Chuyện Tu Hành
Vào những năm đầu tiên của thời hậu "giải phóng", khoảng 1979-80, khi chiến trường Tây Nam với Kampuchea lên cao điểm và quân Trung Cộng tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam, thì giới trai tráng trong Nam như lên cơn sốt.
Trong miền Nam, được "vinh hạnh trúng tuyển" nghĩa vụ quân sự, có muốn hay không thì cũng bị đẩy sang Kampuchea để "giải phóng" nước bạn, hoặc để chết như “bộ đội cách mạng” cuồng nhiệt muốn lấy thân mình "lấp lỗ châu mai" để xây dựng thành trì của xã hội chủ nghĩa.
Còn từ phương Bắc, thì mối họa truyền kiếp "bá quyền sô vanh nước lớn (chauvinism)" thuộc nhà Đại Hán và người anh em cộng sản VIệt Nam "môi hở răng lạnh" “núi liền núi, sông liền sông” đang xâu xé tàn sát lẫn nhau. Bên nào thắng thì người dân Việt Nam cũng đều chết dở, sống dở!
Trong bối cảnh đó, Hùng tình cờ gặp lại người bạn cũ của ông anh của Hùng. Anh tên Kha, tốt nghiệp Cao học Sử, Đại học Sàigòn, đi dạy học, rất hiền lành, không uống rượu, không hút thuốc. Hùng đã nghĩ, hiền lành như anh Kha thì trong thời buổi nhiễu nhương này chỉ có là bị nghiền nát.
Gặp lại, thì mới biết anh Kha đã bỏ ngang không còn đi dạy học nữa. Làm giáo viên có "hộ khẩu" để được ở thành phố và không bị đầy đi "kinh tế mới" còn là ước mơ của nhiều người khác. Nhưng anh Kha đã bỏ dạy và đi đạp xích lô để kiếm sống. Vì như anh từ tốn cho biết anh không thể "đứng lớp" giảng cho học sinh nghe những điều mà chính anh cũng không tin là đúng. Biết như vậy, Hùng rất thán phục, và từ đó hay đến thăm anh Kha hơn.
Nhưng đến chơi với anh Kha nhiều lần, Hùng lại bắt đầu cảm thấy "khó chịu" vì thường thấy anh Kha hay ngồi thiền. Nghĩ thầm trong bụng, giờ này “bọn nó" đem chùa chiền làm chỗ họp Đoàn, họp Thiếu nhi hết rồi. Còn tiếng loa của công an phường khóm nó át tiếng chuông chùa từ hồi nào, thì bây giờ còn lo tu tập cái gì nữa?
Một hôm đi vượt biên hụt, xuýt bị công an biên phòng bắt. Chạy thoát về nhà được, Hùng sang anh Kha định rủ đi uống cà phê. Thì thấy "thầy" đang "xả thiền".
Cũng vì nể phục anh Kha rất nhiều, nên Hùng chỉ nhẹ nhàng hỏi anh Kha ngày ngày tụng kinh, thắp hương để làm chi vậy?
Anh Kha: Anh đang cố gắng tu tập để tâm có được chữ Bi.
Hùng, đã bắt đầu hơi "nóng máy": Giả sử có kẻ giặc cướp giết người bị truy nã và chạy đến anh Kha. Và vì lòng thương người, vì hai chữ từ bi, thì anh Kha phải chứa chấp, dung tha nó? Rồi sau đó, thoát cơn hoạn nạn, bọn này lại tiếp tục hại người, thì “Bi” kiểu này chỉ có nước là… bi đát.
Anh Kha vẫn từ tốn: Cho nên mình phải tu tập thêm để có Trí. Để phân biệt được đúng hay sai và rồi hành xử cho thích hợp.
Thấy câu chuyện bắt đầu rẽ sang một hướng khác, Hùng nhẹ giọng lại, tò mò hỏi thêm: Khi cái Trí của anh Kha cho biết là cần phải triệt tiêu những thành phần cướp của giết người đó, thì anh có làm không? Vì thứ nhất là anh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng vì bị trả thù. Kế nữa là khi triệt tiêu các thành phần này, thì chính anh cũng đã vi phạm nguyên tắc "cấm sát sinh" của Đạo Phật, thì đâu còn tu hành gì nữa?
Cũng vẫn nhẹ nhàng, anh Kha nói: Đến lúc đó mình phải trau giồi thêm phần Dũng. Để có can đảm làm những gì mà Trí của mình nhận ra và can đảm chấp nhận hậu quả của việc mình phải làm, và có khi phải mất mạng của mình nữa.
Mẩu đối thoại ngắn này đã làm Hùng phải suy nghĩ nhiều. Rồi sau đó vì phải lo vượt biên, Hùng cũng ít dịp đến thăm anh Kha.
Nhưng Hùng cũng biết là có lần lo được chỗ cho người em của anh để lên tàu vượt biên, anh Kha đã nhường chỗ đó cho một người quen của người bạn, mới trốn trại "học tập cải tạo", để đi trước và cũng không phải mất tiền. Tò mò hỏi, thì anh Kha chỉ nói người em đang trốn nghĩa vụ quân sự của anh có bị bắt thì tệ lắm cũng chỉ bị tù, còn anh bạn trốn trại đó mà bị bắt lại thì có khi bị mất mạng. Cho nên anh ấy cần đi trước.
Rồi Hùng may mắn vượt thoát được. Sau này, cũng được tin là chuyến tàu vượt biên của anh Kha đã bị mất tích. Mấy mươi năm sau, Hùng vẫn nhớ mãi câu truyện của anh Kha. Một câu truyện hẳn cũng có thể được xếp vào loại Chuyện Tu Hành.
Post a Comment