Donald Trump: Tổng Thống Đắc Cử và Đoạn Đường Vừa Mới Qua
Nếu chỉ căn cứ vào các nhận xét, phê bình về ông Trump của các nhà phân tích chính trị, học giả, nhất là của giới truyền thông TV và báo chí, của Hoa Kỳ và cả của thế giới, cũng như ngay trên các kết quả thống kê, thăm dò trong dân chúng tại Mỹ lúc gần ngày bầu cử, thì ông Donald Trump sẽ không thể thắng cử!
Kết quả thắng cử của ông Trump, vào ngày 9 tháng 11, 2016, đã chứng tỏ rằng người dân bình thường của Hoa Kỳ đã không còn mấy tin tưởng vào các "phê bình", "bình luận" xuất phát từ đa số các giới trên.
Những vị này đã để bản thân bị chi phối quá mức bởi ý thức hệ của họ. Vì vậy những phê bình nhận xét của họ đã mất đi tính trung thực và đúng đắn. Dân chúng cử tri không phải là không nhìn thấy những sự việc này.
Những giới truyền thông này, cũng như những thành phần chính trị gia nghề nghiệp (career politicians), hay nói một cách bình dân hơn là loại "chính trị gia cơm gạo" cùng các thành phần nổi tiếng (celebrities) trong giới ca nhạc hoặc điện ảnh Holywood và các siêu sao thể thao đã như có cùng một mẫu số chung của một tầng lớp khác trong xã hội Hoa Kỳ.
Nói theo ngôn ngữ thời xưa, mẫu số chung này được gọi là là “tháp ngà” - ivory tower. Còn nói theo ngôn ngữ của mùa bầu cử Hoa Kỳ, thì mẫu số chung này mang tên là “chức sắc"- establishment.
Những thành phần có mẫu số chung "chức sắc" này không phải là những người đang sống nơi "cõi trên" nhưng rõ rệt là họ không sống sát với thực tế mà người dân bình thường phải đối diện hàng ngày.
Đối với các giới chức sắc tháp ngà này, có thể họ vẫn tưởng rằng người dân bình thường chỉ biết vỗ tay, chiêm ngưỡng họ và nghe theo chỉ dẫn của họ. Ngôn ngữ và cung cách cư xử của những vị này, nhất là các chính trị gia, lúc nào cũng phải theo quy ước “chính trị phải đạo" (political correctness).
Những thành phần “chính trị phải đạo" này làm cái gì cũng sợ làm "buồn", làm "đau" người khác, dù người khác đó là kẻ thù lúc nào cũng muốn giết mình.
Như khi đề cập đến các phần tử khủng bố Hồi giáo, giới "chính trị phải đạo" cũng không dám dùng đến từ Islamic terrorism (khủng bố Hồi giáo). Khi không thể tránh được, thì họ lại dùng những từ ngữ khác để thay thế như violent extremist, hay workplace violence!
Không dám nhìn thẳng để nhận diện kẻ thù thì làm sao có thể đánh bại được chúng? Dân chúng cử tri cũng ghi nhận sự được khác thường đến vô lý này.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều cử tri dân thường của đảng với phong cách "thấy sao nói vậy!" ("tell it like it is"). Ông hoàn toàn không "care" cung cách "chính trị phải đạo".
Mặt khác, nhìn sang lãnh vực quốc phòng, ông Bộ Trưởng, Ash Carter, cho biết là Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã bỏ tất cả mọi hạn chế để phái nữ có thể phục vụ tại bất cứ đơn vị tác chiến nào như Viễn Thám, Biệt kích Mũ Xanh, lực lượng đặc nhiệm SEALs, Thủy Quân Lục Chiến... (Nguyên văn: ... They’ll be able to serve as Army Rangers and Green Berets, Navy SEALs, Marine Corps infantry, Air Force parajumpers and everything else that was previously open only to men.) (1)
Không ai có thể phủ nhận sự thông minh và quả cảm của nữ giới, và trong nhiều trường hợp, còn thông minh, quả cảm và khéo léo hơn nam giới. Nhưng từ những thực tế này để cho rằng phụ nữ cũng sẽ "bình đẳng" như nam giới trong những môi trường sinh tử đòi hỏi sức mạnh cũng như sức chịu đựng về mặt thể chất, thì đúng là một quan điểm đi trên mây của những thành phần trong tháp ngà, gây nguy hiểm đến khả năng chiến đấu của các đơn vị tác chiến tinh nhuệ như Green Berets, SEALs... Những cử tri quan tâm đến sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ không thể không lưu tâm đến những điều như vậy.
