Chuyện Năm Cũ
Chiếc command car thắng lại, cọ mạnh bánh nơi trước của nhà Hùng. Cả nhà anh vừa xong bữa cơm trưa.
- Đây. Đây. Đúng địa chỉ đây rồi. Giọng nói đặc sệt của người đàn ông mừng rỡ rối rít.
Đã nhận được thư báo trước, cả nhà Hùng mở cửa chạy ra. Người khách vẫn hơi phân vân, bỡ ngỡ. Bố Hùng điềm đạm bắt tay:
- Tôi mừng cậu vẫn khỏe. Trông cậu cũng già đi nhiều.
Ông khách, em trai của mẹ Hùng, chớp chớp mắt cảm khái:
- Chóng thật. Có đến hơn 30 năm em không gặp anh chị.
Mẹ Hùng mãi mới lên tiếng được:
- Chị tưởng đã không gặp lại được cậu.
Bà không giữ được tiếng khóc.
Riêng Hùng, anh vẫn chưa thấy mình xôn xao mừng rỡ hoặc nôn nao xúc động như đáng ra anh phải, khi gặp được người cậu, trong buổi đầu nhận họ. Trông ông thật xa lạ cách biệt.
Không gian xa vời mờ mịt của quê hương miền Bắc, Hùng chỉ mường tượng được qua những nét phác đầy thơ mộng của các văn thi sĩ. Ngày xưa!
Và giờ đây? Chắc chỉ còn chỗ cho những hiện diện của hiện thực cách mạng. Xám xịt như bộ da mét. Xanh chì như bộ đồng phục. Của người đàn ông đang đứng đó.
Ông đứng đấy. Cảm động. Có phần nào xúc động vì những xanh chì, xám xịt đang làm u tối thêm cả một miền quê hương đầy ánh nắng chăng?
Hùng cúi đầu chào ông cậu. Cũng gần như chào một người khách lạ. Chẳng phải Hùng nặng lòng thành kiến. Hay tại cậu cháu chưa một lần có dịp chân tình?
Buổi đầu gặp người cậu, đối với Hùng, chưa đủ nồng độ để lấn át những hình ảnh của biệt ly và chia cách.
Nhìn người cậu đứng đấy, Hùng không còn thấy ông như một kẻ ngoại nhập. Nhưng rõ rệt, anh không mấy xúc động - như mẹ anh.
Ý nghĩ của anh không thể không trôi về miền Bắc nhạt nhòa. Nơi chú của anh đang lê bước. Trong trại học tập cải tạo.
Ánh nắng chói chang của buổi trưa hè miền Nam hực nóng càng dễ làm anh phẫn nộ. Khi nghĩ đến người anh lớn, cũng đang bẹp dí. Trong trại học tập cải tạo.
Hừ. Điểm duy nhất mà Việt cộng có thể kiến tạo đồng bộ trên quê hương Việt Nam chính là các trại học tập cải tạo.
Đúng ra, Hồ Chí Minh nên nói: "Cơm không đủ ăn. Áo không đủ mặc. Học tập cải tạo vẫn không bao giờ thiếu. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi."
Người đàn ông bước vào nhà. Anh em Hùng đứa lăng xăng pha nước, đứa mặc quần áo đi mua thức ăn. Theo lệnh bố.
Ông bảo khẽ:
- Cậu đã mấy mươi năm không gặp mẹ. Tình cảm gia đình là điều trân quý. Không có đứa nào được làm buồn lòng mẹ và cậu vì những chuyện này khác. Bố nói thế, chắc các con hiểu.
Nghe bố dặn. Trông mẹ săn sóc cậu như chăm nom người em nhỏ. Lý trí của Hùng nói với anh: Sự cách biệt giữa thuận và nghịch, có lẽ, có thể được kéo gần lại qua nhịp cầu tình cảm.
Lúc ấy, chưa đến lượt Hùng được "vinh dự" góp phần vào việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Học hành thì dở ông dở thằng. Việc làm thì dở thầy, dở thợ. Lý lịch thì đốm trắng, đốm đen. Đứng chênh vênh bên lề xã hội, Hùng có rất nhiều thì giờ. Để suy nghĩ và để lo sợ.
