Những Tựa Đề
- Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân và Niên Trưởng Trịnh Trân, Khóa 20 Trường VBQGVN, “Cọp” đầu đàn của Tiểu Đoàn
- Niên Trưởng Quách Tinh Cần, Thủ Khoa Khóa 20 Trường VBQGVN
- Khóa 31 Trường VBQGVN - Thế hệ cuối cùng của Trường VBQGVN
Tháng 4, 2015 - Tại một nơi không phải là Việt Nam, ánh chiều thời gian đang bắt đầu triệt thoái vào vùng không gian hư ảo: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”(2)
Bất chợt gặp lại một điều gì đó. Rất mơ hồ.
Như ‘Con Chim Trốn Tuyết’(3)
Theo ‘Hương Rừng Cà Mau’(4)
Ngập ngừng qua ‘Đò Dọc’(5)
Ngược ‘Dòng Sông Định Mệnh’(6)
‘Trở Về Mái Nhà Xưa’(7)
Một điều gì đó ‘Tưởng Rằng Đã Quên’(8)… Như Tant Qu'Il Y Aura Des Hommes, lại bất ngờ xuất hiện trong ‘Khói Sương’ (tác giả Tường Thúy, Đặc san Đa Hiệu số 97).
Rồi sau đó? Là sự trở về của những ‘Hồn Ma Cũ’(9), “những hồn ma thương mến"(9), mang theo bao kỷ niệm được ấp ủ, lưu giữ trong phim ảnh, ấn phẩm, sáng tác phẩm trong văn học nghệ thuật tại miền Nam Việt Nam vào hơn bốn thập niên trước.
40 năm đi qua: Là cả một quãng đường rất dài trong ‘Cõi Người Ta’(10). Trong suốt khoảng thời gian này, đã có biết bao giá trị quý báu được gầy dựng và từ lâu tích lũy trong kho tàng văn học nghệ thuật của miền Nam tự do đã bị hủy diệt và bôi xóa một cách có hệ thống bởi những ‘Kẻ Tà Đạo’(11)?
40 năm nhìn lại: Có lẽ đã đến lúc chúng ta hãy cùng ‘Biển Trầm Lặng’(12) bơi về vùng quá khứ để ngụp lặn trong kỷ niệm của những năm xưa. Cùng là ‘Để Tưởng Nhớ Mùi Hương’(13) của những hoa thơm cỏ lạ đã một thời đơm bông, kết trái nơi khu vườn văn học nghệ thuật của miền Nam tự do.
Ấn bản Pháp ngữ, Tant Qu'il Y Aura Des Hommes là phim được chuyển sang Việt ngữ mang tựa đề ‘Thói Đời’. Nguyên bản Anh ngữ, phim có tên From Here to Eternity lấy một đơn vị quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Hawaii trước Thế Chiến II làm bối cảnh.
Giống như một 'Guồng Máy'(14) chưa hoàn hảo, ‘Thói Đời’ cũng có những trục trặc. Trong đó, binh nhì Prewitt (Montgomery Clift) bị trù dập thảm thiết vì anh không chấp nhận chuyện khấu tấu, khom lưng phục vụ cho quyền lợi cá nhân của viên sĩ quan đại đội trưởng hay lạm dụng quyền thế.
Điển hình cho mẫu người quân nhân thuần túy, mặc lên người bộ quân phục nhưng Prewitt không xem đó là thứ nhãn hiệu có cầu chứng để hợp thức hóa việc trốn tránh trách nhiệm như các phần tử trốn quân dịch có môn bài, lính ma, lính kiểng. Hoặc như những thành phần tương cận chuyên lợi dụng quân phục nhằm mưu danh giành lợi cho bản thân, khoe khoang hãnh tiến và ‘Nổ Như Tạc Đạn’(15). Với Prewitt, muốn tới đâu thì tới, anh không bao giờ làm chuyện ‘Vang Tiếng Ruồi Xanh’(16).
‘Thói Đời’ cũng đầy uất hận như tiếng kèn thê thiết của Prewitt khóc bạn Maggio (Frank Sinatra) đã chết vì bị hành hạ. Máu sẽ phải trả bằng máu! Để trả thù cho bạn, trong trận đấu dao tay đôi ngoài phố, nơi góc hẻm không người qua lại, Prewitt đâm chết viên trung sĩ đã làm Maggio thiệt mạng. Đổi lại, anh cũng bị trúng dao. Ôm bụng đầy máu, lê lết về được đến nhà người yêu thì Prewitt gục hẳn.
Vài ngày sau, dù đang "vắng mặt bất hợp pháp" và vết thương chưa kín miệng, nhưng khi nghe tin Nhật bỏ bom Trân Châu Cảng, Prewitt vẫn tìm cách trở về chiến đấu bên đồng đội. Trước người yêu đang khóc ngất, Prewitt chỉ đơn giản: Anh phải trở về đơn vị vì anh là một người lính. Khi đó, Prewitt hoàn toàn không biết đến việc viên đại đội trưởng của anh vừa bị thanh tra quân đội loại khỏi quân ngũ vì tội lạm dụng quyền thế.
