Header Ads

Phim Xưa


Em vừa đi xem một phim Việt Nam với mấy bà bạn Trưng Vương cũ. Tụi nó nghe quảng cáo quá trời trên các truyền thông VN suốt mấy tuần qua nên hò nhau đi coi, kéo theo em đi luôn cho biết với người ta, kẻo thấy em ở nhà hoài, mụ cả người đi mất. Đây là một phim VN trước 75, quay từ tiểu thuyết của một nhà văn quân đội nổi tiếng xưa. Mục đích của những người trình chiếu là để giữ gìn văn hoá, những di sản quý báu của một thời huy hoàng của VN hầu có thể truyền lại cho con cháu mai sau, nhất là cho những thế hệ VN hải ngoại khi muốn tìm về cội nguồn. Cuốn phim đã được quay và chiếu ở Saigon những năm đầu thập niên 70, nhưng hồi đó em không có đi coi vì em đã đọc truyện đăng trên báo hằng ngày trước khi in thành sách và quay thành phim. Em bất mãn ngay từ lúc đọc truyện trên báo, trong đó nhân vật chính là một ông hạ sĩ lái xe cho một viên trung tá. Con gái ông trung tá yêu anh tài xế của bố nhưng anh lại không thèm để ý mà lại có người yêu là một ca sĩ phòng trà nổi tiếng, rất đẹp, vô cùng sexy. Anh bị một ông đại uý yêu cô con gái ông trung tá nhưng không được cô yêu lại nên tìm cách hành anh hạ sĩ để trả thù. Trong truyện trên báo em đọc hồi đó thì anh hạ sĩ tài xế của viên trung tá sùng quá nên thôi không thèm làm tài xế nữa mà bèn lên Đà lạt, đi học… Võ Bị Đà Lạt!!!! Chưa hết, người đẹp con ông trung tá lên Đà lạt thăm ông, cô ở tại nhà của Chỉ huy trưởng trường VB nên CHT cho “mời” ông SVSQ lên dinh của ông để gặp người đẹp!!!!

Lâm ly dễ sợ!

Vừa vô phim, cảnh đầu tiên là một đoàn công voa dài chở lính băng qua các con đường đầy bụi. Hình ảnh rất đẹp tới nỗi em tính chắc lúc nào có thể, em sẽ dụ ông chồng em đi coi thử phim này coi.  Em nói “khi nào có thể” vì ông chồng em, uýnh giặc triền miên từ ngày ra trường tới ngày vô tù CS, đi từ trung đội trưởng lên tiểu đoàn trưởng, rất dị ứng với những phim truyện loại này, mới chỉ nghe thôi là ổng đã gạt phăng, dù ông cũng đã ở tù chung một thời gian dài thật dài từ Bắc vô tới Nam với ông tác giả. Khi đoàn xe đang chạy thì từ hướng đối diện, một chiếc xe jeep ào ào lao tới, băng qua cả xe quân cảnh và người quân cảnh đang giơ tay chặn xe lại. QC không đuổi theo vì “thôi hắn đi đón trung tá đó mà”!

Xem cảnh mang xe đi đón xếp như thế đó thì em nghĩ chắc chắn trong cuộc hành quân vừa kết thúc, anh tài xế phải ở hậu cứ chứ không đi theo ông xếp của mình một bước nào hết cả. Xe ở nhà, xếp không có mặt, vậy mà đón xếp xong, về là anh vội vã đi gặp người yêu ngay lập tức, và cửa vừa mở là hai người đã lao ngay vào nhau, ôm xiết, vật vã lăn lộn vì đã “bẩy ngày qua anh bỏ em một mình”. Ủa chứ mấy ngày đó anh đi đâu vậy ta?

Chưa hết, tối hôm đó là tiệc khao quân, anh tài xế ăn mặc như một SVSQ Thủ Đức chủ nhật về phép dạo phố, bộ đồ kaki thẳng băng, vừa bước vào thì viên trung tá nhìn thấy và ra lệnh cho viên đại úy đứng cạnh đi ra dẫn anh tài xế vào với ông.  Mặt viên hạ sĩ tỉnh queo sánh vai cùng viên đại uý. Đã vậy, khi vừa gặp mặt xếp, chưa thấy xếp nói có chuyện chi quan trọng cấp thiết không mà phải mời anh vô thì anh hạ sĩ đã nhìn thấy cô bồ đang đi với một người khác, thế là anh bỏ luôn tất cả, trung tá bố, trung tá con, anh chạy tới với người yêu. Xem tới đây em mới thấy quân đội VNCH của mình xưa kia mặc dầu vẫn có kỷ cương, kỷ luật sắt kỷ luật thép kỷ luật gang, có hệ thống quân giai v.v. và v.v. nhưng lại cũng rất chi là huynh đệ chi binh nồng nàn thắm thiết, không hề có phân biệt cấp bực chút xíu xiu nào hết cả, ai cũng như ai. Thiệt đáng phục làm sao, không giống các quân đội khác gì hết trơn á!