Cũng có dịp đưa người cậu đi đây đi đó. Trao đổi dăm ba câu chuyện. Lắng nghe thêm được một số kỳ tích về sức chịu đựng và lòng tự hào của những người con cưng của xã hội chủ nghĩa. Hùng hiểu thêm được một ít về con người mới trong xã hội mới.
Ngày qua ngày, tưởng đã có tạm đủ cơ hội để sự cảm thông giữa Hùng và người cậu được phát triển.
Với Hùng, trong một số trường hợp, anh không xem cảm thông đơn giản chỉ là một sự đồng ý bâng quơ về một hay một số điều gì đó dựa trên một số nguyên tắc. Cảm thông, trong những trường hợp đó, còn phải là một sự chia sẻ, chịu đựng và trách nhiệm trong việc thực hiện những điều đã được đồng ý. Trong cách nhìn ấy, hai cậu cháu đã chẳng cảm thông.
Và riêng trong trường hợp này, Hùng không muốn cứ phải gắng gượng bám víu vào nguyên tắc kia, suy diễn cứng nhắc từ đạo lý nọ. Rồi ra công đào sới, nhào nặn. Mặc kệ những giới hạn khả hữu của ước mơ và thực tế. Mặc kệ những giới hạn có thực trong tương quan giữa tình cảm và lý trí. Để thoải mái đưa ra một "đáp án". Rồi yên tâm cho đấy là một tổng hợp tuyệt vời.
TÌnh cảm tràn đầy liệu có giúp đả thông được toàn bộ mọi bế tắc thuộc khu vực của lý trí? Có thể lắm. Nhưng chắc đấy không phải là một thứ quy luật có giá trị "phổ quát" cho tất cả mọi trường hợp tương tự.
Cũng lại trong trường hợp này, riêng Hùng, anh không muốn gò ép tình cảm của anh. Để phải nẩy nở, phát triển trong chiều hướng đã được hoạch định. Bởi những quy ước. Như là sản phẩm của một thứ phản ứng có điều kiện.
Có lẽ chính vì vậy, trong con người của anh, Hùng chưa xóa bỏ được lằn ranh ngăn đôi người cậu ruột thịt và người cậu cán bộ. Có thể, rồi ra, thời gian và những bầm giập của cuộc sống sẽ có thể xé toang được những vây phủ hoặc chia cách. Có thể như vậy lắm.
Và cũng phải nói: Có thể KHÔNG như vậy lắm! Chẳng phải là những con người cộng sản cuồng tín, thời gian đi đôi với những bầm giập vẫn thường được họ hào hãnh xem như là một thử thách? Thứ thử thách của loại đức tin cuồng nhiệt không chấp nhận sự diễn dịch và biện giải của luận lý! Liệu có nên vội vã trông mong những "thử thách" kiểu đó sẽ sẽ làm thay đổi quan niệm của người cộng sản?
Cũng còn có người theo cộng sản vì những lý do khác nữa chứ! Quyền lợi, cơm áo chẳng hạn. Và với những người cộng sản này, liệu có nên ngồi ì ra đấy để vẽ vời đủ thứ kỳ vọng rồi ấn bừa vào tay họ để tính chuyện cùng nhau làm phép lạ? Nhất là khi những thứ quyền lợi và cơm áo của họ vẫn đang bị độc quyền chi phối bởi những chủ nhân ông của chế độ, thứ chủ nhân gian ác và quỷ quyệt.
Hùng sống tại một nơi, ở vào một thời điểm mà những ước mơ gần như đều không có cơ may nẩy nở. Một nơi mà tất cả những mộng đẹp cũng gần như phải đánh đổi bằng xương máu, nếu như có đủ can đảm để thực hiện.
Hùng còn quá trẻ để có thể vừa thậm thụt lén lút việc lấp liếm quá khứ vừa có thể trâng tráo hô hào chuyện khai phá tương lai. Anh cũng chưa đổ đốn đến nỗi hiện tại có mặt chỉ toàn những vẽ vời toan tính cho những xoay sở gỡ gạc.
