Header Ads

Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước cơn bão Donald Trump


Ghi chú: Trong khi tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên Donald Trump đã bày tỏ nhiều quan điểm không thuận lợi cho NATO. Sau khi ông Trump đắc cử, ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư Ký NATO và là cựu Thủ tướng Na Uy, có đăng trên tờ The Guardian bài viết "Now is not the time for the US to abandon NATO – nor should its European allies go it alone (1)” vào ngày 12 tháng 11, 2016, để bày tỏ quan điểm.                                
                                                                       Trần Trung Tín
chuyển ngữ

Chúng ta đang phải đối đầu với những thử thách to lớn nhất về vấn đề an ninh của chúng ta trong thế hệ này.  Đây không phải là lúc nêu nghi vấn về giá trị của sự cộng tác mật thiết giữa Âu Châu và Hoa Kỳ.

Trong suốt 67 năm, sự cộng tác mật thiết này đã là nền tảng vững chắc của hòa bình, tự do và thịnh vượng tại Âu Châu. Nó đã giúp chúng ta thành công trong việc ngăn cản Liên Bang Sô Viết và kết thúc cuộc chiến tranh lạnh. Cũng chính nó đã tạo ra được sự kết hợp của Âu Châu và đặt nền móng cho một nền hòa bình và thịnh vượng mà trước đây chưa từng có và ngày nay chúng ta đang được thụ hưởng.  Những nhà lãnh đạo Âu Châu luôn luôn hiểu được rằng khi nói đến vấn đề an ninh thì việc đứng ra làm riêng biệt một mình không phải là một chọn lựa tốt.

Đồng thời, những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng luôn luôn nhận biết rằng họ có một quyền lợi chiến lược sâu xa nơi một Âu Châu ổn định và vững chắc.  Trong sốt 67 năm vừa qua Hoa Kỳ đã không có một người bạn cộng sự nào quả quyết và đáng tin cậy hơn Âu Châu.

Chỉ có một lần duy nhất mà khối NATO đã phải viện dẫn điều khoản tự vệ của mình, rằng tấn công vào một thành viên là tấn công vào cả khối, là để yểm trợ Hoa Kỳ sau biến cố 9/11 khi Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công.  Đây không phải là việc làm chỉ có tính cách hình thức. NATO đã nhận trách lãnh nhiệm trong cuộc hành quân tại Afghanistan.  Hàng trăm ngàn binh sĩ Âu Châu đã phục vụ tại Afghanistan kể từ thời điểm đó. Và đã có hơn 1,000 chiến binh đã trả giá bằng sinh mạng của họ trong các cuộc hành quân trực tiếp đối phó với cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ. Cũng như mọi ngày khác, hôm nay, chúng ta nhớ đến họ.

Các vị lãnh đạo, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đều luôn luôn hiểu rằng một Âu Châu mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn còn có nghĩa là một Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn.  Sự cộng tác mật thiết này giữa Âu Châu và Hoa Kỳ, được thể hiện qua khối đồng minh NATO, sẽ vẫn là một sự thiết yếu cho cả hai bên.

Trong vài năm vừa qua, chúng ta đã nhìn thấy nền an ninh của chúng ta trở nên suy đồi một cách đáng phải lo ngại, với một nước Nga cứng rắn hơn và với những hỗn loạn tại khắp Bắc Phi và Trung Đông. Những đồng minh trong NATO đã cùng nhau ứng phó. Chúng ta đã thực hiện được việc tăng cường lớn lao nhất trong công cuộc phòng thủ chung của chúng ta kể từ thời chiến tranh lạnh. Và Hoa Kỳ đã gia tăng sự cam kết của mình một cách đáng kể qua việc đã điều động một lữ đoàn xe bọc thép (armoured brigade) đến Đông Âu và gửi đi những dụng cụ và tiếp liệu để yểm trợ cho việc tiếp viện trong tương lai nếu cần đến.

