Ở cuối thập niên 60, những thanh niên trong lứa tuổi chúng tôi đều là những thư sinh ngày ngày cắp sách đến trường lo chuyện học hành, thi cử. Có lẽ không mấy ai có ý tưởng rằng mình sẽ chọn con đường binh nghiệp cho tương lai. Nào ngờ hoàn cảnh và định mệnh đã xui khiến cho chúng tôi gặp gỡ nhau trên con đường binh nghiệp, mặc dù con đường này đầy chông gai và đã không được trọn vẹn!
Cuộc tấn công vào thành phố của cộng quân trong những ngày Tết Mậu Thân (1968) đã làm thay đổi rất nhiều cuộc đời. Thảm họa thật là khủng khiếp, nhà cháy, người chết nằm phơi dưới nắng cho ruồi nhặng bâu, mùi thuốc súng khét lẹt ... Chúng tôi đã trưởng thành sau cái Tết tang thương ấy!
Xưa ta dáng dấp thư sinh,
Ðâu nào nghĩ đến việc binh có ngày.
Yên vui ngày lại qua ngày,
Ðâu ngờ giặc đỏ xéo giày quê hương.
Bao nhiêu đau khổ đoạn trường,
Bao nhiêu oan trái nhiễu nhương dân lành.
Xuân về giữa buổi chiến tranh,
Cửa nhà tan nát sao đành nhìn thôi.
Bút nghiên xếp lại cho đời,
Nhập Trường Võ Bị nên người tài danh.
Sao cho đáng mặt hùng anh,
Sao cho tên tuổi lưu danh với đời.
Năm ấy, có hơn năm ngàn thanh niên trong lứa tuổi từ 18 đến 22, từ ải địa đầu Bến Hải cho đến mũi Cà Mau, tất cả đều cùng chung một chí hướng, một hoài bảo, cùng nộp đơn dự thi vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử của Trường Võ Bị có một số thí sinh dự thi đông đảo đến như vậy.
"Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung."
Hai câu thơ của bà Ðoàn Thị Ðiểm đã diễn tả được bối cảnh lịch sử và tâm trạng của chúng tôi trong lúc ấy.
Hôm đi thi, có mấy ông Sinh Viên mặc quân phục rất đẹp nói chuyện sơ về Trường Võ Bị nghe sướng mê tơi. Này nhé, Trường Võ Bị là một trường đại học quân sự số một của Ðông Nam Á. Trường tọa lạc trên một khu đồi núi rất đẹp ở Ðà Lạt, một thành phố của tình yêu và du khách, nơi có các cô gái má đỏ hây hây, trong dáng áo dài thướt tha đi dạo bên bờ Hồ Xuân Hương đẹp như trong tiểu thuyết. Ðược lãnh lương mỗi tháng, và nhất là khi ra trường thì được làm Thiếu Úy và một năm sau là lên Trung Úy ngay.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho tôi háo hức. Thế thì còn gì bằng, đi trọ học bốn năm không những không phải trả tiền, mà còn được lãnh lương rồi sau khi tốt nghiệp lại được làm quan nữa chứ! Thế cho nên sau khi trúng tuyển, tôi đứng ngồi không yên, chỉ mong đến ngày trình diện để được đưa lên Ðà Lạt "trọ học".
Chiếc máy bay quân sự đưa chúng tôi đến phi trường Cam Ly. Nhìn quanh, tôi thấy đồi núi chập chùng, chỗ nào cũng đầy hoa, cây lá xanh mướt, không khí thì mát lạnh và trong lành. Tôi hít một hơi dài như muốn thu cả Ðà Lạt vào trong phổi. Ðà Lạt và tôi hôm nay là một.
Chúng tôi được đưa vào Trại Mát để chờ các bạn khác chưa trình diện, cũng để được khám sức khoẻ và điền giấy tờ cá nhân. Những ngày ở Trại Mát chán phèo, nằm giường hai từng, đêm lạnh phải quấn mình vào chiếc chăn có mùi ẩm mốc, nên cũng rủa thầm những thằng trình diện trễ làm cả đám phải nằm đây chờ. Sau cùng thì hơn 260 Tân Khóa Sinh đã trình diện đủ và chuẩn bị nhập trường.
Tôi còn nhớ mãi cái cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy cổng Trường Võ Bị. Cổng trường có tên là Cổng Nam Quan, với lối kiến trúc mới như hai cánh tay giang rộng ra để chào đón chúng tôi. Chung quanh là những đồi thông xanh ngát, với những con đường đất đỏ vòng quanh rất đẹp.
Ra đón chúng tôi trước cổng là một hàng Sinh Viên Cán Bộ mặc quân phục kaki vàng, đeo găng tay trắng, trên đầu đội cái nón nhựa bóng loáng che gần nửa mặt trông rất là nghiêm trọng. Trống kèn dồn dập và chúng tôi thì nhốn nháo, ồn ào như cái chợ vỡ. Mỗi đứa chúng tôi được phát một cái bảng tên để đeo vào cổ, mà ông Sinh Viên Cán Bộ bảo là để dễ nhận diện sau khi "bước qua Cổng Nam Quan".