Với Hùng, anh nghĩ, dù có đang bị bó tay trong lúc hiện tại, cũng chẳng sợ gì mà không dám nhìn thẳng vào những bế tắc. Thẳng thắn nhìn vào sự thực. Nếu chưa giải quyết được gì, thì đấy cũng là một thái độ sống sòng phẳng. Ít ra là cũng sòng phẳng với chính mình. Anh tin như vậy.
Nghĩ như thế, nên Hùng thấy anh cũng còn có được ít nhiều khoảnh khắc không quá hoảng hốt hoặc đầy cay cú. Những khoảnh khắc cần thiết cho những khi có vấn đề hoặc những khi phải đối thoại.
Có lần cả nhà Hùng đi đâu vắng. Ở nhà trông nhà, anh đong đưa trên võng đọc sách. Cậu của Hùng hôm ấy công tác đâu đó dưới miền Tây. Ghé lại thăm gia đình Hùng. Ông sẽ ngủ lại qua đêm. Nhà vắng. Chỉ còn hai cậu cháu.
Cậu của Hùng tiến lại gần, vui vẻ thân thiện:
- Đọc sách gì đấy cháu?
Hùng cũng thiệp liệp niềm nở:
- Cháu đọc quyển Thuật Trị Nước Tại Liên Xô.
Giọng của cậu của Hùng nghe có lẫn vẻ tự cao và miệt thị:
- Sách của cách mạng hay sách của ngụy hở cháu?
Không nén nổi cơn giận bất chợt. Quên mất luôn lời bố dặn. Gập mạnh sách lại, Hùng lạnh lùng đáp lễ:
- Cháu đã tưởng một cán bộ cách mạng có trình độ như cậu phải khác thứ cán bộ phường khóm chứ. Hỏi sách phải nên hỏi nội dung hay hoặc dở; lý luận trong sách đúng hay sai. Chứ sao lại hỏi sách theo kiểu: sách của "cách mạng" hay sách của "ngụy"?
Nhác thấy tác phong cán bộ xem ra không thích hợp với Hùng, người cậu cười giả lả:
- Sách nào cũng có điều hay để học, dở để tránh. Chủ yếu là người đọc cũng cần được giáo dục. Chứ không, rất dễ bị mê hoặc, tiêm nhiễm bởi những lý luận, có khi là những lý luận phản cách mạng. Như cậu đây, tham gia cách mạng từ thưở bé mà đến nay vẫn phải thường xuyên học tập, phê và tự phê để giúp mình và cả những người chung quanh quán triệt được quan điểm và đường lối của chính quyền cách mạng.
Nghe đến chữ "được giáo dục", Hùng không khỏi bừng mặt tự ái, anh cười gằn:
- Miền Nam quả thực có một nền giáo dục chưa "hoàn chỉnh" như quý ông cán bộ vẫn ưa lên lớp. Học vấn cháu chỉ mới ở bực trung học. Dù vậy, cháu tin rằng, tương đối, cháu có thể hiểu được những phân tích lý luận đúng đắn. Mấy lần liên tiếp, cậu nhắc mãi đến hai chữ cách mạng. Cháu muốn được hiểu một cách sơ phác: cách mạng là gì?
Hệt như đang đứng trước đám đông cuồng nhiệt, người cậu cán bộ say sưa thuyết giảng:
- Nói một cách khái quát, cách mạng là một cuộc vận động to lớn trong nhiều lĩnh vực. Nhằm thay đổi tận gốc rễ của những cơ chế ung thối. Để đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân. Đấy chính là nguyên do tại sao cách mạng được các bộ phận của nhân dân ủng hộ để đem lại thăng lợi to lớn trong cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước vừa qua.
Lại nhân dân với các bộ phận! Hùng nghĩ thầm. Anh bật tiếng cười nhạt:
- Cậu nói mục tiêu của cách mạng là đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân. Nghe hay thật. Bây giờ hãy còn quá sớm để nói đến việc ấm no, hạnh phúc cho cả nước. Hãy nhìn vào miền Bắc xã hội chủ nghĩa thôi. Tính đến ngày 30/4/75, đã có hơn 20 năm lẻ, cách mạng đã đem lại hạnh phúc ấm no cho người dần miền Bắc chưa? Nhất là nếu đem so sánh với cuộc sống trong Nam.