Con bạn em ngồi cạnh, thấy em chịu hết nổi, không ngó màn hình mà cứ hết ngó xuống mấy ngón cẳng ngọ ngoạy bứt rứt của mình dưới ghế lại quay qua ngó những ông những bà chung quanh đang say mê theo dõi những tình tiết đầy éo le mùi mẫn của các nhân vật trong phim, nó - chắc cũng hết chịu nổi như em - bèn rủ em đi ra ngoài lobby. Em vội theo nó liền, ra ngoài thở chút cho bớt… ngộp. Ở thêm nữa chắc em chết quá. Lúc trở vô, hai con bạn còn lại trong phòng, vốn đã phải nghe em rên rỉ complain từ lúc mới lên xe về cái vụ ông hạ sĩ đi học Võ Bị, đã hân hoan loan báo cho em biết rằng là trong phim không có cảnh đó, ông hạ sĩ vẫn ở nguyên vị trí tới hết phim không có màn thay đổi, lên lon xuống lon gì hết trơn hết trụi. Tại nếu quay cảnh Đà lạt, cảnh trường Võ Bị, cảnh nhà ông Chỉ huy trưởng nữa thì e sẽ… tốn kém quá chăng? Hay tác giả chuyện phim lúc đọc lại bản thảo đăng báo hằng ngày xưa cũng đã thấy không ổn lắm nên đã cho thông qua, cắt bớt đi không quay chăng? Trong phim có cảnh ông hạ sĩ tham dự trận đánh ngày cách mạng 1/11/63 lật đổ TT Diệm, như vậy, nếu ông đạo diễn mà không bỏ khúc trường VB, sau ngày “cách mạng thành công” mà ông hạ sĩ mới lên Đà lạt học thì dám ông chồng em cũng có thể được… hân hạnh học chung một khóa với ông hạ sĩ hào hoa phong… này lắm ạ. Uổng ghê là uổng!!!!!

Ông hạ sĩ, ngày 1/11  ấy đã bị trúng đạn, bị thương nhưng không thấy bóng một bác sĩ, một trợ y nào của đơn vị xuất hiện mà ông đã phải ôm vết thương, lết qua bao nhiêu con đường để tới được nhà người yêu và đã được cô ca sĩ (một người em không hề nghe một ai trong phim nói có biết, dù rất tí xíu qua- loa- rơ- măng, gì về y tế hết trơn) vực lên giường, ân cần âu yếm ôm lấy và nói rằng anh cứ nằm yên đây đi, ít ngày rồi sẽ… khoẻ! Từ xưa xửa xừa xưa tới nay, em thấy hình như ai bị trúng đạn cũng rất cần phải được các bác sĩ, y tá khám xét, chăm sóc vết thương thì mới có thể hồi phục được. Em chưa hề nghe và cũng chưa hề thấy một người nào bị trúng đạn  (không biết trúng ra sao, đạn chỉ sướt qua hay vẫn còn nằm im trong đó) mà chỉ cần có đôi bàn tay ngọc ngà của người yêu ôm ấp vuốt ve thì, dù đã “mất nhiều máu quá”, cũng sẽ… khỏi. Lâm ly mùi mẫn ly kỳ làm sao! Đúng là sức mạnh của tình yêu có thể làm nên… tất cả.

Mô Phật!

Trong phim còn cảnh ông hạ sĩ bị ông đại uý người say mê cô con gái ông xếp nhưng không được đáp trả nên trả thù bằng cách đổi ông hạ sĩ ra một tiền đồn rất xa xôi. Ông hạ sĩ có nói đời lính của ông rày đây mai đó, sống chết chẳng biết đâu được, nhưng ngay ở “tiền đồn xa xôi” ấy em cũng chỉ thấy quay có hai cảnh, một là trên một vọng gác, ông đứng cùng với hai người lính khác, tán dóc. Cảnh thứ hai là ông ở trần, đang nằm mơ mộng bên một bờ suối (màn hình không chiếu suối nên em chỉ đoán thế thôi). Màn hình chiếu ông trắng bóc, hình như chỉ mặc một chiếc quần tắm, đang nằm dài mơ mộng thì nhận được thư rồi một bức tranh lõa thể của cô ca sĩ gửi theo trực thăng mang tới cho ông. Cả hai quang cảnh đều thật an bình. Cảnh thứ hai nhìn còn giống như ông đang đi picnic nữa.  Nếu chiến tranh Việt nam mà như thế này thì chắc… em đi lính cũng được, chẳng cần tới ông làm chi.