Trong bóng đêm, theo đường tắt tìm về doanh trại, Prewitt đã bị bắn chết vì lính tuần nhận lầm anh là quân địch. Ở vào những giây phút cuối cùng của ‘Đêm Dài Một Đời’(17), Prewitt đã trở về. Vẫn “ngang tàng, bướng bỉnh, nhưng vẫn yêu quân đội hơn bất cứ ai khác…," như ‘Lời Cuối’(18) của Trung sĩ Warden (Burt Lancaster) vĩnh biệt ‘Chiến Hữu’(19). Nằm đó. Xuôi tay. Khoảnh khắc trở về của Prewitt cũng là bắt đầu cho một vĩnh viễn ra đi. Chẳng bao giờ ‘Thói Đời’ lại vắng thiếu những trớ trêu nghịch lý!
Quả là một điều thừa khi luận bàn thêm về giá trị của phim Tant Qu'il Y Aura Des Hommes / From Here to Eternity (8 giải Oscars,1953). Lược qua cuốn phim, người viết chỉ hy vọng có thể làm nổi bật giá trị của việc chuyển ngữ, riêng nơi tựa đề: ‘Thói Đời’.
Ở đây, người làm công việc chuyển ngữ cho thấy họ sở hữu một cảm nhận hết sức tinh vi và một khả năng diễn đạt hết sức tài tình. Sắc như ‘Lưỡi Dao Cạo’(20) và chỉ vỏn vẹn trong hai chữ, ‘Thói Đời’ đã cắt bỏ được hẳn những lộng ngôn, sáo ngữ để đến ngay phần cốt lõi mà Tant Qu'il Y Aura Des Hommes muốn truyền đạt: ‘Ngoài Cửa Thiên Đường’(15) của đời quân ngũ luôn nồng tình chiến hữu và ấm nghĩa bạn bè, vẫn còn hiện hữu cả một địa ngục truân chuyên, nhan nhản bất công và phi lý, mà bản thân người lính thường phải đơn phương hứng chịu. Cô đọng như một luồng sáng tập trung, ‘Thói Đời’ đã chiếu rọi được vào cả hai mặt hào hùng và thảm đạm của đời lính.
Được xếp đúng nơi, đặt đúng chỗ, hai chữ ‘Thói Đời’ đã đúng lúc được ký thác vào dòng luân chuyển trong mạch diễn dịch để giúp khán giả hình dung được sự thể khúc mắt và đa dạng. Rất đơn giản, ‘Thói Đời’ đã lặng lẽ góp phần kiến tạo nhịp cầu thông thoại giữa các từng lớp khán giả với một vấn đề thật nhậy cảm và phức tạp. Một chuyển ngữ như thế xứng đáng được kể là một thành tựu, nếu không muốn nói đó là một thành tựu rất nghệ thuật, hiểu theo nghĩa của điều mà Leonardo de Vinci đã nhận xét: "Simplicity is the ultimate sophistication." (Tạm dịch: Giản dị là một sự tinh tế tối hảo.)
Thực ra, chuyển ngữ tựa đề của phim hoặc của tác phẩm là việc có khi đòi hỏi rất nhiều tim óc. Như trường hợp tác phẩm Wuthering Heights (tác giả Emily Brontë), người viết được nghe kể lại, Nhất Linh đã rất đắn đo, cân nhắc trong phần dịch tựa đề quyển này.
Wuthering Heights, đúng ra là tên của một farmhouse vùng Yorkshire, phía Bắc nước Anh, nơi câu truyện diễn ra. Một cách lả lướt, tựa đề này có thể được dịch là Trang Trại Wuthering Heights, mà chân phương thì có thể là Nhà Vườn hoặc Nông Hộ Wuthering Heights. Nhưng những tựa đề như thế, khi đọc lên, nghe thấy không phù phiếm, thì cũng rất ngây ngô. Hẳn vì vậy, Nhất Linh đã phải cố công tìm cho được ‘Đỉnh Gió Hú’. Sau này, cùng quyển ‘Kiều Giang’ phóng tác từ Jane Eyre (tác giả Charlotte Brontë), Hoàng Hải Thủy cũng phóng tác Wuthering Heights vẫn với tựa đề của Nhất Linh.
Khi đọc tựa đề ‘Đỉnh Gió Hú’, nghe đơn sơ như một nét phác, độc giả dễ tưởng lầm câu truyện xẩy ra trên đỉnh núi cao mưa gào gió lộng. Đã không là đỉnh núi, liệu đó có phải là đỉnh lâu đài ngà ngọc, hay bảo tháp vàng son đang bị ‘Lũ Người Quỷ Ám’(21) chiếm lĩnh, ngày đêm mở hội và điên cuồng gào rú? Hay nét chấm phá đơn sơ này của Nhất Linh chỉ như là khởi thảo của bức tranh, nắm bắt những bức phá của tột đỉnh tồi tàn và gớm ghiếc, được hà hơi vực dậy từ xó xỉnh tối tăm, ẩm mốc nào đó của một tâm tư ngạ quỷ?