Trong khi tại biên giới với Mễ, những hình ảnh hỗn độn vì các luồng di dân bất hợp pháp chắc chắn đã tạo nên một sự lo ngại trong dân chúng Hoa Kỳ về sự xâm nhập không thể kiểm soát này. Và trong nội địa nước Mỹ, qua nhiều thời tổng thống, cả đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, vẫn chưa tìm được giải pháp để giải quyết tình trạng ở lậu trên đất nước này. Nhiều người dân Mỹ vẫn nghĩ rằng những cư dân không hợp pháp này đã lấy đi công việc của họ.
Trước vấn đề này ông Trump đã nói thẳng với dân Mỹ và đưa ra những đề nghị giải quyết táo bạo:
- Xây hàng rào dọc theo biên giới Mỹ-Mễ để ngăn chặn việc xâm nhập.
- Trục xuất các người nhập cư trái phép.
- Duyệt xét lại hoặc hủy bỏ các hiệp ước thương mại như NAFTA (North American Free Trade Agreement ký kết bởi Hoa Kỳ, Canada và Mễ), TPP (Trans-Pacific Partnership trade agreement) đã làm thiệt thòi cho quyền lợi của Hoa Kỳ.
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump tứ bề thọ địch: Từ bên trong nội bộ đảng Cộng Hòa, sang đến đối thủ là đảng Dân Chủ, và với một lực lượng truyền thông không thân thiện lúc nào cũng soi mói. Tuy nhiên, chính bản thân, ông Trump cũng đã phạm phải nhiều lỗi lầm đáng kể.
Ông Trump đã có những lời tuyên bố gọi những người di dân bất hợp pháp từ Mễ là tội phạm, và là những kẻ hiếp dâm. Những tuyên bố đó là một điều sỉ nhục làm thương tổn cho danh dự của nhiều người dân gốc Mễ. Nói cho đúng, quả thực là có những thành phần xấu trong những người Mễ xâm nhập vào Hoa Kỳ, nhưng không phải là đa số.
Mặt khác, trước tình hình náo loạn bên Âu Châu vì làn sóng người tị nạn đến từ Trung Đông, ông Trump đã kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ ngưng lại không nhận thêm các người tị nạn cho đến khi có được các biện pháp thanh lọc hữu hiệu nhằm loại bỏ các phần tử khủng bố Hồi giáo trà trộn. Lời tuyên bố này của ông Trump cũng bị chỉ trích là kỳ thị tôn giáo Muslim, phân biệt chủng tộc, dù rằng có nhiều người khác, trong đó có người viết bài, tin rằng đây là một biện pháp cần thiết.
Tị nạn, hay di dân sang sống tại Hoa Kỳ là một vấn đề rất gần gũi với người Việt. Chúng ta dễ thông cảm tâm tình và ước vọng của những người đi tìm một đời sống khá hơn, có ý nghĩa hơn cho bản thân và gia đình của họ. Nhưng như đại đa số những người tị nạn hoặc di dân khác, người Việt chúng ta đến Mỹ một cách hợp pháp và trong vòng trật tự. Thực tế thì không một quốc gia nào có thể tồn tại được khi có biên giới mở ngỏ ("open borders") và đón nhận tất cả mọi người.
Cũng không thể không ghi lại việc tờ Washington Post, vào đầu tháng 10, 2016, đã tiết lộ đoạn video thu được những lời ông Trump nói chuyện với Billy Bush, TV host của chương trình "Access Hollywood" vào năm 2005. Trong cuộc nói chuyện này, ông Trump đã có những ngôn ngữ và phát ngôn hạ thể, xúc phạm đối với phụ nữ. Sự việc này đã khiến ông Trump phải nhanh chóng lên tiếng xin lỗi, và bị mất thêm uy tín, nhất là đối với cử tri nữ giới.