Cậu của Hùng như có sẵn câu trả lời:
- Miền Nam chỉ có được bề mặt thịnh vượng tại các thành phố. Đấy là sự phồn vinh giả tạo. Có được do đồng đô la của quan thầy đế quốc Mỹ đổ vào cung ứng. Chỉ có một số tay sai được hưởng lợi. Còn đại đa số nhân dân vẫn nghèo đói vì chế độ người bóc lột người vẫn còn tồn tại.
- Cháu đồng ý là miền Nam vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ. Thế còn miền Bắc thì sao? Cuộc cách mạng đã được thực hiện từ mấy mươi năm nay. Chế độ người bóc lột người đã bị khai tử. Tại sao người dân Việt miền Bắc vẫn nghèo xơ nghèo xác? Và phải nói là còn nghèo hơn và khổ hơn người Việt miền Nam rất nhiều. Có phải người dân miền Bắc thoát cảnh người bóc lột người lại rơi vào cảnh Đảng bóc lột người? Tinh vi hơn. Chặt chẽ hơn và nhất định là tàn bạo hơn.
Người cậu của Hùng đã hơi mất bình tĩnh:
- Đấy là luận điệu phản tuyên truyền phá hoại của bọn tàn dư Mỹ ngụy. Nhân dân miền Bắc có cuộc sống rất là cơ cực. Vì vừa phải xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vừa phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn anh em. Vừa phải gay gắt tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thân yêu khỏi gót giày của đế quốc Mỹ xâm lược. Hạt gạo phải cắn làm tư...
- Cậu nói hạt gạo cắn làm tư. Nghĩa là gì vậy, cháu không hiểu. Hùng vội vã cắt ngang.
- Nghĩa là vừa phải dành phần gạo xây dựng củng cố hậu phương miền Bắc. Vừa phải góp phần gạo nghĩa vụ giúp đỡ cho người anh em nước bạn Lào, Kampuchea. Vừa phải chi viện cho đồng bào ruột thịt phương Nam.
Giọng Hùng lạnh tanh:
- Thưa cậu, cháu là một người dân Việt được sinh ra và lớn lên tại miền Nam. Cháu dám khẳng định là trước 30/4/75, người dân miền Nam chẳng ai thấy được mặt mũi hạt gạo của miền Bắc xã hội chủ nghĩa tròn méo ra làm sao. Chứ đừng nói gì đến việc được ăn đến phần tư hạt gạo. Cậu không biết hay giả vờ không biết? Cán bộ kinh tài nội thành tiếp tế ra mật khu gạo, thuốc tây, các thứ... Chắc để nuôi dân?
Cậu cúa Hùng vẫn ngọt ngào tình cảm:
- Cháu phải nên hiểu chi viện theo ý nghĩa rộng rãi hơn. Chứ không làm sao cách mạng có thể giải phóng được miền Nam khi tất cả còn bị kìm kẹp?
Hùng chợt nổ bùng cơn phẫn nộ:
- Cái kiểu chi viện mà cậu muốn cháu hiểu phải chăng là B40 bắn vào dân lành, hỏa tiễn 122 ly pháo vào thành phố? Chẳng còn kể gì đến nhà thương, trường học. Vì những thứ chi viện như vậy chẳng cứ gì người lớn, học sinh tiểu học cũng còn phải chết banh xác. Miền Nam dứt khoát không cần đến những thứ chi viện như vậy.
Anh phải cố kìm cơn xúc động:
- Mỹ đóng quân tại miền Nam. Bảo là xâm lược. Nghe cũng có lý. Còn "cách mạng" xua quân qua Lào, chốt cứng tại Kampuchea thì gọi là nghĩa vụ. Xâm nhập miền Nam thì gọi là giải phóng. Giải phóng cái kiểu của cách mạng, nghĩa vụ cái kiểu của phe xã hội chủ nghĩa khác với xâm lược của đế quốc Mỹ ở chỗ nào?
