Header Ads

Chiều Tốc Độ


Mỗi lần chạy sang nhà hàng xóm và thấy chiếc quạt trần đang quay là cậu nhỏ cứ đăm chiêu mãi. Nỗi "suy tư" của cậu nhóc rất giản dị: Không biết chiếc quạt đang quay đó có rơi xuống "quạt" ngay vào cổ cậu không? Nỗi lo sợ vẩn vơ đó làm cậu nhỏ rờn rợn. Đôi khi nghe tiếng gió rít lên từ các cánh quạt, cậu nhỏ lại liên tưởng đến lời nguyền của những mụ phù thủy trong chuyện cổ tích.

Mà chắc có phù thủy thật! Chứ không thì tại sao khi đứng yên có đến những ba cánh quạt, nhưng khi quay thì cả ba cánh quạt lại biến đi đâu mất hết và chỉ để lại một mặt phẳng lung linh? Nỗi "ám ảnh không rời" này cứ vấn vương trong tâm trí cậu nhỏ mãi. Mà cậu nhóc này vốn thuộc loại chàng tuổi trẻ vốn dòng... không hào kiệt! Thêm nữa, trong bộ óc tí hon nhiều tưởng tượng, lại còn sợ bà phù thủy nổi giận khi biết bị hỏi dò, nên cậu bé lại càng cấm có dám đi hỏi ai khác.

Nhưng cũng như trong thí nghiệm về phản ứng có điều kiện của nhà bác học người Nga mang tên Ivan Pavlov khi xưa, dù chỉ vấn vương chút ít, nỗi sợ đó diễn đi diễn lại nhiều lần đã dần dần chiếm giữ một vị trí đáng kể trong bộ nhớ bé xíu của cậu nhỏ. Thắc mắc về sự biến tướng của các cánh quạt vẫn còn đó. Chỉ có tăng mà không giảm. Tại nhà, thì không có quạt trần mà chỉ có quạt bàn. "Vision" về cánh quạt thì kể như cậu đã có rồi! Chỉ còn chờ cho tới giờ có... "action".

Đến một hôm đẹp trời, cả nhà đi vắng, cậu nhỏ một mình trèo lên bàn, bật cho quạt chạy. Mới thoáng một chút, cánh quạt đã mất dạng. Cậu nhỏ áp sát mặt, mắt mở to nhìn chăm chăm vào chiếc quạt máy với hy vọng sẽ tìm được từng cánh quạt một. Tiếng lách tách của những sợi tóc bị gió hút vào bạt trúng cánh quạt đang quay lại càng làm cậu nhỏ thêm hào hứng.

Mê mải như thế cho đến khi... Ouch! Đau điếng hẳn một bên tai. Chẳng là đột nhiên người lớn xuất hiện và chú chàng bị béo tai kéo ra mắng cho mấy mắng vì tội nghịch dại. Làm như vậy có khi cả cụm tóc bị cuốn vào máy và lột da đầu cậu nhỏ, thì lại khổ thân... người lớn!

Vài năm sau, lớn lên một tị. Đã bớt tin phần nào là có ma trong cánh quạt. Cánh tay của cậu nhỏ, đang trên đà... dậy thì, đã hơi hơi có bắp thịt. Lại nghĩ đến chuyện thử cách khác. Tháo cho bằng được phần nắp đậy phía trước rồi bật máy cho quạt chạy. Kế đó, cậu nhỏ "vận công" để ấn ngón tay dí sát vào phần giữa của trục quay của các cánh quạt. Cốt yếu là để từ từ hãm lại chiếc quạt đang quay nhằm tìm xem cái gì đã làm ba cánh quạt đang quay tự nhiên biến thành mặt phẳng lung linh mờ ảo. Từ xa trông lại, chú nhỏ giống như đang khổ luyện môn công phu Nhất Dương Chỉ!

Làm được vài lần như thế mà vẫn chẳng tìm ra được cái thể... tích gì cả, thì chiếc quạt bàn đã sang đến gia đoạn bị khặc khừ như anh chàng Robot Cop đang lê lết sau khi bị kẻ cướp bắn vỡ mấy mạch điện trong người.

Lần này vì được cho đi học rồi cho nên cậu nhỏ lại bị mắng kiểu khác. Sao mà ngốc thế, cứ giữ rịt cánh quạt như vậy thì sẽ khiến cơ năng làm chuyển động cánh quạt không thi thố được tài năng và sẽ bị biến dạng sang thành nhiệt năng làm cháy mô-tơ, thì còn gì là quạt.

Tiếng là có đi học, nhưng chú nhỏ này cũng chỉ mới bén theo được một nửa gót của người xưa:

        Thông minh vốn sẵn tư trời
        Còn khi đồng ấu mải vui (ngoài) cửa... trường!