Về mặt quốc tế, trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần đặt nghi vấn về khối NATO. Ông đã chỉ trích nhiều nhất vào việc các quốc gia thành viên của khối này đã không có một ngân sách quốc phòng ở vào mức 2% tổng sản lượng quốc gia (GDP) theo như quy định. Trong số 28 quốc gia hội viên của NATO, chỉ có 5 quốc gia là đáp ứng đúng với con số định mức 2%. Ông cũng phiền trách NATO vì họ đã không chú trọng đến việc khủng bố. Cũng đã có lần, ông Trump có hàm ý là Hoa Kỳ không nên trợ giúp thành viên của NATO khi họ bị tấn công nếu như quốc gia thành viên đó không làm tròn bổn phận của hội viên.
Sang phía bên Á Châu và Trung Đông, ông cũng đã nói rằng Hoa Kỳ đã tiêu quá nhiều tiền để bảo vệ các quốc gia như Nhật Bản và Saudi Arabia, nhưng "chúng ta không còn có khả năng tiếp tục làm điều đó nữa." Ông cũng có đề nghị Nhật và Nam Hàn nên phát triển vũ khí nguyên tử để lo việc tự bảo vệ. Một đề nghị làm các giới chính trị gia “lão thành” phải chóng mặt!
Với cung cách ăn nói thẳng thắn và đặt vấn đề không theo trường phái "political correctness" (chính trị phải đạo), ông Trump đã làm xáo trộn, chao đảo các “dòng chính” nơi các diễn trường chính trị tại nhiều quốc gia khắp thế giới.
Vì vậy, cũng không nên lấy làm lạ tin ông Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ đã làm cho rất nhiều chính quyền các nước khác từ Âu sang Á đều cảm thấy "bất ổn"(uncertainty). Kể cả Tổng Thống Nga Putin cũng đã nhanh chóng gửi điện mừng, bày tỏ sự hy vọng là quan hệ Nga-Mỹ có thể được phục hồi.
Chỉ mới là Tổng Thống đắc cử, ông Trump như đã bấm nút "reset" lại các quan hệ ngoại giao cả với bạn lẫn thù.
Trong bài diễn văn đầu tiên sau khi đắc cử, ông đã nói:
"Sẽ không còn có chuyện nước Mỹ phải chịu nhận những gì không phải là tốt nhất....
Tôi muốn nói với cộng đồng thế giới rằng trong khi chúng tôi luôn luôn đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên trên hết, chúng tôi sẽ đối xử công bằng với mọi người. Tất cả mọi người và tất cả quốc gia. Chúng tôi mưu tìm một thế đứng chung (common ground), không thù địch; một quan hệ đối tác (partnership), không phải đối đầu.”
Trong những cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump đã đánh bại triều đại của dòng họ Bush.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8 tháng 11, 2016, ông Donald Trump đã đánh bại triều đại của dòng họ Clinton.
Khi phải lấy quyết định quan trọng, nhất là để thay đổi “nguyên trạng” (status quo) của đất nước, người dân Mỹ đã không để những thành tích của quá khứ của đảng, những vàng son của các triều đại đã qua hoặc bề dầy kinh nghiệm nhiều năm làm việc của các ứng cử viên làm họ bị mê hoặc hoặc khiếp sợ trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo.
Với sự tín nhiệm của cử tri, ông Trump đã đánh bại được các thành phần "quý tộc" trong chính giới, của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa - những thành phần đã ngự trị chính trường Hoa Kỳ từ lâu nay và thường là chỉ nhớ đến cử tri của họ bốn năm một lần đúng vào mùa bầu cử.
Dù vậy, cũng chưa có gì bảo đảm là ông Donald Trump và những đề nghị táo bạo của ông sẽ đưa quốc gia Hoa Kỳ đến những kết quả hoàn hảo. Chắc chắn sẽ còn nhiều thử thách và sai trật đang chờ đón trước mắt. Cũng tương tự như những vị tổng thống tiền nhiệm, chắc chắn ông Donald Trump sẽ phải điều chỉnh đây đó để thích nghi.
Nhưng đúng như điều bà Clinton đã nói với những người ủng hộ bà: “Donald Trump sẽ là tổng thống của chúng ta. Chúng ta nợ ông ta một đầu óc cởi mở và một cơ hội (để ông) lãnh đạo." (Donald Trump is going to be our president. We owe him an open mind and the chance to lead.)
Trần Trung Tín
Nov 10, 2016
Chú thích:
(1) http://www.nytimes.com/2015/12/04/us/politics/combat-military-women-ash-carter.html
(2) http://www.politifact.com/truth-o-meter/statements/2016/oct/12/donald-trump/trump-ive-been-proven-right-about-clinton-wanting-/
Post a Comment