Lão Tùng Bách Tuế
Sáu Nho đâu phải là tên thực của ông Sáu. Ông thứ Sáu nên cha mẹ ông cứ thế mà đặt tên. Ông Sáu có nhiều anh chị em, chỉ có người em út có tên là Hên, vẫn được gọi là Út Hên, còn lại thì từ bác Hai tới chú Mười đều có tên bằng số thứ tự.
Bạn bè kêu ông là Sáu Nho vì ông hay xổ Nho. Chẳng là ông có được đi học đâu gần hết bực trung học, thích đọc thơ, nhất là thơ cổ, nên khi nói chuyện thường chêm vào mấy chữ Hán-Việt cho có vẻ là người có học. Mới đầu bạn bè cứ diễu là Sáu Xổ Nho, mãi rồi gọi tắt lại là Sáu Nho. Cái tên đó đã trải qua các giai đoạn Thằng Sáu Nho, Chú Sáu Nho, Bác Sáu Nho và bây giờ ông đã ngoài 60 thì đã đổi ra là Ông Sáu Nho. Bởi vì người thì già đi chứ tật nào có đổi.
Mà nói đến tật thì ông Sáu Nho về già lại sanh thêm tật. Chẳng là ông có hai người con may mắn chạy được qua Mỹ, làm ăn chắc cũng khấm khá, tháng nào cũng có tiền gửi về giúp nên cuộc sống của ông rất là dư giả. Vợ ông mất cũng hơn một năm rồi. Dư tiền, nhà vắng vẻ, thế cho nên ông trả tiền cho cái hãng chuyên làm mai mối để họ tìm cho ông một người để bước thêm bước nữa. Chẳng hiểu ông nói thế nào và trả công bao nhiêu mà chỉ vài tuần sau là họ đã tìm được cho ông một cô tuổi chắc chưa bằng phân nửa tuổi ông.
Cô là gái quê, nhà nghèo, người ốm mà da lại hơi sạm nắng vì suốt ngày làm việc ngoài đồng. Thế mà chưa đầy một năm người đã mập mạp, đày đặn, nở nang và da cũng bắt đầu nhạt nắng, bước ra ngoài đường trai trẻ xóm trên, xóm dưới nhiều cậu vẫn lấm lét, liếc xéo, khen thầm, gọi là "Cô Hai". Hàng xóm vì thế cũng xầm xì, nọ kia.
Còn ông Sáu Nho từ ngày rước cô vợ trẻ về thì lúc nào cũng hớn hở, hễ mở miệng ra là thể nào cũng có những câu "gừng càng già càng cay", hoặc "càng già, càng dẻo, càng dai", ... Một bữa trong đám nhậu, ông cao hứng kể chuyện văn thơ.
- Mấy ông biết không, ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ, trong đên tân hôn, cô dâu hỏi cụ bao nhiêu tuổi thì cụ trả lời là "Ngũ thập niên tiền nhị thập tam". Mấy ông có biết là gi không?
Không đợi ai trả lời, ông Sáu Nho giảng giải:
- Câu đó có nghiã là "Năm mươi năm trước tui mới có 23 tuổi thôi hà"
Rồi ông lại cười ha hả:
- Người xưa xét ra còn hay hơn mình bây giờ phải không mấy ông?
Và "mấy ông" được nhậu không tốn tiền thì ai mà chẳng nói hùa theo. Thế là ai nấy vui vẻ, hả hê. Chiều về say khướt, kẻ ói mửa, kẻ té lăn đùng trong quán con cái phải tới khiêng về. Người giỏi rượu thì cũng chỉ ráng bò, ráng lết về đến nhà, tới giường thì bật ngửa, chân dưới đất, chân trên giường, hồn viá lên mây, còn biết trời trăng gì nữa.
Bữa nay, không hiểu có chuyện chi vui nà ông Sáu Nho đã kêu mấy đứa con nít trong xóm đi kêu mấy ông bạn nhậu kéo tới quán cùng vui. Gì chứ nhậu "chùa" thì chưa tới mười phút là ai nấy đã đều "yên vị" chung quanh bàn nhậu và chuyện cũng bắt đầu nổ ran như pháo tết.
Qua một vòng, hai cái chai không đã nằm lăn quay dưới đất, diã cánh gà chỉ còn vài mẩu xương và tô củ kiệu thì sạch bóng, một chút nước chua cũng chẳng còn. Trong khi chờ chủ quán đem tiếp rượu thịt, ông Sáu Nho mới rút trong túi áo một tấm giấy điều, mở ra to bằng 4 bàn tay, trên có 4 chữ tàu viết bằng mực đen nổi bật trên nền đỏ:
- Mấy ông có biết đây là chữ gì không?
Dĩ nhiên "mấy ông" thì chữ quốc ngữ may ra còn đọc được chứ chữ tàu thì câu đối hay lá bùa có khác gì nhau? Ông Sáu Nho đảo mắt một vòng rồi hắng giọng:
- Bốn chữ này là Lão Tùng Bách Tuế đó mấy ông biết chưa. Nó có nghiã là lời chúc sống lâu mạnh khỏe như cây tùng trăm tuổi. Đây là chữ của thầy giáo Quý đó ...
