Con Gà và Quả Trứng
Câu hỏi là “Cái nào sinh ra trước? Con gà hay quả trứng?”
Giả thử con gà sinh ra trước.
Câu hỏi: Con gà sinh ra từ đâu?
Trả lời: Từ quả trứng.
Giả thử qua trứng sinh ra trước.
Câu hỏi: Quả trứng sinh ra từ đâu?
Trả lời: Từ con gà.
Câu hỏi “Cái nào sinh ra trước?” này đã nổi tiếng từ 3-4 thế kỷ trước công nguyên; và cũng là câu hỏi đươc rộng rãi công nhận là khó trả lời nhất. Các triết gia cỡ đại cổ thụ cố giải thích lòng vòng lung tung rồi cũng đành chào thua; Khoa học gia nặng ký liên tục đưa ra rất nhiều kết quả thí nghiệm, bằng chứng hẳn hòi mà vẫn không được đa số quần chúng chấp nhận thỏa đáng; Lãnh đạo tôn giáo tích cực rao giảng, trích dẫn vô số tài liệu thần học, thánh kinh rồi cuối cùng cũng thuyết phục tín hữu là “phải” tin như vậy, đó là “phép lạ” không giải thích được!...
Một phó thường dân như tôi thì chỉ nghe qua câu hỏi thôi, đã thấy đầu dường như quay mòng mòng trên cổ, muốn khai bệnh nhức đầu chóng mặt tức thời. Giải thích bằng cách nào bây giờ – Quả trứng sinh ra con gà; Con gà sinh ra quả trứng; Quả trứng sinh ra con gà… - thì cuối cùng cũng trở lại chỗ mới bắt đầu. Tuy vậy, thiệt tình mà nói, tôi vẫn thường thấy "Con gà" và "Quả trứng" cùng một lúc trên bàn nhậu, hay trong quán phở gà...
Nói ngắn lại, chưa có lời giải nào gọi là thắng cuộc hay làm hài lòng mọi người. Mọi sinh vật phải có một sinh vật nguyên thủy (first edition origin of the species). Đúng như vậy! Nhưng làm cách nào chúng ta có thể biết hay ít ra hiểu được sự bắt đầu này như thế nào? Từ đâu? Khi nào?
Bây giờ, nếu quý vị ‘quởn’ không có việc gì quan trọng để làm, xin hãy cùng tôi lần lượt xem qua các lời giải trên các lãnh vực to tát hơn đời thường; hy vọng cùng nhau rút ra được một lời giải riêng cho chính bản thân mình cho đỡ ấm ức như bị bò đá…
Triết học
Từ thời cổ đại, câu hỏi nhức đầu này đã được các thầy triết gia và toán học cổ Hy Lạp, La Mã loại nặng cân chiếu cố bàn tới bàn lui, mặc dù không hề thấy họ đưa ra một bằng chứng nào cụ thể:
Plato (424-348? BC) triết gia đầu tiên đã lên tiếng về câu hỏi này, nhưng âm điệu của Plato nghe tương tự như của một nhà thần học, không phải là một triết gia. Plato nói: “Tất cả mọi sinh vật (all species) xuất hiện lần đầu tiên trên quả đất từ một sự thiêng liêng” (that everything before it appeared on earth had first its being in “spirit.”)
Aristotle (384-322 BC) có vẻ lúng túng với câu hỏi. Aristotle cho là con gà đầu tiên và quả trứng đầu tiên có lẽ (?) xuất hiện cùng một lúc. Nếu phóng đại ra, con người đầu tiên sinh (xuất hiện) ra không có cha mẹ. Vào lúc đó, ý kiến này bị đả kích là chẳng giải thích được cái quái gì, nghịch với lẽ tự nhiên… (?)
Plutarch (46-120? AD) nói về “con gà mái” hơn là nói chung chung về “con gà.” Plutarch đưa ra một số lời bàn loạn qua bài viết “Con gà mái hay là quả trứng có trước,” (Whether the hen or the egg came first). Nội dung bài viết này cũng tương tự như ý kiến của Aristotle ngày trước: Gà mái và quả trứng xuất hiện cùng một lúc (?) Thiệt tình!