Một lúc sau có một ông đen sì, to lớn được giới thiệu là Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn Tân Khóa Sinh, bước lên cái bục gỗ sơn màu xanh lá cây có vẽ một vòng tròn trắng với số 25 ở giữa. Cái đám chúng tôi vẫn cứ nhốn nháo, ồn ào, nên tôi chỉ nghe loáng thoáng ông đen sì nói là rất "hãnh diện" được đón tiếp chúng tôi, những người "con yêu của Tổ Quốc" và những "nhà lãnh đạo tương lai" của quân đội...
Sau này tôi mới biết công dụng của cái bảng tên trên cổ ấy! Tôi cứ thắc mắc không hiểu sao mỗi lần nói đến câu "bước qua Cổng Nam Quan", các ông cán bộ lại làm ra vẻ rất quan trọng, cứ làm như chúng tôi là những cô dâu sắp "bước vào nhà chồng" không bằng. Nửa giờ sau thì nỗi thắc mắc của tôi đã được trả lời một cách rất là "thỏa đáng"!
Nam Quan đây cổng trường tôi,
Hiên ngang giang cánh tay mời khoá sinh.
Thoáng như có dáng oai linh,
Hồn thiêng sông núi ẩn hình đâu đây.
Xếp hàng trình diện cho ngay,
Trống kèn chào đón hăng say lòng người.
Nhìn quanh cây cỏ xanh tươi,
Sinh viên cán bộ đón mời trang nghiêm.
Trong văn chương của Trung Hoa, nếu tôi nhớ không lầm thì ngày xưa có chuyện ông Tô Ðông Pha một hôm chống gậy đi dạo trong rừng, chợt nghe thấy tiếng cọp rống rất lớn, quá sợ hãi nên làm rơi cây gậy và ruột gan thì rối bét cả lên, bởi thế mới làm ra hai câu thơ để đời:
"Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên"
Ngày xưa có nghe các cụ bảo đó không phải là cọp rống mà là tiếng rống của bà Tô, thế cho nên câu "Sư Tử Hà Ðông" là để chỉ người vợ dữ. Nghe thế thì chỉ biết thế, vì ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa có “dzợ”, và cũng chưa từng nghe cọp rống bao giờ. Cho đến ngày nhập trường hôm ấy và suốt cả năm thứ nhất, các tiếng rống cuả SVSQ cán bộ lúc nào cũng lùng bùng trong lỗ tai, nhất là những tiếng rống ngay sau khi "bước qua Cổng Nam Quan"!
Trước khi đi trình diện, chúng tôi đã được căn dặn rằng không cần mang nhiều đồ đạc cá nhân vì nhà trường sẽ cung cấp đầy đủ. Thế mà cũng có những tên tay xách nách mang hai ba cái va li đầy ắp. Chỉ chừng nửa tiếng sau thôi là trên sân cỏ Trung Ðoàn đã như một bãi chiến trường. Va li vung vãi mỗi nơi một cái. Ðồ đạc cá nhân và quần áo bay tứ tung. Thân người quần áo tả tơi đầy bùn đất nằm ngất xỉu la liệt đủ kiểu trên sân cỏ, dưới rãnh nước, nơi góc tường, trong vũng bùn ...
À! thì ra cái bảng tên trên cổ là để các cán bộ đi "nhận diện" và "thu nhặt" đàn em cuả mình một cách dễ dàng đấy thôi! Bấy giờ thì tôi đã hiểu rõ cái ý nghiã của câu "bước qua Cổng Nam Quan". Nhưng đây mới chỉ là phút thử sức, những giây phút đầu tiên cuả "Tám Tuần Sơ Khởi"!!!
Bỗng nghe tiếng rống vang rền,
Chim teo rút lại, bi lên cổ nằm.
Người đâu mặt mũi hầm hầm,
Tiếng như hổ rống, ầm ầm như voi,
To như sét nổ ngang trời,
Lùng bùng lỗ nhĩ rối bời ruột gan.
Cắm đầu chạy dọc chạy ngang,
Bò, lê, lăn, lộn ngổn ngang sân cờ.
Vũng bùn "nhúng dấm", "lăn bơ",
Thân người ngất xỉu nằm trơ giữa trời.
Trong cơn hỗn loạn tơi bời,
Áo thư sinh đã tả tơi lúc nào.
Ðứng nghiêm, ưỡn ngực, tay chào,
Bữa cơm buổi sáng đã trào tuôn ra.
Quay cuồng vạn cánh sao sa,
Thân ta đổ xuống như là gạch rơi.
Tưởng như lở đất sập trời,
Tưởng như ta đã xong đời từ đây.
Ta đang như tỉnh như say,
Bỗng đâu nước lạnh đổ ngay lên người.
Mơ màng ngước mắt nhìn trời,
Tiếng kèn dục dã chào tôi nhập trường.
Chúng tôi được chia đều ra cho tám Đại Đội từ A đến H. Kể từ cuối năm thứ hai của khoá 25 về sau thì trường đổi chương trình huấn luyện thành Liên Quân Chủng, và có thêm hai Đại Đội I và K cho Hải và Không Quân ở "ké" Đại Đội A và F, nhưng hai năm đầu vẫn chỉ có tám đại đội bộ binh mà thôi. Ðến cuối năm thứ hai thì chia ngành và được huấn luyện riêng.