Thày giáo Quý thì ai mà chẳng biết. Con nít mấy xóm chung quanh, qua mấy đời rồi, đều là học trò của ông cả. Ông giáo lại là người rất tốt. Nghe nói ông quá ngay thẳng, không chiụ luồn cúi nên không được bổ đi dạy trường tỉnh. Chán đời, ông về mở trường ở xóm bên để dạy học cho con nít chung quanh. Ông bà giáo gia đình đơn chiếc, chỉ có một người con gái lấy chồng xa, cả năm mới về một lần. Thế cho nên ông giáo rất dễ dãi về tiền trường, nhà nào có đủ thì đóng, còn như thiếu hụt thì bao nhiêu cũng được, có khi diã xôi, nải chuối cũng xong. Được ông giáo Quý viết tặng cho mấy chữ thì còn gì quý hơn nữa.
Rồi ông Sáu Nho lên giọng như muốn cho tất cả những người khách trong quán cùng nghe:
- Bữa trước tui ghé nhà thầy giáo Quý ở xóm bên, tui xin ổng mấy chữ để tết này treo trong nhà, ổng mới viết tặng tui 4 chữ này đem về lộng kiếng đó. Lão Tùng Bách Tuế là quá đúng với tui phải không mấy ông? Thầy giáo Quý kể cũng có mắt lắm đó chớ!
Dứt câu, ông Sáu Nho cười hể hả. Còn "mấy ông" thì cũng tay vỗ, miệng khen hùa theo vì vừa lúc đó thì chủ quán cũng đã bưng ra hai con cá lóc chiên vàng và một tô củ kiệu lớn có mấy trái ớt to hơn ngón tay đỏ chói trông rất bắt mắt.
- Không phải vậy đâu bác ơi !
Một câu nói trống không từ bàn ở gần cửa chợt vang lên. Bàn nhậu đang vui, bỗng im bặt. Mọi người quay sang nhìn thì thấy một thanh niên, mặt mũi sáng sủa, cỡ ngoài 20 ăn gần xong tô mì. Cậu ta có lẽ là người xóm ngoài vì không ai nhận ra cậu là con cái nhà ai cả.
Qua một giây im lặng, ông Sáu Nho cất tiếng:
- Chú hai này, chú nói vậy là sao? Chú có biết chữ Nho không mà nói chi đúng với không đúng?
Người thanh niên húp nốt hớp nước mì còn lại, móc túi lấy tiền để trên mặt bàn, rồi ngước lên:
- Dạ biết mới nói chứ bác.
Ông Sáu Nho gằn giọng:
- Vậy chú biết gì nói cho anh em tui đây nghe thử.
Người thanh niên mặt vẫn điềm nhiên, hừ nhẹ một tiếng rồi nói:
- Này bác. Chữ Lão là già thì ai cũng biết. Còn chữ Tùng thì có có nghiã tượng thanh là tiếng trống, hay có thể hiểu ngầm là cái trống. Chữ Bách là nói gọn của chữ Sạch Bách, nghiã là hết trơn, hết trọi rồi. Còn chữ Tuế thì cũng là chữ thu gọn cuả câu "Tuế Xuất, Tuế Nhập" có nghiã là ngân khoản để xài hàng năm. Thế thì Lão Tùng là ông già và cái trống và Bách Tuế là cái để xài hàng năm đã hết cạn. Tóm lại, câu Lão Tùng Bách Tuế có nghiã bóng là "Một ông già hết xí quách còn ham trống bỏi". Giản dị vậy thôi.
Khỏi nói cũng biết, mặt ông Sáu Nho bỗng dưng trắng bệch như tờ giấy và "mấy ông" thì há hốc mồm không nói được tiếng nào. Giây phút sau, mặt ông Sáu Nho chuyển từ trắng qua đỏ. Ông trợn mắt la lớn:
- Đồ láu cá. Mày là con nhà ai mà ăn nói hàm hồ ...
Trong lúc giận dữ, vô tình ông Sáu Nho đã vô ý gạt đổ ly rượu lên tấm giấy điều làm 4 chữ tàu lem ra nhòe nhoẹt không còn hình dạng. Đột nhiên ông chợt hiểu là cái thằng láu cá đó chỉ kiếm chuyện chơi xỏ ông mà thôi. Nhưng giữa ban ngày, ban mặt, hàng quán có người này người kia mà nó nói bậy bạ rùm beng như vậy thì chẳng phải chờ tới mai, tới mốt thì chuyện này cũng chạy đông, chạy tây, đầu trên xóm dưới, rồi thiên hạ xầm xì, chịu đời sao thấu! Nhìn tờ giấy điều lem nhem mà tiếc đứt ruột, ngó qua bàn bên thì cái thằng láu cá đã đi đâu mất tiêu rồi. Giận ứa gan, ông Sáu Nho xô ghế đứng dậy, không nói một lời, quay lưng đi ra khỏi tiệm một nước.
"Mấy ông" giờ mới sực tỉnh, lần túi trên túi dưới, quần trong, quần ngoài, thiên điạ quỷ thần ơi tiền đâu mà trả cho bữa nhậu bây giờ? Đang ngơ ngác nhìn nhau thì chủ quán từ trong bếp bước ra, tay bưng một nồi canh chua bốc khói thơm phức và miệng thì rao lớn:
- Nước sôi! Nước sôi! Canh chua nóng hổi, vừa thổi vừa ăn nè mấy chú, mấy bác ơi!
Post a Comment