đụng chạm này có sẽ leo thang tới mức độ chiến tranh mậu dịch hay không, thì vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào phản ứng của cả hai phía Trung Hoa và Hoa Kỳ. Và nếu chiến tranh mậu dịch có xẩy ra và kết quả sẽ tai hại như thế nào, thì cũng là những điều không ai có thể tiên đoán chính xác được.

Nhưng tác hại do anh khổng lồ Trung Hoa gây ra vì đang ra sức bành trướng hay bị quật ngã đều làm các quốc gia lân bang như Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.  Quốc gia nào không nhanh chóng tìm ra được một vị trí thích đáng để phòng thủ thích nghi trong trường kỳ đối với một Trung Hoa độc tôn và hung hãn, thì chắc chắn quốc gia đó sẽ có một số phận đáng buồn.

Trần Trung Tín
Ngày cuối, năm Bính Thân
San Jose, January 27, 2017

Tài liệu tham khảo:

(1) https://www.weforum.org/agenda/2017/01/full-text-of-xi-jinping-keynote-at-the-world-economic-forum
(2) http://www.wsj.com/articles/donald-trump-sets-a-bar-for-russia-and-china-1484360380
(3) http://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2062180/trump-will-not-commit-one-china-policy-if-beijing
(4) http://www.scmp.com/news/china/economy/article/2059187/will-trumps-assault-chinese-currency-trigger-full-blown-trade-war#add-comment
(5) https://ourfuture.org/20140622/what-is-currency-manipulation
(6) https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-11-09/trump-to-brand-china-currency-manipulator-treasury-veteran-says
(7) https://www.law360.com/articles/872779/the-president-s-long-forgotten-power-to-raise-tariffs

Powered by Blogger.