Người cậu cán bộ cả quyết:
- Không thể lẫn lộn hiện tượng với bản chất như thế được. Bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược là nhằm mở rộng địa bàn lãnh thổ chính trị, quân sự và kinh tế của đế quốc. Tương quan giữa đế quốc và tay sai là tương quan chủ tớ. Còn quan hệ của phe xã hội chủ nghĩa là quan hệ anh em. Và chiến tranh giải phóng là chiến tranh nhân dân. Nổi dậy, xuất phát từ nhân dân để bứt phá những xích xiềng nô lệ...
- Cậu hay nhắc đến hai chữ "nhân dân" quá! Nhân dân miền Nam là ai mới được chứ? Là những người như cậu hay như cháu? Hùng bực mình ngắt lời.
Cậu của Hùng chắc nịch:
- Là tập hợp tất cả mọi tầng lớp "tiến bộ". Trong miền Nam đứng dưới ngọn cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) nhằm lật đổ ngụy quyền Sài gòn, đánh tan quân ngoại nhập để thống nhất đất nước trong tinh thần Hòa hợp Hòa giải Dân tộc...
Hùng giơ tay chặn lời người cậu, anh ra mặt đốp chát:
- Một trong những điểm tệ hại nhất của chính quyền miền Nam ngày xưa là đã không thành công trong việc lột mặt nạ của MTGPMN để mọi người đều thấy đó chỉ là đứa con tư sinh của đảng Lao Động miền Bắc và sau 30/4/75 lại đổi thành đảng Cộng sản Việt Nam. Bị như vậy nên mới có tấn tuồng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc! Chiến tranh giải phóng miền Nam đếm được bao nhiêu "nhân dân tiến bộ" của miền Nam tham gia? Hay toàn bộ cuộc chiến được điều động, chỉ đạo và thực hiện bởi những thành phần "nhân dân tiến bộ" đến từ miền Bắc? Xe tăng, đại pháo, bộ đội lũ lượt tham dự chiến dịch mùa Xuân năm 75 nguyên ủy phát xuất từ đâu? Miền Nam trước 30/4/75 đã là một quốc gia. Tất cả quân đội Mỹ, cán bộ, bộ đội Bắc Việt có mặt tại miền Nam đều xuất phát từ quốc gia khác, đều đáng bị xem là quân ngoại nhập. Và đúng theo như lý luận của cậu thì đấy là quân xâm lược. Và tất cả đáng phải bị tống cổ về vị trí cũ.
Người cậu cán bộ gay gắt:
- Có phải cháu muốn nói miền Nam không muốn thống nhất? Chỉ muốn mãi mãI là một thứ tay sai cho đế quốc?
Hùng nóng mặt:
- Là một người Việt Nam, không ai không muốn có một nước Việt Nam thống nhất. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là thống nhất dưới sự cai trị của cộng sản. Còn bảo miền Nam là tay sai vì được Mỹ yểm trợ, cậu hãy ngó lại miền Bắc xem sao. Nếu không là công cụ của phe xã hội chủ nghĩa, có chắc miền Bắc được Liên Xô và cả một khối cộng sản sau lưng chu cấp? Lo cái ăn cho dân, Đảng và Nhà Nước tự lo còn không nổi, chẳng biết lấy thế làm điều nhục và vẫn cứ phét lác giải phóng với lại xây dựng!
- Không bao giờ Đảng và Nhà Nước ta là công cụ của bất cứ một thế lực nào. Sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước bạn xã hội chủ nghĩa là một sự giúp đỡ của anh em. Người cậu của Hùng tái mặt sẵng giọng.
Hùng bĩu môi không giấu được sự bỉ rẻ:
- Với cháu, cậu không nên đưa ra những lý luận tuyên truyền nhai lại cũ rích. Nhìn ra bên ngoài mà xem, nước Pháp là một quốc gia có thực lực. Vậy mà De Gaulle còn phải nói: một quốc gia không bao giờ có một quốc gia khác là bạn chân tình. Còn ở vào vị trí của chúng ta? Ngày nào mà còn lẫn lộn, hoặc vô tình hoặc cố ý, về tương quan giữa ta và địch, bạn và thù, ngày đó còn đừng hòng nói đến việc độc lập tự chủ. Đầu óc chỉ hết nghĩ đến việc dựa dẫm rồi lại tính toán đến việc van xin, thì suốt đời cứ gọi là chỉ đi được bằng đầu gối.