Khu doanh trại dành cho Sinh Viên nằm trên một ngọn đồi lớn gồm bốn dẫy "ba-ti-măng" ba từng, đứng dọc theo hai bên sân cỏ Trung Ðoàn. Mỗi "ba-ti-măng" là hai Ðại Ðội. Cuối doanh trại là Phạn Xá còn gọi là "nhà ăn" hay "nhà bàn". Giữa cổng Nam Quan và doanh trại là khu Văn Hóa và Bộ Chỉ Huy. Tổng số Sinh Viên bốn khóa trong trường lúc nào cũng khoảng trên dưới một ngàn người, và khóa em út lúc nào cũng là khóa cực nhất, với "nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh" hành lang, phòng tắm và phòng vệ sinh.
Tuy cùng trường nhưng mỗi đại đội lại có một sắc thái riêng. Ðại đội C là đại đội "lè phè", G là "hắc ám" và A vừa là "bột NAP" vừa là kiểu mẫu của trường, vì từ ngoài đi vào là gặp Đại Đội A trước nhất, và "kỹ thuật" dùng bột NAP để đánh bóng sàn gạch bông thì Đại Đội A đứng vào bậc nhất.
Khi tôi đang học năm thứ hai thì lần đầu tiên Trường Võ Bị bị Việt Cộng đột kích ngay trong đêm canh gác của Ðại Ðội G. Tuy chúng tôi hạ được một tên và đẩy lui được đám đặc công này, nhưng lại mất đi bạn Huỳnh Kim Quang là người ở cùng lầu ba với tôi ở Ðại Ðội G. Sau này khoá 25 dựng tượng bán thân của bạn trước Hội Quán Sinh Viên, và hội quán cũng được đổi tên là Hội Quán Huỳnh Kim Quang.
Trường Võ Bị có lẽ được xem là một "thắng cảnh" của Ðà Lạt, cho nên cứ vài tuần lại có một phái đoàn quan khách vào thăm, mà chỗ vào thăm thì luôn luôn là lầu một Ðại Ðội A! Tôi có cái "hân hạnh" là đã nếm đủ mùi: năm thứ nhất ở Ðại Ðội C, năm thứ hai ở Ðại Ðội G và hai năm cuối ở Ðại Ðội A, nhưng cũng may mắn là cả bốn năm đều "trụ trì" lầu ba nên cũng dễ thở.
Có lần vô tình nghe thấy một người đàn em năm thứ nhất cuả Ðại Ðội A than với bạn: "Ở nhà cha mẹ mình cứ tưởng mình đi học làm quan được ở nhà lầu sung sướng. Ổng Bả đâu biết ngoài chuyện học hành ra lúc nào mình cũng phải lau với chùi, không phải chỉ phòng mình ở mà còn ngoài hành lang và cầu tiêu, nhà tắm, như mấy đứa ở đợ. Còn cái phòng mình ở thì nay phái đoàn này tới dòm, mai quan khách kia tới ngó không khác gì cái sở thú!".
Vào Trường Võ Bị chúng tôi được dạy lại tất cả từ cách mặc quần áo, đi đứng, xưng hô, chào hỏi, ăn uống. Ở đây chúng tôi sống theo thời khóa biểu, theo tiếng kèn và hai mùa chính là Ðông và Hè biểu lộ rõ bằng quân phục mùa Ðông và quân phục mùa Hè. Sạch sẽ và vuông vắn là một trong những quy luật bất thành văn của Trường Võ Bị, vì những điều luật này chẳng thấy ghi chép ở đâu cả, vậy mà hết khóa này đến khóa khác đều tuân theo triệt để.
Nói về "vuông vắn" thì cái gì cũng vuông. Trong năm thứ nhất, muốn quẹo cũng phải quẹo thành một góc vuông. Ngồi vào bàn ăn thì thân mình và đùi phải làm thành một góc vuông, khi ăn cơm phải nâng bát cơm thẳng lên, rồi mới đưa vào miệng để làm thành một góc 90 độ. Suốt bốn năm trời, mỗi sáng làm giường thì các góc cạnh đều phải nắn vuốt cho thật vuông vắn. Quần áo, kể cả những đôi vớ và quần áo lót cũng phải xếp cho thật vuông vức như mấy cái bánh chưng rồi mới để vào tủ, vì tủ dù có cửa hẳn hoi nhưng không bao giờ được đóng lại. Còn giầy dép, phòng ốc lúc nào cũng phải sạch và bóng. Lần đầu tiên nhìn thấy đôi giầy bóng loáng cuả cán bộ tôi cứ tưởng là đồ giả!
Sáng ra là phải làm giường,
Lau sàn cho bóng như gương soi mày.
Chùi cho sạch mấy đôi giầy,
Áo quần thẳng nếp đôi giầy như gương.
Anh nào dở dở ương ương,
Hai chục hít đất là thường đấy thôi.
Vệ sinh sạch sẽ xong xuôi,
Ðã nghe tiếng gọi thúc thôi dưới cờ.
Nhanh nhanh đừng có chần chờ,
Tà tà, bê bối phải bò phải lăn.
Tám tuần như thể tám năm,
Sáng ra sạch sẽ, chiều bằm như tương.
Kỷ luật quân đội là kỷ luật tuyệt đối. Thế cho nên chúng tôi được huấn luyện ngay từ lúc đầu là phải tuân lệnh tuyệt đối, dù đó là lệnh "ăn chuối Võ Bị", vẫn phải "vui vẻ" mà thi hành. Chuối Ðà Lạt rất ngon, trái to có đốm nâu với hương vị ngọt ngào, nhưng "chuối Võ Bị" lại là loại nhỏ xiú màu xanh hoặc đỏ mà tiếng "bình dân" gọi là quả ớt và châm ngôn Võ Bị có câu:
Ớt nào là ớt chẳng cay?