Đây không phải là sự hiếu chiến mà chỉ là để ngăn chặn. Chúng ta không muốn khiêu khích tạo xung đột, nhưng để ngăn ngừa xung đột. Những tiểu đoàn của NATO có quân số vài ngàn không thể so sánh được với nhiều sư đoàn của Nga có quân số lên đến hàng chục ngàn, và đó chỉ là mới dọc theo biên giới. Phản ứng của chúng ta là phòng thủ và cân xứng theo tỉ lệ (proportionate).  Nhưng điều đó đã gửi đi một thông điệp rõ ràng và không thể lầm lẫn: tấn công vào một sẽ phải bị đương đầu với sự phản công của tất cả.

NATO cũng tiếp tục đóng một vai trò quan yếu trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Mọi đồng minh trong NATO đều là một phần của liên minh đứng đầu bởi Hoa Kỳ để chống lại Islamic State, máy bay trinh sát AWACS của chúng ta yểm trợ liên minh trong các cuộc hành quân của không quân, và NATO đang huấn luyện các sĩ quan của Iraq để chiến đấu hữu hiệu hơn trong việc chống lại ISIS. Chúng ta cũng làm việc chung với những người bạn cộng sự khác khắp Bắc Phi và Trung Đông để giúp họ chống lại sự bất ổn và cải thiện an ninh của họ.

Sự hợp tác giữa Âu Châu và Hoa Kỳ được thành lập dựa trên những lợi ích gắn bó và những giá trị chung. Cùng lúc đó, một sự hợp tác như vậy có tồn tại được hay không còn phải tùy thuộc vào phần đóng góp công bằng của mọi thành viên. Hiện nay, Hoa Kỳ đang đóng gần 70% kinh phí quốc phòng của NATO, và đã rất đúng khi lên tiếng kêu gọi đóng góp thêm để cùng chia sẻ gánh nặng chi phí cho được công bằng.

Tại hội nghị Wales 2014, mọi thành viên của NATO đều hứa ngưng cắt giảm và gia tăng chi phí quốc phòng cho đến mức 2% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của họ trong một thập niên. Kể từ lúc đó, đồng minh Âu Châu đã thực hiện điều cam kết, với Vương quốc Anh đã thể hiện sự lãnh đạo nổi bật trong việc này. Năm nay, 22 quốc gia đồng minh trong NATO sẽ gia tăng kinh phí quốc phòng, đưa đến tổng số gia tăng là 3% trong thực tế. Và tôi nghĩ rằng sang năm tới chúng ta sẽ thấy thêm một năm thứ ba liên tiếp có sự gia tăng chi phí quốc phòng tại Âu Châu.

Chúng ta là một đồng minh của 28 quốc gia dân chủ. Những tranh luận tự do là một phần của DNA của chúng ta.  Hiển nhiên, chúng ta sẽ có những khác biệt. Nhưng lãnh đạo ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, và khắp mọi khu vực chính trị (political spectrum), đều luôn luôn nhận ra được những mối quan hệ đặc thù đã cột chặt chúng ta lại. Lịch sử đáng tự hào của chúng ta là một trong những thử thách chung mà chúng ta đã cùng nhau khắc phục được.

Chúng ta thường rất dễ xem thường sự quan trọng của tự do, an ninh và thịnh vượng mà chúng ta đang thụ hưởng. Tại những thời kỳ bất ổn, chúng ta cần một sự lãnh đạo vững mạnh của Hoa Kỳ, và chúng ta cần một Âu Châu đưa vai ra gánh vác phần đóng góp công bằng của mình để chia sẻ gánh nặng. Nhưng trên tất cả, chúng ta cần nhìn nhận giá trị của sự hợp tác giữa Âu Châu và Hoa Kỳ. Đó là điều cực kỳ quan yếu. Vì vậy, thay vì đào sâu vào những khác biệt, chúng ta cần phát huy những gì đoàn kết chúng ta lại, và hãy tìm ra được sự khôn ngoan từng trải và viễn kiến để cùng làm việc nhằm tìm ra những giải pháp chung. Đứng ra làm riêng biệt một mình không phải là một chọn lựa tốt, cho Âu Châu hoặc cho Hoa Kỳ.

                                           Trần Trung Tín chuyển ngữ
 Nov 14, 2016

Chú thích:
(1) https://www.theguardian.com/commentisfree/2016/nov/12/us-must-not-abandon-nato-europe-go-alone-jens-stoltenberg
Powered by Blogger.