- Cháu có biết rằng những điều cháu vừa phát biểu có thể đem lại tai hại vô kể cho bản thân cháu và ngay cả cho bố mẹ cháu không? Đấy là những lý luận phản động. Cháu còn trẻ không nên để bị tiêm nhiễm những tư tưởng như vậy. Sẽ không có cơ hội được sống tử tế.
Trong sự bực tức dồn nén, Hùng khó thể phân biệt được đấy là lời khuyên răn của người cậu ruột hay đấy chính là một sư đe nẹt của "bạo lực cách mạng".
Bật dậy, anh đáp không run giọng:
- Sống dưới chế độ cộng sản, không ai dám chắc mình sẽ không có ngày đương đêm bị bịt mắt dẫn đi. Cậu có để ý không? Gia đình cháu lúc nào cũng sẵn sàng cho mỗi người mỗi bọc tùy thân. Lần này không phải cho chuyến đi học tập năm, mười ngày như dạo 75 nghe lời nhà nước bịp bợm. Mà là dài hạn.
Hai cậu cháu ngồi đấy. Sững mắt nhìn nhau. Một lúc. Hùng bỗng thấy nhẹ tâng. Chưa bao giờ cùng một lúc anh trực nhận được cả hai cảm giác gần gụi và xa cách.
Thật gần gụi với những gì thật xa cách. Như người chú ruột. Như người anh lớn. Đang mịt mờ vắng bóng.
Thật xa cách với những gì đang gần gụi. Như người cậu ruột. Đang cận kề trong gang tấc.
Chợt Hùng giận run đến không còn thiết nói. Bỗng dưng anh muốn nổi điên với những điều vẫn được kêu gào rao giảng: Hòa hợp - Hòa giải - Dân tộc!
Hòa hợp! Với ai? Với người dân đang bị đè đầu bóp cổ? Hay với những kẻ vẫn lạnh lùng giẫm lên xác người dân theo đúng quan niệm "bạo lực cách mạng"?
Hòa giải! Với ai? Với người dân đang bị chìa dao dí súng? Hay với những thành phân công khai cướp bóc người dân bằng thứ độc quyền "chuyên chính vô sản"?
Dân tộc! Là ai? Là người dân đang khốn khổ khốn nạn? Là những kẻ hết ôm chân Tàu, rồi lại lạy lục Nga? Hay lại là những thứ tai to mẹt mặt chỉ chực chờ Tây gọi để được dạ, mong đợi Mỹ bảo để được vâng?
Hòa hợp hòa giải dân tộc, nghe qua cũng thấy ngọt ngào cần thiết! Nhưng sẽ phải thực hiện bằng cách nào? Quỳ mọp, kêu rêu trước bạo lực và ngu xuẩn? Hoặc giơ tay chịu trói để tính chuyện chịu đấm ăn xôi, như bọn vẫn vỗ ngực "quân sự cừ, chính trị cao" đã một lần lếu láo thực hiện thời tháng 4/75? Hay lại ấm ớ tính chuyện phân trần phải trái với bầy ác thú luôn khát máu đồng loại?
Và còn nữa, Hòa hợp hòa giải dân tộc để làm cái gì? Để hòa mình với người dân, hợp sức với họ để cùng đập tan sự thống trị tàn ác? Hay để hòa giải với những chủ nhân ông của chế độ để được chia chác máu xương của người dân sau khi đã thành công trong việc xiết cổ họ bằng những khúc lụa đầy sắc màu hòa hợp?
Đứt đoạn bởi sự trớ về của gia đình Hùng, cuộc tranh luận giữa anh và người cậu, nếu còn sức tiếp diễn đến hôm nay, hơn mười năm sau đó, chắc vẫn chưa tìm ra chung điểm. Y như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ giao cắt. (Ít ra điều này cũng còn đúng trên mặt địa cầu.) Cuộc đời. Hay nói một cách thu hẹp hơn: Ý tưởng, nào có thể thuần túy được xem như những hình vẽ cứng nhắc bất di bất dịch. Đúng thật.