Ăn chuối Võ Bị có ngày sưng môi!
Trong "Tám Tuần Sơ Khởi" thì chúng tôi bị phạt như cơm bữa. Những hình phạt ở đây hầu hết có tác dụng của việc huấn luyện thể chất như "nhảy xổm", "hít đất", "tấn công", "đi vịt", "bò", "lăn" ...
Những "hình phạt" đó làm chúng tôi ăn như hổ đói và thèm đồ ngọt vô cùng. Có những tên nổi tiếng "bú chim" vì chỉ cần 5 phút là "bú" hết một hộp sữa đặc hiệu con chim. Có tên lúc ngủ say mà miệng vẫn còn ngậm đầy kẹo. Tập nhiều, ăn nhiều nên chỉ vài tuần lễ mà thân hình đã vạm vỡ hẳn ra. Sau khi lên Sinh Viên tất cả đều được "đem lên bàn cân" để xem kết quả ra sao thì tên nào ít nhất cũng lên được 5 kí-lô mà nhiều thì trên 10 kí-lô.
Có những "hình phạt dã chiến" có kèm theo đồ "phụ tùng" và được đánh số như: dã chiến số 1 thì chỉ mang súng đạn, dã chiến số 2 thì có thêm ba-lô, ... hình như cho đến số 6 thì phải khiêng luôn cả cái nệm nữa thì phải?
Nhưng cái gì cũng có ngoại lệ! Tên nào "ba gai" hay cứng đầu quá thì cũng có cách làm cho mềm ra. Nếu đến số 6 vác cả nệm để chạy mà còn chưa chịu nghe lời, thì xuống đến số không nghiã là không có gì hết, chỉ có người và súng, cả súng dài lẫn súng ngắn!!!
Ðêm nay dã chiến số không,
Mình ta ôm súng tồng ngồng dưới trăng.
Làm cho tất cả cung Hằng,
Một bầy tiên nữ cắn răng nhịn cười.
Trăng đêm mờ tỏ thân người,
Sương đêm cỏ ướt đón mời thân ta.
Nghe chừng buốt lạnh thịt da,
Nghe chừng sắt thép cũng là hiện thân.
Gồng mình đứng vững như đồng,
Tồng ngồng ta đứng trời trồng trong đêm.
Ðêm nay có phải là đêm?
Trêu ta trăng chiếu ngay trên chỗ này.
Mai sau kể lại chuyện này,
Hỏi trăng có nhớ ngày này năm xưa?
Có những cảm giác mạnh khó quên thí dụ như lần đầu tiên bắn súng. Cái khẩu súng "Garant" nặng chình chịch, tiếng nổ chát chúa và sức giật hậu làm rêm cả vai. Lần đầu bắn bia thì cứ "gửi đạn cho đào", nghiã là bia thì không trầy trụa tí nào vì đạn thì cứ đi đường "mô" đường "tê" hết cả. Thế là lại "nhẩy xổm", "hít đất". Thực ra thì hai tay mỏi rời và chưa quen với cách xử dụng súng nên mới tệ như vậy. Bắn ngày đã dở ẹt, thế mà lại còn bắn đêm nữa thì đúng là "bù trất".
Hôm nay tập bắn bia đêm,
Dang chân nằm vững trên thềm đất đen.
Súng này nòng đã hướng lên,
Bia kia lại bị màn đêm lấp mờ.
Loay hoay chẳng biết đường rờ,
Bóp cò cho súng bắn bừa trong đêm.
Vài viên thì nhắm đã quen,
Theo đường đạn lửa vẽ trên sương mù.
Hàng bia khi tỏ khi mờ,
Như bầy ma quái vật vờ trong đêm.
Từng tràng đạn lửa vụt lên,
Xé không gian tiếng vang rền đạn bay.
Trong mùa quân sự thời Tân Khóa Sinh vì việc huấn luyện nào cũng nhắm vào thể chất nên người lúc nào cũng có vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ. Có hôm sau một buổi sáng học chiến thuật khi thì tấn công lên đồi, lúc thì bò dưới dàn hỏa lực, ... chúng tôi được dừng lại để dùng cơm trưa và sau đó được nghỉ ngơi lấy sức trong mấy phút. Người thì mỏi tứ bề, bụng thì no, thông reo vi vu, gió thổi hiu hiu, và rồi mí mắt cứ từ từ sụp xuống lúc nào không hay. Sau này mới biết đây cũng là một bài học ( dù không có ghi trong chương trình huấn luyện ), là mai sau dắt lính đi hành quân thì đừng có bạ đâu ngủ đấy. Vừa mới học bài tấn công địch trong yếu tố bất ngờ xong là đã "gác cẳng lên súng ngáy khò khò" rồi!
Dừng chân tựa gốc Anh Ðào,
Trăm con chim mộng đưa vào cơn mơ.
Mây bay nhè nhẹ hững hờ,
Thông reo vi vút lời thơ êm đềm.
Dường như có lũ vành khuyên,
Xôn xao riú rít chân chuyền ngọn cây.
Nhẹ nhàng gió thổi hây hây,
Tưởng như đã đến chốn này Thiên Thai.
Chợt nghe tiếng rống bên tai,
"Anh này ngủ gật nằm dài ngáy to."
