Cảm Nhận Của Một Người VN ở Anh Về Cuộc Bầu Cử TT Mỹ 2016
Tôi sống ở Anh khoảng 37 năm và đã quan sát 9 lần bầu cử Tổng Thống Mỹ. Lần đầu thì thật ra chỉ biết ai thắng, ai thua thôi, chứ không hiểu nhiều, bởi vì lúc bấy giờ khả năng tiếng Anh còn tệ lắm, nên không hiểu người ta bàn luận như thế nào. Qua lần bầu cử TT Mỹ năm 2016 này, thì phải nói rằng, tôi chưa bao giờ thấy 1 cuộc tranh cử TT Mỹ nào mà có quá nhiều ồn ào và bàn cãi. Ồn ào và bàn cãi không những chỉ xảy ra ở Mỹ, mà gần như nó lôi kéo sự thu hút dân chúng của nhiều quốc gia khác trên thế giới cao hơn những lần trước đây, mà một vài tờ báo ở Anh đã gọi là “cuộc bầu cử ồn ào và không thanh tao nhất trong lịch sử bầu cử Tổng Thống Mỹ.”
Ngày hôm nay, thì ai cũng biết là ông Donald Trump đã thắng cử TT Mỹ. Những người muốn Bà Hillary Clinton thắng cử thì thất vọng và chống chế rằng nếu bầu cử ở Mỹ dựa trên phiếu bầu phổ thông (popular vote) thì Bà Clinton đã thắng rồi, vì Bà Clinton có số phiếu popular cao hơn ông Trump khoảng hai trăm ngàn phiếu. Tiếc thay, theo luật lệ bầu cử TT Mỹ, người thắng cử là do số phiếu cử tri đoàn (Electoral College Vote) quyết định. Ai đạt được con số 270 electoral college votes thì người đó thắng.
Cuộc bầu cử TT Mỹ dù đã qua gần một tuần, thế nhưng các đài truyền hình và báo chí ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn bình luận một cách sôi nổi. Cá nhân tôi thì rút ra được những yếu tố lý thú trong cuộc bầu cử TT Mỹ 2016. Tôi xin viết lại đây như là một cảm nhận cá nhân và hy vọng sẽ có người chia sẻ và cũng không tránh khỏi có người không đồng ý.
1. Ảnh hưởng của truyền thông Mỹ ra sao trong lần bầu cử TT Mỹ 2016?
Nếu ai để ý thì sẽ thấy rằng có thể có đến hơn 95% báo chí Hoa Kỳ đồng loạt ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân Chủ, tức là bà Clinton. Ngay cả những tờ báo mà xưa nay luôn luôn ủng hộ đảng Cộng Hòa thì lần này họ cũng quay ra ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Ngay cả những đảng viên nặng ký của đảng Cộng Hòa cũng lên tiếng không ủng hộ ông Trump.
Thế nhưng, ông Trump vẫn thắng cử. Điều này cho thấy dân chúng Hoa Kỳ đã hiểu biết hơn, tin tưởng vào những hiểu biết và lòng tự tin của họ hơn là chỉ nghe hay thấy những gì truyền thông Mỹ nói.
Khi nhìn ra điểm lý thú này, cá nhân tôi không khỏi đau buồn và oán hận: “Phải chi dân chúng Hoa Kỳ cũng biết được sự thật về chiến tranh VN cách đây hơn 41 năm, mặc cho báo chí Mỹ xuyên tạc chính phủ Mỹ và chính phủ VNCH, thì thảm nạn 30 tháng 4 năm 1975 đã không xảy ra”. Và phải chăng dân chúng Mỹ chỉ mới bắt đầu học bài học “Ai đã lầm lẫn vì báo chí và giới truyền thông Mỹ sau 41 năm?” Hậu quả của báo chí Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh VN, chẳng những để lại một vết nhơ trong lịch sử Hoa Kỳ: Mỹ chưa bao giờ thua trận, nhưng thua đậm ở VN, mà còn gây ra vô vàn thảm cảnh cho cả 3 dân tộc Đông Dương, mà dân tộc VN chịu thảm cảnh đau thương nhất.
2. Phiếu Phổ Thông và Phiếu Cử Tri Đoàn (popular vote và electoral college vote)
Nhìn lại lich sử Mỹ thì sẽ thấy vì lý do nào mà sự đắc cử TT lại dựa trên số phiếu Cử Tri Đoàn. Ngay từ thời buổi xa xưa ấy (năm 1787), những người lập ra bản hiến pháp của Hoa Kỳ đã dự trù và đưa ra giải pháp chọn người giữ trách vụ Tổng Thống qua Phiếu Cử Tri Đoàn là vì sợ rằng trình độ dân chúng không cao nên sẽ bị lung lạc và sẽ bầu sai người. Cử tri đoàn là những người có trình độ cao, hiểu biết rộng, cho nên sự chọn lựa của họ sẽ chính xác hơn cử tri phổ thông.