Đi sâu vào ‘Đỉnh Gió Hú’, độc giả dễ bị tối mặt tại những “điểm nóng”, khi âm mưu thâm hiểm bắt nguồn từ mặc cảm thua kém, loang dần sang cố chấp sân hận, rồi cực kỳ sôi sục trong một tâm can căng cứng độc chất hận thù. Nhưng những độc hại như thế không phải chỉ có thể tìm thấy trong một thế giới "hư cấu” mà thôi. Tâm địa ung thư bám trụ nơi tình người lở loét luôn luôn muốn nuôi dưỡng và cổ xúy căm thù đều là những gì hoàn toàn có thực! Đỉnh cao kết hợp các cặn bã dị hợm này chỉ có thể là những đại họa có tầm mức tàn phá và hủy hoại vượt xa những gì ghê rợn nhất trong ‘Đỉnh Gió Hú’.
Với tựa đề như trên, có vẻ như Nhất Linh muốn xoáy mạnh sự chú ý của độc giả vào những cực điểm của tồi tàn, tăm tối tại Wuthering Heights. Nhưng chính trong ‘Đỉnh Gió Hú’, ông đã “thả lỏng”, không "trói" tựa đề này vào “địa danh” Wuthering Heights. Như thể muốn nói những sự việc tăm tối đó không nhất thiết phải bị đóng khung trong khuôn khổ của một hữu hạn vật lý. Việc “thả nổi” không “định hướng" như vậy cũng cho người đọc nhiều tự do trong việc tìm tòi, khám phá và chọn lựa sự suy tưởng cho chính họ. Chẳng vậy mà đâu đó đã có chỗ ghi là một tác phẩm sau khi ra đời, sẽ có đời sống riêng (với độc giả của nó) mà chính tác giả tạo ra tác phẩm đó cũng không hề hay biết.
Nói như vậy, nhưng nhìn từ một góc độ khác, sẽ lại có những tác phẩm có tựa đề mà khi dịch, gần như không có được một chọn lựa nào khác. Như trường hợp quyển Twenty-Four Hours in the Life of a Woman (tác giả Stefan Zweig, người Áo) đã được Võ Phiến dịch là ‘Hai Mươi Bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà’. Chọn được một tựa đề "bắt mắt" như vậy thì cách gì mà người phàm lại không muốn đọc?
Phải có một tí "sex" trong ‘Hai Mươi Bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà’ chứ? Có ma nữ khát tình nào tới độ ‘Nửa Đời Hương Phấn’(22) đang thao thức thở dài ‘Tôi Nhìn Tôi Trên Vách’(23) bên ‘Khung Cửa Hẹp’(24) không đây? Hay có cô tiểu thư ‘Thời Thượng’(13) khuê các kia đang ‘Trong Vòng Tay Đàn Ông’(16) lại chập chờn lẩm nhẩm ‘Lời Nguyện Trong Không’(25)? Hoặc nữ nghệ sĩ tài hoa xuân sắc nọ đang thẫn thờ kể lại tâm trạng có một không hai trong đời trình diễn: Khi đèn sáng bật lên và màn từ từ hạ, mới chợt nhận ra rằng chỉ còn trơ trọi mỗi mình miên man độc diễn trên ‘Sân Khấu Về Khuya’(26) đã không còn khán giả?
Liệu tác phẩm “Twenty-Four Hours in the Life of a Woman” (‘Hai Mươi Bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà’) đó, năm xưa, có đã từng là một hiện tượng văn học nóng bỏng bên trời Tây tuyết lạnh? Như một ‘Vòng Tay Học Trò’(27) ngày nào, khởi đi từ thành phố cao nguyên miền nhiệt đới có gió lạnh mây mù mang tên Đà Lạt, đã một thời gây cơn bão nóng trong văn học miền Nam?
Cũng như, biết đâu đó lại chẳng là bút ký của người đàn bà đoan trang khép kín. Vào một ngày đẹp trời nào đó, mang một ‘Tâm Tình Hiến Dâng’(28), thơ thới hân hoan, hạnh ngộ với tình yêu. Nhưng, đàng sau cái-gọi-là ‘Yêu’(29) đó có phải là dục tình của con cái động đực? Si mê. ‘Ghen’(29). Sa ngã. ‘Loạn’(29). Cuồng bạo như ‘Sóng Thần’(30). Tất cả xẩy đến chỉ trong một ngày! Phải chăng trong 24 giờ đó người đàn bà này đã được sống trọn vẹn với các cảm xúc tột cùng và rung động tột độ? Những điều mà có khi hết cả cuộc đời, có người vẫn chưa có cơ duyên trực nghiệm.