Thế là "nhẩy xổm", "lăn", "bò",
Thế là lại bị phạt cho tơi bời.
Phải chăng đây chuyện răn đời,
Cõi tiên dăm phút tơi bời tấm thân.
Ngày xưa Lưu, Nguyễn về trần,
Chắc là bị phạt nát bầm như tương!
Sau bốn tuần thì cán bộ đợt một bàn giao chúng tôi lại cho cán bộ đợt hai, vừa đi học bằng "rừng núi sình lầy" ở trường Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ về. Khi huấn luyện khóa đàn em thì một nửa khóa đi học quân sự chuyên môn, nửa kia ở lại phụ trách phần huấn luyện, bốn tuần sau đó thì thay đổi. Nhìn cán bộ đợt hai thấy ông nào ông nấy mặt mũi xạm đen vì cháy nắng, làm chúng tôi đứa nào cũng ngán ngẩm không hiểu số phận mình sẽ ra sao?.
Nhưng "Tám Tuần Sơ Khởi" hay "Tám Tuần Huấn Nhục" cũng qua nhanh. Ðể đánh dấu cho sự trưởng thành và trước khi được đeo đôi "An-pha" đỏ lên vai, theo đúng truyền thống của Trường Võ Bị, chúng tôi phải "chinh phục Lâm Viên", đỉnh núi cao nhất của Ðà Lạt. Khoá 25 không leo đỉnh Lâm Viên, vì năm đó tình hình không cho phép nên chúng tôi leo Lapbe Nord để theo đúng truyền thống mà thôi. Phải đợi cho đến khi huấn luyện khoá 28 tôi mới được leo đỉnh Lâm Viên cùng với mấy chú đàn em này. Khi lên đến đỉnh núi, chúng tôi cho thả một trái khói đánh dấu sự thành công, thì dân chúng Ðà Lạt biết ngay rằng một khoá mới vừa vượt qua giai đoạn Tân Khoá Sinh và sửa soạn lên Sinh Viên.
Núi cao triền dốc lên cao,
Lâm Viên đỉnh núi lẫn vào trong mây.
Tân Khoá Sinh chí hăng say,
Dốc cao chi mấy lòng này chẳng nao.
Leo lên tuyệt đỉnh mù cao,
Lâm Viên mở rộng tay chào Khoá Sinh.
Sau buổi "chinh phục Lâm Viên" là lễ gắn Alpha.
Trong đêm đó chúng tôi được các Sinh Viên Cán Bộ đến tận phòng trao "Mũ Mão Cân Ðai", gồm có mũ "cát kết", đai lưng màu đỏ, thắt lưng đại lễ, cùng đôi găng tay trắng. Sau đó, sẽ đọc lời hứa tôn trọng lá cờ của Trung Ðoàn Sinh Viên Sĩ Quan, và bảo vệ Danh Dự cuả TVBQGVN, mà chúng tôi vẫn gọi một cách vắn tắt và thân yêu là Trường Mẹ. Từ đây chúng tôi mới được chấp nhận là Sinh Viên Sĩ Quan của khoá 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Tám tuần huấn nhục trôi qua,
Ðêm nay lễ gắn An-pha đây rồi.
Trong ta dạ cũng bồi hồi,
Toàn trường im lặng ngoài trời tối đen.
Lung linh ánh nến hiện lên,
Chập chờn thấp thoáng trên nền đá hoa.
Chân quỳ nhận lãnh An-pha,
Từ nay mới được xưng là "Sinh Viên."
Ðời sống cuả Sinh Viên Võ Bị có khi bị chi phối và ám ảnh rất nhiều bởi tiếng kèn. Có tên cho rằng người đáng sợ nhất trong trường là anh "lính kèn"! Kèn tập họp, kèn đi ngủ, kèn thức dậy. Tiếng kèn đánh thức còn có cái tên nôm na là "kèn chạy sáng", vì sáng nào cũng phải chạy tập thể thao. Mùa Hè thì còn được, chứ mùa Ðông thì tiếng kèn chạy sáng cứ như là tiếng kêu của ma quái, vì chỉ cái chuyện chui ra khỏi chăn đã khó, chứ nói chi đến cái chạy cả vài cây số trong sương lạnh. Biết rằng chạy sáng là một môn thể thao tốt vào bậc nhất, thế nhưng quấn chăn nằm ngủ nướng thêm nửa giờ, trong buổi sáng mùa Ðông mù sương của Ðà Lạt, thì có lẽ phải được xếp vào hàng "thượng hạng".
Mặt trời chưa tỉnh phương Ðông,
Rền vang đã tiếng kèn đồng trổi lên.
Phá tan giấc mộng êm đềm,
Nhớ ơi là nhớ cái mền ấm êm.
Xỏ quần mặc áo nhanh lên,
Mang giầy vội vã chạy liền xuống sân.
Hành lang tiếng chạy rầm rầm,
Uà ra đường nhựa nhanh chân xếp hàng.
Bắt đầu chân chạy nhịp nhàng,
Sinh viên mỗi sáng rền vang chạy đều.
Một, hai chân chạy cho đều một, hai,
Một vòng Lê Lợi một, hai,
Trung Ðoàn sân cỏ một, hai chạy vòng.
Muôn ngàn tia sáng rạng đông đón chào.