Thế nhưng qua lần bầu cử TT Mỹ 2016 này, đã chứng tỏ những gì mà Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định về vai trò của cử tri đoàn từ năm 1787 đã không còn đúng nữa. Vậy thì sự đắc cử TT của ông Trump lần này có thể sẽ tạo ra việc tu chính hiến pháp về vai trò của cử tri đoàn? Và nếu hiến pháp Hoa Kỳ chấp nhận chấm dứt vai trò của cử tri đoàn, thì vai trò của cử tri phổ thông sẽ quyết định ai thắng cử TT Mỹ trong tương lai? Chưa hết, hiến pháp Hoa Kỳ có cần quy định tỷ lệ thắng cử tối thiểu là bao nhiêu không? Thí dụ, tỷ lệ thắng cử phải ít nhất là 10%. Nếu không đạt tỷ lệ tối thiểu này thì sẽ có giải pháp nào không? Và nếu những điểm vừa nêu thành hình, thì các ứng cử viên TT không còn có thể chỉ đi vận động những tiểu bang có đông người, mà phải vận động hầu hết những tiểu bang, để có được số phiếu cao nhất. Nghĩa là tình trạng “forgotten people (những người bị bỏ quên)” sẽ giảm đi nhiều lắm.
Nói tóm lại, cuộc thắng cử TT của ông Trump lần này sẽ nảy sinh nhiều thay đổi khác, mà khó có ai có thể tiên liệu. Một cuộc cách mạng ôn hòa về cải cách chế độ dân chủ của Hoa Kỳ sẽ có thể xảy ra lắm?
3. Tình trạng chia rẽ của dân chúng Mỹ
Nhìn lại lịch sử nước Mỹ, thì sự việc có 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ chỉ vì có 2 quan điểm khác biệt nhỏ từ lúc đầu về cách điều hành nội bộ nước Mỹ. Nhưng theo thời gian, những người lãnh đạo của hai đảng này đã tạo ra 2 phía trở thành đối nghịch, và muốn cho cái đối nghịch của mình mạnh hơn, nên cả hai đã tìm cách lôi kéo dân chúng theo đảng của mình nhiều hơn. Chính vì sự lôi kéo này, mà ngày nay, cùng là 1 gốc ngay từ thời lập quốc, đã trở thành nhiều lúc gần như “chơi xả láng” với nhau, bất kể hậu quả. Và hậu quả là những thành phần ủng hộ đảng của mình đã quên đi cái gốc và đã đi đến chỗ “được làm vua, thua làm giặc” trên đất nước Mỹ sau cuộc bầu cử TT Mỹ năm 2016.
Do đó, các vấn đề sau đây cần được nghiên cứu:
(a) Cần đạo luật cấm ứng cử viên TT tấn công cá nhân lẫn nhau
Đã đến lúc cần có 1 đạo luật cấm các ứng cử viên TT mạt sát cá nhân lẫn nhau trong thời gian vận động tranh cử. Tại sao phải cần có 1 đạo luật như vậy? Bởi vì những người ủng hộ của từng đảng, sở dĩ họ căm thù hay tức giận là do những sự tấn công cá nhân mà ra. Và một khi căm thù và tức giận tồn tại trong suy nghĩ quá lâu sẽ gây những hậu quả không tốt. Nhìn vào cuộc bầu cử năm nay, thì tình cảnh những người ủng hộ đảng Dân Chủ đã tạo ra những cuộc bạo động như đốt phá và gây cản trở sinh hoạt bình thường của dân chúng ở nhiều địa phương khác nhau. Cái lý do những người này phản đối rất phản dân chủ: Không chấp nhận ông Trump là TT của họ chỉ vì họ không đồng ý với chủ trương và chính sách của ông Trump, chứ không phải là có gian lận trong cuộc bầu cử.
(b) Cần đạo luật ứng cử viên TT phải tập trung về chính sách và đường lối của từng người.
Đạo luật này rất cần thiết vì sẽ ràng buộc tất cả ứng cử viên TT tập trung về cách giải quyết vấn nạn của đất nước Mỹ sau khi được đắc cử. Điều này buộc các ứng viên phải đầu tư trí tuệ và suy nghĩ vào những việc làm tốt, những việc làm hữu ích cho quốc gia. Và như vậy, thì họ không còn thời giờ để moi móc những khuyết điểm cá nhân lẫn nhau. Và cũng giúp tất cả cử tri có cơ hội nhìn thấy, so sánh giữa hai chủ trương, hai đường lối của hai đảng trước khi họ quyết định bầu cho ai.
Nếu ai để ý trong lần bầu cử 2016 năm nay, thì 10 ngày còn lại trong cuộc tranh cử, không có ứng viên TT Mỹ nào chú trọng đến chính sách và chủ trương của mình cả, mà chỉ tập trung vào cách tấn công cá nhân lẫn nhau. Do sự tạo ra khích bác này mà đã dẫn đến những cuộc phản đối vô luật pháp sau khi có kết quả bầu cử. Cũng may là những người ủng hộ ông Trump không xuống đường phản đối những người ủng hộ đảng Dân Chủ.
(c) Cần giáo dục toàn thể cử tri Mỹ về thượng tôn pháp luật sau bầu cử
Những người lãnh đạo đảng phái chính trị ở Mỹ phải có trách nhiệm về tầm quan trọng và sự tối cần phải có của những ủng hộ viên (supporters) là thượng tôn pháp luật. Nghĩa là phải triệt để tôn trọng kết quả bầu cử, bởi vì bầu cử ở Mỹ không thể có sự gian lận xảy ra như ở những nước độc tài, quân phiệt và cộng sản hay dân chủ trá hình. Phải nhắc nhở tất cả những người ủng hộ rằng, sau cuộc bầu cử phải có kẻ thắng, người thua. Và rằng kẻ thua không thể dựa vào “tôi có quyền tự do của tôi” để hành xử theo kiểu “được làm vua, thua làm giặc” ở trên đất Mỹ. Nền tự do dân chủ ở Mỹ đã là tấm gương cho thế giới, thì người dân Mỹ cần phải để thế giới kính trọng.
Post a Comment