Macrobius (Đầu thế kỷ thứ 5), một triết gia La mã – không phải Hy Lạp, cho là câu hỏi rất thú vị nhưng câu trả lời của triết gia lại thuộc loại “huề vốn” là: “Cái nào ra trước cũng được; tùy theo cách nhìn, kinh nghiệm và sở thích của cá nhân…”
Khoa học
Đối với Khoa học, trước khi tin, mọi sự việc cần phải được chứng minh và lập lại được (reproduce). Khoa học gia cho rằng chúng ta nhìn, ngửi và cảm thấy thứ gì thì chúng ta cũng có các phương pháp khoa học với khả năng cân, đo hay làm cho nó lập lại (re-producing) được. Khoa học gia không dễ nhắm mắt khơi khơi tin vào một cái gì bí ẩn! Ậy! Thế mà với câu hỏi này, Khoa học gia từng đưa ra bằng chứng khoa học với hai lời giải trái ngược chiều với nhau: Khi thì Con Gà có trước; Khi thì Quả Trứng có trước. Thật lẩm cẩm!
Stephen Hawking, một bác học về vật lý vũ trụ (astrophysicist) được xem như người bác học kế tiếp thay thế cho Albert Einstein, và Christopher Langan từng bàn và cãi là Quả Trứng - “Trứng” nói chung chứ không riêng trứng gà - đến trước Con gà theo luật tiến hóa và đào thải. Tất cả bắt đầu từ một tế bào đơn giản nhất (single cell ameba)… Tế bào phân hóa (mutations), biến giải qua hàng triệu năm,… như vậy trứng phải thành hình (từ một tế bào) trước con gà. Một động vật không thế biến dạng thành một động vật khác trong suốt đời sống thực của nó. Sự phân hóa chỉ có thể xẩy ra ở trong lúc động vật thụ thai, hay trong giai đoạn còn trứng nước của động vật. Như vậy trên phương diện sinh lý học, quả trứng muốn thay đổi, phải đến trước và kết quả là quả trứng sinh ra con gà.
Đến tháng 7 năm 2013, Bác sĩ Colin Freeman của Sheffield University, và sau đó 2 bác sĩ Mark Rodger và David Quigley của Warwick University cùng tại Anh Quốc qua thử nghiệm nhận thấy là buồng trứng (ovary) của gà mái có một loại “Protein Gà Mái” gọi là Ovocleidin-17 (OC-17) đã tạo ra (crystallization) và làm tăng trưởng vỏ trứng gà bên trong cơ thể con gà mái… Protein OC-17 này cũng làm cho lòng đỏ trứng gà hình thành và cuối cùng toàn thiện quả trứng gà. Bác sĩ Colin Freeman kết luận là:
“Từ lâu rồi chúng ta vẫn cho là quả trứng sinh ra trước, bây giờ tôi mới chứng minh được là phài là con gà sinh ra trước vì chỉ có gà mới tạo ra được vỏ trứng.”
Tin này được tất cả các hãng truyền thông quốc tế lớn như NBC, CBS và FoxNews đăng tải cùng một lượt với hàng “tít” lớn:
“Câu hỏi Con Gà và Quả trứng đã có lời giải…”
Tuy nhiên còn rất nhiều người vẫn ngờ vực. Họ xem lời tuyên bố của Dr. Colin Freeman như là một sự diễn đạt một cách sai lạc sự kiện khoa học (misrepresentation of sciences, a bad science). Câu hỏi “Cái nào đến trước…” này có lẽ phải cần một thêm vài trăm năm nữa mới được chứng minh một cách thích đáng.