Chương trình huấn luyện của trường phải nói là rất nặng, vì bao gồm cả ba bộ môn Văn Hóa, Quân Sự và Thể Chất. Ngoài ra, tám đại đội phải thay phiên nhau đi gác mỗi đêm, nên nhiều khi xong phiên gác là phải trùm mền học thi cho ngày hôm sau!
Có tên đã than phiền một câu có tính chất hài hước:
"Tao tưởng đi lính chỉ học bóp cò. Ðâu dè phải học bù đầu sứt trán. Cái ...cái ...cái thằng VC vào đây, tao chỉ lấy sách đập nó cũng chết, chứ ... chứ ... chứ cần gì phải bắn cho phí đạn!".
Ðạo Hàm, Lưu Chất là chi?
Tích Phân, Ðiện Tử là gì đó anh?
Kinh Tế, Quản Trị thực hành,
Chỉ Huy, Lãnh Ðạo học hành cho thông.
Này môn Kiến Tạo nhớ không?
Này môn sinh ngữ Anh văn sớm chiều.
Thể thao, võ nghệ cho đều,
Luyện thân, luyện trí sớm chiều đừng quên.
Hôm nay sau phiên gác đêm,
Chui vào "lô cốt" trùm mền học thi.
Nhọc nhằn mưa nắng ngại chi,
Ngày nay học tập mai thì thành danh.
Ðã mang dòng máu hùng anh,
Là trai Ða Hiệu rạng danh với đời.
Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều là có hai giờ tự do từ 6 đến 8 giờ, sau đó là giờ “tự học” và 10 giờ là “kèn tắt đèn đi ngủ”. Trong hai giờ tự do này thì từng nhóm rủ nhau đi Câu Lạc Bộ ăn uống, ra Hội Quán Sinh Viên thụt “bi-da”, vào Thư Viện đọc sách, xuống gầm Hội Quán uống cà-phê và nghe nhạc, ban văn nghệ kéo nhau đi tập dượt, các tay võ sĩ rủ nhau đi “đấm đá”, dân thể thao thì chạy xuống sân sau để chơi bóng ... Còn một nhóm nữa thì mặt mũi cau có, buồn so vì phải sửa soạn đi gác đêm!
Trong trường có nhiều loại bóng để chơi như bóng tròn, bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền và nhất là môn “bóng mát”. Môn bóng chuyền còn được gọi là “vô-lây mì” vì thông thường các trận đấu đều có đánh cá, từ vài gói cho đến vài thùng mì!
Nhóm “bóng mát” là đông nhất, nhóm này quy tụ tất cả những tay “sợ nắng”, “sợ nước”, “lè phè”, không có “nghề”, hoặc không thích làm hội viên chính thức của một nhóm nào cả.
Mấy môn bóng rổ, bóng bàn,
Bóng chuyền, bóng đá chẳng màng bóng chi.
Bóng nào cũng tốn gói mì,
Ngồi đây bóng mát ngủ khì khoẻ thân!
Cuối tuần, nhất là thứ Bảy, Cổng Nam Quan trở nên một nơi náo nhiệt như ngày hội, vì đây là ngày "thăm nuôi". Trong khu doanh trại, những tiếng gọi phát ra từ loa phóng thanh cứ chốc chốc lại vang lên, và các tên may mắn được “xướng danh” cũng vội vàng rảo bước ra Cổng Nam Quan để gặp người thân.
Có “bồ” vào thăm thì vui như Tết, nhưng cuối ngày thì mặt mũi cứ thờ thẫn như người mất hồn. Có thân nhân, gia đình vào “thăm nuôi”, lúc trở về phòng thì mặt mũi hớn hở, tay xách nách mang, quà cáp đầy ắp và tên bạn cùng phòng cũng cảm thấy vui lây vì sẽ được ... ăn ké.
Bên ngoài Cổng Nam Quan, ở bên phải có một Câu Lạc Bộ bán đầy đủ thức ăn như những tiệm ăn ngoài phố do nhà thầu phụ trách. Bên trái là Hội Quán Sinh Viên (sau này đổi tên là Hội Quán Huỳnh Kim Quang), có mấy bộ sa-lông và bàn ghế, để ngồi nói chuyện và nghe hát, do Ban Văn Nghệ Sinh Viên Sĩ Quan phụ trách. Gần bên Hội Quán, ở dưới thung lũng là một khu vườn đầy hoa và cây cối xanh tươi do Sinh Viên góp sức làm nên. Khu vườn này có nhiều tên gọi khác nhau như: "Vườn Bích Câu", "Vườn Ðịa Ðàng", "Vườn Con Thỏ", "Vườn Không Tên" và có lẽ còn nhiều nữa mà tôi không nhớ hết.
Chủ nhật là ngày Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) được xuất trại đi phố. Khi đó thì trường vắng hoe, và ngoài phố thì tràn ngập những chàng trai Alpha Đỏ trong bộ "vét" (mùa Ðông hay mùa Hè) sánh đôi cùng người yêu đi dạo phố. Gái Ðà Lạt, trai Võ Bị, và những thiên tình sử đủ cả ngọt bùi cay đắng, một thời đã được lưu truyền qua thơ văn trong tập san Ða Hiệu của trường. Hình ảnh một chàng Alpha Đỏ bên cạnh người yêu, đi dạo bên bờ Hồ Xuân Hương, là một trong những hình ảnh thơ mộng đặc sắc của xứ hoa Anh Ðào, nơi có những địa danh thơ mộng như Phố Hòa Bình, Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, Rừng Ái Ân, Ðường Tình Ái, Suối Vàng, và Thác Cam Ly...