Chẳng có gì bất biến trước chuyển dịch của đời sống. Cũng đúng nữa. Thời gian đã xê dịch. Không gian đã thay đổi. Những điều kiện CẦN đã có. Liệu đã hoàn toàn ĐỦ để đi đến kết luận: con người đã thay đổi? Nhất là những tư duy của người cộng sản Việt Nam.
Ở nơi người cộng sản Việt Nam, đã có biến dịch nào thực sự xảy ra một cách ngoạn mục ngoài những gì đang được màu mè tuôn ra nơi cửa miệng? Hiểu theo cách hiểu của những người cộng sản: những thể hiện bề mặt chỉ là những hiện tượng. Và cũng như họ vẫn quan niệm: hiện tượng có thể thay đổi, bản chất thì không. Bằng chứng ư?
Dân chủ vẫn cứ phải là thứ "dân chủ tập trung"! Để Đảng vẫn cứ độc quyền lãnh đạo và Nhà nước vẫn cứ độc quyền quản lý.
Giai cấp vẫn phải được kích thích đấu tranh. Cho vô sản vẫn phải luôn luôn chuyên chính!
Không ai có thể phủ nhận là đã có những thay đổi nhiều ít nơi những cơ phận của một guồng máy. Guồng máy cộng sản Việt Nam. Nhưng nếu chỉ bằng vào đấy để ung dung kết luận: toàn bộ guồng máy rồi sẽ tự hủy hoặc sẽ thay đổi toàn bộ theo chiều hướng tốt, thì đó quả là cả một sự suy luận chủ quan tắc trách.
Cơ phận suy nhược, thoái hóa, guồng máy tất phải trì trệ, suy kém. Có phải là những cơ chế điều hành và chỉ đạo guồng máy không nhìn ra điều đó đâu? Ngày mà các cơ phận hư hỏng, thoái hóa được họ thành công thay thế là ngày mà guồng máy đó sẽ lại tích cực phục vụ cho quyền lợi và tham vọng riêng tư của những thành phần chủ nhiệm hơn bao giờ hết.
Đã có biến dịch nào quan trọng -thực sự- xảy ra nơi hệ tư tưởng chỉ đạo cốt lõi của người cộng sản Việt Nam? Chưa thực sự mạnh dạn quyết tâm góp phần gây chuyển động, tạo sức ép hướng thẳng vào bên trong, thì mọi vận động bên ngoài -dù cũng là cần thiết- rất dễ thành những chuyện qua quýt. Nhất là những hò hét van xin. Cho dù là những cậy cục van xin nhắm vào "Quốc Tế", thì cũng dễ giống như việc đánh trống trước cửa nhà Sấm.
Hùng sai lầm quá chăng? Có thể lắm. Anh cũng hy vọng vậy. Dù đối chiếu vào thực tế quốc tế, anh chỉ thấy tiếng nói của dân tộc Do Thái, Palestine, Afghanistan được lắng nghe gần như hoàn toàn nhờ vào những nỗ lực tranh đấu của chính dân tộc họ. Những nỗ lực của máu, mồ hôi và nước mắt.
Chuyện nghe có vẻ giống như chuyện lịch sử xa xưa ở thời Trung Cổ? Hùng biết anh không lầm về điều này. Vì đến hôm nay, dân tộc Palestine, dân tộc Afghanistan vẫn còn đang từng ngày chiến đấu cho sự hiện diện có tư cách của dân tộc họ.
Trong lịch sử của dân tộc mình, Hùng vẫn nhớ, đất nước anh cũng đã nhiều lần ngã xuống. Và vẫn đứng dậy đi lên. Cũng bằng máu, mồ hôi và nước mắt của chính mình.
Ngày hôm nay cũng vậy. Không phải ai cũng như anh vẫn đang ngồi nhớ. Không phải ai cũng thích được làm chuyên gia chỉ để ngồi bàn. Và cũng không phải ai cũng hơi tí đã nghĩ đến chuyện quỵ lụy. Dân tộc anh đã có nhiều người vẫn đang âm thầm chiến đấu cho sự hồi sinh của đất nước. Bằng sinh mạng của chính họ.
Nam California, Tháng 4, 1989
Trần Thi
Post a Comment