Hoặc, khi ‘Hai Mươi Bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà’ vừa chấm dứt, con lắc của đồng hồ thời gian chỉ mới giợm bước qua ‘Giờ Thứ Hai Mươi Lăm’(31) và chưa kịp rẽ sang khoảng không gian khác, thì những giằng xé trong một ngày “không” như mọi ngày đã trở thành những vuốt ve kỷ niệm. Như nắng ấm ban mai chuyển hoán sương đêm ướt lạnh thành tơ trời ấm áp đang chới với trước sự quyến rũ thu hút của ‘Hình Như Là Tình Yêu’(32). Cái tuyệt của những tựa đề "trực khởi" mang tính khiêu khích là dễ tạo ra thắc mắc cho độc giả. Và đã có thắc mắc là độc giả hay có ý tìm đọc.
Tuy nhiên, cũng có tựa đề khi đọc lên, rất dễ gây hiểu lầm như Le Zéro et l'Infini, ấn bản Pháp văn, và bản dịch Việt ngữ tên ‘Số Không và Vô Tận’ (rất tiếc người viết không còn nhớ tên dịch giả). Hai tựa đề này khi đọc lên, nghe như tên của sách chuyên toán. Còn bản Anh ngữ Darkness at Noon (tạm dịch: Đêm Đen Giữa Ban Ngày) lại nghe như tên của truyện kinh dị. Thực ra quyển này, nguyên bản Đức ngữ: Sonnenfinsternis, tác giả Arthur Koestler, viết về sự khủng bố toàn diện của thời Stalin để triệt hạ các thành phần “chống phá cách mạng.”
Nhân vật chính ở đây là một Bolshevik kỳ cựu thuộc thành phần tiên phong dựng đảng. Về mặt lý luận chính trị, ông ta rất vững chãi. Về mặt tinh thần chiến đấu, nhân vật này thuộc loại ‘Những Người Không Chịu Chết’(33). Đầu hàng là hai chữ chưa từng có trong tự điển của ông ta. Khi lọt vào tay địch, ông ta tuyệt đối không khai báo và sẵn sàng chết để bảo vệ đảng. Nhưng người cộng sản kiên cường này lại bị bắt giam bởi công an ban bảo vệ chính trị vì ông đã tỏ ra ngờ vực khả năng lãnh đạo của đảng.
Nhìn chung quanh, ông nhận thấy: Sau hàng chục năm độc quyền toàn trị và tiêu phí sinh mạng của nhiều triệu người dân, đảng của ông đã không đưa đất nước tiến lên được một vị trí khá hơn và tương xứng hơn trong một cộng đồng văn minh của nhân loại. Ngược lại, thiên đường cộng sản càng ngày càng lùi ra xa thẳm và đất nước mỗi ngày một thêm suy đồi và thoái hóa. Nhìn lại chính mình, khi đối diện với lương tri, nhiều lần ông ta đã phải tự hỏi: Ông đang chiến đấu cho ai? Chiến đấu cho cái gì?
Tại trung tâm thẩm vấn, với những lý luận quỷ biện tráo trở kèm theo những phương pháp tra tấn cực kỳ tinh vi, cán bộ “chấp pháp” đã “làm việc” cặn kẽ với nhân vật này, trong một thời gian dài, bất kể ngày hay đêm. Khi cân não suy sụp và thể chất kiệt quệ vì bị khủng bố liên tục, nhân vật này hoàn toàn mất hẳn ý niệm về ngày đêm. Cuối cùng, ý chí đề kháng của ông hoàn toàn bị bẻ gãy. Ông ta đã đầu hàng. Trong khi chờ ký giấy nhận tội “phản quốc,” nhân vật Bolshevik này chỉ ao ước sau đó sẽ được ngủ thẳng giấc, không bị gọi dậy "làm việc" và không bị khoét óc vì những “thành thật khai báo.”
Khi tiến hành cuộc cách mạng của họ, người cộng sản đã sử dụng “chuyên chính vô sản” làm “mũi nhọn xung kích” để tấn công, hủy diệt và san bằng mọi hệ thống, mọi định chế, mọi thang giá trị nhằm đưa mọi thứ lùi lại xuống con Số Không nguyên thủy. Mang niềm tin của những tín đồ cuồng tín sẵn sàng hiến thân cho cuộc thánh chiến, người cộng sản cuồng nhiệt tin rằng từ con Số Không, với những “con người mới,” trong sáng hơn, họ sẽ xây dựng lên được một xã hội mới, ưu việt hơn, và một trật tự mới, công bằng hơn. Tất cả những chỉ đạo, điều hướng của người cộng sản đều đặt căn bản trên những lý thuyết kinh điển của họ. Tuy vậy, khi đem ra đối chiếu và chứng nghiệm với hiện thực, những lý thuyết kinh điển đó đã trở thành những ảo tưởng. Cũng gần giống như hai đường thẳng song song trong toán học, tương quan giữa hiện thực con người và ảo tưởng cộng sản bắt đầu từ Số Không và chỉ có thể gặp nhau tại Vô Tận.