Cuối tuần trực Cổng Nam Quan,
Thân nhân thăm viếng rộn ràng thêm vui.
Ðây kia nhộn nhịp bóng người,
Xôn xao tiếng nhạc tiếng cười dòn tan.
Vườn hoa dạo bước thênh thang,
Chuyện xưa Lưu Nguyễn địa đàng là đây.
Ðến chiều là lúc chia tay,
Phút vui rồi cũng cuối ngày là đây.
Chàng ngoảnh lại và chàng chỉ thấy,
Thấy nàng đi ngúng nguẩy đôi mông.
Nàng về gối nệm chăn bông,
Chàng về phòng vắng mênh mông nhớ người.
Thả hồn theo ánh trăng soi,
Lách qua song cửa đến nơi khuê phòng.
Nghiêng soi xuống gối cùng chăn,
Hôn lên mái tóc hôn thầm lên môi.
Bóng trăng ngả xuống bên người,
Quyện trong hơi ấm cả trời tương tư.
Ðến Hè, sau khi thụ huấn chương trình quân sự, các SVSQ được về thăm gia đình hai tuần lễ. Trong mùa quân sự, ngoài phần quân sự căn bản, hai đại đội Không Quân và Hải Quân được đưa về Nha Trang để huấn luyện theo ngành, còn bộ binh thì được đi học nhảy dù.
Ở trung tâm huấn luyện nhảy dù có một cái chòi rất cao (có lẽ cao bằng cái nhà lầu 3 hay 4 từng), để tập thế nhảy ra khỏi cửa máy bay. Cái chòi này có tên là "chuồng cu", không hiểu nó có nghiã là chuồng của chim cu, hay là tại vì nhiều người vừa mới leo lên trên đó là đã "teo" rồi nên mới có tên như vậy!???
Có còn nhớ cái chuồng cu năm nào.
Áo hoa mũ đỏ năm nào còn đây.
Không gian có nhớ gót giầy viễn du?
Thiên thần mũ đỏ xuống từ thinh không.
Bên ngoài Cổng Nam Quan có một vị trí phòng thủ chiến lược rất quan trọng là Ðồi Bắc. Trên đồi có một đơn vị cơ hữu phòng thủ của trường trấn đóng. Ðứng trên "lô cốt" trên đỉnh đồi, thì sẽ nhìn thấy rõ ràng địa thế của trường cùng các ấp Thượng và Kinh ở rải rác chung quanh. Cứ mỗi tháng một lần chúng tôi lại thay nhau cử một trung đội lên gác trên ngọn đồi này. Trong suốt bốn năm trong trường có lẽ tôi chỉ gác trên ngọn đồi này không quá hai lần, nhưng vẫn nhớ cái cảm giác đầu tiên được nhìn một cách bao quát địa thế của trường, và thấu hiểu được tầm mức quan trọng của hai chữ "cao địa" trong các bài học quân sự.
Tay ôm khẩu súng đen ngòm,
Trợn trừng đôi mắt xuyên dòm đêm thâu.
Sương rơi lạnh buốt trên đầu,
Thông reo điệu nhạc u sầu ru đêm.
Ta canh gác giặc trên triền dốc cao.
Trời đen không một vì sao,
Thoáng xa đom đóm bay vào sương đêm.
Bản xa thấp thoáng ánh đèn,
Thoảng nghe trong gió tiếng đêm thở dài.
Thoáng chốc mà bốn năm đã trôi qua, chỉ còn vài ngày nữa là đã đến ngày mãn khóa.
Một trong những nghi lễ truyền thống của ngày tốt nghiệp là Ðêm Truy Ðiệu. Có lẽ chúng tôi khó mà quên được những cảm giác đặc biệt của đêm hôm ấy.
"Lúc bấy giờ, bên con lạch nhỏ Ðồng Nai, trong đám rừng sâu Trung Việt.
Phút chốc liệt vị đã trở nên người thiên cổ.
Sự nghiệp đang công theo đuổi, thôi cũng đành gián đoạn nửa đường..."
Câu mở đầu của bài truy điệu đã nói lên được những đau xót, ngắn ngủi nhưng hào hùng của người chiến sĩ, như hai câu thơ cổ được diễn Nôm trong Chinh Phụ Ngâm của bà Ðoàn Thị Ðiểm:
"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa Hồng Mao"
Trong ánh lửa bập bùng trước Ðài Tử Sĩ, chúng tôi xin nghiêng mình trước anh linh các Niên Trưởng đã hy sinh cho Tổ Quốc một lần nữa, rồi mai kia sẽ chia nhau đi bốn phương trời xông pha trận mạc, mong đem lại an vui, thanh bình cho Tổ Quốc.
Lửa đài Tử Sĩ lù mù tỏa ra.
Bỗng nghe rờn rợn làn da,
Anh linh Niên Trưởng hồn ma hiện về.
Chứng minh cho một lời thề,
Chúng tôi một dạ chẳng hề nao nung.
Noi gương bao đấng anh hùng,
Hiến thân báo quốc chẳng ngần ngại chi.
Sa trường da ngựa có khi,
Anh hùng đâu có ngại khi chẳng về.