Thế cho nên đối với chú nhỏ này, cơ năng và nhiệt năng là mấy thứ thuộc loại... Black Hole. Tối thui! Ánh sáng mà còn không lọt qua nổi mấy thứ này, thì mắt phàm làm sao mà thấy được?  Với lại mô-tơ quay của cái quạt có bị cháy thì cũng đâu có 'môi hở răng lạnh’ gì đến chuyện ba cánh quạt khi quay nhanh bị biến thành một mặt phẳng lung linh kiểu... ở đây sương khói mờ nhân ảnh? Như vậy, rút cuộc lại thì cái gì sẽ nằm ngay tại... điểm yên ngựa (saddle point) đây? Bị ấm ức vì mãi vẫn không tìm ra được giải đáp.

Đến khi lớn thêm nữa, thì anh chàng nọ mới nhận thấy rằng có lẽ chỉ còn có một "nghi can" là anh chàng... Tốc Độ.  Mà cũng không phải tốc độ nào cũng sẽ chỉ tạo ra gió mát rời rợi đâu đấy nhé. Nói cho ngay tình tốc độ còn góp phần tạo ra sức nóng ác liệt nữa chớ không chơi. Có không tin thì cứ tìm đọc các câu truyện về công thức E = mc2 của Einstein, và hai biến cố kinh hoàng ở Nagasaki và Hiroshima thời 1945 tại Nhật. Căn cứ theo các sự vụ nói trên thì những tốc độ loại đó có thể được xếp loại là "tốc độ tạo nóng".

Còn "tốc độ tạo lạnh"? Ở mức độ xoàng xoàng nơi cánh quạt thì có "tốc độ tạo mát". Nhưng nếu được nghiên cứu thêm bởi những bộ óc siêu phàm, như cỡ của Einstein hoặc hơn, thì biết đâu chừng tốc độ cũng có thể bị chế ngự hoặc bị biến đổi để trở thành một thứ "tốc độ tạo lạnh", hoặc nói cho văn hoa một chút là "tốc độ sinh hàn" lắm chứ?

Đây không phải là một chuyện hoàn toàn không tưởng. Gần cuối thập niên 1990s, "trường phái" của Ian Wilmut tại Roslin Institute, Scotland đã thành công trong việc "chế" (clone) ra được một động vật lấy mẫu từ một động vật khác cùng giống loại. Có nhiều hứa hẹn là trong tương lai các khoa học gia ngành này sẽ có thể "chế" ra con người. Khi ấy, rất có thể có một (hay nhiều) Einstein clone sẽ được "tân tạo" và cho ra đời.

Chừng lúc ấy, biết đâu lại không có thêm một công thức sáng chói ghi nhận mối liên hệ giữa "tốc độ âm" và "hàn lượng" (tương tự như một thứ đối cực của năng lượng E) để quân bình với công thức trứ danh E = mc2!

Ảnh hưởng của tốc độ không chỉ bị giới hạn thuần vào nơi các đối tượng vật thể như cánh quạt, bom nguyên tử hoặc máy bay bóng ma Stealth... Mà tốc độ còn là một yếu tố gây tranh cãi trong lãnh vực kinh tế.

Hãy giả thử, lấy F (force) làm tiêu biểu cho động lực của một nền kinh tế, m (mass) tiêu biểu cho khối lượng tiền tệ và v (velocity) tiêu biểu cho tốc độ lưu chuyển của tiền tệ. Sự liên quan của các thứ nói trên có thể được mô tả qua một công thức căn bản trong vật lý F = mv.

Trong công thức trên, tốc độ lưu chuyển tiền tệ 'v' là con số ghi nhận được qua sự đo lường nhịp độ xuất nhập, trao đổi, và luân lưu của tiền bạc. Đồng tiền càng chạy qua, chạy lại và qua tay nhiều người theo một nhịp độ cao thì trị số của tốc độ 'v' càng lớn và tính theo công thức trên, sẽ tạo ra động lực cao cho nền kinh tế. Nghĩa là chợ búa, giải trí trường... càng ồn ào, tấp nập, công ăn việc làm càng dễ có, dễ tìm. Nói một cách khác, theo quan niệm này, sự thịnh vượng của nền kinh tế,  tính theo động lực 'F', sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ lưu chuyển 'v' của khối lượng tiền 'm', một khi 'm' không hoặc rất ít thay đổi.