Trở lại với sách dịch, theo nhận xét riêng của người viết, cũng có quyển có tựa đề được chuyển ngữ hơi "thoải mái" quá, như ‘Đôi Bạn Chân Tình’ (bản Anh ngữ: Narcissus and Goldmund; nguyên bản Đức ngữ: Narziß und Goldmund), tác giả Đức: Hermann Hesse, Nobel Văn chương, 1946, dịch giả: Vũ Đình Lưu. Trong truyện này, Narcissus và Goldmund là hai nhân vật có bản chất hoàn toàn đối cực. Narcissus thì đạo mạo, lý trí. Goldmund thì buông thả, đam mê. Cung cách và môi trường sống của hai nhân vật này cũng hoàn toàn trái ngược. Narcissus là bậc chân tu đạo hạnh. Còn Goldmund lại là dân tu xuất mê… đời.
Tuy không cùng chia sẻ quan niệm và phương thức sống, và hàng ngày cũng không qua lại gặp gỡ, nhưng hai nhân vật này có thể hiểu được, "tri ngộ" được giá trị của quan niệm được thể hiện qua cách sống của mỗi người trên bước đường đi tìm chân lý cho đời sống tâm linh của họ. Trong chiều hướng đó, thay vì "chân tình" có lẽ hai chữ "tri kỷ" nên được dùng để diễn tả tình bạn của hai nhân vật rất đặc biệt này. (Nhưng rõ ràng là khi đọc lên, quả tình Đôi Bạn Chân Tình nghe êm tai hơn Đôi Bạn Tri Kỷ.)
Cũng như quyển ‘Câu Chuyện Của Dòng Sông’ (nguyên bản Đức ngữ: Siddhartha), tác giả Đức: Hermann Hesse, Nobel Văn chương, 1946, dịch giả: Phùng Khánh và Phùng Thăng. Đây là quyển nói về hành trình đi tìm giác ngộ của Siddhartha. Theo đó, ông đã phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong suốt tiến trình này, dòng sông đã đóng vai trò tích cực trong việc "chuyển hóa," giúp Siddhartha vượt qua được những khó khăn ngoại khổ và cuối cùng đã đưa Siddhartha đến được bến bờ giác ngộ.
Nhưng theo suy nghĩ cứng nhắc và rất là chưa “thoáng” của người viết, dòng sông đó chưa thể thay thế Siddhartha được. Vì dù có đóng vai trò quan yếu trong sự chuyển hóa Siddhartha, dòng sông đó cũng vẫn chỉ là ngoại vật so với các biến chuyển nội tâm của Siddhartha. Rất có thể hai chị em dịch giả Phùng Khánh (về sau xuất gia thành ni sư Trí Hải) và Phùng Thăng chọn tên quyển sách lấy dòng sông như là một ẩn dụ: Trước bất cứ hành trình nào để đi tìm giác ngộ, tâm tư cũng cần nên được cởi mở, thoáng mát như một dòng sông đang ung dung lưu chuyển.
Sang đến đầu thập niên 1970, nói đến truyện dịch mà không nhắc đến “cơn sốt” ‘Bố Già’ (The Godfather, tác giả: Mario Puzo) thì phải kể là cả một... “trọng tội"! Có thể nói, Ngọc Thứ Lang là người đã "thuần hóa" được The Godfather trong Việt ngữ. Ông đã "mua đứt" hai chữ ‘Bố Già’ và rất xứng đôi vừa lứa “gả" cho The Godfather. Rõ ràng là trong The Godfather làm gì có phần nào có thể được trực dịch thành chữ ‘già’. Đứng riêng ra, thì hai chữ ‘bố’ và chữ ‘già’ này còn xưa hơn trái đất. Mà cũng nào có mới lạ kỳ ảo gì! Dzậy mà tới khi Ngọc Thứ Lang đem hai chữ này ra "chế" thành một đặc ngữ mới để mô tả… Bố Già: The Godfather (who else!), thì phải nói là "độc” còn hơn… “thịt dzịch"!
Mặt khác, tính theo tuổi đời, thì ông trùm mafia cha Vito Corleone già chát, mà ông trùm mafia con Michael Corleone thì trẻ măng. Tìm đâu ra cho được chữ mới để cặp đôi với chữ “Bố” cho đúng “tiêu chuẩn” hai cha con nhà họ Corleone đây? No way, José! Thành thử khi chọn chết hai chữ ‘Bố Già’ này, Ngọc Thứ Lang hẳn đã phải "xâm mình" làm một màn "phá chấp" độc đáo. Trúng trường hợp cắc cớ này mà gặp thứ dịch “giả” thuộc trường phái “chữ ‘chọi’ chữ,” word for word, mot à mot, không biết chừng The Godfather sẽ bị (trúng) dịch thành “Cha Thượng Đế”. Tới hồi đó, chỉ có nước… ‘Sầu Lẻ Bóng’(34)!