Hết phim, một ông thuyết trình viên còn lên dẫn giải thêm để mọi người hiểu vì sao một người hạ sĩ thôi mà được bao nhiêu là người đẹp yêu thế. Ông cho biết rằng thì là vì ông hạ sĩ này là một xạ thủ nổi tiếng, đã được huy chương vàng về bộ môn bắn súng… gì đấy (sorry quý vị em nghe mà không có nhớ). Em tính quay qua hỏi lũ bạn rằng ngày xưa tụi mi có ai mê một ông lính nào vì ông ấy bắn súng được huy chương dzàng không vậy, nhưng nhìn mặt tụi nó em stop liền vì đã thấy câu trả lời ngay đó. Chúa ơi, để bắn súng giỏi, lãnh huy chương như thế thì chắc chỉ có nước tên này chỉ ở nhà, tối ngày xách súng đi tập thôi chứ nếu đã phải ra trận thật thì khi đụng trận xung phong chắc chắn hắn chỉ thể nhắm hướng đằng trước phía địch quân mà bắn thôi chứ giờ đâu mà nhắm tâm điểm, đỉnh đầu hay giữa trán đối phương để được điểm dzàng chứ. Mèng ui, chắc chắn mấy ông lính kiểu này không thể là người hùng dưới mắt lũ Trứng Vịt xưa được, vậy mà không hiểu sao, ông tác giả cốt chuyện, một sĩ quan tâm lý chiến có vợ hồi đó cũng là một dân Trưng Vương, chị của một con bạn cùng đệ tụi em, lại có thể “tối chế” ra được một cốt chuyện ly kỳ rùng rợn đến thế được? Hết biết!

May quá ông chồng em không đi coi, chứ nếu xui mà lũ tụi em rủ rồi ông ấy đi thì không biết sao.
Cuộc chiến Việt nam đã để lại bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu câu “chuyện tình đẹp nhất trên trần đời” nhưng tất cả cũng vẫn rất đời thường, có thể nhìn thấy hằng ngày quanh ta. Nhưng câu chuyện trong phim này thì rất ư là…, em không biết nói sao cho đúng nữa, nó như chuyện xảy ra ở một nơi nào, một xứ nào khác ấy. Em ở Saigon từ nhỏ tới lớn, lũ bạn em - rất đông - cũng ở Saigon từ nhỏ tới lớn, những ông anh của tụi nó, từ Saigon, đi lính cũng rất đông, nhưng em không thấy một ai giống như những nhân vật trong phim hết.  Những nhân vật ấy, họ cũng ở Saigon, nhưng quay tới quay lui sao chỉ thấy toàn mỗi phòng trà, khách sạn, rượu…. Hay có phải đó là thế giới đặc biệt của những giới văn-nghệ-sĩ-Saigon năm xưa mà người Saigon bình thường, cắc ké như em không thể được biết chăng?

Nhưng nếu muốn bảo tồn văn hóa hầu truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau thì những hình ảnh như thế có thể coi là di sản văn hóa cần bảo tồn và truyền lại hay không? Những thế hệ sau, khi xem những “di sản văn hóa” như thế,  có nghĩ là ông bà, tổ tiên mình là những người như thế, đã sống như thế trong thời chiến tranh không?

Thưa quý vị, em thực tình hoàn toàn không hề có ý bài bác cuốn phim này vể phương diện giải trí tí xíu nào hết trơn á. Được xem lại một phim xưa, coi lại hình ảnh quê hương ngày cũ, nhìn lại hình ảnh, nghe lại những bản nhạc, tiếng hát vượt thời gian của những nghệ sĩ một thời vang bóng của Miền Nam trước mà nay đã người còn người mất, là một điều rất trân quý (Tuy nhiên, trong một cuốn tập san Mê linh của Trưng Vương, em cũng thấy có một chị thắc mắc là sao tao nhắm mắt tao chỉ thấy mỗi một mầu đen thui thùi lùi thôi à, không thấy một chân trời tím ngắt tím than chi hết trơn!)  Nhưng coi đó là di sản phải bảo tồn để lưu truyền cho con cháu thì em thấy cần phải xét lại đã.

Ước mong những người đang mang những hoài bão tốt lành cao quý như trên sẽ cân nhắc kỹ hơn khi chọn thực hiện những công việc của mình.

Mong lắm thay!

Ngu Lắm Cơ
Powered by Blogger.