Lẽ đương nhiên không phải trong giới kinh tế, tài chánh mọi người ai cũng đều hoàn toàn đồng ý với lối đặt vấn đề như vậy. Có các môn đệ của hệ phái Milton Friedman của University of Chicago bênh vực cho việc áp dụng công thức vật lý trên vào khoa phân tích kinh tế, thì cũng có các hảo thủ thuộc hệ phái Benjamin Friedman của Havard Uninversity đưa ra luận cứ phản bác và cho rằng "velocity" (tốc độ/vận tốc) là từ ngữ phải nên bị "cấm chỉ" vì chẳng có nghĩa lý gì cả trong lãnh vực kinh tế tài chánh và rất là dễ gây ra ngộ nhận... Xét duyệt quan niệm trên để lấy ra kết luận đúng hay sai là điều cũng gần gần giống như chuyện... xấu đẹp tùy người đối diện! Nhưng dù pros hay cons đối với quan niệm này, thì căn bản, Tốc Độ vẫn là yếu tố trọng tâm trong các tranh luận của hai hệ phái này.

Bây giờ hãy thử... viễn mơ thêm một chút. Ai cũng biết cơ thể con người là tập hợp của đủ loại phân tử.  Nhưng thử hỏi tại sao các phân tử đó kết hợp lại được thành những hình thể có dáng búp măng của một... bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa?  Biết đâu rằng để tạo thành một hình thể nào đó các loại phân tử lại chẳng đan kết với nhau dựa trên một nguyên lý gần giống như nguyên lý đã chi phối việc các cánh quạt đang quay nhanh và tạo thành một mặt phẳng mờ?

Nghĩa là, cũng có thể, trong một hạn chế nào đó, khi quay đến một tốc độ đã định, các phân tử sẽ kết lại thành thịt da mượt mà, suối tóc mềm mại, hoặc có khi... xoắn tít (chắc vì bởi tốc độ quay nhanh quá đà!)

Hiện giờ thì những lạm bàn, giả thử như ghi trên, nhiều lắm cũng chỉ có giá trị như vài phút mua vui. Nhưng biết đâu được rằng rồi ra sẽ có lúc con người thiết định được một hệ thống quy chiếu mới trong đó có thêm Chiều Tốc Độ (Speed Dimension)? Khi đó các quỹ đạo quay và tốc độ quay của đủ mọi loại phân tử sẽ có thể được xác định trên hệ thống trục quy chiếu mới này. Wow! Nghe sơ sơ qua là đã thấy muốn... mát (hay mad thì cũng thế)! Rồi sang bước kế tiếp sẽ là chuyện đi tìm cách "chế ngự" tốc độ.

Nói đến việc kiểm soát, chế ngự được tốc độ của những thứ này là cả một sự gay go, thách đố. Cứ như trường hợp của chiếc quạt máy, một khi có thể "chế ngự" được tốc độ quay của cánh quạt cũng như tốc độ di chuyển của một chiếc đũa sắt, thì việc đưa hẳn một chiếc đũa sắt đi lọt qua khỏi "mặt phẳng cánh quạt" và chiếc đũa sắt này và các cánh quạt vẫn không chạm nhau là chuyện có thể thực hiện được.

Giản dị sẽ là muốn len lỏi qua được các khe hở giữa các cánh quạt đang quay thì tốc độ của chiếc đũa khi "đi" xuyên qua "mặt phẳng" lung linh sẽ phải đạt đến một tỉ lệ nào đó tương ứng với tốc độ đang quay của các cánh quạt.

Trở lại chuyện xác phàm và thế giới vật lý hữu hình chung quanh chúng ta. Giả sử rằng trong tương lai con người sẽ thành công trong việc chế tạo ra chiếc máy có thể "chế ngự" được tốc độ quay của các loại phân tử, thí dụ như các phân tử tạo thành bức tường gạch và các phân tử tạo thành thân xác con người. Khi đó, chỉ cần điều chỉnh "máy tốc độ" cho thích hợp là... Oops, chúng ta có quyền thơ thới hân hoan lũ lượt kéo nhau len lỏi đi xuyên qua (các phân tử của) bức tường để có thể hội diện được với... người em sầu mộng nào đó (hopefully!) đang say sưa ngắm nghía... sao chổi Hale-Bopp. Ấy cũng là nói thí dụ vậy.

Tình trạng di hành "tổng thể" của các phân tử tạo thành xác thân của chúng ta nói trên cũng tương tự như tình trạng của chiếc đũa sắt vượt qua được "bức tường cánh quạt đang quay". "Đi" được như thế, sure là sẽ nhẹ nhõm, thảnh thơi còn hơn cả... thiền hành. Được đến lúc đó, thiên hạ chắc sẽ thái bình. Nhà ở, ngân hàng... chẳng còn nơi nào cần cửa khóa!