Đặc biệt, trong quyển này còn có những mẩu đối thoại rất “màu sắc,” như lúc Bố Già Vito Corleone răn dậy anh con cả Sony Corleone, vốn là người mới đẻ ra đã có máu thích đi ăn cướp và cũng là một tiêu biểu đặc sắc cho những thành phần “gia đình liều mạng,” chuyên giải quyết mọi đụng chạm, tranh chấp với thiên hạ bằng những cú đấm hoặc nổ súng bắn bỏ. Trong “huấn từ” giảng điều "phải quấy" cho cậu con quý tử nhằm khuyến cáo nên tránh bạo lực và “thượng tôn pháp luật,” Bố Già đã phán, đại ý: Một thằng luật sư ôm cạc táp “làm ăn” còn ngon lành hơn cả chục thằng bặm trợn bịt mặt xách súng đi ăn cướp. Đọc lên nghe thiệt là muốn… "bứt gân"!
Qua ‘Bố Già’, Ngọc Thứ Lang đã thực hiện nhiều “pha” chuyển ngữ hết sức ngoạn mục. Làm “giựt mắt” hảo thủ mọi nơi. Từ những hiệp sĩ quý tộc bạt kiếm cùng ‘Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ’(35) cho tới mãi ‘Hai Mươi Năm Sau’(36); qua đến dân băng đảng bụi đời như ‘Loan Mắt Nhung’(16) xưng hùng bên ‘Kinh Nước Đen’(16), sang tới các cao thủ võ lâm thích ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’(37) đem kiếm ý “vô chiêu thắng hữu chiêu” ra luận bàn, tỉ đấu cùng ‘Lục Mạch Thần Kiếm’(37).
40 năm đã qua: Có dịp hoài nhớ lại sách báo, phim ảnh, mới thấy những người làm công việc chuyển ngữ các phim ảnh có giá trị sang Việt ngữ quả là những "chiến sĩ vô danh" trong lãnh vực dịch thuật. Thực vậy, đã có ai biết được người nào đã chuyển ngữ tựa đề của phim Tant Qu'il Y Aura des Hommes thành hai chữ hết sức "nhức nhối”: ‘Thói Đời’?
Hoặc ai là người đã chuyển ngữ phim Gone with the Wind (10 giải Oscars, 1940) để tên phim đó đã, vẫn và sẽ luôn luôn bạt ngàn trong Việt ngữ qua ‘Cuốn Theo Chiều Gió’? Quả thực ‘Cuốn Theo Chiều Gió’ chính là thành quả trác tuyệt của một sự chuyển ngữ tối giản. Điều đó cũng có thể được kể như là một thách đố không thể vượt qua được đối với những cố gắng sau này nhằm tìm kiếm chữ mới chính xác hơn và độc đáo hơn để dịch Gone with the Wind.
Sẽ là cả một thiếu sót to lớn nếu chỉ nói đến phim và không đề cập đến tác phẩm ‘Cuốn Theo Chiều Gió’ được dịch giả Vũ Kim Thư xuất sắc chuyển ngữ từ quyển Gone with the Wind (tác giả Margaret Mitchell, giải Pulitzer, 1937). Đọc ‘Cuốn Theo Chiều Gió’, dưới cả bầu trời sụp đổ, vào thời buổi cực kỳ tăm tối ngay sau khi miền Nam Việt Nam bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm, với riêng người viết, là một điều không thể nào quên.
Nhắc đến thời kỳ tối tăm của miền Nam sau 30/4/1975 là phải nói đến việc cộng sản tiêu hủy, đốt bỏ sách báo trong Nam. Khi đó, sách báo tuyên truyền của cộng sản ngoài Bắc đã tràn ngập trong Nam. Hàng ngày, cùng với những luận điệu mị dân và nhồi sọ, từ sáng sớm đến tối đêm, radio, TV của chính quyền trung ương, và loa phóng thanh của chính quyền địa phương đã liên tục sách nhiễu, truy bức và khủng bố người dân bằng những "thông tin" sặc mùi sắt máu của "bạo lực cách mạng." Phản ứng cấp thời là phải tìm “sách cấm" để học hỏi và tìm hiểu thêm về cộng sản và con người của họ.