Nghe trong gió thoảng bốn bề,
Hồn linh chứng nhận lời thề đêm nay.
Ngày hôm sau Ðêm Truy Ðiệu là Lễ Mãn Khoá. Ðây là một buổi lễ rất trang trọng, thường được chủ tọa bởi Tổng Thống hoặc Thủ Tướng, và có mặt rất nhiều tướng lãnh cùng các cựu thủ khoa của khoá đàn anh.
Người thủ khoa, đại diện khoá bắn bốn mũi tên đi bốn phương trời như bốn câu thơ trong bài Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ:
"Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam Bắc Ðông Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể."
Hôm nay là ngày "Mai Nở", hay là ngày "Xuống Núi" của Khóa 25 - Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Bốn năm chia xẻ ngọt bùi thoáng qua như giấc mộng. Kỷ niệm còn lại đây chỉ là những dòng chữ và những hình ảnh trong quyển sách lưu niệm của chúng tôi.
Bốn năm trước đây chúng tôi "bước qua Cổng Nam Quan" để nhập trường, giờ đây chúng tôi cũng sẽ bước qua Cổng Nam Quan để ra trường, với lời từ giã không biết đến bao giờ mới có dịp trở về thăm Trường Mẹ!
Bốn năm tôi luyện chí trai kiêu hùng.
Hôm nay hoa cỏ tưng bừng,
Thư sinh năm ấy anh hùng tương lai.
Trên vai lấp lánh hoa mai,
Bốn phương mai sẽ tài trai vẫy vùng.
Mai kia vạn nẻo đường trần,
Gặp nhau hãy nhớ tình thân năm nào.
Ngước lên ta vẫy tay chào,
Giã từ Ðà Lạt, Anh Ðào, Xuân Hương.
Nam Quan thôi nhé cổng trường,
Trăm năm vẫn nhớ vẫn thương chốn này.
Chúng tôi ra trường vào tháng 12 năm 1972.
Đây là thời gian cộng quân mở chiến dịch "chiếm đất giành dân", hay “cắm cờ dành đất” nên đơn vị tôi không ở chỗ nào quá hai tuần.
Có những lần vừa bước xuống khỏi trực thăng là đã được lệnh chuẩn bị lên một chuyến trực thăng khác để đi tiếp.
Nhiệm vụ là đi nhổ cờ VC để cắm cờ Quốc Gia, và giải toả áp lực cuả những vùng bị VC tấn công, đóng "chốt", hoặc có ý định xâm chiếm.
Từ khi giáp mặt chiến trường,
Vào sinh ra tử chuyện thường sá chi.
Ðồng Soài, Bến Cát, Củ Chi,
Bình Long, An Lộc từng ghi dấu giầy.
Vết thương năm đó nhớ ngày chiến chinh.
Chỉ vài tháng sau thì chiến trường khắp nơi đã trở nên sôi động trở lại.
Chưa đầy sáu tháng kể từ ngày ra trường mà bạn bè tôi nhiều người đã mất đi một phần thân thể, hoặc đã ngã xuống trên những trận chiến ác liệt ở những nơi xa xăm nào đó, mà địa danh vẫn còn quá xa lạ với người dân thành phố!
Doanh, Ðồng, Giang, Bảo than ôi,
Anh hùng vắn số tiếc đời xuân xanh.
Những mong công đạt danh thành,
Nửa đường gẫy cánh lìa cành chia xa.
Hương lòng một nén gọi là,
Nhớ người bạn cũ đã xa cõi trần.
Cuối tháng Tư năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay CS. Chúng tôi một số ít may mắn thoát ra nước ngoài tránh được cảnh tù tội, còn lại đa số đã phải sống đời đày ải trong các trại "cải tạo" ở những nơi rừng thiêng nước độc!
Thấm thoát thế mà đã hơn 34 năm trôi qua kể từ ngày ra trường, K25 bây giờ tản mát khắp nơi trên thế giới, những chàng Alpha Đỏ ngày xưa giờ đã và đang vun xới cho thế hệ tiếp nối.
Ngày nay lại có dịp ”gặp nhau” ở trên "Nét", hoặc nếu có ở gần thì thỉnh thoảng cũng họp nhau lại để cùng nhau nhớ về Trường Mẹ, Cổng Nam Quan, Nhà Vòm, Phạn Xá...để nhắc lại chuyện Võ Bị ngày xưa, mà chuyện Võ Bị thì còn dài lắm, và có lẽ cả đời cũng không bao giờ phai nhạt...
Lên tàu vượt biển một ngày ra đi.
Lênh đênh biển sóng ầm ì,
Chân trời xa tắp thấy gì tương lai.
Dừng chân xin chọn nơi đây,
Dung thân đất mới vun bầy tương lai.
Cùng nhau đi trọn cuộc đời từ đây.
Nhìn con sóng vỗ nhớ ngày xa xưa.
Biết bao thương nhớ cho vừa,
Khi nao có dịp sẽ đưa em về.
Ði thăm vạn nẻo đường quê,
Ðến thăm Trường Mẹ lối về năm xưa.
Cùng nhau đi dạo dưới mưa,
Cùng nhau hát những lời thơ tuyệt vời.
Còn đây nỗi nhớ một đời không quên.
(Hình ảnh trong bài được cung cấp bởi các bạn cùng khoá Võ Bị)
California, Memorial Day,
Tháng 5 Năm 2007
Bùi Phạm Thành
Post a Comment