Mà cũng không nhất thiết những chuyện "Phi hành giả" loại này chỉ có thể tìm thấy nơi thế kỷ 20, 21 trong không khí của Star Wars, Star Trek đâu nhé. Câu truyện có tên Giấc Mộng Kê Vàng của Việt Nam có thể được xem là một minh chứng.

Truyện kể lại việc một thí sinh thời xa xưa bị hỏng thi, trên đường lủi thủi khăn gói về nhà có ghé ngang chiếc quán bên đường để nghỉ chân. Vừa mệt, lại vừa trong trạng thái "xuất thần"... thi không ăn ớt thế mà cay, chỉ kịp trao đổi vài ba lời với ông lão chủ quán, đang ngồi khuấy nồi cháo kê nơi bếp, là chàng khách nọ đã ngả ngay xuống sạp gỗ cạnh đó thiếp đi. Chỉ một thoáng ngắn sau đó...

Ngạc nhiên chưa kìa? Người khách đã thấy anh ta đang sống trong một cảnh đời khác. Trong cảnh đời này, anh chàng đã: Đỗ đạt cao. Lấy vợ đẹp. Làm quan. Thăng chức. Hưởng... Rồi sau đó, gặp khi có loạn. Phải đi dẹp giặc. Thua trận. Bị vua ra lệnh hành hình đem xử trảm. Nằm ngửa người, nhìn ngược lên trời, thấy chiếc đao to bản của tay đao phủ thủ đang theo đúng thế... chém treo ngành, vùn vụt bổ xuống đúng ngay vào khúc nối của đầu, mình và tứ chi, thì anh chàng tử tội nọ chỉ còn kịp thét to lên tiếng thét rụng rời. Hồn đang bịn rịn cùng với xác, đang sắp sửa cất tiếng hát biệt ly nhớ nhung từ đây...

Thì kìa! Người khách đang nằm trên sạp giật bắn người tỉnh giấc vì tiếng thét kinh hoàng của tên tử tội. Vẫn còn toát mồ hôi sợ, theo phản ứng tự nhiên bàn tay tự động sờ lên cổ.  Anh chàng chồm dậy, ngơ ngác nhìn quanh...

Voilà... Đằng phía bên kia góc nhà, ngọn lửa trên bếp hồng vẫn thản nhiên bập bùng tí tách. Cạnh bên, cũng vẫn là ông lão chủ quán đang từ từ đều tay khuấy nồi cháo kê trên bếp. Khung cảnh vẫn nhàn nhã, êm đềm y hệt như lúc anh chàng thư sinh nọ vừa mới bước vào quán...

Giấc Mộng Kê Vàng vẫn thường được xem là câu chuyện của Hư nhiều hơn Thực. Dù vậy, biết đâu được là đã chẳng có một phần trăm khả thể nào đó đã xẩy ra. Và, trong một phút giây thật tình cờ hãn hữu, nhân vật thư sinh nọ đã có cơ duyên hạnh ngộ với khả thể đó. Rồi trong những giây phút kế tiếp theo sau là cả môt chuỗi dài của những diễn biến trong cuộc hành trình về phương... Tốc Độ!

Nơi phương trời mới này, người viễn khách đã có dịp được làm một chứng nhân của các sự thể thăng trầm diễn ra trong suốt một phần chiều dài của một cuộc đời khác mà chính anh ta cũng là nhân vật chính trong cuộc. Cuộc đời đó không phải là cuộc đời hiện tại của người viễn khách hỏng thi được cho quay ngược lại từ dĩ vãng. Cuộc đời đó cũng không phải là cuộc đời mai hậu của chàng thư sinh bị thi hỏng. Mà đó chính là một cuộc đời hoàn toàn khác của anh chàng thư sinh đỗ đạt đang diễn ra tại một vùng không gian hư ảo (twilight zone) xa lạ nào đó, và gần như diễn ra trong cùng một thời khắc với cuộc đời của anh chàng thí sinh lỡ vận.

Trong những khoảnh khắc sau cùng của cuộc hành trình hư ảo, cũng nhờ vào... tốc độ, người viễn khách nọ đã có thể nhanh chóng quay lùi nhanh lại được về nơi đã xuất phát. Quả là một cuộc lãng du huyền hoặc, kỳ bí. Nhưng nào đã có ai biết chắc được rằng nhân vật nọ, lần đó, đã chẳng thực sự có dịp vượt qua được những hữu hạn của thế giới vật lý đương thời và đã thực sự phiêu du sang tới một chân trời khác? Một chân trời thật mơ hồ và xa lạ mà dù... đến... rồi đi... anh chàng vẫn không hề dám tin rằng đó là một chân trời có thật. Một chân trời mà rất có thể một ngày nào đó sẽ được xác định bởi Chiều Tốc Độ. Who knows?

Thy Trang
Powered by Blogger.