‘Số Không và Vô Tận’ (Le Zéro et l'Infini / Darkness at Noon - Tác giả: Arthur Koestler - Dịch giả: người viết không còn nhớ tên); ‘Giai Cấp Mới’ (The New Class: An Analysis of the Communist System - Tác giả: Milovan Djilas, người Nam Tư - Dịch giả: người viết không còn nhớ tên); ‘Bí Danh’ (The Secret Name, Farrar, Straus and Cudahy - Tác giả: Lin Yutang / Lâm Ngữ Đường - Dịch giả: Từ Chung); ‘Thuật Trị Nước tại Liên Xô’ (How Russia Is Ruled - Tác giả: Merle Fainsod - Dịch giả: Thái Lăng Nghiêm); ‘Quần Đảo Ngục Tù’ (The Gulag Archipelago, nguyên bản Nga ngữ: Архипелаг ГУЛАГ - Tác giả: Aleksandr Solzhenitsyn, người Nga, Nobel Văn chương, 1970 - Dịch giả: Ngọc Tú Ngọc Thứ Lang) đã là những quyển sách đóng góp rất nhiều cho bản thân người viết trong việc học hỏi các lập luận ngụy biện (fallacy) qua phương pháp luận lý biện chứng (dialectic) của người cộng sản.
Nhưng cho đến khi tìm đọc được ‘Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng’, ‘Cách Mạng và Hành Động’ và ‘Từ Binh Pháp Tôn Ngô đến Chiến Lược Nguyên Tử’, các tác phẩm biên khảo của tác giả Nghiêm Xuân Hồng, thì sự tìm hiểu của người viết về các nhận thức căn bản của các trào lưu tư tưởng cận đại mới được sáng tỏ thêm hơn trong thời điểm đó. Một thời điểm mà tại Việt Nam hai chữ "cách mạng" đồng nghĩa với “thảm họa.” Vì đó là hậu quả không thể tránh được, một khi não bộ “tư duy” của các cấp lãnh đạo cộng sản chỉ có khả năng nẩy mầm, tăng trưởng và mọc rễ quẩn quanh trong một hệ tư tưởng què quặt.
Tháng Tư năm nay, 2015, đánh dấu 40 năm miền Nam tự do hoàn toàn bị mất vào tay cộng sản. Khi ghi lại “Những Tựa Đề,” người viết hy vọng sẽ giúp quý vị bạn đọc phần nào tìm lại được một số tác phẩm năm xưa của một miền Nam hiền hòa nhưng kém may mắn, ít thanh bình và nhiều ly loạn. Đặc biệt là để cảm tạ các vị tác giả, soạn giả, các văn nghệ sĩ (mà nhiều vị nay đã khuất bóng) đã nhiều công xây dựng và bồi đắp nền văn học nghệ thuật của miền Nam tự do năm xưa để được phong phú và đa dạng.
Đối chiếu với lịch sử trước mắt, chúng ta có thể đoan quyết và không sợ lầm lẫn là miền Nam, nói riêng, hay cả Việt Nam, nói chung, sẽ không bao giờ có thể có được một nền văn học nghệ thuật có giá trị một khi mọi người dân không có tự do suy tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Có được một ít thanh bình cho miền Nam thân yêu năm xưa là cả một nỗ lực không ngừng nghỉ của người lính đến từ nhiều thế hệ trên khắp các nẻo đường của đất nước. Đàng sau những ‘Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh’(19) là bao nỗi nhọc nhằn và khổ ải của mồ hôi, nước mắt và máu của người lính đã âm thầm chiến đấu và lặng lẽ hy sinh.
Để người dân miền Nam được tự do sinh sống. Để văn học nghệ thuật miền Nam được tự do phát triển. Trong suốt hơn 20 năm, nếu chỉ tính từ ngày 20/7/1954 là ngày đất nước Việt Nam bị chia đôi cho đến ngày 30/4/1975 là ngày miền Nam tự do hoàn toàn bị nhuộm đỏ.
Trong hướng nhìn đó, “Những Tựa Đề” được ghi lại nơi đây cũng chính là để trân trọng vinh danh tất cả những Người Lính đã kiên trì chiến đấu, đã anh dũng ngã xuống để góp phần xây dựng và bảo vệ miền Nam tự do.
Mời quý vị đọc bài viết liên hệ với đề tài trên: Về cách dụng chữ trong bài Những Tựa Đề
Một số ấn phẩm, sáng tác phẩm trước 30/4/1975 đã được ghi lại trong “Những Tựa Đề”:
(1) Trăng Tàn Trên Hè Phố: Nhạc – Tác giả: Phạm Thế Mỹ
(2) Đây Thôn Vỹ Dạ: Thơ – Tác giả: Hàn Mặc Tử
(3) Con Chim Trốn Tuyết (Snow Goose): Văn – Tác giả: Paul Gallico; Dịch giả: Trần Phong Giao & Hoàng Ưng.