Tôn giáo
Tôn giáo không cần “bằng chứng” (evidences). Tôn giáo chỉ cần “niềm tin” (belief / faith) hay là “phép lạ” (miracles). Để đi từ điểm A và điểm B cần phải có một cái gì cụ thể có thể giải thích được?! Khoa học cần có thời gian, sự học hỏi, thí nghiệm và đo lường. Tôn giáo chỉ cần “Thượng đế.” Thượng đế có phép lạ làm được mọi chuyện trên đời. Theo thiển ý của tôi, nếu “Điện thoại di động” (“Smartphone”) xuất hiện trên quả đất cách đây 200 năm, nó có thể được xem là một “Phép lạ.” Hôm nay, tất cả chúng ta đều hiểu là sự tiến bộ của khoa học điện toán làm ra “smartphone” chứ không phải phép lạ nào cả. Như vậy “Phép lạ” có thể cũng chỉ là một lời giải thuận tiện, tạm thời khi chưa tìm ra được có lời giải thực, rõ ràng…
Thiên Chúa giáo
Giáo lý Thiên Chúa giáo ghi là :
“Khởi đầu, Đức Chúa Trời lập ra Thiên đàng và Quả đất…” (In the beginning God created the heavens and the earth.) – Genesis1:1.
Và
“Thế rồi Đức Chúa Trời nói là: Hãy để cho trái đất sinh ra các loài, mỗi loài sẽ sinh sản ra con cái đồng loại …” (Then God said, "Let the earth bring forth living creatures after their kind: cattle and creeping things and beasts of the earth after their kind") – Genesis 1:24.
Như thế, theo kinh thánh thì con gà phải được sinh (lập) ra trước và con gà sẽ đẻ trứng để tiếp tục duy trì nòi giống gà.
Nếu chúng ta nói đời sống nào cũng vậy, phải có một điểm bắt đầu (starting point) và trước điểm bắt đầu đó không (chưa) có đời sống thì chỉ có thượng đế mới có khả năng tạo nên đời sống từ chỗ không có đời sống. Nói cách khác, nhìn từ chỗ nguyên thủy của đời sống, rồi đến khi chúng ta nhìn lại cái kết quả ngày hôm nay thì phải hỏi “ai xuất hiện trước?” Cha mẹ hay con cái? Hay là Con gà hay quả trứng? Tín hữu Thiên Chúa giáo tin là cha mẹ phải sinh ra trước. Đời sống của cha mẹ là cần thiết. Hiểu như vậy Thiên Chúa giáo đã chứng tỏ và công nhận là “Thượng đế” có thực; và tất nhiên “Con gà phải có trước quả trứng.”
Cái nào đến trước, Con gà hay Quả trứng? Những ai tin vào thượng đế thì không cần bằng chứng; với những ai không tin vào thượng đế thì chưa có bằng chứng nào được chấp nhận!
Phật giáo (và cả Ấn Độ giáo)
Phật Giáo tin vào thuyết Luân Hồi: Mọi sự sẽ trở lại trong một vòng tròn vô định – không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm đến. Như vậy “Cái nào đến trước…” không phải là vấn đề của Phật giáo.
Lời cuối
Vấn đề “Con gà và quả trứng” không còn đơn thuần là vấn đề tìm hiểu một lời giải sinh học mà bây giờ đã trở thành vấn đề của triết học, xã hội và kinh tế. Nó tiêu biểu cho các tình trạng khó khăn, lưỡng nan, không tìm ra được câu trả lời cho thỏa đáng. Luân lý mà chúng ta học được từ câu hỏi này là:
Trong đời sống, chúng ta bằng mọi cách nên cố tránh các trường hợp nan giải này xẩy đến cho mình là thượng sách.
Khôn ngoan chưa đủ để sống mạnh giỏi, cần phải biết (qua sự học hỏi, giáo dục) nữa mới sống nổi trên quả đất chật chội mà mọi thứ đều “made in china” này. Cứ cái điệu này thì sớm muộn gì thì nhân loại cũng chết bởi tiêu thụ hàng hóa Trung cộng (“Death by China”?!)
Post a Comment