(4) Hương Rừng Cà Mau: Văn – Tác giả: Sơn Nam
(5) Đò Dọc: Văn – Tác giả: Bình Nguyên Lộc
(6) Dòng Sông Định Mệnh: Văn – Tác giả: Doãn Quốc Sỹ
(7) Trở Về Mái Nhà Xưa (Come Back To Sorrento / Torna a Surriento): Nhạc – Tác giả lời Việt: Phạm Duy
(8) Tưởng Rằng Đã Quên: Nhạc – Tác giả: Trịnh Công Sơn
(9) Hồn Ma Cũ (truyện ngắn, trong tập truyện Ký Thác): Văn – Tác giả: Bình Nguyên Lộc
(10) Cõi Người Ta (Terre Des Hommes): Văn – Tác giả: Antoine de Saint-Exupéry; Dịch giả: Bùi Giáng
(11) Kẻ Tà Đạo: Văn – Tác giả: Nguyễn Xuân Hoàng
(12) Biển Trầm Lặng: Văn – Tác giả: Dương Kiền
(13) Để Tưởng Nhớ Mùi Hương; Thời Thượng: Văn – Tác giả: Mai Thảo
(14) Guồng Máy (L'Engrenage): Kịch – Tác giả: Jean-Paul Sartre (Từ chối không nhận giải Nobel Văn chương, 1964); Dịch giả: Trần Phong Giao
(15) Nổ Như Tạc Đạn; Ngoài Cửa Thiên Đường (phóng tác): Văn – Tác giả / Dịch giả: Hoàng Hải Thủy
(16) Vang Tiếng Ruồi Xanh; Trong Vòng Tay Đàn Ông; Loan Mắt Nhung; Kinh Nước Đen: Văn – Tác giả: Nguyễn Thụy Long
(17) Đêm Dài Một Đời: Văn – Tác giả: Lê Tất Điều (Giải thưởng Văn chương của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, Sài Gòn, 1966)
(18) Lời Cuối: Nhạc – Tác giả: Từ Công Phụng
(19) Chiến Hữu (Three Comrades, nguyên bản Đức ngữ: Drei Kameraden); Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh (All Quiet on the Western Front / A l’Ouest Rien de Nouveau, nguyên bản Đức ngữ: Im Westen nichts Neues): Văn – Tác giả: Erich Maria Remarque; Dịch giả: Tâm Nguyên
(20) Lưỡi Dao Cạo (The Razor's Edge): Văn – Tác giả: William Somerset Maugham; Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
(21) Lũ Người Quỷ Ám (The Possessed / The Devils, nguyên bản Nga ngữ: Бесы): Văn – Tác giả: Fyodor Dostoyevsky; Dịch giả: Trương Đình Cử
(22) Nửa Đời Hương Phấn: Cải lương – Soạn giả Hà Triều & Hoa Phượng - Đạo diễn & Âm nhạc: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - Nghệ sĩ trình diễn: Thành Được, Thanh Nga
(23) Tôi Nhìn Tôi Trên Vách: Văn – Tác giả: Túy Hồng
(24) Khung Cửa Hẹp (La Porte Étroite): Văn – Tác giả: André Gide (Nobel Văn chương, 1947); Dịch giả: Bùi Giáng
(25) Lời Nguyện Trong Không: Văn – Tác giả: Nguyễn Mạnh Côn
(26) Sân Khấu Về Khuya: Cải lương – Soạn giả Năm Châu - Nghệ sĩ trình diễn: Thành Được, Thanh Nga, Hữu Phước, Ngọc Giàu
(27) Vòng Tay Học Trò: Văn – Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng
(28) Tâm Tình Hiến Dâng (The Gardener): Thơ – Tác giả: Rabindranath Tagore (Nobel Văn chương, 1913); Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
(29) Yêu; Ghen; Loạn: Văn – Tác giả: Chu Tử
(30) Sóng Thần: Nhật báo – Chủ biên: Chu Tử - Cộng tác: Trùng Dương; Thơ đen Tú Kếu; Hí họa Chóe
(31) Giờ Thứ Hai Mươi Lăm (La Vingt-Cinquième Heure, nguyên bản Romanian: Ora 25): Văn – Tác giả: Constantin Virgil Gheorghiu; Dịch giả: Lê Ngọc Trụ và Lê Thị Hay
(32) Hình Như Là Tình Yêu: Văn – Tác giả: Hoàng Ngọc Tuấn
(33) Những Người Không Chịu Chết: Kịch – Tác giả: Vũ Khắc Khoan
(34) Sầu Lẻ Bóng: Nhạc – Tác giả: Anh Bằng
(35) Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mousquetaires): Văn – Tác giả: Alexandre Dumas; Dịch giả: Văn Lang
(36) Hai Mươi Năm Sau (Vingt Ans Après): Văn – Tác giả: Alexandre Dumas; Dịch giả: Hoài Anh phỏng dịch
(37) Tiếu Ngạo Giang Hồ; Lục Mạch Thần Kiếm (nguyên bản Hoa ngữ): Văn – Tác giả: Kim Dung; Dịch giả: Hàn Giang Nhạn
Chú thích thêm - Oct 27, 2016:
• Số Không và Vô Tận (Le Zéro et l'Infini / Darkness at Noon): Văn – Tác giả: Arthur Koestler; Dịch giả: Thạch Trung Giả
Post a Comment